Hiện nay, Lữ đoàn đang quản lý, huấn luyện gần 3.000 quân nhân dự bị (QNDB) tại 4 địa phương gồm: Tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh cùng gần 400 phương tiện kỹ thuật, gồm xe ô tô các loại và phương tiện vận tải thủy. Đến nay, về đầu mối tổ chức đơn vị đã xếp đủ 100% theo chỉ tiêu được giao; tỷ lệ quân số sắp xếp được trên 90% so với nhu cầu biên chế; tỉ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 42,3%, gần đúng 22,6%; về tuổi đời hạ sỹ quan, binh sỹ dự bị hạng 1 đạt 74,2% (trong đó nhóm A đạt 59,0%, nhóm B đạt 41,0%).

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Lê Hồng Dũng, Phó chủ nhiệm TCHC kiểm tra chất lượng quân trang QNDB huấn luyện tại Lữ đoàn 972. Ảnh: Văn Chiển

Trong năm 2018, Lữ đoàn được giao nhiệm vụ huấn luyện 219 đồng chí QNDB, trong đó 118 sĩ quan và 101 hạ sỹ quan, binh sỹ thuộc địa bàn Quận 2, Quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh), huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai), thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) gồm 29 cơ sở.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ huấn luyện DBĐV, Lữ đoàn gặp nhiều khó khăn do số lượng nguồn huấn luyện lớn, trải rộng trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố, với 77 cơ sở khác nhau. Trong đó, có một số địa bàn rừng núi, xa đơn vị, rất khó khăn cho việc thâm nhập, nắm nguồn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện DBĐV, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn xác định, trước hết cần phải tập trung làm tốt công tác xây dựng, quản lý nguồn DBĐV; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung, chương trình huấn luyện; chủ động bảo đảm tốt hậu cần cho quân nhân trong suốt thời gian huấn luyện.

Đối với công tác xây dựng, quản lý nguồn DBĐV, căn cứ vào chỉ tiêu biên chế xây dựng các đơn vị DBĐV và quyết định đăng ký nghĩa vụ quân sự, phương tiện kỹ thuật, hằng năm, Lữ đoàn đã chủ động phối hợp, hiệp đồng với các địa phương giao nguồn, chốt quân số huấn luyện bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng; thường xuyên nắm chắc sự biến động của quân nhân DBĐV để có biện pháp giải quyết kịp thời những vướng mắc. Trên cơ sở chỉ tiêu và thực lực nguồn động viên, Lữ đoàn sắp xếp biên chế, hình thành các đơn vị theo quy hoạch vùng động viên, đảm bảo gọn từng đầu mối đơn vị, thuận tiện trong việc quản lý và tổ chức thực hành động viên. Hằng năm, ngay sau khi nhận được chỉ thị của chỉ huy Cục Vận tải, dựa vào chỉ tiêu trên giao, Lữ đoàn đã tổ chức hiệp đồng với các địa phương bằng văn bản, xác định rõ quân số tham gia huấn luyện, kiểm tra SSĐV. Sau đó, phân công cán bộ trực tiếp đến các địa phương thâm nhập, phúc tra, nắm chắc nguồn, chốt danh sách. Từ danh sách chính thức này, Lữ đoàn sẽ triển khai xây dựng kế hoạch, chương trình huấn luyện, kiểm tra SSĐV, báo cáo cấp trên phê duyệt.

Để công tác huấn luyện đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm, Lữ đoàn thành lập ban chỉ đạo, tổ giáo viên, lựa chọn cán bộ phòng, ban, đơn vị có phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý tốt, trình độ chuyên môn vững, có khả năng truyền đạt, áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để tham gia khung huấn luyện. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ huấn luyện đều xây dựng chương trình huấn luyện, chuẩn bị đầy đủ giáo án, mô hình học cụ. Ngoài nội dung chương trình được phê duyệt, các giáo viên còn chủ động sưu tầm thêm từ các nguồn tài liệu có liên quan để bổ sung trong quá trình soạn thảo giáo án, trình cấp trên phê duyệt trước khi huấn luyện. Hiện nay, đội ngũ giáo viên của Lữ đoàn đã biết sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, soạn thảo bài giảng trên phần mềm Powerpoit, trình chiếu trên màn hình khổ lớn, giúp QNDB dễ tiếp thu, nắm bắt.

