Lực lượng HC-KT của sư đoàn Lục quân Mỹ được tổ chức thành lữ đoàn BĐHC-KT (DSB) và các tiểu đoàn trực thuộc, như: Hỗ trợ chi viện BĐHC-KT (DSTB), bảo đảm tài chính, chi viện BĐHC-KT (DSSB), ký hợp đồng bảo đảm và bảo đảm dã chiến của Lục quân.

Các mặt BĐHC-KT của sư đoàn rất đa dạng, như: Cung cấp vũ khí, trang bị kỹ thuật, bảo đảm đạn dược, xăng, dầu, thực phẩm, nước uống, quân trang, sửa chữa, vận chuyển vũ khí, trang bị kỹ thuật; bảo đảm quân y... Theo nhóm phân loại bảo đảm  cho sư đoàn tác chiến, vật chất HC- KT được chia thành 10 loại sau: Nhóm I (lương thực, thực phẩm), nhóm II (quân trang, trang bị cá nhân, lều bạt), nhóm III (xăng, dầu), nhóm IV (vật liệu xây dựng công sự và vật cản), nhóm V (đạn, thuốc nổ, pháo sáng), nhóm VI (trang bị cá nhân (hàng hóa phi quân sự)), nhóm VII (vũ khí và trang bị kỹ thuật), nhóm VIII (thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh), nhóm IX (phụ tùng, thiết bị  kỹ  thuật để bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự) và nhóm X (vật chất và thiết bị phi quân sự). BĐHC-KT cho sư đoàn thực hiện theo phân cấp sau:

Lữ đoàn BĐHC-KT của sư đoàn (DSB) có tính cơ động cao, khả năng triển khai nhanh đến khu vực chiến sự trong thời gian ngắn, đáp ứng yêu cầu bảo đảm của liên quân, các tổ chức và đa quốc gia. DSB có khả năng chỉ huy tối đa 07 tiểu đoàn (02 tiểu đoàn  trong  biên  chế, 05 tiểu đoàn được tăng cường phối thuộc). DSB gồm một nhóm sĩ quan chỉ huy, các sĩ quan tham mưu, DSTB, DSSB và 01 tiểu đoàn bảo đảm tài chính cho sư đoàn có thể được cấp trên phối thuộc cho lữ đoàn. Sở chỉ huy DSB chịu trách nhiệm lập kế hoạch, đồng bộ hóa, tích hợp, triển khai, nâng cao hiệu quả các hoạt động bảo đảm, công tác vận tải, quản lý vật chất, nguồn nhân lực và hỗ trợ quản lý tài chính, ký hợp đồng bảo đảm cho sư đoàn tác chiến.

leftcenterrightdel
Quân đội Mỹ tiếp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu. Ảnh tư liệu 

Tiểu  đoàn  hỗ  trợ  chi  viện BĐHC-KT cho sư đoàn (DSTB): DSTB có khả năng chỉ huy  7 đại đội hoặc đội bảo đảm chiến đấu tùy theo yêu cầu, nhiệm vụ. Thông thường,  DSTB có  01 đại đội chỉ huy, 01 đại đội thông tin, 01 đại đội xây dựng và huấn luyện lực lượng và 01 đại đội bảo đảm ăn uống dã chiến (EAB).

Đại đội chỉ huy của DSTB gồm: Sở chỉ huy và đại đội chỉ huy (HHC) giám sát các hoạt động cấp đại đội dưới sự chỉ huy, quản lý của DSB và DSTB. HHC điều phối bảo đảm ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh chiến trường, BĐHC-KT, bảo dưỡng dã chiến cho trang bị trong biên chế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe quân nhân (AHS). Đại đội chỉ huy có bộ phận sửa chữa cung cấp bảo dưỡng dã chiến phương tiện, trang bị.

Đại đội thông tin gồm: Sở chỉ huy đại đội và 02 trung đội có nhiệm vụ bảo đảm tín hiệu trinh sát, chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, hệ thống máy tính, tin tức tình báo, giám sát và trinh sát 24/24 giờ.

