Khẩn trương hiệp đồng, chuẩn bị chu đáo, bảo đảm tốt hậu cần

Thực hiện phương châm đối ngoại của Đảng ta: Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế; từ truyền thống đạo lý nhân đạo, tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam; thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ; Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định cử lực lượng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam sang tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ gồm 76 quân nhân là lực lượng tinh nhuệ, được đào tạo, huấn luyện bài bản, có nhiều kinh nghiệm tham gia tìm kiếm cứu nạn trong nước và quốc tế. Trong đó, Đội Quân y thuộc Tổng cục Hậu cần (TCHC) gồm 30 đồng chí; Đội Công binh cứu sập thuộc Binh chủng Công binh gồm 30 đồng chí; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng 9 đồng chí và 06 chó nghiệp vụ; Bộ phận chỉ huy và cơ quan gồm 07 người. Tổng chỉ huy lực lượng là đồng chí Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn/Bộ Tổng Tham mưu.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trung tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm TCHC cho biết: “Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, TCHC đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tham mưu/TCHC là cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch đảm bảo mọi mặt hậu cần cho lực lượng đi làm nhiệm vụ; với yêu cầu là khẩn trương, chu đáo, toàn diện về lực lượng, vật chất, trang bị hậu cần, tổ chức cơ động và triển khai lực lượng trong thời gian sớm nhất".

leftcenterrightdel

Đồng chí Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng BQP kiểm tra công tác chuẩn bị vật chất hậu cần bảo đảm cho lực lượng Quân đội tham gia cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: CTV 

Sau khi kế hoạch được Thủ trưởng Tổng cục phê duyệt, các cục chuyên ngành của TCHC căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương triển khai các nội dung được phân công. Cục Quân y lựa chọn, thành lập Đội Quân y tham gia công tác hỗ trợ gồm 30 đồng chí, đến từ các Bệnh viện quân y 105, 354 (TCHC), Bệnh viện quân y 103 và Bệnh viện Bỏng Quốc gia (Học viện Quân y), với 08 bác sĩ và 16 y sĩ, điều dưỡng, 06 nhân viên chuyên môn phục vụ (trong đó có 01 kỹ sư trang bị). Theo đồng chí Đại tá Trần Duy Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quân y: Thành phần Đội Quân y được lựa chọn là các bác sĩ trẻ có sức khỏe, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ tốt; có nhiều kinh nghiệm chuyên môn tại bệnh viện dã chiến cấp 2 ở Nam Sudan, tham gia diễn tập, tập huấn ở nước ngoài. Đối với các chuyên ngành, ưu tiên hồi sức cấp cứu, gây mê, chấn thương chỉnh hình, truyền nhiễm…”.

Với phương châm “Tuyệt đối không để bộ đội bị đói, bị rét, hoàn thành nhiệm vụ nhưng phải giữ sức khỏe”, Cục Quân nhu đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm bảo đảm cho lực lượng cứu hộ trong thời gian 30 ngày, gồm: lương khô, mì tôm, gạo, bí xanh, khoai tây, su su, bắp cải, thịt hộp, cá hộp, trứng, sữa, nước uống cùng 10 bếp dầu và các dụng cụ chia, nấu gọn nhẹ, cơ động. Cấp phát đầy đủ quân, tư trang cho bộ đội, trong đó quân trang chống rét có chăn bông, bộ quần áo giữ nhiệt, áo bông và mũ lông… Các mặt hàng được tập kết, đóng gói cẩn thận tại Kho 205/Cục Quân nhu trước khi vận chuyển đến Sân bay Nội Bài. Đồng chí Thượng tá Đỗ Xuân Hoan, Phó Chủ nhiệm Kho 205 chia sẻ: “Từ khi nhận lệnh, tất cả cán bộ, chiến sĩ Kho 205 làm đến 12 giờ đêm mới nghỉ. 100% quân số được huy động để tham gia đóng gói, bốc xếp, bàn giao cho Cục Vận tải đúng thời gian quy định”.

Để bộ đội luôn chủ động về hậu cần trong mọi tình huống, Cục Xăng dầu cấp phát một số bể mềm, bơm lắc tay, can nhựa…; phối hợp với các cơ quan tính toán lượng tiêu thụ nhiên liệu cho nấu ăn, máy phát điện, đèn bão trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, báo cáo cấp trên bảo đảm kinh phí và đề xuất phương thức tạo nguồn tại nước sở tại.

