Vì vậy, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, nhiều năm qua, Sư đoàn chú trọng phát triển tăng gia sản xuất (TGSX) nhằm chủ động nguồn thực phẩm ổn định, bảo đảm trong bữa ăn hằng ngày của bộ đội.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ngày càng cao do chất thải của gia súc, gia cầm trong chăn nuôi, hoạt động chế biến và việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trong trồng trọt không đúng quy định. Với quy mô chăn nuôi, trồng trọt và chế biến tại các đơn vị, ước tính, mỗi năm có hàng nghìn tấn phân gia súc, gia cầm và hàng chục nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý, thải ra môi trường. Do đó, nhiều loại mầm bệnh, ký sinh trùng, vi sinh vật có hại từ hoạt động TGSX, chế biến gây bệnh cho con người, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ bộ đội. Để khắc phục tình trạng trên, những năm gần đây, Sư đoàn thực hiện chuyển đổi phương pháp chăn nuôi, trồng trọt theo hướng sạch, an toàn, hiệu quả kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường.
|
|
Bộ đội Trung đoàn 174 chăm sóc rau xanh tại khu TGSX tập trung.Ảnh: CTV |
Thực hiện chủ trương trên, Phòng Hậu cần Sư đoàn chịu trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị quy hoạch khu TGSX tập trung quy mô lớn. Không tổ chức chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ như trước đây để thuận tiện trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất thực phẩm sạch, an toàn, hiệu quả, hạn chế ô nhiễm môi trường. Chuồng trại chăn nuôi bố trí cách nơi ở của bộ đội tối thiểu 500 m trở lên, xa nguồn nước sinh hoạt, khu dân cư. Các trạm chế biến được xây dựng cơ bản, đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, bố trí gần ao để tận dụng nguồn chất thải từ chế biến làm thức ăn cho cá.
Đối với trồng rau, trên cơ sở quy hoạch, các đơn vị tích cực đầu tư cải tạo đất vườn trồng rau xanh; phân chia thành lô, thửa, đường đi đổ bê-tông hoặc láng xi măng và quy định khu vực trồng từng loại rau cụ thể. Riêng vườn trồng rau ăn lá được xây dựng hệ thống rãnh, bể chứa nước tưới, giúp việc chăm sóc rau thuận lợi hơn và giảm bớt công sức lao động bộ đội. Về quy trình trồng rau xanh được thực hiện chặt chẽ ở tất cả các công đoạn. Ngay từ khâu chuẩn bị đất, bộ đội được hướng dẫn làm kỹ, bảo đảm đất tơi xốp, không còn cỏ dại. Trước khi gieo trồng, luống rau được rắc vôi bột rồi trộn đều, phun thuốc chống nấm, sau đó phơi ải từ 7 - 10 ngày để diệt sâu bọ, nấm bệnh, kiến. Sau mỗi lứa gieo trồng, vườn được bổ sung thêm đất mùn hoặc bùn ao đã phơi ải để tăng hàm lượng dinh dưỡng và độ tơi xốp. Nước tưới rau chủ yếu lấy từ giếng khoan đã qua xử lý, được dẫn theo đường ống đến từng ô, thửa. Phân bón trồng rau, chủ yếu dùng phân hữu cơ đã ủ hoai mục, tuyệt đối không dùng phân tươi. Tại các vườn rau, đơn vị xây hố ủ phân được thu gom từ các chuồng nuôi, bèo, rơm, rạ, phân xanh và rau thải bỏ. Quá trình chăm sóc rau, tuyệt đối không sử dụng chất kích thích, thuốc diệt cỏ, nếu có sâu bọ phá hại, chủ yếu diệt bằng phương pháp thủ công. Trong những thời điểm sâu bọ phát triển mạnh, các đơn vị dùng hỗn hợp rượu, tỏi, ớt… phun lên cây trồng để diệt sâu, bọ hiệu quả, không ảnh hưởng tới chất lượng rau. Bên cạnh đó, Sư đoàn lập kế hoạch chỉ đạo gieo trồng cụ thể, khoa học, trong đó xác định rõ tỷ lệ, cơ cấu, thời gian gieo trồng; đẩy mạnh thâm canh, xen canh, gối vụ. Tổ chức trồng nhiều chuối, đu đủ, củ mỡ, bí xanh… đưa vào dự trữ, sử dụng thay rau xanh thời kỳ giáp vụ.
Đối với việc nuôi thả cá, trên cơ sở diện tích ao hiện có, các đơn vị trong Sư đoàn mở rộng diện tích, xóa bỏ ao tạm, tổ chức nạo vét, xây kè bờ chắc chắn để dự trữ nguồn nước nuôi thả cá quanh năm. Cùng với đó, các đơn vị áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để nuôi thả cá đạt năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn so với phương pháp truyền thống. Nhờ đó, khắc phục được tình trạng nuôi thả cá tự phát, chưa đầu tư thỏa đáng về vốn, giống, thức ăn, hiệu quả thấp.
