Trước yêu cầu, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học kỹ thuật hậu cần (KTHC) trong Quân đội, những năm gần đây, Viện Nghiên cứu KHHCQS có nhiều đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học. Hiện nay, lĩnh vực nghiên cứu chính của Viện là ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm để ứng dụng vào thực tiễn hoạt động hậu cần của đơn vị, trong đó tập trung vào chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm; tăng gia sản xuất; cải tiến trang thiết bị hậu cần; bảo vệ môi trường…
Một số sản phẩm tiêu biểu của Viện được sản xuất từ việc ứng dụng các đề tài, sáng kiến, gồm: Đồ hộp thịt, cá; xúc xích tiệt trùng; suất ăn dã ngoại cho bộ binh; rau, củ, quả muối chua đóng lọ; men ủ thức ăn thừa; phân bón vi sinh…
|
|
Cán bộ của Viện chuyển giao công nghệ sản xuất đồ hộp cho Quân khu 5 (tháng 8-2021). Ảnh: CTV |
Đặc biệt, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học KTHC, Viện tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, cách tiếp cận các vấn đề nghiên cứu; chú trọng bồi dưỡng, truyền đạt kinh nghiệm, trau dồi kiến thức nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên; nghiên cứu những nội dung khoa học hậu cần gắn với ứng dụng vào thực tiễn đơn vị.
Tận dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng nghiên cứu theo hướng bám sát thực tiễn, tăng cường ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu cho đơn vị. Cùng với đó, Viện luôn coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên có trình độ chuyên môn cao, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Đến nay, tổ chức biên chế của Viện tương đối ổn định, 100% cán bộ, nghiên cứu viên có trình độ thạc sĩ, 20% quân số trình độ tiến sĩ. Nhiều cán bộ, nghiên cứu viên có năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, phát huy được sở trường, đạt thành tích cao trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Những năm qua, tuy còn gặp khó khăn, song, được sự quan tâm của Đảng ủy, Chỉ huy Học viện, sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, nghiên cứu viên, Viện đạt được nhiều thành tích cao trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học KTHC và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn hoạt động hậu cần Quân đội, với hàng chục đề tài, sáng kiến giá trị cao. Trong số các đề tài, sáng kiến nghiên cứu thành công, có Đề tài cấp Bộ Quốc phòng (BQP) “Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất suất ăn dã ngoại phục vụ sư đoàn bộ binh huấn luyện diễn tập, hành quân và chiến đấu”, hoàn thành năm 2021, được Hội đồng Khoa học BQP đánh giá đạt xuất sắc, BQP tặng Bằng khen và đề nghị cho sản xuất loạt O.
Hiện nay Viện đang thực hiện nhiệm vụ sản xuất loạt O suất ăn dã ngoại S.A.D, thực hiện trong năm 2023 - 2024. Cùng với đó, có các đề tài nghiên cứu tiêu biểu, được ứng dụng hiệu quả tại đơn vị là: Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng enzyme trong sản xuất xúc xích tiệt trùng” đoạt giải Nhất cấp Học viện năm 2022, tham gia thi Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân đoạt giải nhì năm 2023. Sáng kiến cấp Tổng cục Hậu cần (TCHC) “Ứng dụng công nghệ sinh học kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm chế biến sẵn cho Lữ đoàn 189” giúp đơn vị nâng tỷ lệ sản phẩm chế biến sẵn bảo đảm cho tàu đi biển thực hiện nhiệm vụ lên 80 - 90%; thời gian bảo quản sản phẩm tăng từ 5 - 7 ngày lên từ 3-4 tháng…
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu các đề tài, sáng kiến lĩnh vực KTHC, Viện tiến hành nghiên cứu, chuyển giao thành công quy trình công nghệ sản xuất thịt hộp cho Cục Hậu cần/Quân đoàn 3, Sư đoàn 316/Quân khu 2, Binh đoàn 15, Cục Hậu cần/Quân khu 3; chuyển giao quy trình công nghệ kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm chế biến sẵn cho Lữ đoàn 189/Quân chủng Hải quân. Thông qua việc chuyển giao quy trình kỹ thuật cho cơ quan hậu cần các đơn vị đã được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và TCHC đánh giá cao.
Đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát cao điểm năm 2021, Viện khắc phục khó khăn, nhanh chóng vận chuyển, chuyển giao lắp đặt dây chuyền sản xuất thịt hộp cho Cục Hậu cần/Bộ tư lệnh Quân khu 5 phục vụ nhiệm vụ phòng, chống dịch trên địa bàn Quân khu. Đồng thời, sản xuất thịt hộp tặng, phục vụ cán bộ, nhân dân quận Long Biên, TP Hà Nội trong giai đoạn cao điểm phòng, chống đại dịch Covid-19. Các hoạt động trên của Viện làm tăng thêm mối đoàn kết quân dân và uy tín của Học viện. Ngoài ra, gian trưng bày của Viện hoạt động khá hiệu quả, với nhiều sản phẩm được sản xuất từ kết quả nghiên cứu đề tài, sáng kiến như sản phẩm đồ hộp; suất ăn dã ngoại; rau, củ, quả muối chua đóng lọ; xúc xích tiệt trùng, magi, men ủ thức ăn thừa; phân bón vi sinh… Trong điều kiện cơ sở vật chất và tiềm lực khoa học của Viện còn gặp nhiều khó khăn, những kết quả nghiên cứu lĩnh vực khoa học KTHC quân sự góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu khoa học hậu cần quân sự toàn quân.
Thời gian tới, để không ngừng nâng cao chất lượng nghiên cứu lĩnh vực khoa học KTHC, Viện xác định tập trung thực hiện các nội dung, biện pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, nghiên cứu nắm vững các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị, của Quân ủy Trung ương, BQP, TCHC, của Đảng ủy Học viện về nghiên cứu khoa học. Chủ động tham mưu, đề xuất định hướng nghiên cứu khoa học hậu cần quân sự tập trung đột phá vào lĩnh vực khoa học KTHC (công nghệ sinh học, công nghệ chế biến thực phẩm...) để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong hoạt động hậu cần đơn vị, đáp ứng yêu cầu bảo đảm hậu cần, kỹ thuật trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao.
Hai là, làm tốt công tác định hướng nghiên cứu, trong đó, tập trung nghiên cứu chế biến các loại thực phẩm phục vụ bộ đội khi huấn luyện dã ngoại; nghiên cứu sản xuất các khẩu phần ăn chế biến sẵn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của các lực lượng trong Quân đội tiến thẳng lên hiện đại; nghiên cứu bảo quản lương thực, thực phẩm, vật chất hậu cần trong thời gian dài và điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt… Qua khảo sát tại Sư đoàn 3/Quân khu 1, Sư đoàn 316, Sư đoàn 304/Quân khu 2, Sư đoàn 395/Quân khu 3, Sư đoàn 312/Quân đoàn 12; Cục Hậu cần các Quân khu 1,2,3,4; Cục Hậu cần Quân chủng Hải quân... các đơn vị trên đều đề nghị nghiên cứu về lĩnh vực này để vừa phục vụ nhu cầu thường xuyên, vừa phục vụ công tác huấn luyện, SSCĐ và nhiệm vụ phòng thủ dân sự như: cứu trợ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai…
|
|
Sản phẩm suất ăn dã ngoại do Viện Nghiên cứu Khoa học Hậu cần Quân sự sản xuất. Ảnh: CTV
|
Ba là, không ngừng nâng cao năng lực nghiên cứu của nghiên cứu viên. Đây là nội dung, biện pháp quan trọng quyết định đến kết quả và nâng cao chất lượng nghiên cứu của Viện. Do đó, Viện tiếp tục đề xuất với Chỉ huy Học viện, đơn vị tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cũng như nghiên cứu thực tế tại đơn vị trong Quân đội để tích luỹ kinh nghiệm, nắm chắc những bất cập về bảo đảm hậu cần (BĐHC) của đơn vị, có hướng nghiên cứu phù hợp, sát thực tế hơn.
