Theo tình huống giả định, quân đội Mỹ được lệnh tham gia vào các hoạt động tác chiến ở hai chiến trường cách xa nhau (tại Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ). Điều lệnh Tác chiến của quân đội Mỹ quy định tại hai chiến trường trên, lực lượng TTG được biên chế thành các tiểu đoàn thiết giáp hỗn hợp, quân số từ 400 đến 500 người. Việc xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm nhiên liệu cho các đơn vị này do Cục Hậu cần (DLA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ điều hành.
Đây là cơ quan chịu trách nhiệm mua sắm và bảo đảm vật chất hậu cần (trong đó có nhiên liệu, khí tài xăng dầu), dịch vụ cần thiết cho các lực lượng của quân đội Mỹ. Trường hợp DLA tổ chức bảo đảm xăng dầu (BĐXD) cho các đơn vị TTG trên chiến trường thông qua Cục Hậu cần Bộ tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu và châu Phi. Tại các bộ tư lệnh chiến trường khác của quân đội Mỹ đều có các cục hậu cần thực hiện chức năng tương tự.
Để bảo đảm kịp thời, đầy đủ nhu cầu nhiên liệu cho lực lượng TTG, Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Lục quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi (JP 4-03), lập dự trù nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu (số lượng, chủng loại, địa điểm, thời gian…) bảo đảm cho chiến trường trong từng thời điểm hoặc giai đoạn cụ thể. Sau đó, trình Cục Hậu cần của Bộ Tư lệnh Quân đội Mỹ ở châu Âu (JPL) phê duyệt dự toán nhu cầu cung cấp nhiên liệu và vận chuyển. Cơ quan này chịu trách nhiệm mua sắm, dự trữ, bảo quản và bảo đảm cho các đơn vị đầu mối thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. DLA có thể đặt mua, dự trữ xăng dầu ngay tại quốc gia có các lực lượng quân đội Mỹ đang đóng quân hoặc tham gia hoạt động quân sự để đảm bảo tối ưu. Trong các chiến dịch quân sự của Mỹ tại I-rắc, DLA đặt mua xăng dầu phục vụ cho toàn bộ lực lượng quân đội Mỹ từ Cô-oét.
|
|
Xe chiến đấu Stryker. Ảnh: Army.mil |
Trong trường hợp tại quốc gia hoặc khu vực lực lượng quân đội Mỹ đang hoạt động không có cơ sở hạ tầng cung cấp nhiên liệu (nhà máy lọc dầu, hệ thống đường ống dẫn dầu…), DLA phối hợp với các công ty, tập đoàn, đơn vị liên quan để tổ chức tạo nguồn bảo đảm, phương pháp vận chuyển chủ yếu bằng đường biển. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển bằng đường biển khá cao, tốn thời gian, các đơn vị TTG có thể phải chờ hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới được BĐXD. Trường hợp này, toàn bộ hoạt động vận chuyển, BĐXD cho lực lượng TTG do Bộ Tư lệnh vận chuyển đường biển của quân đội Mỹ đảm nhiệm.
Khi tàu chở hàng đến địa điểm bàn giao, xăng dầu trên tàu được chuyển vào hệ thống phân phối xăng dầu trên bờ (OPDS). Hệ thống này gồm các kho dự trữ xăng dầu của Mỹ hoặc đồng minh có sẵn tại cảng biển hoặc được trung chuyển bằng tàu chở dầu loại nhỏ và đường ống dẫn dầu đến kho dự trữ trên đất liền. Hệ thống đường ống dẫn xăng dầu từ các tàu đến nơi tiếp nhận có thể dài tới 30km. Ngay khi xăng dầu được chuyển vào hệ thống OPDS, Cục Hậu cần của Lục quân Mỹ chịu trách nhiệm vận chuyển và phân phối đến các đầu mối đơn vị trực thuộc tiếp nhận. Trường hợp chiến sự xảy ra ở châu Âu, quân đội Mỹ sử dụng hệ thống kho dự trữ, bảo quản, phương tiện xăng dầu được xây dựng từ thời kỳ chiến tranh lạnh vận chuyển số lượng lớn cho các lực lượng NATO. Hệ thống vận chuyển xăng dầu này gồm hơn 12.000 km đường ống dẫn dầu, hệ thống kho chứa với trữ lượng trên 5,5 triệu mét khối xăng dầu và 1,4 triệu mét khối dầu được bố trí trên khắp các nước thuộc khối NATO. Trường hợp hệ thống BĐXD trên chưa đáp ứng yêu cầu chiến trường, Lục quân Mỹ lắp đặt bổ sung hệ thống BĐXD riêng để đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho các phương tiện, trang bị trên chiến trường. Hệ thống vận chuyển và kho chứa tạm thời có thể kết nối với hệ thống đường sắt để bảo đảm cho vùng sâu, vùng xa trong lục địa. Nếu hệ thống đường sắt không bảo đảm được cho các đơn vị nhỏ lẻ, Lục quân Mỹ sẽ sử dụng ô tô chở xăng dầu chuyên dụng.
