Rút kinh nghiệm qua cuộc diễn tập KVPT tỉnh năm 2014, để nâng cao chất lượng công tác diễn tập QB-19, ngay từ cuối năm 2018, Phòng Hậu cần đã chủ động dự thảo đề xuất các nội dung công tác hậu cần và dự kiến kinh phí làm cơ sở cho Bộ Chỉ huy tổng hợp chung, trình Ủy ban nhân dân (UBND), Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh bố trí ngân sách năm 2019 cho thực hiện nhiệm vụ này. Để đảm bảo thực chất, hiệu quả, sát thực tế chiến đấu, căn cứ vào Kế hoạch của UBND tỉnh và Hướng dẫn của Cục Hậu cần Quân khu về việc tổ chức diễn tập KVPT, với chức năng là cơ quan chủ trì về công tác hậu cần, Phòng Hậu cần đã tham mưu cho Tiểu ban bảo đảm hậu cần - tài chính - lễ tân QB-19 phân công nhiệm vụ cho các thành viên gồm các sở, ban, ngành (tương ứng hậu cần) xây dựng các loại văn kiện tác chiến và xây dựng kế hoạch huy động lực lượng, cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm cho diễn tập. 

leftcenterrightdel
Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu, Thiếu tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu theo dõi Bộ CHQS tỉnh xử lý tình huống chiến đấu trên bản đồ. Ảnh: CTV

Đồng thời, tổ chức khảo sát, xây dựng Kế hoạch và tổ chức hiệp đồng bảo đảm hậu cần (BĐHC) cho lực lượng huấn luyện thực binh, tham gia diễn tập. Hướng dẫn các sở có chuyên môn tương ứng hậu cần (Giao thông Vận tải, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Điện lực) điều chỉnh, xây dựng kế hoạch tác chiến phòng thủ; điều chỉnh kế hoạch bảo đảm năm đầu chiến tranh; thứ tự, nội dung, phương pháp trong chuyển cơ quan vào các trạng thái quốc phòng và bồi dưỡng phương pháp thực hành diễn tập. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc tổ soạn thảo văn kiện các sở xây dựng văn kiện diễn tập, điều chỉnh kế hoạch. Phối hợp với cơ quan tham mưu chỉ đạo việc huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên và phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân; huy động nhân lực tàu thuyền theo Nghị định 30, 130 của Chính phủ. Chuẩn bị nội dung thực nghiệm và tổ chức luyện tập thử cho Sở Y tế, kết hợp hướng dẫn huấn luyện thực hành một số nội dung chuyên môn trong quá trình diễn tập (phòng chống say nắng, phòng chống rắn rết, côn trùng cắn trong hành trú quân dã ngoại...  Đồng thời, hướng dẫn soạn thảo các văn kiện hậu cần tác chiến và công tác BĐHC diễn tập KVPT cho Ban CHQS huyện Tuyên Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy tham gia diễn tập lần này.

Trên cơ sở hướng dẫn của Cục Hậu cần Quân khu và Ban Chỉ đạo QB-19, Phòng Hậu cần tham mưu với Bộ CHQS tỉnh quy hoạch, bố trí, xây dựng hệ thống, bảo đảm hậu cần linh hoạt, liên hệ chặt chẽ với nhau giữa các thành phần, lực lượng trong KVPT. Triển khai xây dựng các công trình hậu cần trong khu sở chỉ huy diễn tập. Tổ chức xây dựng, bố trí đội phẫu thuật cứu chữa cơ bản, vị trí các cơ quan phân đội hậu cần hợp lý. Tham mưu và tổ chức xây dựng tốt khu vực thực binh huy động bệnh viện dã chiến, đội điều trị, đồng thời chỉ đạo tổ chức, bố trí hậu cần tại các khu vực thực binh khác đúng quy định bảo đảm cho các lực lượng luyện tập cũng như trong diễn tập.

Do làm tốt công tác chuẩn bị, quá trình diễn tập, đồng chí chủ nhiệm hậu cần và giám đốc các sở (tương ứng hậu cần) đã thực hiện cơ bản đúng trình tự, nội dung các bước chuyển trạng thái SSCĐ và chuyển cơ quan vào các trạng thái quốc phòng. Các văn kiện hậu cần thực hiện theo đúng mẫu biểu mới do Tổng cục Hậu cần ban hành thử nghiệm từ tháng 7 năm 2018. Giám đốc các sở tham gia các cuộc họp do tỉnh ủy, UBND, HĐND triệu tập đúng thời gian, thảo luận đúng nội dung, có trọng tâm, trọng điểm, tham mưu trúng, đúng, tính khả thi cao. Thực hành động viên lực lượng y tế, phương tiện kỹ thuật đúng trình tự, đúng kế hoạch, bảo đảm mục đích yêu cầu đề ra, chất lượng chuyên môn tốt, đúng, đủ thành phần theo quy định. Tiến hành huy động đủ lực lượng, phương tiện tàu thuyền thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biển đảo đúng quy định, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Các tình huống về hậu cần đều được các các sở và hậu cần quân sự địa phương xử trí tốt, sát thực tế, đáp ứng yêu cầu đề ra.

leftcenterrightdel
Hệ thống giàn cây leo trong khu vực diễn tập QB-19. Ảnh: CTV.