Đại đội xây dựng và huấn luyện lực lượng có nhiệm vụ chỉ huy, lập kế hoạch, BĐHC-KT cho tất cả các trung đội quân bưu và nhân sự được tăng cường hoặc phối thuộc. Biên chế gồm: 02 trung đội xây dựng và huấn luyện lực lượng; 01 trung đội quân bưu.

EAB gồm: Sở chỉ huy đại đội, ban tác chiến, ban bảo dưỡng, 02-04 trung đội, mỗi trung đội có từ 03 - 04 đội (mỗi đội biên chế 15 người, 04 xe tải, 02 xe bếp nấu ăn cơ động, 02 xe stéc chở nước, 02 phương tiện vệ sinh chiến trường, 02 bếp ăn dã chiến cơ động, có khả năng bảo đảm ăn uống tập trung cho 700 người hoặc bảo đảm ăn uống phân tán).

Tiểu đoàn bảo đảm tài chính:

Hỗ trợ tài chính cho tất cả các đơn vị trong khu vực đảm nhiệm của DSB; chịu trách nhiệm chỉ đạo các đại đội bảo đảm tài chính thuộc quyền xác định nhu cầu, bổ sung tài chính; thu, chi, thanh toán đúng nguyên tắc, tránh thất thoát, lãng phí.

Tiểu đoàn chi viện BĐHC-KT cho sư đoàn (DSSB): Là tiểu đoàn đa chức năng, biên chế 04 đại đội, gồm: 01 HHC, 01 đại đội bảo đảm tổng hợp, 01 đại đội vận tải hỗn hợp (hạng nặng hoặc hạng nhẹ) và 01 đại đội bảo đảm sửa chữa chi viện của lữ đoàn chi viện cho sư đoàn (DSMC). DSSB có thể chỉ huy bổ sung tối đa 04 đại đội, một số phân đội và đội chiến đấu tùy theo yêu cầu, nhiệm vụ.

HHC gồm: Nhóm sĩ quan chỉ huy, sĩ quan tham mưu và điều phối lực lượng. HHC quản lý, chỉ huy, điều hành tất cả các đơn vị trong biên chế, được chỉ  định và trực thuộc DSSB. Các sĩ quan tham mưu của đại đội lập kế hoạch, đồng bộ hóa, triển khai các hoạt động BĐHC-KT cho các đơn vị.

Đại đội bảo đảm tổng hợp thành phần gồm: Ban chỉ huy đại đội, trung đội bảo đảm, trung đội xăng dầu, trung đội lọc nước. Cung cấp các loại vật chất nhóm I, II, III, IV, VII, IX, lọc và cấp nước sạch. Phạm vi hoạt động các đơn vị của đại đội có thể mở rộng. Cụ thể:

(1)Ban chỉ huy đại đội: Quản lý, chỉ huy, điều hành chung các hoạt động (tiếp tế xăng dầu, nước ngọt, tắm giặt, dịch vụ giặt là) thông qua bộ phận tác chiến. Bộ phận sửa chữa có thể sửa chữa tại chỗ (hạn chế) đối với các phương tiện, trang thiết bị trong biên chế của đơn vị.

(2)Trung  đội  bảo  đảm: Tiếp nhận, dự trữ, cấp phát và bảo quản các loại vật chất nhóm I (dễ bị hư hỏng), nhóm II, III, IV, VII và IX, nước đóng chai. Ban chỉ huy trung đội: Chỉ huy lập kế hoạch bảo đảm, hướng dẫn hoạt động chung cho các bộ phận thuộc quyền trung đội. Bộ phận kiểm soát hàng tồn kho: Kiểm soát, đảm bảo chất lượng các nhóm vật tư, sinh hoạt phí, phối hợp thực hiện các chức năng BĐHC- KT, vận tải và chỉ huy cơ động. Bộ phận tiếp nhận vật chất: Tiếp nhận khoảng trên 51 tấn vật chất/ngày, gồm vật chất  nhóm II, III (đóng gói), VII, IX... Bộ phận dự trữ vật chất: Quản lý dự trữ vật chất nhóm II, III, V, VII và IX cấp phát cho các đơn vị theo yêu cầu. Bộ phận đóng gói vật chất: Tiếp nhận, dự trữ, bảo quản, kiểm kê, vận chuyển, cấp phát vật tư… Bộ phận vận hành vật chất nhóm I: Kiểm soát các mặt hàng nhóm I dự trữ trong kho. Bộ phận phân tích chất lượng vật chất nhóm I: Kiểm tra, kiểm soát chất lượng lương thực, thực phẩm khi tiếp nhận, dự trữ và cấp phát. Bộ phận tiếp nhận vật chất nhóm I: Tiếp nhận, xử lý các loại vật chất nhóm I dễ bị hư hỏng, nước đóng chai không quá 51 tấn/ngày. Bộ phận kho vật chất nhóm I: Tiếp nhận vật chất nhóm I, nước đóng chai; đóng gói, sắp xếp thành các kiện hàng để vận chuyển.

