Nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Tham mưu Hậu cần (TMHC) Quân đội (3-10-1955 / 3-10-2020), phóng viên Tạp chí Hậu cần đã cuộc trao đổi với đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng - Phó Chủ nhiệm kiêm Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần (TCHC) xung quanh vấn đề này.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng.

PV: Đề nghị đồng chí Phó chủ nhiệm kiêm Tham mưu trưởng TCHC cho biết sự ra đời của tổ chức TMHC Quân đội và chức năng của Bộ Tham mưu Hậu cần (BTMHC) hiện nay?

Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng: Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, trước yêu cầu phát triển Quân đội, ngày 3-10-1955, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 170/QĐ-A thành lập BTMHC, đánh dấu bước phát triển mới của hệ thống tổ chức TMHC Quân đội ở cả 3 cấp được hình thành, từng bước hoàn chỉnh, thống nhất. Tuy nhiên, công tác TMHC có thể tính từ khi thành lập các trung đoàn, đại đoàn đầu tiên của Quân đội.

Trong quá trình phát triển, tùy tính chất của từng giai đoạn lịch sử dân tộc, yêu cầu nhiệm vụ Quân đội và ngành Hậu cần, chức năng của BTMHC cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp. Đến nay, chức năng của BTMHC được xác định là: Tham mưu với Đảng ủy, Chủ nhiệm TCHC về công tác hậu cần trong Quân đội Nhân dân và những mặt công tác được cấp có thẩm quyềm giao đối với Dân quân tự vệ. Tham mưu với Chủ nhiệm TCHC để giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác hậu cần trong Quân đội Nhân dân và những mặt công tác được cấp có thẩm quyền giao đối với Dân quân tự vệ; chỉ huy, quản lý các cơ quan, đơn vị thuộc TCHC về công tác quân sự và chỉ đạo công tác kỹ thuật nội bộ Tổng cục. Chỉ đạo, hướng dẫn và quản lý nghiệp vụ TMHC Quân đội. Chỉ huy, quản lý các cơ quan, đơn vị thuộc quyền.

leftcenterrightdel
Phòng làm việc của cán bộ Phòng Kế hoạch tổng hợp.

PV: Đồng chí có thể tóm tắt một số thành tích nổi bật trong tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, chỉ huy TCHC và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và tổ chức thực hiện của BTMHC trong 65 năm qua?

Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng: Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; thực tiễn đất nước, chiến trường và các yếu tố khác liên quan, với chức năng, nhiệm vụ được giao, BTMHC đã làm tốt tham mưu, hiệp đồng, triển khai, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác TMHC Quân đội. Nổi bật là:

Ngay trong quý 1-1956, BTMHC đã chủ động đề xuất nhiệm vụ, phương châm xây dựng hậu cần tiến lên chính quy hiện đại, phù hợp với yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Cuối năm 1959, triển khai xây dựng kế hoạch chi viện nhân lực, vật lực cho miền Nam. Đầu năm 1961, xây dựng kế hoạch bảo đảm hậu phương, hậu cần cho năm đầu chiến tranh chuyển hướng công tác tham mưu hậu cần phục vụ thời chiến. Giữa năm 1967, trực tiếp lập kế hoạch và chỉ đạo công tác bảo đảm hậu cần Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Giữa tháng 8-1973, xây dựng phương hướng công tác TMHC 3 năm (1973-1975). Năm 1974, chỉ đạo thực hiện kế hoạch vận tải chuẩn bị chiến trường. Đầu năm 1975, tổ chức hiệp đồng các lực lượng hậu cần phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1979, triển khai xây dựng kế hoạch bảo đảm hậu cần cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1986, nghiên cứu đề xuất tổ chức thực hiện đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần và xây dựng cơ quan, cơ sở theo hướng chính qui, từng bước hiện đại. Năm 2001, đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng thế trận hậu cần trong thế trận phòng thủ chung của đất nước. Tiếp tục đề xuất các giải pháp bảo đảm hậu cần và không ngừng nâng cao hiệu quả công tác TMHC, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, những năm gần đây, đã tham mưu, đề xuất chủ trương, phương hướng; chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt, toàn diện các mặt công tác hậu cần, trong đó tập trung bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ SSCĐ, bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới; các đơn vị làm nhiệm vụ ở địa bàn trọng điểm, mới thành lập, được trang bị vũ khí mới, các đơn vị tiến thẳng lên hiện đại; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và nhiệm vụ đột xuất khác, các cuộc diễn tập, các sự kiện trọng đại của đất nước, Quân đội... Từng bước triển khai xây dựng, củng cố thế trận, tiềm lực hậu cần, trọng tâm là khu vực phòng thủ vững chắc, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trên từng địa phương và trên cả nước. Tham gia xây dựng các nghị định của Chính phủ về công tác hậu cần. Tham mưu, đề xuất xây dựng (nội dung về hậu cần) trong xây dựng các chương trình, kế hoạch của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thực hiện Chiến lược Quân sự, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam và các chiến lược khác... Làm tốt tham mưu, đề xuất trong xây dựng, ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch hậu cần, triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất... Tích cực tham mưu, đề xuất nội dung, hướng dẫn thống nhất hậu cần toàn quân trong thực hiện Đề án đổi mới cơ chế quản lý tài chính Quân đội theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015; đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần gắn với thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới trong Quân đội... Đặc biệt là, đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với Cục Quân y triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19 thời gian qua.... Những đóng góp tích cực của BTMHC đã góp phần quan trọng cho ngành Hậu cần bảo đảm cho Quân đội cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi các cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ biên giới và trong sự nghiệp xây dựng & bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Có thể khẳng định, 65 năm xây dựng, phục vụ chiến đấu, chiến đấu, phát triển và trưởng thành, BTMHC đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ BTMHC đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hy sinh xương máu, xây đắp nên truyền thống quý báu “Trung thành - Đoàn kết - Sáng tạo - Hiệu quả”. Nhân dịp này, Thường vụ Đảng ủy, chỉ huy BTMHC xin được bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước, Chỉnh phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo, chỉ huy các cấp và các cơ quan, đơn vị; cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các địa phương đã giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để BTMHC hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