Thực hiện theo chương trình huấn luyện lực lượng DBĐV của Bộ Tổng Tham mưu (Dự thảo), trong đó điều chỉnh một số nội dung phù hợp với các đối tượng chuyên ngành vận tải thủy, bộ, năm 2018, Lữ đoàn đã tổ chức huấn luyện các nội dung gồm: Huấn luyện chính trị; huấn luyện quân sự; huấn luyện hậu cần, kỹ thuật, tài chính; huấn luyện thể dục thể thao. Về chuyên môn nghiệp vụ vận tải, tổ chức huấn luyện về chỉ huy vận tải thủy, chỉ huy vận tải bộ; huấn luyện về Luật biển Việt Nam, Luật biển Quốc tế; phương pháp điều động tàu, rời, cập bến, thả và nhổ neo; hướng dẫn thực hiện Điều lệ công tác tàu thuyền quân sự cho số QNDB chuyên ngành đường thủy; công tác bảo đảm kỹ thuật ở đơn vị vận tải ô tô; Điều lệ công tác kỹ thuật Xe máy trong Quân đội nhân dân Việt Nam; giới thiệu những tính năng chủ yếu và khai thác, sử dụng xe quân sự cho các đồng chí QNDB chuyên ngành vận tải ô tô.

Do có nhiều đối tượng huấn luyện, từ tiểu đội trưởng đến cán bộ tiểu đoàn và tương đương (cán bộ khung B) nên Lữ đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch, xác định chương trình, nội dung huấn luyện cụ thể cho từng đối tượng, bảo đảm sát thực tế nhiệm vụ. Cùng với việc chuẩn bị giáo án, giáo viên, trước khi các QNDB về đơn vị huấn luyện, Lữ đoàn tổ chức dồn dịch, củng cố, sửa chữa lại hệ thống doanh trại, bảo đảm đầy đủ, chu đáo nơi ăn, nghỉ, sinh hoạt; làm tốt công tác vệ sinh môi trường, phun thuốc phòng chống dịch bệnh.

Vừa qua, ngoài kinh phí trên cấp, Lữ đoàn huy động 25 triệu đồng để củng cố, sửa chữa doanh trại; lắp đặt bổ sung 13 quạt điện mới, sửa chữa nhà vệ sinh, thay mới bồn nước, vòi tắm, vòi xịt, bóng đèn, công tắc, xô, chậu tắm giặt, bảng. Hậu cần Lữ đoàn xác định nhu cầu thực phẩm, xây dựng phương án tạo nguồn và dự trữ, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuẩn bị vườn rau, thực phẩm tại chỗ, bảo đảm đủ 100% nhu cầu rau xanh khi quân nhân vào huấn luyện và tự túc được hầu hết nhu cầu thực phẩm tại chỗ, với giá rẻ hơn từ 10-20% so với thị trường. Quá trình huấn luyện, Lữ đoàn luôn chủ động làm tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý quân trang, bảo đảm đủ lương, phụ cấp, tiền ăn và các khoản chi phí khác theo quy định.

Năm 2018, Lữ đoàn đã tổ chức 04 lớp huấn luyện, với thời gian huấn luyện 15 ngày/lớp đối với đối tượng Tiểu đội trưởng đến Tiểu đoàn trưởng và tương đương; 30 ngày/lớp với đối tượng chuyển loại chuyên nghiệp quân sự từ gần đúng sang đúng chuyên nghiệp quân sự. Các lớp đều bảo đảm 100% quân số, đúng đối tượng đăng ký, duy trì nghiêm kỷ luật và nền nếp chính quy. Kết thúc đợt huấn luyện, các học viên được kiểm tra, đánh giá kết quả và cấp giấy chứng nhận đã qua lớp huấn luyện DBĐV. Kết quả kiểm tra, 100% các học viên đều đạt yêu cầu trở lên, trong đó, tỉ lệ khá, giỏi đạt 78,5%; đáp ứng yêu cầu huy động khi có tình huống.

Qua thực tế công tác huấn luyện DBĐV, Lữ đoàn 972 đề nghị cấp trên bổ sung chỉ tiêu kiểm tra SSĐV phương tiện kỹ thuật hằng năm để nâng cao khả năng huy động, trình độ chiến đấu sát với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay; tăng chỉ tiêu kinh phí và hạn mức xăng dầu đối với nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện, phúc tra lực lượng DBĐV tại địa phương. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, tạo điều kiện cho Lữ đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện DBĐV vận tải, sẵn sàng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.

Đại tá TRẦN BÍCH SƠN

Lữ đoàn trưởng