Thời gian qua, công tác khoa học hậu cần (KHHC) trong Tổng cục nói riêng và Ngành Hậu cần nói chung có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần (CTHC) phục vụ toàn quân thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), thường xuyên và đột xuất. Trong đó, Phòng Khoa học quân sự đã đề xuất tập trung nghiên cứu phát triển lý luận bảo đảm hậu cần (BĐHC) cho các loại hình tác chiến mới, nổi bật là tham mưu giúp lãnh đạo, chỉ huy TCHC báo cáo BQP triển khai nghiên cứu thành công các đề tài BĐHC cho các loại hình chiến dịch, tác chiến biển, đảo… qua đó cung cấp những luận cứ khoa học để Đảng, Nhà nước, QUTW, BQP và các cơ quan, đơn vị liên quan hoạch định chiến lược về chuẩn bị đất nước, chuẩn bị hậu cần, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trong lĩnh vực hậu cần; xây dựng chuẩn bị tiềm lực và thế trận hậu cần sẵn sàng bảo đảm cho chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng thành công vào thực tiễn, tạo bước đột phá nâng cao chất lượng CTHC. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác chỉ huy và quản lý hậu cần được các cấp quan tâm đầu tư.

Bằng nhiều nguồn lực, các cơ quan, đơn vị đã mua sắm, trang bị hệ thống CNTT, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả CTHC; xây dựng được mạng kết nối nội bộ, các phần mềm chuyên ngành áp dụng vào lĩnh vực quản lý, chỉ đạo công tác chuyên môn, đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới (công nghệ số hóa) ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... mang lại hiệu quả thiết thực trong điều hành, chỉ đạo, quản lý CTHC toàn quân. Các chuyên ngành Hậu cần đã bám sát thực tế, tích cực đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN, kỹ thuật vào công tác BĐHC Quân đội. Nổi bật là, ngành Quân nhu, Quân y đã đề xuất nghiên cứu thành công nhiều chương trình, đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ có giá trị ứng dụng vào thực tiễn phục vụ bộ đội. Bên cạnh đó, phong trào “Thanh niên Quân đội tiến quân vào khoa học và công nghệ” của tuổi trẻ Tổng cục cũng có bước phát triển mạnh mẽ, thu được nhiều thành công. Nhiều đề tài, sáng kiến được triển khai ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện, SSCĐ, BĐHC, giảm chi phí, tăng năng suất lao động... 5 năm qua, Tổng cục đã triển khai nghiên cứu, nghiệm thu đúng tiến độ 01 Đề án KH&CN cấp Bộ, 01 nhiệm vụ sản xuất loạt “0”, 22 đề tài cấp Bộ, hơn 200 đề tài cấp cơ sở.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ nghiên cứu KH&CN của Tổng cục và ngành Hậu cần còn thiếu về số lượng, trình độ, năng lực; nhiều mặt chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu của nhiệm vụ. Cơ sở vật chất, môi trường, điều kiện làm việc bảo đảm cho hoạt động nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa đồng bộ; tình trạng khép kín, cục bộ, thiếu liên kết trong nghiên cứu, ứng dụng chưa được khắc phục triệt để. Kinh phí đầu tư cho các đề tài, nhiệm vụ, nhất là nhóm KH&CN vẫn còn eo hẹp. Việc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn hoạt động BĐHC của các chuyên ngành còn chậm. Tiềm lực KH&CN hậu cần tuy đã được tăng cường một bước song chưa đảm bảo tính đồng bộ, vững chắc, lâu dài; trang thiết bị hậu cần còn lạc hậu, chậm đổi mới...

leftcenterrightdel

Hội đồng khoa học BQP nghiệm thu kết quả nghiên cứu đề tài “Phát triển lý luận BĐHC tác chiến phòng thủ chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc” đạt Xuất sắc (năm 2019). Ảnh: Lương Thảo

Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là xây dựng tổ chức, biên chế Quân đội theo hướng “tinh - gọn - mạnh”; yêu cầu, nhiệm vụ BĐHC cho Quân đội ngày càng cao; đặc biệt nhiều lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, vũ khí, khí tài, phương tiện tiếp tục được trang bị mới. Cùng với đó là những thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, đòi hỏi công tác KH&CN quân sự nói chung, ngành Hậu cần nói riêng phải đổi mới, đi trước một bước. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong ngành Hậu cần thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Trước hết, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy các cấp đối với hoạt động KH&CN nói chung, ngành Hậu cần nói riêng. Đây là nguyên tắc và cũng là giải pháp quan trọng hàng đầu, quyết định việc thúc đẩy hoạt động KH&CN ngành Hậu cần đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 623-NQ/QUTW ngày 29/10/2012 của QUTW về “CTHC Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” trong tình hình mới theo Kết luận 86-KL/QUTW của QUTW và Nghị quyết số 791-NQ/QUTW của QUTW về “Lãnh đạo công tác KH&CN và môi trường trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng vị trí, vai trò động lực then chốt của KH&CN; từ đó, đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hoạt động KH&CN.