(3)Trung đội xăng dầu: Tiếp nhận, dự trữ, giám sát chất lượng và cấp phát xăng dầu cho đơn vị. Trung đội có 02 hệ thống điểm cung cấp nhiêu liệu cơ động, công suất khoảng 454.200 lít. Mỗi trung đội xăng dầu bảo đảm tối đa cho 03 đội chiến đấu cấp lữ đoàn bằng cách sử dụng các xe stec có sức chứa khoảng 18.927 lít và xe tải chiến thuật hạng nặng tăng cường cơ động (HEMTT) cùng với hệ thống giá xếp chồng (PLS) trên xe để bảo đảm. Ban chỉ huy trung đội: Chỉ huy, giám sát, hướng dẫn kỹ thuật thực hiện các biện pháp giám sát, kiểm soát chất lượng nhiên liệu dự trữ và cấp phát. Khu vực dự trữ và cấp phát có 02 điểm cung cấp hệ thống nhiên liệu loại 3 (khoảng 454.250 lít) và 01 điểm loại 4 (khoảng 1.135.624 lít). Với 02 hệ thống này, trung đội tiếp nhận, dự trữ và cấp  phát  được tối đa khoảng 2.044.122 lít nhiên liệu/ngày. Bộ phận cấp phát: Cấp tối đa 473.177 lít/ngày bằng cách sử dụng kết hợp xe chở nhiên liệu M969 loại 18.927 lít và xe tải HEMTT loại 9.464 lít và giá xếp chồng (PLS) loại 246.052 lít.

(4)Trung đội lọc nước gồm: Bộ phận cung cấp nước lọc, cung cấp 454.250 lít nước/ngày với 04 hệ thống lọc nước dã chiến 1.5k. Bộ phận dự trữ nước, có khả năng dự trữ 302.833 lít nước uống và dự trữ thêm được 227.124 lít nước trên các giá đỡ bồn nước HIPPO. Khi HIPPO được chất lên xe rơ-mooc PLS, có thể bảo đảm 30.284 lít vận chuyển theo tuyến hoặc bảo đảm tại chỗ 60.568 lít với 2 chuyến/ngày.

Đại đội vận tải hỗn hợp (hạng nặng): Biên chế 18 xe tải HET, 18 xe rơ-mooc HET, 40 xe tải có hệ thống PLS, 40 xe rơ-mooc PLS, 20 xe kéo MTV, 20 xe rơ-mooc MTV và 20 xe địa hình được bảo vệ chống phục kích bằng mìn. Đại đội xe tải có nhiệm vụ bảo đảm vận tải và hộ tống an ninh cho lữ đoàn bảo đảm (DSB) của sư đoàn hạng nặng, vận chuyển, cấp phát đạn dược, trang thiết bị, nước, cơ động đơn vị và vận chuyển binh lính. Thành  phần  gồm:  Ban  chỉ huy đại đội, bộ phận điều hành tác chiến, 01 trung đội xe vận tải (HET), 02 trung đội xe tải trang bị hệ thống PLS, 01 trung đội trang bị xe chiến thuật hạng trung (MTV), 01 bộ phận sửa chữa các phương tiện trong biên chế. Đại đội được triển khai tại các khu vực bảo đảm của lữ đoàn và sư đoàn; được phối thuộc cho các tiểu đoàn chi viện bảo đảm của sư đoàn (DSSB) hạng nặng.

