Xác định đẩy mạnh TGSX là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng bữa ăn bộ đội, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh QCHQ luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị triển khai nhiều mô hình TGSX phù hợp, gắn với hoạt động của trạm chế biến tập trung, nhằm đa dạng sản phẩm, chất lượng tốt cung cấp trong bữa ăn bộ đội. 5 năm gần đây, toàn Quân chủng thực hiện đổi mới toàn diện công tác TGSX, phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn sinh học. Trong đó, tập trung xây dựng mô hình TGSX tập trung cấp trung đoàn, lữ đoàn, đảo, tiểu đoàn, đài trạm độc lập theo hướng cơ bản, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới. Từng bước loại bỏ các mô hình manh mún quanh nhà, quanh bếp, bảo đảm vệ sinh môi trường, thực hiện chính quy trong TGSX.
Trên cơ sở phát huy triệt để khả năng, thế mạnh tại chỗ, các đơn vị tổ chức quy hoạch, đầu tư cải tạo, xây mới, đồng bộ hệ thống giàn, vườn, chuồng, trạm chế biến theo lộ trình, đảm bảo vững chắc. Các vườn tăng gia đều được phân lô, thửa, có đường đi nội bộ và quy định cụ thể khu vực trồng từng loại rau chuyên canh. Nhiều vườn được trang bị hệ thống giàn tưới nước tự động, giúp việc chăm sóc rau thuận lợi hơn và giảm bớt sức lao động bộ đội. Nhằm nâng cao hiệu quả, các đơn vị đều xây dựng kế hoạch chỉ đạo gieo trồng theo mùa vụ, trong đó, xác định rõ tỷ lệ, cơ cấu, thời gian gieo trồng; chú trọng phát triển các loại rau cao cấp, kết hợp đẩy mạnh thâm canh, xen canh, gối vụ. Đối với chăn nuôi, Quân chủng tập trung kinh phí xây dựng, củng cố chuồng trại phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm theo quy mô tập trung cấp trung đoàn, lữ đoàn. Bên cạnh đó, tùy điều kiện đất đai, khí hậu, nhiều đơn vị còn tổ chức nuôi thêm trâu, bò, dê, chim bồ câu, cá...; chú trọng đẩy mạnh tự túc con giống và áp dụng khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi... Sản phẩm TGSX được cơ quan quân nhu cấp trung đoàn, lữ đoàn điều tiết giữa các bếp ăn, đảm bảo thống nhất về giá cả và không để xảy ra tình trạng dư thừa cục bộ. Đặc biệt, các đơn vị đều có quy chế quản lý, sử dụng sản phẩm TGSX chặt chẽ, minh bạch; bảo đảm mọi sản phẩm TGSX được đưa vào phục vụ bữa ăn bộ đội với giá thấp hơn thị trường cùng thời điểm từ 7-25% (tùy loại).
Cùng với phát triển trồng trọt, chăn nuôi, các đơn vị trong Quân chủng phát huy hiệu quả hoạt động trạm chế biến tập trung trên cơ sở xây dựng quy chế hoạt động đảm bảo hài hòa 3 lợi ích (người trực tiếp lao động, đơn vị và bộ đội); đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành của cơ quan quân nhu cùng cấp. Nhiệm vụ của các trạm chế biến là giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến giò, chả, đậu phụ, nước mắm, ủ giá đỗ, làm bánh mì… Các bếp ăn tổ chức muối chua rau, củ, quả, làm dấm tỏi ớt, muối lạc vừng... để đưa vào bữa ăn hằng ngày của bộ đội. Các loại sổ sách kế toán được mở theo quy định, thực hiện hạch toán độc lập nhằm quản lý chặt chẽ giá sản phẩm đầu vào và đầu ra. Tính riêng năm 2020, các trạm chế biến tập trung của Quân chủng đã tổ chức cung cấp 644,9 tấn thịt gia súc, gia cầm; 190 tấn đậu phụ; 72,7 tấn giá đỗ; 30,4 tấn giò chả; 66.200 lít nước mắm… với giá thấp hơn giá thị trường từ 5-20% (tùy từng loại). Tiêu biểu là: Trạm chế biến Lữ đoàn 189, Lữ đoàn 680, Lữ đoàn 101.
Cùng với các đơn vị trên bờ, hoạt động TGSX trên các đảo, nhà giàn thuộc Quần đảo Trường Sa có bước phát triển ổn định. Ngoài nguồn kinh phí đầu tư của trên, các đơn vị đóng quân trên đảo được các tổ chức, cá nhân trong cả nước hỗ trợ kinh phí xây dựng 10 vườn rau composite, 22 vườn rau trong nhà kính, nhà lưới; cung cấp hàng trăm tấn phân hữu cơ và cây giống; tiếp nhận 24.100 con gia cầm giống chịu mặn của Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên để nuôi thử nghiệm trên đảo và một số đơn vị. Quân chủng còn phối hợp với Viện Hóa học-Vật liệu thử nghiệm sử dụng giá thể và phân hữu cơ vi sinh chịu mặn trồng rau, cây xanh; triển khai đề tài chọn, tạo giống rau muống chịu hạn, chịu mặn để bảo đảm nguồn rau xanh cho bộ đội trên Quần đảo Trường Sa đạt hiệu quả tốt...
