Chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng

Cũng như nhiều đơn vị khác thuộc Cục Vận tải, những năm gần đây, công tác huấn luyện của Lữ đoàn 649 gặp nhiều khó khăn do cùng lúc phải triển khai nhiều nhiệm vụ đan xen; phương tiện hoạt động xa đơn vị; quân số phân tán; trang bị, phương tiện xuống cấp; trình độ, kinh nghiệm huấn luyện của đội ngũ cán bộ các cấp còn có mặt hạn chế; kinh phí, vật chất, thao trường phục vụ công tác huấn luyện chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ…

leftcenterrightdel
Chỉ huy Lữ đoàn kiểm tra thực hành bắn đạn thật trên biển. Ảnh: CTV

Để nâng cao chất lượng huấn luyện, vấn đề được Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn quan tâm hàng đầu là tập trung chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng mọi mặt, nhất là về đội ngũ cán bộ, giáo án, thao trường, bãi tập, đến các loại cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện; nắm chắc và vận dụng linh hoạt các nguyên tắc, mối kết hợp trong huấn luyện; tổ chức huấn luyện từ cơ bản đến nâng cao và chuyên sâu theo nhiệm vụ cụ thể của từng cán bộ, thợ máy, nhân viên, thuyền viên; từng cơ quan, đơn vị. Căn cứ vào hướng dẫn của trên, Lữ đoàn xây dựng chương trình, kế hoạch huấn luyện bảo đảm cân đối giữa huấn luyện chung với huấn luyện chuyên ngành, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng phân đội;  làm rõ mục tiêu, yêu cầu huấn luyện, những nội dung mới, sửa đổi; nội dung trọng tâm; các chỉ tiêu cần đạt được... Kế hoạch huấn luyện được xây dựng phù hợp với từng cấp; trong đó, cấp Lữ đoàn theo tháng, cấp tiểu đoàn và tương đương theo tuần, đại đội (tàu) lập tiến trình biểu huấn luyện theo từng ngày và giờ. Trước mỗi mùa huấn luyện, Lữ đoàn tổ chức tập huấn, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng; tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho đội mẫu. Công tác bảo đảm, chuẩn bị về giáo án, mô hình học cụ, vật chất, thao trường huấn luyện thường xuyên được Lữ đoàn chỉ đạo củng cố, sửa chữa, làm mới. 5 năm qua, hàng chục sáng kiến, mô hình đã được Lữ đoàn ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn huấn luyện, như: Bếp cân bằng trên phương tiện thủy; bảng điều khiển tín hiệu nhận dạng tàu thuyền trên biển; giá đỡ trục chân vịt... Trong tổ chức và điều hành huấn luyện, Lữ đoàn thực hiện nghiêm kế hoạch huấn luyện; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan bám sát các phân đội thuộc quyền để kịp thời hướng dẫn, nhất là trong những thời điểm và nhiệm vụ quan trọng, đột xuất...

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp đối với việc nâng cao chất lượng huấn luyện, trước mỗi giai đoạn huấn luyện, Lữ đoàn đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; đồng thời khuyến khích cán bộ tự học, tự nghiên cứu, cập nhật kiến thức, nội dung mới nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; coi đó là “đòn bẩy” thúc đẩy chất lượng huấn luyện của toàn đơn vị. Nội dung tập huấn được nghiên cứu kỹ, vận dụng phù hợp với cương vị, chức trách từng cấp, từng người; tập trung vào những nội dung mới, trọng tâm, như tổ chức, phương pháp huấn luyện...; bảo đảm phù hợp với từng đối tượng, sát với đặc điểm, nhiệm vụ đơn vị. Trên cơ sở đó, thực hiện phân công, phân cấp huấn luyện cụ thể cho từng cấp; lấy các phòng, ban cơ quan, đại đội, từng con tàu làm đầu mối huấn luyện. Lữ đoàn yêu cầu chỉ huy và cán bộ huấn luyện cấp dưới phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về kết quả huấn luyện đơn vị mình. Kết quả huấn luyện, rèn luyện kỷ luật của từng cán bộ, đảng viên được cấp ủy, chỉ huy các cấp đưa vào nhận xét, đánh giá cán bộ hằng quý, năm.