Trường hợp vận chuyển xăng dầu cho đơn vị TTG đang tham chiến tại khu vực mà việc thiết lập đường ống xăng dầu, vận chuyển bằng đường sắt hoặc đường bộ gặp khó khăn, Cục Hậu cần của Lục quân Mỹ đề nghị lực lượng không quân hỗ trợ vận chuyển. Quân đội Mỹ có thể thiết lập các sân bay dã chiến để máy bay vận tải hạng nặng có thể cất và hạ cánh cung cấp xăng dầu cho đơn vị TTG. Đối với các chiến dịch quân sự, lực lượng TTG phải tiếp cận bằng đổ bộ đường không, khi chưa kịp xây dựng sân bay dã chiến, lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ sử dụng máy bay trực thăng hạng nặng chở xăng dầu từ tàu biển hoặc kho để bảo đảm cho lực lượng TTG trên chiến trường. Theo phương pháp này, mỗi máy bay trực thăng CH-53 (đã được hoán cải hệ thống chứa xăng dầu) có thể chở được gần 11.000 lít dầu, tương đương với một chiếc xe chở dầu chuyên dụng M978 Hemmt PoL Lục quân Mỹ đang sử dụng.
Để BĐXD cho cấp chiến thuật, DLA chỉ đạo và điều hành thông qua các Cục Hậu cần chiến trường (TSC). Quân đội Mỹ hiện có 3 Cục Hậu cần chiến trường cho Lục quân, gồm: TSC một đảm trách khu vực Trung Đông, TSC 08 đảm trách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, TSC 21 đảm trách khu vực châu Âu và châu Phi. Các Cục Hậu cần này bảo đảm cho đơn vị thuộc lực lượng Lục quân theo khu vực của từng bộ tư lệnh chiến trường, từ cấp sư đoàn trở xuống. Trong trường hợp xảy ra chiến sự ở khu vực châu Âu, Cục Hậu cần Lục quân (TSC 21) sẽ triển khai thực hiện bảo đảm thông qua 2 phòng hậu cần viễn chinh thuộc quyền của Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, Phòng Hậu cần Lục quân viễn chinh số 13 (ESC 13) chịu trách nhiệm BĐXD cho các đơn vị TTG đang hoạt động trên chiến trường Ba Lan; Phòng Hậu cần Lục quân viễn chinh số 3 (ESC 03) BĐXD cho các đơn vị TTG đang hoạt động trên chiến trường Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ giữa TSC 21 với ESC 13 và ESC 03 là quan hệ theo hệ thống chỉ huy trực tiếp (cấp trên, cấp dưới). Quan hệ giữa ESC 13 và ESC 03 với các đơn vị lục quân như Quân đoàn 3 ở Ba Lan và Quân đoàn Không vận 18 ở Thổ Nhĩ Kỳ là quan hệ giữa cơ quan, đơn vị bảo đảm với đơn vị chiến đấu. Mỗi phòng hậu cần lục quân chịu trách nhiệm BĐXD cho cơ quan, đơn vị trong khu vực đảm trách.