Bằng những biện pháp đồng bộ và quyết liệt, công tác TGSX gắn với hoạt động chế biến tập trung ở QCHQ luôn đạt, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra và kết quả năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, từ năm 2015 - 2020, rau xanh tăng từ 2.983 tấn lên 3.121 tấn/năm; thịt quy xô lọc tăng từ 625 tấn - 645 tấn/năm; cá tươi từ 323 tấn lên 341 tấn/năm; lãi tăng từ 34,098 tỷ đồng lên 40,93 tỷ đồng/năm, bình quân tăng từ 1,227 triệu đồng lên 1,45 triệu đồng/người/năm. Tính riêng năm 2020, thu hoạch rau, củ, quả đạt 100,6% kế hoạch; thịt xô lọc đạt 99,4%; cá đạt 100,8%; tổng thu lãi đạt bình quân 1.451.450 đồng/người, tăng 3,5% so với năm 2019. Đến nay, toàn Quân chủng đã tự túc 90,2% định lượng rau xanh; 44,4% định lượng thịt lợn; 35,4% định lượng cá tươi; các định lượng thực phẩm còn lại cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Những mô hình chăn nuôi tiêu biểu là: Mô hình chăn nuôi lợn của Lữ đoàn 126; nuôi gà đẻ trứng của Phòng Hậu cần Bộ Tư lệnh Vùng 4; nuôi cá nước ngọt của Lữ đoàn 170. Về trồng trọt, tiêu biểu là Lữ đoàn 101, Lữ đoàn 957 (Vùng 4); Lữ đoàn 147 (Vùng 1); các đảo: An Bang, Sơn Ca, Thuyền Chài, Đá Lớn...
Những năm tới, trước yêu cầu ngày càng cao về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, để đáp ứng nhu cầu ăn uống của bộ đội, toàn Quân chủng tiếp tục phát huy nội lực, khai thác tiềm năng thế mạnh tại chỗ đẩy mạnh TGSX. Trong đó, các đơn vị được đầu tư cơ sở hạ tầng, có đủ diện tích đất phải bảo đảm 100% định lượng rau xanh, thịt xô lọc; 51% định lượng thịt nạc, 55% thịt gia cầm; 45% định lượng cá. Những đơn vị diện tích đất đai chật hẹp tích cực gieo trồng xen canh, gối vụ..., tiến tới tự túc đủ định lượng thực phẩm trong bữa ăn bộ đội. Chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, giảm công sức bộ đội, đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức chăm sóc đàn gia súc, gia cầm hiện có, chủ động kế hoạch bổ sung kịp thời đầu gia súc, gia cầm phù hợp với khả năng, nhu cầu sử dụng của từng đơn vị. Tổ chức chăn nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt hướng nạc, gia cầm tập trung, nuôi cá thâm canh theo hướng an toàn sinh học, tuân thủ quy trình kỹ thuật.
Duy trì hiệu quả hoạt động của các trạm chế biến tập trung trên cơ sở quản lý chặt chẽ, hạch toán đầy đủ, rõ ràng, xác định đúng giá sản phẩm TGSX, chế biến đưa vào bữa ăn hợp lý, hướng vào việc cải thiện nâng cao chất lượng bữa ăn bộ đội. Tập trung chế biến các sản phẩm truyền thống, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Các đơn vị có thể khai thác thêm nguồn lợn hơi bên ngoài để giết mổ nhưng phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, tránh lây lan dịch bệnh.
Đối với lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo, nhà giàn, thực hiện đúng chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan cấp trên; phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng, vật chất được đầu tư, hỗ trợ để phát triển TGSX. Chú trọng tăng đàn lợn, vịt chịu mặn; tích cực trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm để tự túc cơ bản thực phẩm tươi sống. Bên cạnh đó, Quân chủng sẽ đầu tư xây dựng khu TGSX, chế biến tập trung cho Vùng 4, Vùng 2 có quy mô hợp lý nhằm cung cấp phần lớn nhu cầu thực phẩm tươi sống cho Quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1; xây dựng 03 khu TGSX tập trung cấp vùng cho Vùng 2, 3, 4 bảo đảm cho tàu xuất phát nhanh và tạo vùng đệm cho đảo, nhà giàn...
Phát huy kết quả đạt được trong những năm qua, năm 2021 và những năm tiếp theo, QCHQ sẽ tập trung lãnh đạo chỉ đạo, tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ TGSX, chế biến, góp phần giữ vững, cải thiện và nâng cao chất lượng bữa ăn hằng ngày của bộ đội.
Thượng tá TRẦN XUÂN ĐỘ, Phó trưởng phòng Quân nhu QCHQ