Bệnh viện Quân y 211 nằm trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn 3, có nhiệm vụ cấp cứu, thu dung, điều trị thương binh, bệnh binh của các đơn vị trong Quân đoàn và các đơn vị khác của BQP đóng quân trên địa bàn Tây Nguyên. Những năm gần đây, Bệnh viện được cấp trên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm các loại trang thiết bị y tế. Chỉ tính riêng trong 2 năm (2015-2016), Bệnh viện đã được đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây mới Khoa Khám bệnh, Dược-Trang bị, Chẩn đoán hình ảnh; hội trường, nhà ở nhân viên và nhà kho…; mua sắm máy chụp CT-Scanner, bộ phẫu thuật nội soi tai mũi họng... Đặc biệt, Bệnh viện là đơn vị đầu tiên ở khu vực Gia Lai-Kon Tum lắp đặt, sử dụng hiệu quả máy tán sỏi tiết niệu nội soi ngược dòng, giúp cho điều trị bệnh nhân an toàn, nhanh hơn, rẻ hơn. Bên cạnh đó, Bệnh viện đã chủ động quan hệ chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ kinh phí mua máy móc, thiết bị y tế hiện đại, điển hình như: Ngân hàng Vietinbank tài trợ kinh phí mua máy tán sỏi Laser, máy thở…trị giá hàng tỷ đồng; thực hiện liên kết với một số tổ chức kinh tế-xã hội đầu tư mua sắm các máy chạy thận nhân tạo… đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB).
Máy chụp CT-Scanner mới được trang bị, đưa vào sử dụng. Ảnh: Thảo Hà
Để sử dụng hiệu quả trang thiết bị mới, trước khi mua sắm, tiếp nhận chuyển giao máy móc thiết bị y tế hiện đại, Bệnh viện chủ động liên hệ và cử bác sỹ chuyên khoa đến học tập, tiếp nhận công nghệ kỹ thuật từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103 và các bệnh viện ngoài quân đội; khi máy móc thiết bị lắp đặt là triển khai sử dụng được ngay. Các trang bị được phát huy hiệu quả, sử dụng đúng qui trình, an toàn và theo phương châm “giữ tốt dùng bền”… Bệnh viện còn tổ chức cho cán bộ, y bác sỹ luân phiên đi đào tạo, tập huấn tại các trường, bệnh viện trong và ngoài quân đội. Tích cực đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, không ngừng củng cố, hoàn thiện chuyên môn, nâng cao chất lượng KCB, đáp ứng yêu cầu chức năng của một bệnh viện đa khoa khu vực. Hiện nay, Bệnh viện có trên 80% bác sĩ trình độ chuyên khoa I, II, thạc sỹ, có đủ khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật mới, hiện đại, đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu, mới và khó trên cả lĩnh vực nội, ngoại khoa, cận lâm sàng, như: Siêu âm tim; chụp CT-Scanner; mổ nội soi; cấp cứu chuyên khoa nội tim mạch; kỹ thuật vi phẫu (hiện trên địa bàn Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung bộ rất ít bệnh viện có thể thực hiện thành công kỹ thuật này). Nhờ đó, Bệnh viện đã cấp cứu thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo, phức tạp, như: phẫu thuật lấy máu tụ nội sọ; phẫu thuật chấn thương chỉnh hình; giải phẫu chèn ép tủy; nối bàn tay, bàn chân đứt lìa…
Hệ thống máy chạy thận nhân tạo. Ảnh: Huyền Khuê
Từ năm 2013 đến nay, Khoa Chấn thương chỉnh hìnhđã thực hiện nối thành công 6 ca bàn chân, tay bị đứt rời và 34 trường hợp bị đứt chân, tay gần rời hoàn toàn. Bệnh viện định hướng phát triển mạnh về ngoại khoa, đặc biệt là các chuyên ngành liên quan đến y học quân sự, ngoại khoa dã chiến nhằm phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và chiến đấu của Quân đoàn. Trong công tác KCB hằng ngày, các bệnh nhân là bộ đội, bộ đội nghỉ hưu và thân nhân quân đội được Bệnh viện quan tâm đặc biệt. Do có trình độ chuyên môn giỏi và tinh thần phục vụ tận tình, chu đáo, bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện ngày càng tăng. Riêng trong năm 2015, Bệnh viện đã khám cho 49.550 lượt người, trong đó có 80% bệnh nhân bảo hiểm y tế; điều trị hơn 12.820 lượt bệnh nhân, cấp cứu 468 ca, phẫu thuật hơn 6.250 trường hợp.
