Ở nước ta, xây dựng TTHC nói chung, xây dựng TTHC tác chiến phòng thủ tỉnh, thành phố nói riêng đã hình thành và có bước phát triển từ lâu trong lịch sử.
Ngay từ buổi đầu dựng và giữ nước, ông cha ta đã sớm biết huy động sức người, sức của trong dân; xây dựng hậu phương vững mạnh; xây dựng các cơ sở hậu cần trên từng địa bàn; tạo nên mạng lưới hậu cần tại chỗ rộng khắp để bảo đảm cho chiến tranh. Khu vực được chọn xây dựng hậu phương, cơ sở hậu cần đều là những nơi hiểm yếu, vừa có thế đánh, vừa có thế giữ; đồng thời, cũng là nơi có khả năng và tiềm lực hậu cần, có thể huy động để bảo đảm cho chiến đấu lâu dài.
Vào những năm 40 trước Công nguyên, nữ tướng Lê Chân đưa dân làng từ Đông Triều đi khai hoang vùng bãi biển hoang vu, lập nên làng xóm mới (vùng Trang An Biên, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng ngày nay); vừa là nơi náu mình, chiêu mộ binh sĩ chờ thời cơ giết giặc, vừa là nơi xây dựng căn cứ hậu phương, phát triển kinh tế. Đây chính là hình thức kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng cơ sở hậu cần tại chỗ hình thành sớm nhất trong lịch sử nước ta.
Sau khi cuộc kháng chiến chống quân Lương của Lý Nam Đế bị thất bại, Triệu Quang Phục đã đem hơn một vạn quân về bãi Màn Trò (Dạ Trạch- Khoái Châu - Hưng Yên ngày nay). Tại đây, ban ngày, ông cho quân lính khai hoang, cày cuốc làm ăn, ban đêm, rẽ lau sậy, dùng thuyền độc mộc đi đánh úp các đồn địch. “Dạ Trạch là một điển hình sơ khai của sự kết hợp xây dựng căn cứ địa sản xuất kinh tế với đánh giặc lâu dài và cuối cùng thắng lợi”.
Để chuẩn bị chống quân xâm lược Tống, Ngô Quyền đã cho xây dựng hậu phương vững mạnh tại vùng Châu Ái (Thanh Hóa); chuẩn bị cơ sở vật chất hậu cần; tích lũy lúa gạo, thuốc men trong suốt 7 năm (931 ÷ 938). Đoán trước âm mưu của địch, Ngô Quyền đã bí mật cho lót trước binh, lương ở cửa biển Bạch Đằng; huy động vật chất tập kết tại các kho ven sông; kết hợp dùng các đội dân binh của các làng xã vào rừng chặt gỗ, vót nhọn, bịt sắt, đóng xuống hai bên cửa biển. Chiến thắng vang dội của trận Bạch Đằng năm 938 có được chính là nhờ sự chuẩn bị chu đáo mọi mặt về hậu cần của quân và dân ta khi đó.
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống lần thứ 2 (1075-1077), Lý Thường Kiệt đã chủ động đưa quân sang triệt phá căn cứ hậu cần (CCHC) của địch ở Ung, Khâm, Liêm; ngăn chặn không cho chúng mở cuộc tiến công xâm lược nước ta. Trận phản công Như Nguyệt năm 1077, Lý Thường Kiệt đã tổ chức “Lập trại ven sông”; ngoài kho Mễ Sở ở khu vực Hoàng thành Thăng Long, ông còn tổ chức 2 khu kho ở Từ Sơn (Bắc Ninh) và Khoái Châu (Hưng Yên) để huy động lương thực, vũ khí bảo đảm cho hơn 10 vạn quân đánh giặc. Việc tổ chức TTHC bảo đảm cho tác chiến của Nhà Lý có nhiều nét đặc sắc; vừa gắn với bố trí hậu cần có trọng tâm, trọng điểm trên chiến tuyến, vừa kết hợp với hậu cần tại chỗ rộng khắp của nhân dân các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Yên...; đồng thời với lót trước vật chất ở Quảng Ninh, Chí Linh (Hải Dương) để bảo đảm cho thủy quân và lực lượng tác chiến vòng ngoài của các địa phương, góp phần quan trọng bảo đảm cho quân ta giành thắng lợi.