Về bảo đảm quân y, Cục Quân y đã chuẩn bị đầy đủ vật tư quân y, thuốc, hóa chất bảo đảm cho Đội Quân y hoạt động cứu chữa cho khoảng 1.500 người bị nạn trong thời gian 01 tháng.

leftcenterrightdel
 Đội Quân y Việt Nam sơ cứu cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: CTV

Cục Vận tải phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với Cục Đối ngoại, các cơ quan, đơn vị liên quan, chỉ đạo thống nhất việc bao gói vật chất, trang bị để vận chuyển theo quy định của hàng không, tổ chức lực lượng bốc xếp, vận chuyển vật chất, trang bị và lực lượng làm nhiệm vụ đến Sân bay Nội Bài. Được giao nhiệm vụ vận chuyển, Lữ đoàn 971 đã nhanh chóng triển khai lực lượng, làm tốt công tác hiệp đồng vận chuyển đảm bảo thời gian, an toàn tuyệt đối. Đồng chí Đại tá Đinh Ngọc Chính, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 971 cho hay: “Sau 02 giờ khi nhận được nhiệm vụ, chúng tôi đã triển khai tổ chức lực lượng đi thực hiện nhiệm vụ. Ngay tối ngày 11-02, chúng tôi đã triển khai để các lực lượng áp kho. Đúng 06 giờ sáng ngày 12-02, toàn bộ các lực lượng, phương tiện đã tổ chức tiếp nhận, vận chuyển, bàn giao các loại hàng hóa và chuyển lên tàu bay theo đúng yêu cầu kế hoạch”.

Như vậy, chưa đầy 02 ngày (từ trưa ngày 10 đến sáng ngày 12-02), TCHC đã chuẩn bị xong 30 tấn vật chất hậu cần, với hàng trăm danh mục mặt hàng khác nhau, kịp thời bảo đảm cho lực lượng Quân đội lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ.

Chạy đua với thời gian để tìm kiếm “phép màu”

Sáng ngày 13-02, 76 cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam đã có mặt tại Sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), sau đó bay tới thành phố Hatay với khoảng cách là 1.100 km. Ngay khi có mặt tại Hatay, những người lính mang lá cờ đỏ sao vàng trên ngực trái đã nhanh chóng phối hợp với lực lượng cứu nạn quốc tế khác thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn dưới đống đổ nát, các tòa nhà bị sập và cung cấp hỗ trợ y tế cho các nạn nhân động đất. Chứng kiến cảnh đổ nát, tang thương, những em nhỏ mồ côi, những người bị mất mát nhà cửa đang phải lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất” sau trận động đất, đồng chí Đại úy QNCN Lê Trọng Nghĩa không khỏi xúc động: “Đối với chúng tôi, thời gian quý vô cùng, mỗi giây phút đi qua thì sự sống của người bị nạn càng ngắn lại. Dù biết công tác cứu hộ thảm họa thiên tai vô cùng khó khăn, gian khổ và hiểm nguy, nhưng chúng tôi xác định hết sức nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, góp phần giúp đỡ nước bạn Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua giai đoạn đau thương, mất mát này”.

Đồng chí Trung tá Lê Hoài Sơn, Phó Chủ nhiệm khoa Trang bị/Bệnh viện quân y 105, phụ trách hậu cần của Đoàn cho biết: "Mặc dù đã mang theo tới 30 tấn vật chất, song một số lượng lớn hàng hóa đã bị thất lạc do tổ chức vận chuyển trên chặng đường dài hàng chục ngàn kilomet bằng nhiều phương tiện khác nhau nên chúng tôi gặp không ít khó khăn trong bảo đảm hậu cần. Bộ đội những ngày đầu phải ăn lương khô, mỳ tôm. Chúng tôi phải đi xa trên 100km mới mua được lương thực, thực phẩm, tổ chức ăn theo nhiều đợt và đốt lửa giữ ấm cho bộ đội"…