Để công tác BĐHC sát thực tế chiến đấu, rút kinh nghiệm diễn tập năm 2014 (các bếp khối UBND tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, Mặt trận Tổ quốc tỉnh tự đặt nhà hàng cung cấp suất ăn hằng ngày nên không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng ăn uống, không sát thực tế chiến đấu, dễ lộ bí mật quân sự), Bộ CHQS tỉnh đề xuất Ban Chỉ đạo cho phép triển khai xây dựng 5 bếp Hoàng Cầm cấp I bán âm, có mái che; 5 nhà ăn cho 5 khối (quân đội; công an; biên phòng; UBND; Tỉnh ủy, HĐND, Mặt trận Tổ quốc tỉnh). Các nhà ăn, nhà bếp được thiết kế, bố trí khoa học, liên hoàn, riêng rẽ, một chiều, có các công trình phụ trợ như bể nước, khu sơ chế… đủ diện tích sử dụng. Cùng với tổ chức tập huấn nấu ăn cho các nhân viên văn phòng các cơ quan tỉnh, Phòng Hậu cần cử lực lượng nuôi quân tăng cường, làm nòng cốt trong việc bảo đảm ăn uống cho các bếp khối dân sự. Trên cơ sở mức tiền ăn diễn tập 106.000đồng/người/ngày (Thông tư số 82/BQP ngày 21/6/2018 của Bộ Quốc phòng), cơ quan hậu cần tổ chức tiếp phẩm tập trung cho 5 bếp theo một thực đơn thống nhất (quân số gần 1.000 người), với cơ cấu hợp lý. Riêng đối với 3 huyện tham gia diễn tập, mỗi huyện tổ chức 2 bếp ăn (bếp quân sự, công an; bếp khối ban, ngành), có đầy đủ các công trình phụ sinh hoạt… theo quy định. Về bảo đảm mặc, ngoài lực lượng quân đội, công an, biên phòng mang mặc theo quy định, bảo đảm 600 suất quân trang dã chiến K-17, 250 suất quân trang dự bị động viên, 444 suất quân trang cho tiếp nhận qua trạm, Phòng Hậu cần đã tham mưu với Ban Chỉ đạo sử dụng kinh phí địa phương tổ chức may đo 186 bộ trang phục cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành tham gia diễn tập, bảo đảm thống nhất, chính quy. Để bảo đảm đủ, kịp thời điện, nước, Phòng Hậu cần đã tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch, phối hợp với Công ty Điện lực tỉnh Quảng Bình đấu nối, bố trí hệ thống điện lưới phục vụ điện sinh hoạt khu vực sở chỉ huy diễn tập và khu vực thực binh, có 2 máy phát điện công suất 30 - 250 KVA, dự phòng trong trường hợp mất điện. Tổ chức khoan giếng, lắp đặt các bể nước cố định kết hợp với bể nước cơ động, xe chở nước, hình thành hệ thống nước tự chảy, tiện cho công tác bảo đảm cho lực lượng thực binh và khu vực thực hành diễn tập. Các công trình nhà tắm kết hợp nhà vệ sinh tự hoại được bố trí đều khắp trong toàn khu vực diễn tập. Bảo đảm đủ 100% tăng, võng, phản nằm cho lực lượng diễn tập và phục vụ diễn tập. Các khu vực thực hành diễn tập đều được phun thuốc muỗi, khử trùng và vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch. Quân y Bộ CHQS tỉnh và 3 huyện diễn tập đều thành lập các tổ quân y kết hợp với y tế địa phương, bảo đảm tốt sức khỏe cho các lực lượng trong suốt thời gian diễn tập. Cụ thể: Đã xây dựng 01 hầm phẫu, 3 nhà vệ sinh (6 hố) kiên cố, 14 nhà vệ sinh bán kiên cố (28 hố), 6 nhà vệ sinh tạm (12 hố) tại khu thực binh xã Hải Ninh. Ban CHQS thành phố Đồng Hới xây dựng 01 trạm tiếp nhận quân nhân dự bị, bệnh viện dã chiến 150 giường bệnh bàn giao cho Quân khu 4.

Điểm mới trong diễn tập KVPT năm 2019 là, Phòng Hậu cần đã chủ động đề xuất với Bộ CHQS tỉnh và được UBND tỉnh đầu tư hơn 1 tỷ đồng để tổ chức triển khai mô hình tăng gia sản xuất tập trung như chăn nuôi bò, gà, lợn…; trồng 1 vườn chuối 600 cây, xây dựng 4 vườn rau (920m2) có mái che tại khu vực nhà ăn, nhà bếp, trồng 800m2 cây đậu bắp, khoai dong; làm 600m2 giàn mướp, gấc, chanh leo; 3 vườn dược liệu, rau rừng..., góp phần xây dựng cảnh quan khu vực diễn tập, vừa bảo đảm ngụy trang, bí mật, sát thực tế trong chiến tranh. Các sản phẩm thu hoạch được sử dụng cho các lực lượng trong thời gian diễn tập, tạo thêm sự phong phú trong bữa ăn dã ngoại, hạn chế tối đa khai thác ngoài thị trường. Đây còn là mô hình tham quan cho các cơ quan dân, chính, đảng, được Ban chỉ đạo diễn tập, Quân khu và cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể đánh giá cao.

Có thể khẳng định, mặc dù, kinh tế còn nhiều khó khăn; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt; song với tinh thần, trách nhiệm cao của Thường vụ Tỉnh ủy, UBND, HĐND, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, của cấp ủy, chính quyền các cấp, chất lượng diễn tập QB-19 (trong đó có nội dung hậu cần) được nâng lên rõ rệt và có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; khả năng vận dụng nguyên tắc lý luận vào thực tiễn của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, đáp ứng yêu cầu tác chiến phòng thủ tỉnh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai (nếu xảy ra).

Thượng tá Nguyễn Xuân Hòa - BCHQS tỉnh Quảng Bình