Trong 3 lần đại phá quân xâm lược Nguyên - Mông (năm 1258, 1285, 1288), quân dân Nhà Trần đã xây dựng được “Thế trận làng nước” rất chắc chắn. Thấm nhuần quan điểm “Thực túc, binh cường”; “Việc ăn là việc gốc của dân, là việc tính mệnh của binh”; “chứa lương không gì tiện bằng sai dân tự chứa”; cùng với việc đưa ra kế sách “Vườn không, nhà trống” để phá kế hoạch “Đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, Nhà Trần đã tạo lập TTHC vững chắc bằng cách bố trí “Các kho ở những nơi hiểm yếu để chứa binh giáp” và chuẩn bị sẵn các “áng” (gồm áng Nác, áng Cót, áng Hồ) như những CCHC để cất giấu binh lương và cứu chữa quân sỹ bị thương.
Cuối thế kỷ XVIII, để bảo đảm cho cuộc tiến công thần tốc đánh bại quân Thanh xâm lược mà tiêu biểu là trận quyết chiến Ngọc Hồi - Đống Đa (năm 1789), Quang Trung cho chuẩn bị trước TTHC vững chắc ở từng địa phương. Nghĩa quân đã dựa vào hậu phương Thanh Hóa, Nghệ An; chuẩn trước lương thảo tại phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn; cùng sự ủng hộ của nhân dân dọc đường hành quân để bổ sung nhân lực, vật lực. Nhờ được bảo đảm tốt về hậu cần, chỉ trong mấy ngày, 05 vạn quân Tây Sơn đã hành quân thần tốc ra Bắc, nhanh chóng đánh bại kẻ thù...
Thời kỳ đầu của kháng chiến chống Pháp, ông cha ta đã rất chú trọng xây dựng các căn cứ chiến đấu, khu vực bố trí kho lương của nghĩa quân; tiêu biểu là căn cứ của Đinh Công Tráng (1886-1887) ở Ba Đình, căn cứ của Phan Đình Phùng (1888) ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), căn cứ của Hoàng Hoa Thám (1887-1913) ở Yên Thế... Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc chuẩn bị hậu cần nói chung và xây dựng TTHC nói riêng đã phát triển ở trình độ cao hơn. Từ tháng 10/1946, Trung ương Đảng đã chủ trương xây dựng căn cứ địa Việt Bắc thành hậu phương lớn để cung cấp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Cùng với đó, trong năm 1947, các chiến khu cũng hình thành vùng căn cứ địa, như Khu 2 ở Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình; Khu 3 ở Kiến An, Thái Bình, Nam Định; Khu 7 ở Chiến khu D, rừng Sác; Khu 8 ở Đồng Tháp Mười; Khu 9 ở rừng U Minh... Giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, LLVT địa phương cùng với lực lượng chủ lực mở nhiều đợt hoạt động tác chiến. Để đảm bảo cho bộ đội, hậu cần bộ đội địa phương kết hợp chẽ với hậu cần nhân dân địa phương, hình thành TTHC theo phân cấp. Theo đó, cấp tỉnh có bộ phận hậu cần tập trung, gồm y tế, vận tải và ban thương binh tỉnh; do đồng chí phó bí thư hoặc tỉnh ủy viên phụ trách. Ngoài vị trí bố trí tập trung, tỉnh còn tổ chức trạm tiếp nhận vận chuyển ở khu vực giáp ranh để tiếp nhận vật chất, vận chuyển thương binh. Cấp huyện có ban thương binh huyện; do huyện đội phụ trách, dưới sự chỉ đạo của bí thư huyện ủy. Cấp xã có ban thương binh xã, ban cung cấp lương thực xã, do xã đội trưởng phụ trách. Mỗi hộ gia đình chuẩn bị 5 ÷ 7 ngày ăn cho 01 dân quân; đào hầm bí mật sẵn sàng cất giấu thương binh, bệnh binh...
