Tiêu chuẩn công trình xanh Việt Nam (LOTUS) được chính thức phát hành tháng 9-2011 nhằm đánh giá tính thân thiện với môi trường và sự phát triển bền vững của các công trình xây dựng (CTXD) tại Việt Nam. Tiêu chuẩn LOTUS bao quát hết các khía cạnh của một công trình và tác động của nó tới môi trường xung quanh trong toàn bộ quá trình xây dựng và khai thác sử dụng. Các nhóm tiêu chí “xanh” LOTUS hướng tới gồm: Giảm thiểu tối đa tiêu thụ nguồn năng lượng nhân tạo, tận dụng các nguồn năng lượng tự nhiên; tiết kiệm nhu cầu sử dụng nước, tận dụng nguồn nước mưa, tái sử dụng nguồn nước thải; tiết kiệm nhu cầu sử dụng vật liệu, tăng cường sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu dễ chế tạo, vật liệu tiêu tốn ít năng lượng; bảo vệ nguồn sinh thái, giảm thiểu các chất thải và ô nhiễm môi trường, giảm xả nước thải, chất thải rắn, khí thải trong quá trình xây dựng và khai thác sử dụng; đảm bảo tiện nghi, sức khỏe, chất lượng không khí, nhiệt độ, ánh sáng, tiếng ồn; nâng cao khả năng thích ứng và giảm nhẹ khi thiên tai; tối ưu hóa các hoạt động quản lý trong thiết kế, thi công, vận hành công trình. Với mục tiêu xây dựng doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp, từng bước hiện đại, việc nghiên cứu, ứng dụng CNX vào các công trình doanh trại là nhiệm vụ được các cơ quan, đơn vị tham gia quản lý đầu tư xây dựng trong Bộ Quốc phòng đặc biệt quan tâm.
Thời gian qua, nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình trong toàn quân đã từng bước tiếp cận, ứng dụng CNX vào thiết kế, xây dựng công trình, thu được kết quả rõ rệt, như: Sở Chỉ huy Quân khu 2, Quân khu 4, Quân chủng Hải quân, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel); Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Quân y 175; Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội; Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam…
    |
 |
Bộ đội đảo Sinh Tồn Đông bảo quản hệ thống pin năng lượng mặt trời. Ảnh: QUANG TRIỆU. |
Để đạt được những kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của ngành Doanh trại, trực tiếp là Cục Doanh trại trong công tác tham mưu với Thủ trưởng TCHC để đề xuất Thủ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) ban hành các văn bản hướng dẫn về quản lý quy hoạch, chất lượng thiết kế, chất lượng thi công, bảo trì CTXD trong BQP. Đổi mới quy trình từ lựa chọn phương án thiết kế đến quản lý quá trình thi công xây dựng, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng, tiện nghi sử dụng và hiệu quả đầu tư. Hướng dẫn quản lý Ngành đối với các dự án phân cấp, ủy quyền nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư. Cơ quan doanh trại các cấp đã quán triệt, thực hiện tốt chức năng quản lý ngành, từ bước phê duyệt quy hoạch, dự án đầu tư, thiết kế xây dựng, đến hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất lượng, bảo hành và bảo trì CTXD.
Việc ứng dụng CNX trong công tác quy hoạch doanh trại các đơn vị được thể hiện thông qua việc quản lý tốt các chỉ tiêu quy hoạch, phân khu chức năng hợp lý đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, học tập, rèn luyện và sinh hoạt của bộ đội. Các hạng mục công trình đều được nghiên cứu, bố trí theo hướng tận dụng tối đa các điều kiện tự nhiên, cây xanh, mặt nước, hướng gió, hướng nắng… phù hợp với khí hậu khu vực và kiến trúc cảnh quan chung, tạo dựng được không gian doanh trại xanh, sạch, đẹp. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và tiện lợi trong khai thác sử dụng.
Trong công tác quản lý thiết kế xây dựng, luôn chú trọng giải pháp thiết kế kiến trúc công trình có công năng tốt nhất, bảo đảm tính thích dụng, hiệu quả trong khai thác sử dụng. Ưu tiên các giải pháp kỹ thuật theo tiêu chuẩn công trình xanh, như: Tăng cường tối đa sự thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên; tiết kiệm năng lượng như sử dụng bơm nhiệt cấp nước nóng tập trung, bếp điện, bếp dầu cho nhà ăn và bếp, tận dụng tối đa nguồn năng lượng tự nhiên (gió, mặt trời) phục vụ sinh hoạt của bộ đội; xây dựng khu vực xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu về môi trường theo quy chuẩn, tiêu chuẩn trước khi đấu nối vào hệ thống thoát thải chung của khu vực.
Về sử dụng vật liệu xây dựng, cơ quan doanh trại các cấp đã quán triệt, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước và BQP về sử dụng vật liệu truyền thống, vật liệu mới. Tăng cường ứng dụng vật liệu không nung trong các công trình doanh trại, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời tăng khả năng cách âm, cách nhiệt và tính thẩm mỹ cho công trình. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các công trình kiên cố, Cục Doanh trại đã chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Thủ trưởng BQP ứng dụng công nghệ xây dựng lắp ghép, chế tạo sẵn, sử dụng các loại vật liệu nhẹ, thân thiện môi trường, đảm bảo tính thích dụng, cơ động cao, rút ngắn thời gian xây dựng công trình.
Mặc dù đã đạt được những thành công bước đầu trong tạo dựng các cơ sở doanh trại xanh, sạch, đẹp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, học tập, sinh hoạt của bộ đội, góp phần xây dựng Quân đội chính quy, từng bước hiện đại, xứng tầm với các quốc gia trong khu vực; song, nhìn chung, việc ứng dụng CNX đối với các công trình xây dựng ở Việt Nam nói chung và trong Quân đội nói riêng hiện đang ở bước nghiên cứu tiếp cận, hầu hết chưa áp dụng đầy đủ các tiêu chí tiêu chuẩn công trình xanh. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng công trình doanh trại thời gian tới, phù hợp xu hướng phát triển của ngành Xây dựng Việt Nam và thế giới, cơ quan doanh trại các cấp cần thường xuyên cập nhật thông tin, công nghệ mới để kịp thời tham mưu, đề xuất với thủ trưởng các cấp lựa chọn các giải pháp công nghệ xây dựng phù hợp, đồng thời thực hiện quản lý chặt chẽ các bước triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình doanh trại theo hướng phát triển bền vững, thân thiện môi trường; tăng cường đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ hiệu quả (BIM, iBMS, công nghệ chế tạo tự động hóa,…); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa, sử dụng các cấu kiện chế tạo sẵn trong hoạt động thi công xây dựng… Từng bước ứng dụng toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn công trình xanh trong thiết kế, xây dựng công trình.
Đại tá TRẦN DƯƠNG PHÚC, Cục Doanh trại