PV: Thành tích của BTMHC 65 năm qua rất đỗi tự hào, tuy nhiên, trước yêu cầu, nhiệm vụ công tác hậu cần ngày càng cao, để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đòi hỏi phải xây dựng BTMHC - cơ quan TMHC chiến lược như thế nào? Thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng: Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác hậu cần trong thời gian tới, đòi hỏi phải xây dựng cơ quan BTMHC vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Xây dựng đội ngũ cán bộ TMHC phẩm chất đạo đức tốt, tinh thông về nghiệp vụ, có năng lực nghiên cứu, tổng hợp, có trình độ toàn diện về công tác TMHC, hiểu biết sâu sắc về công tác bảo đảm hậu cần cho các loại hình tác chiến, thành thạo công tác tham mưu tác chiến và có hiểu biết cơ bản về nghệ thuật quân sự... và đặc biệt là, phải thực hiện được 3 giỏi: Giỏi đánh giá, dự báo tình hình; giỏi tham mưu, đề xuất; giỏi chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tích cực đầu tư xây dựng hệ thống trang thiết bị hiện đại và từng bước ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong công tác TMHC. Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận hậu cần và công tác TMHC chiến lược. Tập trung xây dựng BTMHC vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu, vững chắc. Xây dựng Đảng bộ BTMHC trong sạch vững mạnh, tiêu biểu. Xây dựng chế độ, nền nếp công tác khoa học, chính quy, đẩy mạnh cải cách hành chính; đổi mới phương pháp, tác phong công tác, chấp hành nghiêm kỷ luật; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với đội ngũ cán bộ TMHC chiến lược.

PV: Được biết, lần đầu tiên, Nghị quyết Quân ủy Trung ương xác định xây dựng Quân đội “Đồng bộ về tổ chức biên chế; đồng bộ vũ khí, trang bị; đồng bộ các mặt bảo đảm”. Để thực hiện tốt chủ trương này, thời gian tới, BTMHC xác định tham mưu, đề xuất những nội dung, giải pháp chính nào để triển khai thực hiện hiệu quả?

Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng: Có thể khẳng định, đây là chủ trương lớn, đồng bộ, xuyên suốt để xây dựng Quân đội ngày càng chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Để thực hiện chủ trương này, với chức năng, nhiệm vụ được giao, BTMHC xác định tập trung vào những nội dung chính sau:

Tiếp tục tham mưu, đề xuất, cụ thể hóa các chủ trương của Bộ Chính trị; các chiến lược, đề án, kế hoạch của Bộ Quốc phòng thành đề án, kế hoạch của hậu cần dài hạn, trung hạn và hằng năm. Thực hiện nghiêm tổ chức lực lượng hậu cần chiến lược theo chủ trương của Bộ, tập trung xây dựng cơ quan BTMHC chính quy, tinh, gọn, mạnh, hiệu suất công tác cao, đủ sức đảm nhiệm công tác TMHC chiến lược và khi cần có thể tổ chức thêm những cơ quan TMHC ở các căn cứ hậu cần chiến lược, kịp thời chỉ đạo bảo đảm hậu cần cho lực lượng vũ trang tác chiến trên các khu vực, hướng chiến lược và trên phạm vi cả nước. Tiếp tục kiện toàn tổ chức BTMHC đồng bộ với việc kiện toàn sắp xếp lại tổ chức lực lượng của các ngành trong nội bộ TCHC, của hậu cần các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng nhằm tạo ra một chỉnh thể thống nhất, trong tổ chức lực lượng của toàn Ngành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời bình cũng như khi có chiến tranh. Tổ chức thực hiện tốt công tác động viên hậu cần cả về lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất, sẵn sàng huy động phục vụ cho chiến tranh (nếu xảy ra).

Tham mưu, đề xuất từng bước đổi mới trang bị, vật chất hậu cần đồng bộ với vũ khí, trang bị và bảo đảm tốt cho các đơn vị trong thực hiện Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Kế hoạch của Bộ Quốc phòng về tổ chức Quân đội Nhân dân Việt Nam đến năm 2021 và bảo đảm vũ khí, trang bị của Quân đội đến năm 2025. Xây dựng lực lượng hậu cần và nghiên cứu phát triển phương tiện, trang thiết bị hậu cần từng bước hiện đại, đồng bộ với vũ khí trang bị tác chiến, nhất là phương tiện kỹ thuật xăng dầu, vận tải, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Tham mưu, đề xuất thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về hậu cần.

Tham mưu, đề xuất xây dựng đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hậu cần, liên quan đến hậu cần, Điều lệ công tác hậu cần, Điều lệ công tác TMHC... đồng bộ với điều lệnh, điều lệ tác chiến. Đẩy mạnh xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, định mức, hạn mức hậu cần bảo đảm cho các loại hình đơn vị, nhiệm vụ, lực lượng. Nghiên cứu phương thức bảo đảm hậu cần cho các lực lượng, nhất là các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, các đơn vị được trang bị vũ khí trang thiết bị quân sự mới. Tập trung nghiên cứu, xây dựng phương án bảo đảm hậu cần trong các môi trường tác chiến và địch sử dụng công nghệ cao, chia cắt chiến dịch, chiến lược. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần, nâng cao chất lượng bảo đảm, khả năng SSCĐ của hậu cần các cấp, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ được giao....

Tham mưu, đề xuất đổi mới công tác đào tạo, huấn luyện hậu cần, nâng cao trình độ chỉ huy, chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ TMHC các cấp, nhất là ở cấp chiến lược, khả năng bảo đảm hậu cần theo các phương án, tình huống tác chiến bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Tổ chức huấn luyện cho bộ đội sử dụng thành thạo, phát huy hết tính năng, kỹ chiến thuật các phương tiện, trang thiết bị hậu cần hiện đại, nâng cao hiệu suất, hiệu quả bảo đảm. Đề xuất cử cán bộ giỏi đi nghiên cứu, học tập về công tác TMHC ở các nước phát triển theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, các dự án và quan hệ hợp tác với quân đội các nước.

Tham mưu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác TMHC, tập trung vào các lĩnh vực như: ứng dụng, sử dụng bản đồ số; xây dựng các phần mềm về tính toán bảo đảm hậu cần cho tác chiến chiến lược; các phần mềm ứng dụng trong quản lý ngành; ứng dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng sở chỉ huy, trung tâm lưu trữ, xử lý thông tin. Trước mắt, đầu tư các trang bị thiết yếu để cán bộ TMHC có thể thu thập thông tin chính xác, kịp thời, giúp cho việc tiếp cận, phối hợp, hiệp đồng, xử lý các vấn đề trong công việc nhanh chóng, chuẩn xác... Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo đồng bộ với các ngành, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội.

PV: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TMHC thời gian tới, đồng chí có đề xuất, kiến nghị gì không?

Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng: Trong thời gian tới, đề nghị Đảng, Nhà nước; Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; lãnh đạo, chỉ huy các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác TMHC; các ngành, các cơ quan liên quan và cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện giúp cơ quan, cán bộ TMHC các cấp hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

HỒNG QUANG (thực hiện)