Theo tình huống giả định trên, khu vực đảm trách của ESC 13 là các cơ quan, đơn vị thuộc Lục quân Mỹ tại Ba Lan. Để BĐXD cho các đơn vị, ESC 13 thành lập các ban, đội và nhóm bảo đảm theo cấp lữ đoàn hoặc sư đoàn cho tới các tiểu đoàn và đại đội chiến đấu, trong đó gồm các đơn vị cơ động cấp cụm chiến đấu liên hợp. Trường hợp BĐXD cấp tiểu đoàn, ban hậu cần cấp tiểu đoàn tổ chức thành các đội bảo đảm trực thuộc. Mỗi ban hậu cần có thể đảm nhiệm duy trì vận hành và đảm bảo an toàn cho tuyến đường ống xăng dầu dài khoảng 600km. Tổ chức ban hậu cần cấp tiểu đoàn, gồm: Đội chỉ huy thuộc ban hậu cần cấp tiểu đoàn, các đội cấp phát, vận chuyển (gồm các đội xe chở xăng dầu chuyên dụng cỡ trung bình), các đội vận hành và bảo trì, bảo vệ đường ống dẫn xăng dầu. Trong đó, mỗi đội cấp phát có khả năng bảo đảm cho một trạm cấp phát xăng dầu với trữ lượng 1,8 triệu gallon (1 gallon = 3,78 lít). Mỗi xe chở xăng dầu chuyên dụng cỡ trung bình có thể chở từ 300 đến 450 gallon. Mỗi đội vận hành, bảo trì và bảo vệ đường ống xăng dầu đảm nhiệm vận hành khoảng 120km đường ống xăng dầu, 21 triệu gallon xăng dầu dự trữ và 10 triệu gallon xăng dầu dự trữ cơ động trên các xe chuyên dụng. Nếu điều kiện an ninh trên chiến trường cho phép, lực lượng này có thể triển khai đường ống xăng dầu hay xây dựng các kho xăng dầu trước khi triển khai lực lượng chiến đấu. Trong chiến tranh tại I-rắc năm 2003, khi các lực lượng chiến đấu, đơn vị TTG của Quân đội Mỹ và đồng minh triển khai tại khu vực chuẩn bị tham chiến thì các đơn vị BĐXD triển khai trước đó 5 tháng, kịp thời BĐXD cho các lực lượng.
Trường hợp phải bảo đảm số lượng lớn xăng dầu cho nhiều đơn vị cùng một lúc, quân đội Mỹ thiết lập các điểm cấp phát xăng dầu theo hệ thống (FSSP). Tại mỗi điểm, xăng dầu từ các bể chứa, xe chuyên dụng cơ động hoặc trực tiếp từ đường ống xăng dầu phân chia nhiều cổng, mỗi cổng được dẫn tới nhiều ống dẫn, thiết bị tra nạp trực tiếp cho xe tăng, thiết giáp, xe vận tải cùng lúc. Ngoài ra, ban hậu cần cấp sư đoàn có thể tổ chức thêm các điểm hỗ trợ cấp phát cấp tiểu đoàn. Mỗi điểm hỗ trợ cấp phát xăng dầu cấp tiểu đoàn có các trạm hỗ trợ cấp phát xăng dầu cấp trung đội, mỗi trạm cấp trung đội có thể cấp phát được 540.000 gallon/ngày.
Điều kiện bình thường, để cấp phát xăng dầu cho 03 cụm tác chiến cấp lữ đoàn TTG, ban hậu cần cấp sư đoàn tổ chức lực lượng, phương tiện thành 3 đội cấp phát xăng dầu. Trong đó, có 2 đội chịu trách nhiệm cấp phát 120.000 gallon xăng dầu chứa trong 6 bồn và một đội chịu trách nhiệm cấp phát 300.000 gallon chứa trong 6 bồn. Ngoài ra, ban hậu cần cấp sư đoàn có khả năng cung cấp 125.000 gallon/ngày cho các xe TTG đang hoạt động trong phạm vi đảm trách bằng việc sử dụng các đội xe rơ-moóc chuyên dụng chở xăng dầu. Những đội xe chở xăng dầu chuyên dụng có thể cơ động cùng các đơn vị TTG, giúp hoạt động cấp phát xăng dầu linh hoạt hơn, không cần phải xây dựng kho trạm, đường ống phức tạp.
