Quảng Ninh là tỉnh có vị trí địa lý, kinh tế, chính trị đặc biệt quan trọng; là cửa ngõ vùng Đông Bắc của Tổ quốc, địa bàn chiến lược quan trọng về QP-AN; là tỉnh duy nhất có đường biên giới cả trên bộ và trên biển với Trung Quốc (đường biên giới trên bộ dài 118,8 km và đường phân định Vịnh Bắc Bộ trên biển dài trên 191 km). Với vị trí địa - chính trị đặc biệt quan trọng, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định quán triệt quan điểm “Mỗi bước phát triển KT-XH là một bước củng cố, tăng cường tiềm lực QP-AN”, với mục tiêu“Xây dựng tỉnh Quảng Ninh thành KVPT vững chắc, là phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế, quốc tế”, 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế; chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” gắn với đảm bảo QP-AN.

Trước năm 2012, tỉnh Quảng Ninh cũng đã quan tâm đầu tư nguồn lực cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương nhưng chỉ mới tập trung nhiều ở việc xây dựng các công trình chiến đấu và chỉ tập trung hỗ trợ cho các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang tỉnh. Quán triệt sâu sắc quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân đội về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; về xây dựng các tỉnh, thành phố thành KVPT vững chắc trong tình hình mới; về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; ngay sau khi Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 623-NQ/QUTW ngày 29/10/2012 về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo và trên cơ sở Kế hoạch số 279-KH/ĐU ngày 10/4/2013 của Đảng ủy Quân sự Quân khu 3; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo công tác quốc phòng, quân sự địa phương theo từng giai đoạn, nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương hằng năm; trong đó có nội dung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng, điều chỉnh bổ sung các kế hoạch đáp ứng cho xây dựng và hoạt động của KVPT. Chính vì vậy, công tác hậu cần KVPT và bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương của tỉnh trong những năm qua có những chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao hơn so với giai đoạn trước.

leftcenterrightdel
Thành phố Hạ Long, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: tuyengiao.vn 

Với lợi thế có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm trên 10%, tỉnh đã đầu tư xây dựng và hoàn thành nhiều công trình trọng điểm như cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái; cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn; đường bao biển nối thành phố Hạ Long và thành phố Cẩm Phả; các dự án kinh tế - quốc phòng vùng ven biển và các đảo Trần, Cô Tô, Ngọc Vừng… là điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH và củng cố, tăng cường tiềm lực QP-AN, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng KVPT tỉnh ngày càng vững chắc.

Thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH gắn với củng cố QP-AN, hoàn thiện thế trận hậu cần toàn dân vững chắc; xây dựng thế trận hậu cần KVPT vững mạnh; cùng với nguồn vốn từ ngân sách quốc phòng, trong 10 năm, tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ nguồn vốn ngân sách tỉnh hàng nghìn tỷ đồng xây dựng, sửa chữa, nâng cấp doanh trại các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, trong đó: Giai đoạn 2016 - 2020, đã phân bổ hơn 1.600 tỷ đồng, chiếm 3% tổng số vốn ngân sách tỉnh cho các công trình quốc phòng gồm: xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở doanh trại, các doanh trại đơn vị dự bị động viên, các đại đội của các cơ quan quân đội trên địa bàn tỉnh đến các phân đội trực thuộc như: doanh trại Bộ chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh, doanh trại Ban CHQS huyện, thành phố, thị xã: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Bình Liêu, Cô Tô, Quảng Yên...; hỗ trợ đầu tư xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần - kỹ thuật (CCHC-KT) KVPT cấp tỉnh với tổng mức đầu tư trên 90 tỷ đồng, gồm nhiều hạng mục như hầm bệnh viện, khu quân y, khu tăng gia sản xuất, khu tiếp nhiên liệu... Đầu tư xây dựng các công trình tuyến biên giới, tuyến đảo như kè sông suối biên giới, bảo vệ cột mốc chủ quyền quốc gia, các công trình có tính chất lưỡng dụng (đường tuần tra, cơ động...); các công trình phòng chống thiên tai... Giai đoạn 2021 - 2025, hỗ trợ đầu tư hơn 400 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để xây dựng các công trình trọng điểm về quốc phòng như: Chốt chiến đấu dân quân thường trực biên giới đất liền, hải đội dân quân thường trực, thao trường huấn luyện, các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, sở chỉ huy các cấp…

Cùng với nguồn lực đầu tư của Bộ Quốc phòng và Quân khu 3, Tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thành CCHC-KT KVPT cấp tỉnh. Triển khai các bước xây dựng, thiết kế, phê duyệt quy hoạch xây dựng CCHC-KT KVPT cấp huyện. Xây dựng mới Sở chỉ huy Bộ CHQS tỉnh, 10/13 Sở chỉ huy Ban CHQS huyện, thành phố, thị xã và 100% doanh trại các đơn vị trực thuộc khang trang, sạch, đẹp, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các hoạt động của lực lượng vũ trang tỉnh.

