Từ năm 2018 trở về trước, các ngành nghiệp vụ lập dự toán chi NSHC ở cấp mình và ngành dọc cấp dưới trên cơ sở tổng hợp nhu cầu của các đơn vị. Sau đó gửi cơ quan ngành dọc cấp trên đến ngành bảo đảm toàn quân. Trên cơ sở dự toán, cơ quan nghiệp vụ cấp trên phân bổ kinh phí cho đơn vị cấp dưới ngay từ đầu năm và bổ sung vào cuối năm. Từ năm 2019, việc lập dự toán NSHC thực hiện theo Nghị quyết số 915-NQ/QUTW ngày 25-8-2018 của Quân ủy Trung ương và Đề án của Bộ Quốc phòng (BQP) về “Đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong Quân đội theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo”. Đồng thời, thực hiện theo kế hoạch của Tổng cục Hậu cần về đổi mới, hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần (VCHC) gắn với cơ chế quản lý tài chính mới trong Quân đội. Theo đó, việc lập dự toán NSHC do đơn vị dự toán cấp 4 (cấp trung đoàn và tương đương) trở lên thực hiện. Sau đó gửi cơ quan tài chính cùng cấp và gửi ngành dọc cấp trên để thẩm định. Cơ quan nghiệp vụ hậu cần từ cấp 3 (cấp sư đoàn và tương đương) trở lên không lập dự toán ngân sách cho toàn ngành, chỉ lập dự toán tự chi của ngành mình, không bao gồm nhu cầu chi của ngành nghiệp vụ cấp dưới; chịu trách nhiệm thẩm định dự toán ngân sách của ngành dọc cấp dưới; tổng hợp, gửi kết quả thẩm định của toàn ngành lên cơ quan nghiệp vụ cấp trên thẩm định và phân bổ ngân sách. Việc phân bổ NSHC cho các cơ quan, đơn vị được tiến hành một lần (100% chỉ tiêu) ngay từ đầu năm, không giữ lại ngân sách chờ phân bổ (bổ sung).
Sau 2 năm thực hiện việc lập dự toán NSHC theo cơ chế quản lý tài chính mới cho thấy: Vai trò, trách nhiệm của cơ quan hậu cần được nâng lên rõ rệt, cán bộ, nhân viên hậu cần có liên quan đã nhận thức đúng về nhiệm vụ lập dự toán của ngành mình phụ trách. Từng bước phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính cùng cấp trong quá trình lập dự toán ngân sách. Cơ quan hậu cần các cấp đã chủ động hơn trong việc xác định kế hoạch chi tiêu sau khi được giao số kiểm tra, đảm bảo chặt chẽ, khoa học, tránh lãng phí. Cơ quan nghiệp vụ cấp trên đã phát huy hiệu quả chức năng thẩm định dự toán cấp dưới và phân bổ kinh phí ngành theo đúng quy định. Ngân sách bảo đảm cho đơn vị hằng năm đã bám sát hơn nhu cầu, nhiệm vụ thực tế...
Bên cạnh những ưu điểm trên, việc lập dự toán NSHC ở một số đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, bất cập là: Hệ thống định mức lập, phân bổ dự toán ngân sách chi thường xuyên, tiêu chuẩn hạn mức, định mức VCHC của các chuyên ngành chưa đầy đủ. Thời gian lập dự toán, thẩm định ngắn; thời điểm lập dự toán, các đơn vị chưa được giao nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nên chưa biết chính xác quân số tăng, giảm trong năm kế hoạch. Sự phối hợp giữa cơ quan tài chính và các ngành nghiệp vụ hậu cần trong thẩm định, thông báo kết quả ở một số đơn vị chưa kịp thời. Khả năng, trình độ lập dự toán của một số cán bộ, nhân viên, nhất là cấp trung, sư đoàn và tương đương còn hạn chế. Dự toán ngân sách của một số đơn vị thật sát nhiệm vụ kế hoạch, phải điều chỉnh nhiều, nhất là dự kiến bảo đảm cho nhiệm vụ đột xuất, phi truyền thống (phòng chống dịch bệnh, thiên tai, đột xuất...). Dự toán ngân sách ngành của một số đơn vị chưa phân tích kỹ các lý do dự kiến tăng, giảm kinh phí trong năm kế hoạch...