Hai là, cụ thể hóa đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng, QUTW và của Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN hậu cần quân sự, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Ngành; gắn công tác KH&CN hậu cần với các mặt công tác khác; chú trọng nâng cao chất lượng các đề tài, hướng trọng tâm vào phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, giữ vững ổn định và nâng cao đời sống bộ đội. Tập trung nguồn lực nghiên cứu phát triển lý luận cơ bản và chuyên sâu về khoa học hậu cần quân sự, làm luận cứ cho việc hoạch định và thực hiện các vấn đề chiến lược về hậu cần, cũng như tổ chức BĐHC cho nhiệm vụ hiện nay cũng như lâu dài phù hợp với Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia... và điều kiện thực tiễn. Nghiên cứu phát triển lý luận bám sát nghệ thuật quân sự, gắn với thực tiễn huấn luyện quân sự, SSCĐ, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân trong tình hình mới. Đầu tư, nghiên cứu dự báo, phát triển lý luận bảo đảm hậu cần chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; phát triển lý luận hậu cần Nhân dân, hậu cần khu vực phòng thủ trong điều kiện chiến tranh hiện đại; các vấn đề về tổ chức, phương thức BĐHC cho các loại hình đơn vị mới, phù hợp với sự đổi mới, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam; BĐHC cho tác chiến biển, đảo và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, các nhiệm vụ đột xuất, an ninh phi truyền thống...

Ba là, tập trung thực hiện nhiệm vụ thuộc các chương trình, đề án KH&CN cấp BQP, tạo ra các sản phẩm KH&CN có giá trị thực tiễn cao. Chú trọng tiếp thu thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư để nâng cao năng lực, từng bước làm chủ công nghệ. Coi trọng nghiên cứu phát triển trang thiết bị BĐHC đồng bộ, phù hợp với phương tiện, trang bị tác chiến, chú trọng các lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt; đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến, bao gói, bảo quản để nâng cao chất lượng, thời gian dự trữ các mặt hàng hậu cần thiết yếu phục vụ dã ngoại, tác chiến dài ngày, nhất là cho bộ đội làm nhiệm vụ ở các đảo xa bờ. Nghiên cứu hoàn thiện, tổ chức bảo đảm quân y cho các loại hình tác chiến mới, trong các tình huống an ninh phi truyền thống... Nghiên cứu bảo đảm sức khỏe cho lực lượng bộ đội tàu ngầm, bộ đội tác chiến trên các phương tiện hiện đại, bộ đội làm nhiệm vụ đặc biệt.

Bốn là, đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển tiềm lực KH&CN ngành Hậu cần. Đẩy mạnh hợp tác KH&CN với các cơ quan trong và ngoài quân đội. Mở rộng thêm đối tượng, nội dung hợp tác KH&CN trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào hoạt động của ngành Hậu cần. Kiện toàn tổ chức, biên chế theo quy định, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên nghiên cứu KHHC quân sự có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng của Ngành trong tình hình mới. Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực KHHC quân sự; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, kỹ thuật giỏi, chuyên gia đầu ngành... Tiếp tục quan tâm, đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện để các đơn vị trong Tổng cục tham gia phong trào Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo động lực thúc đẩy nghiên cứu KHHC phát triển, thu được nhiều thành tựu mới. Từng bước nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở nghiên cứu KH&CN và môi trường thuộc các chuyên ngành Hậu cần. Tích cực huy động các nguồn lực, đầu tư chiều sâu, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ phục vụ nghiên cứu KH&CN hậu cần theo hướng hiện đại, đồng bộ.

Năm là, thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý KH&CN theo hướng đổi mới phù hợp với cơ chế, chính sách của Nhà nước, với đặc thù hoạt động khoa học quân sự và hoạt động quân sự, hậu cần. Đề xuất tổ chức hội đồng xét chọn đơn vị, lựa chọn cá nhân chủ trì đề tài, nhiệm vụ KH&CN và xét duyệt thuyết minh, thẩm định kinh phí, đánh giá nghiệm thu đề tài, nhiệm vụ khoa học ở mỗi cấp đảm bảo đủ điều kiện, đủ khả năng nghiên cứu, có kinh nghiệm và uy tín. Đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, điều hành và tư duy phương thức tổ chức hoạt động KH&CN phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ theo hướng công khai, minh bạch; cạnh tranh trong tuyển chọn, đặt hàng, khuyến khích liên kết. Chú trọng thực hiện tốt phương châm “Thiết thực - khả thi - chất lượng - kịp thời - hiệu quả” trong đặt hàng nghiên cứu và quản lý, sử dụng ngân sách; bảo đảm tính thực tiễn, khoa học, liên ngành. Tăng cường số lượng, chất lượng các đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, phù hợp với tính chất, đặc điểm, yêu cầu hoạt động hậu cần quân sự trong toàn quân. Chủ động rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về quản lý và tổ chức hoạt động KHHC quân sự đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, tinh giản phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo hành lang pháp lý để hoạt động nghiên cứu, ứng dụng đi vào chiều sâu, nền nếp, hiệu quả cao.

Với sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ làm công tác KHHC quân sự, tin rằng, công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong Tổng cục và ngành Hậu cần thời gian tới sẽ thu được nhiều kết quả tốt, góp phần xây dựng ngành Hậu cần Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ Quân đội trong tình hình mới.

Đại tá, ThS Đinh Đức Tuấn – Trưởng phòng Khoa học quân sự- Tổng cục Hậu cần