Tăng cường liên kết, hợp tác với các khoa giáo viên của Học viện trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Hiện nay, tại Học viện có nhiều giáo viên ở các khoa chuyên ngành được đào tạo từ các trường đại học trong và ngoài Quân đội, kiến thức khoa học kỹ thuật chuyên sâu. Do đó, Viện có thể hợp tác với lực lượng này và mở rộng lĩnh vực nghiên cứu. Cùng với đó, cán bộ nghiên cứu trẻ của Viện có thể học hỏi thêm kinh nghiệm thực tế công tác BĐHC và kiến thức quân sự từ các khoa để phục vụ công tác nghiên cứu được tốt hơn. Đồng thời, gắn kết giữa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với nhiệm vụ đào tạo cán bộ hậu cần của Học viện.
Bốn là, tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin với các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài Quân đội. Đối với các cơ sở nghiên cứu ngoài Quân đội, Viện chủ động mở rộng mối quan hệ với Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội; Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông; Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; các cơ sở chế biến thực phẩm... Từ đó, Viện có thể cùng hợp tác với các nhà nghiên cứu, sử dụng thành quả khoa học sẵn có của đơn vị để nghiên cứu ứng dụng trong ngành Hậu cần Quân đội.
Đối với các cơ sở chế biến, Viện có thể thuê sử dụng dây chuyền thiết bị, nhà xưởng, nhân công hoặc đặt hàng sản xuất thử nghiệm sản phẩm nghiên cứu. Đối với cơ quan hậu cần các đơn vị Quân đội, Viện thường xuyên trao đổi thông tin, tìm hiểu nhu cầu chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học hoặc phát hiện vấn đề nghiên cứu phù hợp với yêu cầu đơn vị. Viện có thể nghiên cứu độc lập theo đơn đặt hàng hoặc phối hợp nghiên cứu cùng đơn vị nhằm ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, phục vụ thiết thực đời sống bộ đội.
Năm là, tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu tại Viện. Trên cơ sở các nguồn kinh phí, Viện đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị cần thiết cho công tác nghiên cứu, tập huấn chuyên môn hoặc hỗ trợ cho nghiên cứu viên tiến hành nghiên cứu thử nghiệm trước khi đăng ký đề tài, sáng kiến. Ngoài ra, Viện sử dụng nguồn vốn tự có từ các đề tài, sáng kiến hoặc xin hỗ trợ kinh phí, vay vốn mua sắm thêm một số trang thiết bị cần thiết phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học hậu cần, ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn đơn vị, thời gian tới, Viện tiếp tục mở rộng phạm vi và quy mô đề tài nghiên cứu, nhất là các đề tài khoa học kỹ thuật chuyên ngành Hậu cần. Từng bước mở rộng hợp tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội đáp ứng yêu cầu tác chiến tương lai, phù hợp với từng quân binh chủng. Rà soát các đề tài đã nghiên cứu, áp dụng thử nghiệm tại khu vực thực nghiệm để tiếp tục hoàn thiện và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho đơn vị.
Với sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc HVHC và các đơn vị trong toàn quân, tin rằng thời gian tới Viện Nghiên cứu KHHCQS sẽ tiếp tục phát triển, thành công hơn nữa trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học KTHC, ứng dụng hiệu quả đề tài, sáng kiến vào nhiệm vụ đào tạo tại HVHC và công tác hậu cần trong toàn quân.
Đại tá, TS HOÀNG THẾ HƯNG, Viện Nghiên cứu KHHCQS/Học viện Hậu cần