Cùng với trồng rau xanh và nuôi thả cá, Sư đoàn đặc biệt chú trọng phát triển chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Đồng thời, áp dụng nhiều biện pháp xử lý kỹ thuật, nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường do chất thải chăn nuôi. Trên cơ sở hệ thống chuồng chăn nuôi được đầu tư xây dựng cơ bản, các đơn vị áp dụng quy trình chăn nuôi mới phù hợp với từng loại lợn theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển. 100% chuồng nuôi lợn tập trung của Sư đoàn, trung đoàn và các tiểu đoàn đều bể để xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi. Khu chuồng chăn nuôi đều có bể chứa 3 ngăn, vừa giảm khí thải methane và tạo nguồn phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt. Bên cạnh đó, các đơn vị tích cực xử lý môi trường bằng chế phẩm EM; hằng tuần, tổ chức phun, tưới chế phẩm EM vào chất thải, nền chuồng nuôi để diệt vi khuẩn có hại gây bệnh và giảm mùi hôi thối. Các đơn vị tổ chức bộ đội tận dụng triệt để phụ phẩm sản xuất nông nghiệp (thân cây ngô, rơm, rạ...), băm nhỏ làm đệm lót nền chuồng, kết hợp với chế phẩm sinh học EM tạo ra lượng vi sinh vật hữu ích ức chế và tiêu diệt vi sinh vật có hại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sau mỗi lứa thu hoạch, các đơn vị đều tiến hành thu dọn toàn bộ đệm lót sinh học, chất thải tại chuồng nuôi đưa vào ủ trong bể chứa, vừa để tiêu diệt mầm bệnh nguy hiểm đến người, vật nuôi, vừa cung cấp lượng lớn phân bón hữa cơ phục vụ trồng trọt...
Nhờ được đầu tư chiều sâu, lấy mô hình V-A-C-G làm trọng tâm, phong trào TGSX của Sư đoàn những năm gần đây phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, khắc phục đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường. Đến nay, khu TGSX tập trung của Sư đoàn luôn duy trì nuôi từ 150-200 lợn thịt, 3.000-4.000 con gia cầm, 60-80 con trâu, bò… bảo đảm thực phẩm cho khối Sư đoàn bộ và điều phối cho các đơn vị. Khu TGSX cấp trung đoàn chủ yếu trồng các loại rau, củ, quả có thời gian thu hoạch dài ngày; nuôi từ 120 -150 con lợn thịt, 20 - 30 con lợn nái, 4.000 - 5.000 gia cầm đẻ và lấy thịt. Đối với đơn vị cấp tiểu đoàn trồng các loại rau có thời gian sinh trưởng ngắn, chăn nuôi từ 100 -130 con lợn thịt, 8 - 10 con lợn nái, phục vụ nhu cầu thường xuyên của đơn vị… Hầu hết các đơn vị trong Sư đoàn đã tự túc được 100% định lượng rau xanh, thịt lợn, cá; 90 - 95% định lượng thịt gia cầm; 30 - 35% định lượng trứng... Sản phẩm TGSX đưa vào bữa ăn bộ đội có giá thấp hơn ngoài thị trường cùng thời điểm từ 5% - 15%. Ngay cả trong thời điểm giáp vụ, Sư đoàn vẫn luôn có đủ lượng dự trữ thực phẩm bảo đảm phục vụ nhu cầu ăn uống hằng ngày của bộ đội. Chất lượng bữa ăn bộ đội luôn được giữ vững, các bữa ăn chính duy trì 4 - 5 món, trong đó có 2 - 3 món giàu đạm (thịt, cá, trứng); bữa sáng có thức ăn giàu chất đạm và canh. Định lượng ăn của các đối tượng luôn đạt và vượt tiêu chuẩn quy định...
Có thể nói, với các biện pháp tích cực, đồng bộ, công tác TGSX của Sư đoàn 316 đã và đang hướng tới sản xuất sản phẩm sạch, an toàn, hiệu quả kinh tế, đảm bảo vệ sinh môi trường. Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được, hiện nay, Sư đoàn đang tích cực triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào TGSX. Trọng tâm là đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi lợn thịt, lợn nái sinh sản theo mô hình khép kín (con giống, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm…), an toàn sinh học; tổ chức trồng rau cao cấp, củ quả, rau trái vụ. Đồng thời, tích cực mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, cây bóng mát, tạo môi trường sinh thái lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.
Thượng tá NGUYỄN QUANG TRIỆU, Bộ Tham mưu, TCHC