Để nâng cao chất lượng lập dự toán NSHC đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, chúng tôi đề xuất một số biện pháp sau:
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt cho cán bộ, nhân viên hậu cần các cấp, người phụ trách chi tiêu của cơ quan nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của việc lập dự toán NSHC hằng năm theo cơ chế quản lý tài chính mới trong Quân đội hiện nay. Phải nhận thức việc lập dự toán ngân sách có trách nhiệm của cơ quan nghiệp vụ hậu cần, tránh suy nghĩ cho rằng khâu lập, phân bổ ngân sách hoàn toàn do cơ quan tài chính. Nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, ngành nghiệp vụ các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện khâu lập dự toán, phân bổ ngân sách và sử dụng kinh phí đúng nguyên tắc, mục đích, tính chất, chế độ, tiêu chuẩn. Đối với cán bộ, nhân viên hậu cần, người phụ trách chi tiêu trong cơ quan phải nhận thức rõ trách nhiệm, triển khai nghiêm túc, hiệu quả việc lập dự toán ngành, chống tư tưởng làm cho xong, không tuân thủ theo hướng dẫn, quy định của cơ quan nghiệp vụ cấp trên.
Trước khi lập nhu cầu, dự toán, cơ quan nghiệp vụ hậu cần các cấp, người phụ trách chi tiêu phải nắm chắc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong năm kế hoạch, dự kiến nhiệm vụ đột xuất và phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan để lập dự toán sát nhu cầu chi tiêu thực tế. Tiến hành rà soát số lượng, chất lượng VCHC tồn kho để sử dụng bảo đảm cho nhiệm vụ; những mặt hàng xuống cấp, không còn nhu cầu sử dụng, không đồng bộ, khác kiểu loại... cần tổng hợp, đề nghị loại khỏi biên chế, xử lý đúng quy định. Nắm chắc nhu cầu, tiêu chuẩn của đối tượng được hưởng để lập kế hoạch chi tiêu, mua sắm, khai thác, sử dụng hợp lý, giảm chi ngân sách.
Quá trình lập dự toán phải tuân thủ nghiêm quy trình lập nhu cầu, dự toán, phân bổ số kiểm tra, giao dự toán ngân sách theo Hướng dẫn số 8568/HD-BQP, ngày 08-8-2019 của BQP về lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước trong BQP. Lập dự toán ngân sách ngành phải bao quát toàn bộ nhiệm vụ của đơn vị mình, phù hợp với khả năng ngân sách trên cấp, đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngân sách, kể cả nhiệm vụ phát sinh trong năm kế hoạch. Trong đó, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, đặc thù, cấp bách, tiêu chuẩn chế độ, chính sách mới. Các mục chi tiêu trong dự toán tăng hoặc giảm so với dự toán năm thực hiện phải phân tích rõ lý do. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan nghiệp vụ cấp trên trong khâu thẩm định dự toán ngân sách đảm bảo nhanh gọn, chính xác.
Do hệ thống định mức lập dự toán, phân bổ ngân sách chưa đầy đủ, hoàn thiện nên quá trình lập dự toán ngân sách sẽ gặp khó khăn, vướng mắc, vì vậy, cơ quan nghiệp vụ cần phản ánh kịp thời với ngành dọc cấp trên để đề xuất phương án giải quyết, điều chỉnh phù hợp. Chủ động phối hợp cơ quan tài chính cùng cấp trong quá trình lập dự toán và báo cáo ngành dọc cấp trên, tạo sự thống nhất trong khâu tạo nguồn theo trình tự quy định ở cơ quan, đơn vị thuộc quyền. Cơ quan nghiệp vụ cấp chiến lược cần xác định thời hạn phân bổ và giao dự toán ngân sách sớm, hợp lý để các ngành nghiệp vụ đơn vị dự toán cấp 2, cấp 3 kịp thời thực hiện phân cấp (số kiểm tra) cho đơn vị cấp dưới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm quản lý tài chính mới. Hằng năm, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên chuyên môn về nghiệp vụ lập nhu cầu, dự toán ngân sách và cập nhật những nội dung mới liên quan đến nghiệp vụ ngành. Quan tâm đầu tư trang bị, cơ sở vật chất, có thể thực hiện kết nối giữa các cơ quan, đơn vị ngành dọc để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phân bổ, thông báo ngân sách cho cơ quan, đơn vị kịp thời, chính xác, đồng bộ.
Lập dự toán NSHC theo cơ chế quản lý tài chính mới trong Quân đội là khâu nghiệp vụ thường xuyên, nhưng đòi hỏi cán bộ, nhân viên chuyên môn hậu cần, tài chính phải nắm chắc các yếu tố liên quan và thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc tài chính. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nghiệp vụ hậu cần với tài chính cùng cấp và cơ quan nghiệp vụ ngành dọc cấp trên để đảm bảo việc lập, thẩm định dự toán, phân bổ ngân sách được chính xác, khoa học, kịp thời, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của đơn vị.
Thượng úy TRẦN ĐÌNH TỨ - Trung úy LÊ THẾ ĐẠT (Học viện Hậu cần)