Chủ động đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện

Để tạo bước đột phá, khắc phục tình trạng lối mòn, bệnh thành tích, xa rời thực tế trong huấn luyện, thời gian qua, Lữ đoàn tập trung đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện theo hướng tăng thời gian huấn luyện thực hành, tăng cường các các hội thi, hội thao, kiểm tra nhằm đánh giá kết quả huấn luyện thường xuyên. Trước mỗi mùa huấn luyện, Lữ đoàn lựa chọn những đồng chí cán bộ có trình độ và kinh nghiệm vào đội mẫu, rút kinh nghiệm, triển khai thống nhất trong toàn đơn vị. Hệ thống sổ sách, giáo án, bài giảng và nội dung, phương pháp huấn luyện của đội ngũ cán bộ được thực hiện thống nhất, đồng bộ, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trung tâm. Việc thông qua giáo án huấn luyện được tiến hành hằng tuần và chủ yếu thực hiện ngoài thực địa nhằm bảo đảm tính thực tế. Cùng với huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật chuyên ngành, Lữ đoàn quan tâm huấn luyện cho bộ đội làm chủ các loại vũ khí, trang bị, kết hợp chặt chẽ với tăng cường rèn luyện thể lực cho bộ đội có sức khỏe dẻo dai, có khả năng thích nghi với nhiều loại thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Đặc biệt, chú trọng chỉ đạo các phân đội kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, kết hợp giữa huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy trong toàn đơn vị. Công tác điều hành huấn luyện cũng được đổi mới theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, tránh chống chéo; phân rõ trách nhiệm phối hợp, hiệp đồng giữa các cơ quan, nhất là cơ quan tham mưu...

leftcenterrightdel
Thực hành huấn luyện cẩu hàng lên tàu. Ảnh: Quang Triệu

Đối với nội dung huấn luyện chuyên môn, Lữ đoàn thực hiện theo các đợt huấn luyện tập trung nhằm giúp từng người nắm vững chức trách, nhiệm vụ, giỏi về thực hành chuyên môn, sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị trong biên chế. Tập trung huấn luyện những nội dung còn yếu, nhất là điều lệnh, chấp hành kỷ luật, chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao tay nghề, bậc thợ... Kết hợp nhuần nhuyễn giữa huấn luyện lý thuyết với huấn luyện thực hành, lấy thực hành là chính, huấn luyện đến đâu thực hành đến đó. Cán bộ huấn luyện tích cực đổi mới cách thức tổ chức, phương pháp huấn luyện, thực hiện đúng các bước, nhất là bước làm mẫu. Quá trình tổ chức huấn luyện, đảm bảo chặt chẽ về thời gian, thực hiện nghiêm quy tắc an toàn, nhất là trong huấn luyện bổ túc lái tàu, bắn đạn thật trên biển, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... Trong và sau mỗi đợt huấn luyện đều tổ chức kiểm tra, sơ kết, rút kinh nghiệm theo từng cấp nhằm đánh giá chính xác năng lực tổ chức, chỉ huy của đội ngũ cán bộ, đưa bộ đội vào sát tình huống chiến đấu, hình thành hệ thống kiến thức tổng hợp cho bộ đội; kiên quyết chống “bệnh thành tích” trong huấn luyện...

Một trong những phương châm huấn luyện được Lữ đoàn rất coi trọng là kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, vừa giúp nâng cao trình độ cho đội ngũ thủy thủ, thợ máy; vừa tiết kiệm được kinh phí, xăng dầu... Theo đó, trong từng nhiệm vụ vận chuyển, Lữ đoàn yêu cầu các phân đội và từng con tàu phải tổ chức huấn luyện bộ đội theo từng cương vị, chức trách đảm nhiệm, sát với từng điều kiện thực tế cụ thể. Tập trung vào các nội dung: Kỹ năng điều khiển tàu trong luồng thủy hẹp; cẩu hàng, thả nhổ neo; phòng chống chìm đắm tàu; phòng cháy, chữa cháy tàu; sử dụng vũ khí, khí tài hàng hải... Thực tế cho thấy, đây là biện pháp hiệu quả giúp nâng cao trình

độ tổ chức, chỉ huy cũng như tay nghề của cán bộ, thuyền viên, thợ kỹ thuật của Lữ đoàn trong điều kiện kinh phí, xăng dầu bảo đảm cho huấn luyện chưa thể đáp ứng đủ yêu cầu huấn luyện...

Nhờ thực hiện tích cực, đồng bộ các giải pháp, từ năm 2013 đến nay, Lữ đoàn đã hoàn thành hàng trăm chuyến vận chuyển, trong đó nhiều chuyến hoạt động dài ngày trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Kết quả kiểm tra huấn luyện hằng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, năm 2018, các nội dung huấn luyện của Lữ đoàn có 100% quân số đạt yêu cầu, trên 75% đạt khá, giỏi; riêng huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ 100% đạt khá, giỏi. Qua kiểm tra, tất cả cán bộ, thuyền viên đều nắm chắc kỹ, chiến thuật, thành thục động tác, yếu lĩnh. Lữ đoàn còn hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu tại K661, được thủ trưởng Tổng cục Hậu cần biểu dương. 6 tháng đầu năm 2019, Lữ đoàn đã hoàn thành xuất sắc luyện tập chuyển trạng thái SSCĐ và tổ chức thành công bắn đạn thật trên biển với 100% quân số đạt yêu cầu trở lên, trong đó có 78,4% đạt khá, giỏi... Với những kết quả vững chắc đạt được, tin rằng, Lữ đoàn 649 sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện năm 2019 và những năm tiếp theo, góp phần xây dựng Lữ đoàn ngày càng vững mạnh toàn diện.

NHẬT MINH