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ở miền Bắc, các địa phương đã khảo sát địa hình, mở đường cơ giới, xây dựng CCHC và tổ chức dự trữ vật chất. Tại một số địa bàn xung yếu, như Hoành Bồ (Quảng Ninh), Vạn Mai (Thanh Hóa), Mường Xén (Nghệ An) đã xây dựng được hệ thống kho tàng để trực tiếp cung cấp vật chất cho các đơn vị bộ đội. Các căn cứ hậu phương, CCHC được xây dựng ngày càng vững chắc, tiêu biểu là địa đạo xã Vĩnh Mốc (Vĩnh Linh); vừa là nơi sơ tán dân, vừa là nơi cất trữ vật chất hậu cần bảo đảm cho các lực lượng vũ trang tác chiến; đồng thời là nơi tiếp nhận, cứu chữa thương binh, bệnh binh. Trước âm mưu leo thang đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ, các quân khu chủ động di chuyển cơ sở kho tàng vật chất đến khu vực dự kiến xây dựng căn cứ hậu cần; tận dụng hang động làm kho, trạm. Mạng lưới hậu cần nhân dân địa phương cũng được xây dựng rộng khắp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế địa phương để bảo đảm cho tác chiến tại chỗ và chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam.
Ở miền Nam, do phải hoạt động tác chiến bám trụ, cài xen trong lòng địch nên ngay từ đầu cuộc kháng chiến, ta phải tổ chức “Xây dựng thế trận hậu cần gắn liền với xây dựng căn cứ địa hậu phương”; tổ chức thành mạng lưới hậu cần nhân dân rộng khắp với “Căn cứ lõm”, “Chợ kháng chiến” và các cơ sở hậu cần bí mật trong các “Vành đai diệt Mỹ”, các địa đạo để bảo đảm hậu cần cho LLVT địa phương chiến đấu. Nhiều tỉnh đã hình thành “Trụ hậu cần” ở vùng giáp ranh để tiếp nhận, vận chuyến vật chất từ chiến khu bổ sung cho LLVT địa phương; đồng thời cũng là nơi cung cấp thuốc men, lương thực cho các “Khu chiến”...
Từ năm 1968, trên phạm vi cả nước, TTHC có bước phát triển cao hơn; cấp tỉnh hình thành “Hội đồng cung cấp”, cấp huyện có “Ban kinh tài” làm nhiệm vụ huy động vật chất, phương tiện bảo đảm cho tác chiến. Các bộ phận hậu cần trên các hướng cũng được hình thành, kết hợp với hậu cần tại chỗ rộng khắp để bảo đảm cho các đợt hoạt động tác chiến trên từng khu vực...
Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, đất nước được hoàn toàn giải phóng, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện đất nước vừa mới thống nhất, lại phải đương đầu với 2 cuộc chiến tranh trên biên giới Tây - Nam và biên giới phía Bắc, vấn đề xây dựng tỉnh, huyện thành các khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc ngày càng trở nên cấp thiết...
Ngày 30/7/1987, Bộ Chính trị (khóa VI) ra Nghị quyết 02-NQ/TW, giao cho các tỉnh, thành phố xây dựng thành KVPT vững chắc. Tiếp đó, Bộ Chính trị (khóa X) ra Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 22/9/2008, xác định những nội dung tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố thành KVPT vững chắc trong tình hình mới. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 152/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 và Nghị định số 02/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016, cụ thể hóa nội dung, cơ chế hoạt động, ngân sách, trách nhiệm thực hiện xây dựng KVPT. Đây là chủ trương chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm đổi mới, tăng cường khả năng phòng thủ đất nước trong tình hình mới; đặt ra yêu cầu xây dựng TTHC KVPT tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Về hậu cần, ta đã chủ động xây dựng TTHC địa phương vững mạnh; phát triển kinh tế trung ương, kinh tế địa phương để giải quyết tốt hậu cần tại chỗ cho KVPT; thực hiện bố trí TTHC gắn chặt với thế trận chiến tranh nhân dân địa phương, bảo đảm liên hoàn từ cơ sở đến cụm chiến đấu, khu vực huyện, tỉnh...
Xây dựng TTHC tác chiến phòng thủ tỉnh, thành phố hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là chặng đường phát triển từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến ngày càng hoàn thiện hơn nhằm tạo thành sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho tác chiến phòng thủ của địa phương giành thắng lợi trong mọi tình huống. Đây là vấn đề rất quan trọng, cần được các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và phát triển trong thời gian tới.
Trung tá, Ths LÊ THÀNH CÔNG, Nghiên cứu sinh Học viện Hậu cần