Phát huy truyền thống “Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi...”, trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Lữ đoàn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, hiệp đồng, chủ động, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, vận chuyển hàng trăm nghìn tấn hàng hóa, hàng chục vạn lượt cán bộ, chiến sĩ đến đích an toàn. Nhiều năm liên tục, Lữ đoàn là đơn vị lá cờ đầu của ngành Vận tải Quân sự, được Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Hiện nay, với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị vận tải chiến lược, Lữ đoàn được giao nhiệm vụ SSCĐ, tổ chức vận chuyển vật chất hậu cần, binh khí kĩ thuật và vận chuyển quân cho các đơn vị khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Đồng thời, sẵn sàng làm nhiệm vụ đột xuất, trực “NN”, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn đóng quân khi có lệnh.
    |
 |
Chỉ huy Lữ đoàn Vận tải 683 tặng quà Nhân dân phường Hòa Khánh Bắc hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 và cơn bão số 5.Ảnh: CTV |
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trước hết, Lữ đoàn tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; xây dựng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, thống nhất cao về nhận thức và hành động, giữ vững phẩm chất bộ đội vận tải. Cùng với triển khai thực hiện đầy đủ kế hoạch giáo dục chính trị hằng năm theo qui định, Lữ đoàn lựa chọn và tổ chức cho bộ đội học tập các chuyên đề bổ sung có nội dung thiết thực với đơn vị. Tích cực đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội… Tăng cường công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy; đẩy mạnh các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả”, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Lấy chuẩn mực đạo đức người làm công tác vận tải quân sự là mục tiêu để mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong Lữ đoàn phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện.
Vấn đề được Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn quan tâm hàng đầu là đẩy mạnh công tác huấn luyện, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên. Hằng năm, Lữ đoàn xây dựng kế hoạch huấn luyện phù hợp với từng đối tượng, khuyến khích cán bộ, nhân viên tự học qua thực tế công tác. Để tạo bước đột phá, khắc phục tình trạng đường mòn lối cũ, xa rời thực tế, Lữ đoàn tập trung đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện theo hướng tăng thời gian huấn luyện thực hành, tăng cường tổ chức hội thi, hội thao, kiểm tra nhằm đánh giá kết quả huấn luyện thường xuyên. Đối với nội dung huấn luyện chuyên môn, Lữ đoàn thực hiện theo các đợt huấn luyện tập trung, giúp bộ đội thường xuyên nắm vững chức trách, nhiệm vụ, giỏi thực hành, sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị trong biên chế. Tập trung huấn luyện những nội dung còn yếu, nhất là điều lệnh, chấp hành kỷ luật, chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao tay nghề, bậc thợ... Kết hợp nhuần nhuyễn giữa huấn luyện lý thuyết với thực hành, lấy thực hành là chính, huấn luyện đến đâu thực hành đến đó. Đặc biệt, Lữ đoàn chú trọng bổ túc tay lái cho đội ngũ lái xe, nhất là cho các đồng chí tay lái còn yếu, lái xe mới ra trường.
Một trong những biện pháp mang lại hiệu quả cao được Lữ đoàn thực hiện thường xuyên là luân chuyển lái xe giữa xe SSCĐ với xe làm nhiệm vụ thường xuyên, coi trọng bổ túc tay lái kết hợp trong vận chuyển. Qua đó để bồi dưỡng, nâng cao trình độ về mọi mặt, vừa bổ túc tay lái, vừa tạo ý thức tham gia giao thông tốt, đem lại sự đồng đều về trình độ tay nghề cho đội ngũ lái xe. Bên cạnh đó, Lữ đoàn thường xuyên duy trì các hoạt động hội thi, hội thao kỹ thuật, thi nâng bậc, kiểm tra tay nghề, trao đổi kinh nghiệm sau mỗi chuyến vận chuyển... Công tác điều hành huấn luyện cũng được đổi mới theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, tránh chồng chéo; phân rõ trách nhiệm phối hợp, hiệp đồng giữa các cơ quan. Trong và sau mỗi đợt huấn luyện đều tổ chức kiểm tra, sơ kết, rút kinh nghiệm theo từng cấp nhằm đánh giá chính xác năng lực tổ chức, chỉ huy của đội ngũ cán bộ, đưa bộ đội vào sát tình huống chiến đấu, hình thành hệ thống kiến thức tổng hợp cho bộ đội; kiên quyết chống “bệnh thành tích” trong huấn luyện... Đến nay, đa số cán bộ, lái xe, thợ kỹ thuật của Lữ đoàn có trình độ chuyên môn tốt, đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cùng với coi trọng yếu tố con người, Lữ đoàn luôn chú ý làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật, phát huy hiệu quả các trang bị, phương tiện trong biên chế. Đi đôi với bảo dưỡng, sữa chữa theo phân cấp; đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng sửa chữa lớn, sửa chữa vừa tại xưởng, Lữ đoàn đẩy mạnh phong trào thi đua “Giữ xe tốt, lái xe an toàn”; duy trì thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ kỹ thuật ngày, tuần, tháng. Tăng cường kiểm tra tình trạng kỹ thuật của phương tiện trước, trong vận chuyển. Sau đợt vận chuyển, tiến hành kiểm tra, củng cố phương tiện theo đúng quy trình, chế độ bảo dưỡng, sửa chữa và kiểm định kỹ thuật, hạn chế thấp nhất hư hỏng khi đang thực hiện nhiệm vụ. Trong 5 năm gần đây, Lữ đoàn tổ chức bảo dưỡng cấp 1 và cấp 2 cho 4.335 lượt xe, sửa chữa vừa 55 xe, sửa chữa lớn 50 xe, kiểm định kỹ thuật cho 2.519 lượt xe; luôn duy trì hệ số kỹ thuật nhóm xe SSCĐ là 1, nhóm xe hoạt động thường xuyên là 0,95, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Là đơn vị thực hiện đồng thời nhiều phương thức vận tải như đường sắt, đường bộ và đường thủy, vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận chuyển, hằng năm, Lữ đoàn đều tổ chức huấn luyện bộ đội cách sắp xếp, bốc dỡ hàng hóa, nâng cao ý thức về phòng, chống cháy nổ trong vận chuyển và kết hợp với bồi dưỡng trình độ kỹ thuật lái xe, sửa chữa, bảo dưỡng, luật giao thông. Đặc biệt, Lữ đoàn tổ chức lực lượng, thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chặt chẽ, khoa học. Với từng nhiệm vụ, Lữ đoàn đều xây dựng kế hoạch vận chuyển phù hợp, trong đó tính toán kỹ các cung trạm, nghỉ ngắn, nghỉ dài, vị trí chỉ huy, đội hình, tốc độ hành quân; lựa chọn đội ngũ lái xe, thuyền viên, nhân viên kỹ thuật đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đối với các nhiệm vụ phức tạp, dài ngày, Lữ đoàn bố trí lực lượng theo dõi, kiểm tra chặt chẽ mọi mặt trước và trong suốt hành trình; giao cho cán bộ, lái xe, thuyền viên có kinh nghiệm đảm nhiệm. Đối với vận chuyển vũ khí, khí tài, đạn…, Lữ đoàn chọn những đồng chí lái xe có trình độ chuyên môn giỏi, phẩm chất chính trị tốt để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, phân công cán bộ phụ trách có nhiều kinh nghiệm chỉ huy hành quân và xử trí tình huống trên đường bảo đảm an toàn. Trước mỗi đợt vận chuyển lớn, phải cơ động nhiều phương tiện, lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn đều trực tiếp xuống đơn vị cơ sở giao nhiệm vụ, thông qua đó kịp thời nắm bắt tư tưởng và động viên bộ đội quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ...
Đặc biệt, Lữ đoàn chú trọng đổi mới công tác quản lý vận tải từ quản lý hành chính sang quản lý bằng chất lượng công việc; tổ chức chỉ huy, điều hành vận tải tập trung, thống nhất thông qua kế hoạch vận chuyển. Mọi nhiệm vụ vận chuyển, Lữ đoàn đều có kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ, xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận; quy định rõ cung, chặng, thời gian vận chuyển cùng các biện pháp thực hiện; đề cao tính chuyên nghiệp, chính quy trong vận chuyển, gắn trách nhiệm của cá nhân với an toàn hàng hóa. Khi cơ động vận chuyển, Lữ đoàn quy định: Đội hình 3 - 4 xe làm nhiệm vụ phải có cán bộ đại đội chỉ huy; đội hình 5 xe trở lên có cán bộ tiểu đoàn chỉ huy và đội hình trên 10 xe có cán bộ Lữ đoàn chỉ huy. Quá trình tổ chức vận chuyển, chỉ huy luôn duy trì nghiêm kỷ luật hành quân, trú quân; thực hiện đúng quy định về đội hình, tốc độ, cự ly, thời gian dừng nghỉ... Nhờ tổ chức chỉ huy, điều hành chặt chẽ, 5 năm qua, Lữ đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển quân 69.844 lượt, sản lượng đạt 18.460.465 Ng.km; vận chuyển hàng hóa 166.265 tấn, sản lượng đạt 45.277.133 T.Km. Tất cả các chuyến vận chuyển của đơn vị đều đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, phương tiện và hàng hóa. Một số nhiệm vụ hoàn thành tốt và xuất sắc, được cấp trên đánh giá cao, như: 02 đợt vận chuyển đột xuất đầu tháng 8/2020 với tổng khối lượng 130 tấn hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng, đảm bảo nhanh, gọn, an toàn, đúng thời gian, địa điểm…
Cùng với hoàn thành tốt nhiệm vụ vận chuyển thường xuyên và đột xuất, Lữ đoàn còn là một trong những đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận tốt”. Từ nhiều năm nay, 100% đầu mối cơ quan, đơn vị ký kết nghĩa với các đoàn thể địa phương nơi đóng quân, thường xuyên tổ chức tuyên truyền vận động Nhân dân. Lữ đoàn còn tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho hàng ngàn lượt người. Lữ đoàn còn thực hiện lồng ghép linh hoạt phong trào thi đua “Dân vận khéo” với chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Trong đó, ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”... trên 270 triệu đồng; thăm, tặng quà các gia đình chính sách kết hợp làm công tác tuyên truyền, vận động trị giá hơn 200 triệu đồng…
Những kết quả đạt được trên đây đã khẳng định sự lớn mạnh, trưởng thành vượt bậc của Lữ đoàn 683. Phát huy truyền thống vẻ vang, những năm tới, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Lữ đoàn sẽ tiếp tục phấn đấu, xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đại tá NGUYỄN DUY LIỀN, Chính ủy Lữ đoàn Vận tải 683/CVT