Để hiểu rõ hơn công tác triển khai, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHYT quân nhân trong Bộ Quốc phòng (BQP); phóng viên (PV) Tạp chí Hậu cần Quân đội đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Định, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) BQP xung quanh vấn đề này.

PV: Năm 2018, BQP triển khai thực hiện BHYT đối với 100% quân nhân tại ngũ theo lộ trình quy định của Chính phủ và BQP. Đề nghị đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật trong quá trình triển khai thực hiện?

leftcenterrightdel
Đại tá Nguyễn Văn Định, Giám đốc BHXH BQP.

Đại tá Nguyễn Văn Định: Ngày 01/9/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu. Theo quy định của pháp luật về BHYT, thực hiện BHYT quân nhân chỉ thay thế phương thức thực hiện và nguồn bảo đảm tài chính trong KCB thường xuyên cho quân nhân, trong điều kiện thời bình, từ ngân sách quốc phòng bảo đảm trước đây thay bằng quỹ BHYT quân nhân. Các mặt bảo đảm khác, như: đào tạo, quân y SSCĐ, quân y đặc thù quân binh chủng, vệ sinh phòng dịch, đầu tư phát triển… vẫn do ngân sách quốc phòng bảo đảm theo quy định hiện hành.

Thực hiện Nghị định của Chính phủ, ngày 01/4/2016, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 210-CT/QUTW về việc lãnh đạo tổ chức thực hiện BHYT đối với quân nhân tại ngũ giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo trong toàn quân; ngày 12/12/2016, Bộ trưởng BQP ban hành Quyết định số 5162/QĐ-BQP về quy định quân nhân tại ngũ tham gia BHYT năm 2017, 2018. Trên cơ sở đó, BHXH BQP đã phối hợp với các cơ quan chức năng, triển khai thực hiện chính sách BHYT quân nhân theo đúng lộ trình quy định của Chính phủ và BQP. Tháng 12/2018, BQP đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm sau một năm triển khai thực hiện đối với 100% quân nhân trong toàn quân, với những đánh giá bước đầu đáng khích lệ. Tham gia BHYT, quân nhân được lựa chọn đăng ký KCB ban đầu tại các bệnh viện quân y, dân y, nơi có điều kiện thuận lợi về địa bàn đóng quân hoặc nơi cơ trú, thường trú, không phân biệt địa giới hành chính. Quân nhân đi KCB BHYT được bảo đảm ở mức cao và thuận lợi, nhiều quân nhân đã được hưởng quyền lợi tại các cơ sở KCB cả quân y và dân y với dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn. Quyền lợi KCB của quân nhân ở tuyến quân y đơn vị và các cơ sở KCB quân y, dân y được bảo đảm đúng, đủ, kịp thời, chi phí tối đa theo từng trường hợp bệnh cụ thể, không xác định mức trần chi phí KCB, không phân biệt đối tượng quân nhân. Việc chuyển tuyến KCB giữa quân y và dân y được bảo đảm liên thông, hiệu quả; trong nhiều trường hợp quân nhân được chuyển tuyến KCB đến các bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương ngoài quân đội. Nhiều trường hợp quân nhân chuyển vượt tuyến từ quân y đơn vị cấp trung đoàn, sư đoàn lên thẳng bệnh viện quân đội tuyến cuối trong hệ thống bậc thang điều trị. 100% bệnh viện quân y và hơn 40% bệnh xá quân y đã thực hiện ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH để KCB đối với 78,03% thẻ BHYT quân nhân đăng ký KCB ban đầu, đã đáp ứng được cơ bản yêu cầu về quản lý quân số, quản lý, chăm sóc sức khỏe và KCB đối với quân nhân ở tất cả các tuyến quân y. Quân số khỏe được giữ vững, vượt 0,62% so với chỉ tiêu (98,5%), trong đó sức khỏe loại 1 và loại 2 đạt 92,1%.

Theo quy định tại Nghị định số 70/2015 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 85 của liên Bộ QP - YT - TC, về sử dụng kinh phí kết dư quỹ KCB BHYT quân nhân; năm 2018, BHXH BQP đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng BQP đề xuất, báo cáo Bộ thực hiện phân bổ kinh phí kết dư quỹ năm 2016, 2017 để mua sắm trang thiết bị y tế cho 35 cơ sở quân y tham gia KCB BHYT, nâng cao một bước chất lượng KCB, chủ động trong điều trị và ứng dụng kỹ thuật hiện đại của các cơ sở quân y. Đề xuất việc sử dụng kinh phí kết dư quỹ bảo đảm KCB cho quân nhân tại các bệnh xá quân y chưa đủ điều kiện ký hợp đồng KCB BHYT và kinh phí thuốc phục vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cao cấp trong quân đội. Đối với các đơn vị có tính đặc thù như Trường Sa-DK, các cơ quan đã tham mưu, đề xuất với Bộ ban hành cơ chế đặc thù bảo đảm KCB từ nguồn quỹ KCB BHYT (Quyết định số 4095/QĐ-BQP ngày 25/9/2017). Nhờ vậy, năng lực quân y các tuyến, nhất là cấp trung đoàn, sư đoàn đã từng bước được nâng lên, sẵn sàng đáp ứng các tình huống xảy ra.