Đi đôi với công tác KCB, Bệnh viện duy trì mối quan hệ truyền thống, gắn bó với các bệnh viện trong khu vực tỉnh Giai Lai, Sở Y tế, quân y các đơn vị bạn để chủ động phòng chống các loại bệnh dịch xảy ra trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế địa phương đẩy mạnh mô hình quân dân y kết hợp, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe người có công, người nghèo và bà con dân tộc thiểu số. Được sự nhất trí của BQP, Bộ Y tế, những năm gần đây, Bệnh viện đã liên kết với Trường Trung cấp Quân y 2 chiêu sinh mở lớp đào tạo y sỹ, dược sỹ, y tá, dược tá và điều dưỡng viên cho hơn 1000 sinh viên là đồng bào dân tộc thiểu số và người Kinh định cư tại địa bàn Tây Nguyên. Những việc làm trên đã góp phần nâng cao chất lượng KCB, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân.
Do nhu cầu KCB của bộ đội và nhân dân trên địa bàn những năm gần đây gia tăng đột biến, năm 2015, tỷ lệ giường bệnh đạt 130-150%, năm 2016 tăng lên 203%, gây quá tải. Trong khi, cơ sở hạ tầng (nhà kho, diện tích các phòng điều trị, hậu phẫu…) chật hẹp; một số loại máy móc, thiết bị phục vụ công tác chẩn đoán còn thiếu; hệ thống máy xử lý chất thải, phòng dịch chưa đáp ứng tiêu chuẩn bệnh viện hạng I. Nếu tình trạng này kéo dài, chất lượng phục vụ KCB cho bộ đội và nhân dân sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, để Bệnh viện Quân y 211 có điều kiện phục vụ bệnh nhân được tốt hơn, chúng tôi đề nghị một số vấn đề sau:
Hiện nay do quá tải, Bệnh viện mới chỉ bảo đảm đạt từ 0,8-1 người phục vụ/1 giường bệnh (theo quy định, bệnh viện hạng I phải bảo đảm hệ số phục vụ 1,4-1,6 người/1 giường bệnh), như vậy, tổng số phục vụ toàn Bệnh viện còn thiếu so với nhu cầu từ 140-160 người. Vì vậy rất mong BQP, Bộ Tổng Tham mưu, Cục Quân y xem xét sắp xếp về tổ chức, biên chế đúng với quy mô Bệnh viện hạng I, tạo điều kiện cho Bệnh viện hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới. Cho phép Bệnh viện thành lập thêm khoa Chống nhiễm khuẩn, khoa Cấp cứu lưu; khoa Cán bộ cao cấp. Dự kiến biên chế mỗi khoa từ 12-15 người, trong đó có từ 3-5 bác sỹ, còn lại là kỹ thuật viên và điều dưỡng. Hiện nay, cán bộ, nhân viên biên chế cho các khoa này chưa có, nếu được phép thành lập, bệnh viện sẽ điều chuyển một số bác sỹ, kỹ thuật viên và điều dưỡng từ các khoa khác sang làm nòng cốt, sau đó củng cố, bổ sung dần. Để bảo đảm phục vụ chẩn đoán các chấn thương kín, đề nghị cấp trên đầu tư kinh phí cho Bệnh viện mua sắm máy cộng hưởng từ hiện đại (MRI) giúp cho khâu chẩn đoán bệnh được chính xác, phục vụ cấp cứu, điều trị bệnh nhân được tốt hơn. Đồng thời, bổ sung kinh phí, giúp Bệnh viện mở rộng diện tích phòng mổ và hồi sức cấp cứu. Hiện nay, diện tích phòng hồi sức chỉ đạt tiêu chuẩn bảo đảm cho 5 giường, trong khi đó phải triển khai 10 giường mới đáp ứng nhu cầu; Bệnh viện mới có 4 phòng mổ, nhu cầu cần 6-8 phòng. Cùng với đó, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú ngày càng tăng, quần áo, ga giường… sử dụng nhiều, trong khi đó, mùa mưa khu vực Tây Nguyên kéo dài 6 tháng, hệ thống máy giặt của Bệnh viện công suất nhỏ, ít chức năng, nên không đáp ứng nhu cầu; đề nghị cấp trên quan tâm đầu tư, lắp đặt cho Bệnh viện hệ thống máy giặt, hấp, sấy khô công nghiệp để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bệnh nhân.
Việc xây dựng và phát triển Bệnh viện Quân y 211 thành bệnh viện hạng I có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Tây Nguyên. Vì vậy, rất mong cấp trên quan tâm hơn nữa để Bệnh viện ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ bộ đội và nhân dân.
Với những thành tích xuất sắc trong suốt hơn 50 năm qua, Bệnh viện Quân y 211 được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1989; được cấp trên tặng thưởng 01 Huân chương chiến công hạng Nhì; 03 huân chương chiến công hạng Ba; 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Ăng-ko. |
Đại tá TRẦN VĂN MINH (Chủ nhiệm Hậu cần Quân đoàn 3)