Tại hiện trường vụ động đất được đánh giá có sức công phá tương đương 500 quả bom hạt nhân và xuất hiện hàng chục dư chấn nhiều ngày sau đó, cường độ mạnh lên đến trên 6 độ rich-te, các cán bộ, chiến sĩ phải đối mặt với khó khăn chồng chất, nguy hiểm luôn chực chờ, phải làm nhiệm vụ ở một địa bàn lệch múi giờ 04 tiếng đồng hồ, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rất lớn, ban đêm nhiệt độ lạnh -10 độ C, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa rất khác biệt với Việt Nam... Việc phối hợp giữa các đơn vị thực hiện nhiệm vụ quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn, bởi trình độ tiếng Anh của một số lực lượng nhiều nước tham gia cũng chỉ ở mức độ nhất định, gây cản trở trong việc thống nhất phương án và cách thức tổ chức làm việc. Việc tìm kiếm, đưa thi thể nạn nhân bị vùi lấp trong đống đổ nát ra ngoài cũng đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ. Đây là những khó khăn, thử thách mà cán bộ, chiến sĩ chưa từng gặp phải. Song, với trang thiết bị y tế cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và sự tận tâm, những chiến sĩ Quân y Việt Nam đã hết lòng hỗ trợ những người bạn quốc tế đang gặp khó khăn. Trung tá, bác sĩ Lại Bá Thành cho biết thêm: "Chúng tôi đã cố gắng nỗ lực khắc phục khó khăn, chia sẻ những mất mát của họ và cũng rất trân trọng tình cảm của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ dành cho đoàn. Tất cả thành viên của Đội cũng không quản khó khăn, chăm sóc sơ cấp cứu cho người dân bị nạn”.

leftcenterrightdel
Bộ đội Việt Nam ngủ nghỉ trong các lều bạt dã chiến. Ảnh: CTV 

Để tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp, cùng với Đội sử dụng chó nghiệp vụ, Đội công binh cứu sập đã thực hiện dò tìm phát hiện, hỗ trợ, để cứu hộ các nạn nhân ra khỏi đống đổ nát với những thiết bị hiện đại, đặc chủng, như: bộ dò tìm tổng hợp Seachcam 3.000, ra-đa xuyên đất, bộ dò tìm Trotsky, bộ cứu hộ thủy lực Weber… Họ đi giữa những con phố hẹp, hai bên là các ngôi nhà cao nghiêng ngả chờ đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Rồi chui vào những khe hẹp, phía trên là những tấm bê tông lớn nặng hàng tấn, nứt gãy để cứu người. Mỗi giây, mỗi phút là ngần ấy thời gian phải đối mặt với rủi ro.

Với tinh thần quả cảm, tranh thủ từng giờ, từng phút, sau 01 tuần làm việc không ngừng nghỉ, lực lượng cứu hộ của QĐND Việt Nam đã xác định được 15 vị trí có nạn nhân, trong đó 2 vị trí có người còn sống, tìm kiếm được 28 thi thể nạn nhân; tổ chức vận chuyển đồ đạc, hỗ trợ 3 gia đình nạn nhân ổn định nơi ăn, ở, sinh hoạt. Phối hợp với lực lượng cứu hộ của Ba-ranh và Mexico tìm kiếm được 03 vị trí có 10 nạn nhân. Đội Quân y triển khai khám, cấp cứu cho 45 trường hợp, trong đó có 12 nhân viên cứu hộ và 33 trường hợp là người dân bị nạn, sau đó bàn giao lại cho nước Bạn. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo Đoàn đã đến thăm và trao đổi kinh nghiệm cứu hộ, cứu nạn với 09 đội cứu hộ quốc tế, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Italy, Pakistan…; trao tặng gần 25 tấn trang thiết bị, vật tư, lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho nhân dân ở khu vực xảy ra động đất. Nhờ phối hợp chặt chẽ với lực lượng của Thổ Nhỹ Kỳ và các nước khác, QĐND Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và các hoạt động nhân đạo, được cộng đồng quốc tế, Chính phủ và nhân dân Thổ Nhỹ Kỳ đánh giá cao. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để thể hiện, khẳng định uy tín, tinh thần trách nhiệm và năng lực của QĐND Việt Nam trong hội nhập, quan hệ, hợp tác quốc tế và trong hỗ trợ nhân đạo, cứu hộ cứu nạn, ứng phó với các thảm họa.

Những kết quả trên đã góp phần cùng cộng đồng quốc tế chung sức giúp đỡ nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng khắc phục hậu quả, giảm thiểu những thiệt hại của trận động đất lịch sử gây ra, thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế, truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam, phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, đây cũng là dịp tốt để chúng ta có cơ sở thực tiễn sinh động, tiếp tục hoàn thiện lý luận về tổ chức và hoạt động bảo đảm hậu cần trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống thời gian tới.

THANH TÚ