PV: Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thực hiện chế độ, chính sách BHYT quân nhân, chắc chắn còn những khó khăn, vướng mắc, bất cập, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Văn Định: Năm 2018, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn quân đã thực hiện 100% BHYT quân nhân, sớm hơn hai năm so với kế hoạch. Vì vậy, không thể tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, bất cập và khuyết điểm trong tổ chức thực hiện, kể cả từ phía cơ quan chức năng, cơ sở quân y, đến đối tượng thụ hưởng là quân nhân, như: Việc cấp thẻ BHYT ở một số đơn vị còn chậm, sai lệch thông tin cá nhân, thiếu mã khu vực, còn khoảng trống không có thẻ BHYT trong thời gian cấp mới thẻ BHYT hoặc trường hợp quân nhân di chuyển đơn vị. Quân nhân đi KCB chưa đúng nơi đăng ký ban đầu hoặc chuyển tuyến điều trị không theo phân tuyến chuyên môn, thiếu thủ tục KCB đã tác động trực tiếp đến quyền lợi cá nhân. Về phía cơ sở KCB, một số cơ sở chưa nắm chắc phạm vi quyền lợi hưởng BHYT của quân nhân nên có tình trạng không đảm bảo đầy đủ quyền lợi hoặc thu thêm các khoản chi phí như đối với người tham gia BHYT khác hoặc không chuyển tuyến từ cơ sở dân y đến quân y. Một số cán bộ, nhân viên quân y chưa có Chứng chỉ hành nghề hoặc phạm vi hành nghề chưa phù hợp. Một số bệnh xá chưa bổ sung kịp thời Giấy phép hoạt động khi thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn cơ sở KCB. Một số cơ sở quân y chưa đủ điều kiện để ký hợp đồng KCB BHYT theo quy định. Cơ chế bảo đảm danh mục thuốc, vật tư y tế tuyến quân y đơn vị, y tế cơ quan từ kinh phí 10% còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu KCB của quân nhân tại đơn vị. Quy trình, thủ tục, hồ sơ đấu thầu mua sắm, mẫu biểu thống kê còn bất cập, nhất là đối với đơn vị có kinh phí và số lượng mua ít, chủ yếu là các đơn vị đóng quân phân tán, vùng sâu, vùng xa, biên giới...

PV: Để khắc phục những tồn tại nêu trên, BHXH BQP và các cơ quan chức năng sẽ thực hiện những giải pháp gì trong thời gian tới?

Đại tá Nguyễn Văn Định: Những vướng mắc, bất cập nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải thường xuyên cập nhật, nghiên cứu, với tinh thần trách nhiệm cao vì quân đội, vì bộ đội. Với tinh thần đó, năm 2018, các cơ quan chức năng BQP đã tích cực triển khai các biện pháp, như: Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ BHYT; định kỳ tổ chức hội nghị giao ban nghiệp vụ giữa BHXH BQP với Cục Quân y; tổ chức các đoàn kiểm tra, nắm tình hình triển khai, tổ chức thực hiện BHYT quân nhân ở một số đơn vị, bệnh viện, cơ sở KCB quân y, dân y; nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn thực hiện BHYT quân nhân...

Ngày 24/10/2018, BQP đã ban hành Công văn số 11914/BQP-HC hướng dẫn thực hiện BHYT quân nhân, đây là kết quả của sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của thủ trưởng BQP và trách nhiệm của các cơ quan chức năng, nhờ đó đã từng bước tháo gỡ được khó khăn vướng mắc, bất cập trong thực hiện BHYT quân nhân. Những vấn đề mang tính nguyên tắc được khẳng định rõ, như: Trong mọi tình huống, không được để xảy ra tình trạng chậm thời gian, giảm chất lượng công tác cấp cứu, điều trị cho quân nhân tại tất cả các cơ sở KCB trong và ngoài quân đội do vướng mắc về thủ tục hành chính BHYT. Phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT và thanh toán chi phí KCB BHYT cho quân nhân được áp dụng tại tất cả các cơ sở KCB trên phạm vi toàn quốc, bao gồm cả cơ sở KCB tư nhân theo quy định của pháp luật, không được để tình trạng quân nhân phải trả tiền khi KCB BHYT đúng nơi đăng ký ban đầu, đủ thủ tục hoặc chuyển tuyến đúng quy định…

