Qua một số câu chuyện anh kể từ những chuyến đi nghiên cứu ký sinh trùng sốt rét và động vật truyền nhiễm, chúng tôi cảm thấy lòng nhiệt huyết, trách nhiệm và ý chí vượt khó của một nhà nghiên cứu khoa học trẻ đang đóng góp thầm lặng cho hoạt động phòng, chống sốt rét, các bệnh do ký sinh trùng, côn trùng, động vật truyền bệnh tại các địa phương trên cả nước.
Đam mê nghiên cứu ký sinh trùng, côn trùng
Thiếu tá, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái tâm sự: “Những năm học trung học phổ thông, tôi luôn đau đáu ước mơ trở thành nhà khoa học chuyên nghiên cứu về ký sinh trùng, côn trùng, động vật truyền bệnh.
Và mơ ước đó thành sự thật, năm 2002, tôi thi đỗ vào Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên/ Đại học Quốc gia Hà Nội”. Màu xanh áo lính đã thu hút anh sinh viên ngành Vi sinh khi anh còn học trên ghế nhà trường. Năm 2008, anh viết đơn xin gia nhập Quân đội, tháng 01/2009, anh vinh dự nhận quyết định công tác tại Khoa Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng động vật (tiền thân là Khoa Phòng dịch sốt rét).
Ngay sau khi về công tác tại Khoa, anh Thái không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, được cấp trên tin tưởng, giao cho nhiều nhiệm vụ nghiên cứu về sốt rét kháng thuốc và côn trùng truyền bệnh, như: Làm chủ nhiệm 2 đề tài hợp tác quốc tế 3 bên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Australia là: Điều tra thành phần loài muỗi Anopheles và xác định tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng sốt rét trong muỗi của một số xã của tỉnh Gia Lai (giai đoạn 2018 - 2020). Nghiên cứu đặc điểm phân bố, tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng sốt rét và tập tính hoạt động 24h/ngày của muỗi Anopheles tại một số địa bàn thuộc tỉnh Đắk Lắk (giai đoạn 2020 - 2022).
Bên cạnh đó, anh còn tham gia nghiên cứu sự lưu hành bệnh sốt mò tại khu vực Tây Nguyên và ứng dụng PCR trong chẩn đoán; Nghiên cứu phân loại học, đa dạng và giám sát các loài bướm (Lepidoptera; Rhopalocera) và chuồn chuồn (Odonata) ở vườn Quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Dẫn liệu điều tra thành phần loài bọ kẹp kìm Lucanidae tại vùng núi phía Nam dãy Hoàng Liên Sơn thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; nghiên cứu côn trùng, thành phần loài và biện pháp phòng, chống động vật gây hại trên 12 điểm đảo phía Bắc thuộc Quần đảo Trường Sa; nghiên cứu tập tính côn trùng y học rệp hút máu người, bọ chét truyền dịch hạch, kiến ba khoang… góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dịch trong toàn quân nói riêng và các địa phương có mầm dịch bệnh trên cả nước nói chung.
    |
 |
Đại úy, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái (ngoài cùng bên phải, nay là Thiếu tá) trao đổi với chuyên gia Hoa Kỳ về lĩnh vực sốt rét. Ảnh: CTV |
Theo chúng tôi tìm hiểu, ở Viện Y học Dự phòng Quân đội, các nhà khoa học đều không ngại nguy hiểm, thậm chí “ăn ngủ” với các mầm bệnh do ký sinh trùng (như sốt rét, giun, sán, nấm, đơn bào…). Đại tá, PGS, TS Phạm Xuân Vinh, Chủ nhiệm Khoa Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng động vật, tự hào: “Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái là người chuyên nghiên cứu về côn trùng học và các mầm bệnh về ký sinh trùng. Công việc này nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nhưng anh vẫn miệt mài, say mê, gắn bó với nó. Đó là tấm gương điển hình tiên tiến, cống hiến, dấn thân hết mình vì khoa học”.