Đối với các đội BĐXD cho các đơn vị đang hoạt động trên một khu vực rộng, các lữ đoàn hay cụm lữ đoàn tác chiến TTG thường cấp phát lượng xăng dầu lớn hơn, do mỗi đội BĐXD này đều có 2 trạm có thể cấp phát khoảng 840.000 gallon và một trạm cấp phát khoảng 120.000 gallon. Trong đó, 2 trạm cấp phát chính sẽ có 4 bồn chứa 210.000 gallon/trạm và một trạm cấp phát phụ có 6 bồn chứa (20.000 gallon/bồn).
Đối với các cụm tác chiến cấp lữ đoàn của Lục quân Mỹ, mỗi cụm có một tiểu đoàn BĐXD cho cụm tác chiến cấp lữ đoàn. Mỗi tiểu đoàn BĐXD có các đại đội cấp phát, bảo dưỡng kỹ thuật, quân y. Trong các đại đội cấp phát có trung đội cấp phát nước sạch và nhiên liệu. Số lượng xe chở nước và xăng dầu chuyên dụng của các trung đội phụ thuộc vào chủng loại xe TTG mà cụm tác chiến cấp lữ đoàn đó được biên chế. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ, mức tiêu hao nhiên liệu cao nhất của các trang bị thuộc các cụm tác chiến lữ đoàn TTG hạng nặng của Lục quân Mỹ là 100.400 gallon/ngày và mức tiêu hao nhiên liệu trung bình 65.000 gallon/ngày. Trong khi đó, một cụm lữ đoàn xe thiết giáp Stryker của Lục quân Mỹ tiêu thụ cao nhất là 39.200 gallon/ngày, mức tiêu thụ trung bình của đơn vị này là 30.000 gallon/ngày. Cụm tác chiến lữ đoàn bộ binh, mức tiêu thụ nhiên liệu cao nhất là 25.800 gallon/ngày, mức tiêu thụ trung bình là 21.400 gallon/ngày; cụm tác chiến đường không hạng nặng cấp lữ đoàn tiêu thụ nhiên liệu cao nhất là 142.600 gallon/ngày, mức tiêu thụ trung bình là 102.400 gallon/ngày.
Về phương tiện chuyên dụng, các cụm tác chiến TTG cấp lữ đoàn trong Lục quân Mỹ chủ yếu sử dụng loại xe chở xăng dầu chuyên dụng M978 Hemtt Pol kéo theo rơ-moóc. Theo biên chế của quân đội Mỹ, mỗi đội cấp phát xăng dầu cấp lữ đoàn có 18 xe M978 Hemtt Pol, đội cấp phát xăng dầu cấp tiểu đoàn thuộc lữ đoàn có 30 xe M978 Hemtt Pol. Mỗi đội cấp phát xăng dầu cấp lữ đoàn xe thiết giáp Stryker có 10 xe M978 Hemtt Pol cùng rơ-moóc; đội cấp phát xăng dầu cấp tiểu đoàn thuộc lữ đoàn xe thiết giáp Stryker có 12 xe M978 Hemtt Pol; đội cấp phát xăng dầu và nước sạch cho lữ đoàn bộ binh có 5 xe M987 Hemtt Pol; đội cấp phát xăng dầu và nước sạch cho tiểu đoàn bộ binh sẽ có 3 xe M987 Hemtt Pol.
Với cách tổ chức tạo nguồn và BĐXD hiện nay, quân đội Mỹ có thể chủ động bảo đảm đủ nhu cầu xăng dầu cho các lực lượng TTG tác chiến trên các chiến trường.
Đại tá BẠCH THÀNH PHƯƠNG, Viện Chiến lược Quốc phòng (lược dịch Tạp chí “Học viện Lục quân Mỹ”, 2-2023)