Việc cấp, quản lý, sử dụng thẻ BHYT và đăng ký KCB BHYT ban đầu được cụ thể hóa theo văn bản quy phạm. Riêng đối với công tác quản lý thẻ BHYT quân nhân được quy định rất rõ trách nhiệm của từng cấp, từng bộ phận. Điểm mới là thẻ BHYT của người hưởng lương được giao cho chính họ quản lý, tạo thuận lợi cho việc cơ động trong sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, học tập, công tác của đối tượng này khi đi KCB. Riêng đối tượng hạ sỹ quan, binh sỹ, quân y đơn vị cấp tiểu đoàn và tương đương vẫn quản lý tập trung, để quản lý chặt chẽ quân số. Trường hợp quân nhân khi đi KCB mà chưa có thẻ vì một số lý do, như: sai lệch thông tin, đơn vị chưa kịp hoàn thiện hồ sơ, mất thẻ, chưa được cấp thẻ, chờ cấp lại, cấp đổi thẻ…, hoặc có vướng mắc phát sinh thì quân y đơn vị hoặc cơ sở KCB thông báo ngay cho cơ quan BHXH BQP để kịp thời cung cấp mã thẻ hoặc cấp thẻ BHYT cho quân nhân và hướng dẫn giải quyết vướng mắc. Các cơ sở KCB có trách nhiệm tiếp nhận KCB và bảo đảm mọi quyền lợi KCB BHYT cho quân nhân như đối với quân nhân đã được cấp thẻ BHYT.

Về quy định tuyến KCB BHYT, thế nào được xác định là đúng tuyến KCB BHYT? Nội dung này, trong hướng dẫn của Bộ Quốc phòng cũng đề cập rất rõ bằng những ví dụ cụ thể, như: Một đồng chí chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy (BCH) Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, đăng ký KCB BHYT ban đầu tại Bệnh viện huyện Tân Biên; đồng chí chiến sĩ này đi KCB tại bệnh viện tuyến huyện khác cùng tỉnh Tây Ninh hoặc các bệnh viện tuyến huyện trong phạm vi toàn quốc, chỉ cần xuất trình thẻ BHYT và một giấy tờ tùy thân có ảnh thì đồng chí này được xác định là KCB BHYT đúng tuyến... Trường hợp quân nhân hành quân dã ngoại không mang theo thẻ BHYT, phải có giấy giới thiệu của đơn vị quản lý và phải xuất trình thẻ BHYT chậm nhất trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi theo quy định.

Đối với việc sử dụng kinh phí 10% trích chuyển từ quỹ KCB BHYT của quân y cơ quan, đơn vị; vừa qua, BHXH BQP đã phối hợp với Cục Quân y và Cục Tài chính, tích cực nghiên cứu, đề xuất và đã thống nhất ban hành Hướng dẫn số 106/BHXH-YT ngày 01/3/2019 về quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí KCB BHYT tại quân y đơn vị, đã từng bước tháo gỡ những khó khăn, bất cập như đã nêu ở trên. Một số trường hợp cụ thể như đơn vị cấp trung đoàn và tương đương không đảm bảo được việc cung ứng thuốc, vật tư y tế thì kinh phí 10% do quân y đơn vị cấp trên trực tiếp hoặc cấp trực thuộc Bộ quản lý và bảo đảm bằng hiện vật và thanh toán chi phí thực hiện dịch vụ kỹ  thuật nếu có. Hay đối với kinh phí 10% của BCH quân sự tỉnh và BCH bộ đội biên phòng tỉnh không trích chuyển đến các đơn vị trực thuộc thì chủ nhiệm quân y (trợ lý quân y) trực tiếp quản lý, bảo đảm cho các đơn vị trực thuộc bằng hiện vật và thanh toán chi phí thực hiện dịch vụ kỹ thuật nếu có…

Quá trình triển khai thực hiện BHYT, các đơn vị cần đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, bảo đảm mọi đối tượng nắm rõ, nắm chắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và BQP về thực hiện BHYT quân nhân, thống nhất nhận thức trong tổ chức thực hiện. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan BHXH BQP, BHXH các địa phương, các cơ sở y tế KCB BHYT trong và ngoài đơn vị, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong KCB BHYT quân nhân tại các cơ sở y tế quân, dân y. Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức thực hiện chính sách BHYT. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại, tạo thuận lợi trong KCB và giải quyết các thủ tục thanh toán chi phí KCB BHYT, tạo niềm tin của quân nhân vào khả năng, trình độ của các cơ sở quân y.  Tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn liên quan. Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHYT; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đọng BHYT và các hành vi tiêu cực, gian lận để trục lợi chế độ BHYT, từng bước đưa hoạt động KCB BHYT quân nhân đi vào nền nếp ổn định, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bộ đội.¨

PV: Xin cảm ơn đồng chí !

Công Sinh (thực hiện)