Trắng đêm… tìm muỗi
Trong căn phòng làm việc đơn sơ, giản dị, chúng tôi say sưa nghe anh Thái kể về những cuộc “săn muỗi” của mình. Trong những năm công tác tại Viện, anh Thái không nhớ nổi mình đã có bao nhiêu đêm thức trắng đi “săn muỗi” như vậy. Có những cuộc xuất phát khi xẩm tối và đến khi thu dọn đồ nghề cũng đã tờ mờ sáng. Mỗi lần như vậy thường kéo dài 30 ngày đêm. Muỗi săn về phải đảm bảo sống, khỏe… vì đó là ngân hàng dữ liệu rất đáng quý để nghiên cứu các loại dịch bệnh liên quan đến vi-rút, do ký sinh trùng từ muỗi gây nên. Đặc biệt, năm 2018, anh được giao làm Chủ nhiệm Đề tài “Điều tra thành phần loài muỗi Anophhales và xác định tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng sốt rét trong muỗi của một số xã thuộc tỉnh Gia Lai. Ngay lần đầu đi làm“mồi” cho muỗi ở khu rừng thuộc huyện Krông Pa, anh đã bị muỗi chích đến bị bệnh sốt rét. “ Có đêm làm việc, tôi bị cả hơn chục con muỗi Anopheles Dirus (loài muỗi truyền bệnh sốt rét hàng đầu) đốt” - anh Thái nhớ lại.
Theo chia sẻ của Thiếu tá, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái, loại muỗi Anopheles rất thông minh, chúng không bị đánh lừa bởi bẫy ánh sáng, cách duy nhất để tìm hiểu chúng là lấy thân mình để nhử. Chúng chỉ hoạt động mạnh nhất vào buổi tối. Do vậy, thời gian bắt muỗi thường bắt đầu từ 18h tối hôm trước đến sáng hôm sau. Trong thời gian phơi mình làm mồi cho muỗi, anh không chỉ bị loài muỗi Anopheles “tích cực” đốt mà còn bị nhiều loài khác cắn, đốt... Khi bắt muỗi Anopheles, cần phải xác định cấu trúc thành phần loài, giới tính, sự thay đổi véc - tơ gây bệnh của muỗi. Để xác định được loài muỗi Anopheles (có đến 60 loài) phải giữ lại được chân, cánh và cánh phải xòe. Nếu để muỗi sống rồi di chuyển sẽ khiến muỗi không còn nguyên vẹn, khó xác định loài. Do đó sau khi bắt được muỗi, anh phải gây mê cho muỗi nằm yên. Cứ làm việc 45 phút, anh phải ngừng lại để gây mê cho muỗi. Nhiều năm làm công tác bắt muỗi, anh Thái chia sẻ: “Chỉ yêu và đam mê với nghề thì mới làm được công việc này. Bởi việc bắt muỗi quá vất vả, đêm nào cũng phải thức đêm ngồi một mình giữa rừng hoặc vào chuồng gia súc. Ngoài ra, mỗi lần bị sốt rét, việc bị sút vài cân là bình thường”.
Khoảng 20 năm trở lại đây, bệnh sốt rét đã không còn là nỗi ám ảnh với người dân và ngành Y tế nữa. Ngoài công sức phòng chống bệnh của ngành Y tế, cộng đồng, còn có sự góp sức không nhỏ của những nhà khoa học chuyên đi nghiên cứu về muỗi như Bác sĩ Thái. Dù công việc phải trải qua nhiều vất vả, hiểm nguy nhưng anh cùng các đồng đội chưa bao giờ nản lòng với việc thu thập điều tra muỗi, bởi sẽ góp ích rất nhiều đến công tác phòng, chống bệnh sốt rét, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và Nhân dân.
Năm 2022, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái đoạt giải Ba Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 22 với Đề tài: “Nghiên cứu thành phần loài, đặc điểm phân bổ, tập tính hoạt động tại một số xã có sự lan truyền dai dẳng bệnh sốt rét của tỉnh Gia Lai, Việt Nam” và được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen. |
QUỲNH HƯƠNG