Hỗ trợ ngân sách để xây dựng doanh trại, mua sắm trang thiết bị phục vụ sinh hoạt các đơn vị đóng quân trên địa bàn như: Sư đoàn 395, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 327, các đơn vị của Quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân. Quan tâm đầu tư kinh phí mua sắm cơ sở vật chất, công cụ hỗ trợ, quân trang dân quân tự vệ, dự bị động viên và bảo đảm cho các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng, diễn tập các cấp. Mua sắm doanh cụ phục vụ huấn luyện dã ngoại cho lực lượng dự bị động viên. Bảo đảm đủ doanh cụ, dụng cụ cho huấn luyện dự bị động viên 02 tiểu đoàn cấp tỉnh, 01 đại đội cấp huyện. Các doanh cụ, trang thiết bị được bảo đảm phục vụ tốt cho nhiệm vụ quân đội và phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; đặc biệt trước những diễn biến phức tạp dịch COVID-19, các đơn vị quân đội đã huy động, tiếp tục sử dụng hiệu quả các cơ sở doanh trại huấn luyện dự bị động viên, các hệ thống nhà bạt quân sự phục vụ cho nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Xác định mỗi bước phát triển KT-XH là một bước phát triển, củng cố QP-AN KVPT; phát triển KT-XH phải luôn gắn với QP-AN. Do vậy các dự án phát triển thời bình sẵn sàng chuyển sang sản xuất phục vụ quốc phòng và kế hoạch bảo đảm nhu cầu năm đầu trong tình huống khi có chiến tranh luôn được tỉnh chú trọng. Theo đó, tỉnh đã tập trung phát triển chiều sâu các ngành công nghiệp mũi nhọn, các dự án, công trình, khu kinh tế, khu công nghiệp… đảm bảo phát triển KT-XH gắn với phục vụ nhiệm vụ QP-AN, sẵn sàng động viên công nghiệp, chuyển sang sản xuất các mặt hàng quốc phòng đáp ứng yêu cầu tác chiến.

Đặc biệt, Bộ CHQS tỉnh tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương của Bộ, Quân khu về củng cố thế trận, tiềm lực hậu cần KVPT, lực lượng dự bị động viên hậu cần, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời chiến. Cùng với đó, Hội đồng Cung cấp KVPT tỉnh (huyện, thành phố, thị xã) đã phát huy tích cực vai trò hiệu quả trong tham mưu với cấp ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân bố trí ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng ven biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; ưu tiên nguồn vốn vay cho đóng tàu đánh bắt xa bờ. Xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ tại huyện đảo Cô Tô. Đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống cảng biển có công suất, sức chứa lớn; xây dựng các cảng biển quân sự trên các đảo lớn, gần bờ phục vụ dân sinh thời bình và đáp ứng yêu cầu tác chiến khi chiến tranh xảy ra.

Có thể khẳng định, cùng với đầu tư của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân khu 3, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư nguồn lực của tỉnh cho xây dựng thế trận, tiềm lực KVPT (trong đó có thế trận, tiềm lực hậu cần) và bảo đảm cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng đạt kết quả đột phá cả về nguồn lực đầu tư và đối tượng hỗ trợ bảo đảm, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất trong mọi tình huống của lực lượng vũ trang tỉnh và các đơn vị đóng quân trên địa bàn thời gian qua.

Phát huy những kết quả đạt được, để tiếp tục triển khai xây dựng KVPT nói chung, hậu cần KVPT nói riêng ngày càng vững chắc trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh xác định tập trung xây dựng chiến lược, hoạch định phát triển KT-XH gắn với đảm bảo công tác QP-AN, nhất là an ninh biên giới, lãnh thổ; trong đó, kết hợp chặt chẽ kinh tế với QP-AN trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Phát huy vai trò, chức năng của Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh và các sở, ban, ngành trong tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành công tác quốc phòng, quân sự địa phương, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển KT-XH địa phương.

Làm tốt khâu quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với củng cố, tăng cường QP-AN, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo lợi ích quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bộ CHQS tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội trên địa bàn để tham mưu thực hiện tích hợp các khu quân sự, khu vực địa hình trong quy hoạch tổng thể của tỉnh, đảm bảo không mâu thuẫn giữa các phương án quy hoạch đối với các địa phương trong thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH và các nhiệm vụ QP-AN, trong đó có quy hoạch xây dựng thế trận hậu cần KVPT trên địa bàn chiến lược Quân khu.

Cùng với đầu tư xây dựng các thành phần, thế trận KVPT cấp tỉnh, huyện, tiếp tục đầu tư nguồn lực để nhanh chóng xây dựng các công trình phòng thủ trên tuyến biên giới, biển đảo. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đồng bộ hệ thống đường tuần tra, chốt dân quân thường trực địa bàn biên giới... Trước mắt đầu tư xây dựng các thao trường huấn luyện; các chốt dân quân thường trực biên giới tại Hoành Mô, Hải Hà, Móng Cái; các hải đội dân quân thường trực. Xây dựng doanh trại Ban CHQS các huyện: Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Vân Đồn, Đầm Hà. Bảo đảm tốt hậu cần cho diễn tập KVPT tỉnh, huyện năm 2022 và các năm tiếp theo. Xây dựng căn cứ CCHC-KT KVPT tỉnh giai đoạn 2 và chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã hoàn thành 50 - 60% các hạng mục công trình CCHC-KT KVPT cấp huyện và tương đương. Bảo đảm quỹ đất để xây dựng doanh trại đóng quân của một số đơn vị thuộc Quân khu theo kế hoạch của trên. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển; phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tập trung đầu tư các nguồn lực (trong đó có hậu cần) xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện; có khả năng dự báo chính xác, kịp thời các tình huống về QP-AN, xử trí thắng lợi các tình huống quốc phòng và các tình huống an ninh phi truyền thống. Đầu tư nguồn lực xây dựng lực lượng dân quân thường trực các xã, phường biên giới đủ mạnh, kịp thời phát hiện, đấu tranh với những âm mưu, hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Tổ quốc cả trên bộ và trên biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Tin rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng KVPT nói chung, hậu cần KVPT nói riêng ngày càng vững chắc, góp phần xây dựng tỉnh vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về QP-AN, giữ vững “phên dậu” vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Đại tá NGUYỄN HỒNG QUANG, Bộ Tham mưu Hậu cần