Đại đội vận tải hỗn hợp (hạng nhẹ): Biên chế 40 xe tải có hệ thống PLS,  40  xe  rơ-mooc  PLS, 40 xe kéo MTV và 20 xe địa hình được bảo vệ chống phục kích bằng mìn. Đại đội phụ thuộc vào DSMC trong việc bảo đảm kỹ thuật và sửa chữa dã chiến máy phát điện, thiết bị chiếu sáng, hóa học, điện tử và thông tin liên lạc, thiết bị điện tử chuyên dụng. Nhiệm vụ của đại đội cơ bản giống với đại đội xe tải hỗn hợp (hạng nặng). Thành phần gồm: Ban chỉ huy đại đội, bộ phận điều hành tác chiến, 01 trung đội xe vận tải (HET), 02 trung đội xe tải trang bị hệ thống PLS, 02 trung đội trang bị xe chiến thuật hạng trung (MTV), 01 tiểu đội sửa chữa.

DSMC: Biên chế 01 trung đội ô tô/vũ khí; 01 trung đội sửa chữa điện tử và 01 trung đội sửa chữa thiết bị bảo đảm mặt đất. DSMC chịu trách nhiệm bảo đảm hỗ trợ liên quân, sửa chữa xe bánh lốp, các thiết bị thông tin liên lạc, điện tử, thiết bị đặc chủng, thiết bị bảo đảm mặt đất, máy phát điện, các thiết bị đo lường, giám sát... Đại đội có khả năng sửa chữa các phương tiện chiến đấu lớn như M-1Abram hoặc M2/3 Bradley nếu được phối thuộc đội tăng cường sửa chữa . Ngoài ra, DSMC có thể phối hợp với các đơn vị vận tải để vận chuyển vật chất và chịu trách nhiệm quản lý hàng tồn kho và hàng dự trữ cần thiết (chủ yếu là vật chất nhóm III và nhóm IX) để tiến hành sửa chữa .

Đội tăng cường sửa chữa gồm: 01 trung đội sở chỉ huy , 02-04 tiểu đội sửa chữa. Tiểu đội sửa chữa bao gồm các nhân viên sửa chữa cho xe tăng M1, xe chiến đấu bộ binh M2/3, hoặc xe chiến đấu bộ binh bánh lốp Stryker. Trung đội sở chỉ huy và mỗi tiểu đội có 01 đội cứu hộ độc lập có thể được chỉ định cho bất kỳ đơn vị nào được bảo đảm. Đội tăng cường sửa chữa thường trực thuộc đại đội sửa chữa chi viện của tiểu đoàn chi viện bảo đảm chiến đấu  cho  sư  đoàn  (DSSB). Dựa trên các ưu tiên của quân đoàn hoặc chỉ huy sư đoàn, đội này có thể được tăng cường cho đại đội sửa chữa dã chiến của tiểu đoàn bảo đảm.

Tiểu đoàn ký kết hợp đồng bảo đảm: Biên chế 02 phân đội ký hợp đồng bảo đảm (CONDET). Các tiểu đoàn được liên kết với từng sư đoàn, bộ tư lệnh chiến trường, bộ tư lệnh bảo đảm tác chiến viễn chinh (ESC). Sự liên kết này giúp tiểu đoàn bảo đảm trực tiếp cho các đội chiến đấu cơ động cấp lữ đoàn và hỗ trợ bảo đảm cho các lực lượng khác.

Tiểu đoàn bảo đảm dã chiến của Lục quân: Sẵn sàng bảo dưỡng dã chiến, hỗ trợ bảo đảm (nhiên liệu, đạn dược, giặt là, bảo đảm ăn uống), hỗ trợ triển khai huy động lực lượng.

Với hệ thống tổ chức và phương tiện BĐHC-KT cho cấp sư đoàn của quân đội Mỹ hiện nay có khả năng sẵn sàng bảo đảm, đáp ứng nhu cầu HC-KT cho các lực lượng trong mọi điều kiện, môi trường tác chiến.

Trung tá, Thạc sĩ ÂU ĐỨC THẮNG, Bộ Tham mưu Hậu cần-Thiếu tá ĐINH VĂN QUANG, Học viện Hậu cần