Nhờ triển khai áp dụng các giải pháp tích cực, 5 năm gần đây, toàn Ngành hoàn thành vận chuyển 192.329 tấn hàng hóa (sản lượng 15.485.000 T.km); 201.450 lượt người (sản lượng 15.168.000 Ng.km); bảo đảm an toàn tuyệt đối; góp phần bảo đảm tốt về hậu cần cho lực lượng vũ trang Quân khu thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ...

Giáo dục, tuyên truyền đi trước một bước

Xây dựng đơn vị vận tải an toàn, trước hết và quan trọng nhất là an toàn trong vận chuyển là mục tiêu xuyên suốt, hàng đầu trong hoạt động vận tải. Xác định rõ điều này, các đơn vị vận tải trong Quân khu đặc biệt coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác trong cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, nhất là về các nghị quyết của Chính  phủ, chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Chỉ thị số 18/CT-BTL ngày 03/5/2017 của Tư lệnh Quân khu về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng và kiểm tra xe-máy quân sự... Cùng với thường xuyên tổ chức các buổi học tập tập trung, các đơn vị tiến hành củng cố, làm mới khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT). Trong tháng ATGT hằng năm đều tổ chức phát động, ký kết giao ước thi đua nhằm gắn trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân về thực hiện ATGT. Các đơn vị còn tổ chức các buổi sinh hoạt, tọa đàm, thi tìm hiểu về công tác ATGT, như tọa đàm “Thanh niên đơn vị nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông”; hội thi “Nét đẹp quân nhân khi tham gia giao thông”; tổ chức các buổi truyền thanh nội bộ về nội dung ATGT... thu hút được đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân viên tham gia. Nhờ thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ở các đơn vị vận tải đều nắm chắc kiến thức pháp luật về ATGT, có ý thức tự giác chấp hành pháp luật và quy định của đơn vị khi tham gia giao thông...

Nâng cao chất lượng huấn luyện, điều hành vận chuyển

Những năm gần đây, khắc phục điều kiện đội ngũ cán bộ và trang thiết bị huấn luyện còn thiếu, ngân sách hạn hẹp, Phòng Vận tải đã chủ động tham mưu với Đảng ủy, thủ trưởng Cục Hậu cần lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành duy trì nghiêm chương trình, thời gian huấn luyện theo quy định. Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ, nhân viên, Phòng xây dựng kế hoạch huấn luyện phù hợp với từng đối tượng; lấy tập huấn chuyên môn, huấn luyện tại chức và khuyến khích bộ đội tự học qua thực tế thực hiện nhiệm vụ là các hình thức chủ yếu. Nội dung huấn luyện đi sâu vào huấn luyện luật Giao thông đường bộ, đường thủy; công tác tham mưu, hiệp đồng vận tải cho các nhiệm vụ; phương thức, hình thức vận chuyển trên các loại địa hình; các biện pháp bảo đảm an toàn trong vận chuyển; kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông; các phương pháp giao, nhận, sắp xếp hàng hóa trong vận chuyển, nhất là các quy định về bốc, xếp vũ khí, đạn, các loại hàng hóa dễ cháy nổ... Trước các chiến dịch vận chuyển lớn, như A60, A70 đều tổ chức tập huấn, huấn luyện bổ sung cho 100% các đồng chí tham gia nắm chắc cung đường, lộ trình thực hiện nhiệm vụ, các quy định trong quá trình hành quân. Trong điều kiện kinh phí, xăng dầu có hạn, các đơn vị coi trọng phân công những đồng chí có kinh nghiệm kèm, giúp đỡ các đồng chí mới; chú trọng kết hợp huấn luyện bổ túc tay lái cho lái xe khi vận chuyển trên địa hình phức tạp. Các đơn vị còn thường xuyên tổ chức các đợt hội thi, hội thao kỹ thuật nội bộ và tích cực tham gia các hội thi, hội thao do Quân khu và Bộ tổ chức nhằm nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên và chất lượng phương tiện...

 Cùng với đó, công tác quản lý, điều hành vận chuyển được các đơn vị rất quan tâm. Trước mỗi nhiệm vụ vận chuyển đều tổ chức quán triệt, giao nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, gắn trách nhiệm của cá nhân với việc bảo đảm an toàn hàng hóa; có phương án lựa chọn đội ngũ cán bộ, chỉ huy, lái xe, tàu phù hợp với từng nhiệm vụ. Trên mỗi cung, chặng, quy định chặt chẽ về cự ly, khoảng cách giữa các xe; xác định cụ thể các đoạn đổi tay lái, điểm dừng, đỗ. Đối với các chuyến vận chuyển xa, dài ngày, có nhiều xe tham gia, chỉ huy cấp trung đoàn, tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy đội hình vận chuyển. Với các nhiệm vụ quan trọng như vận chuyển vũ khí, đạn, ưu tiên lựa chọn những phương tiện có hệ số kỹ thuật tốt, lái xe có nhiều kinh nghiệm vận chuyển. Đối với vận chuyển quân, phải sử dụng xe ca, ưu tiên sử dụng xe mới, xe tốt để bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe bộ đội. Các đơn vị cũng tăng cường kiểm tra, giám sát ở tất cả các khâu, từ tiếp nhận, bốc xếp, vận chuyển trên đường đến giao nhận, bảo đảm chấp hành nghiêm mệnh lệnh vận chuyển, vận chuyển đúng tuyến, đúng mặt hàng, không chở hàng cấm, hàng ngoài nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, các đơn vị đều áp dụng các giải pháp nâng cao hệ số lợi dụng quãng đường, giảm tối đa số ki-lô-mét điều xe, xếp hàng tối ưu nhất, khai thác hệ số lợi dụng trọng tải, chú trọng lựa chọn, bố trí, sử dụng hợp lý phương tiện trong từng kế hoạch vận chuyển nhằm tăng năng suất, tiết kiệm ngân sách, vật tư, xăng dầu, giảm chi phí vận tải. Đặc biệt, chủ động áp dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, tiếp nhận, bảo quản, bốc xếp hàng hóa. 5 năm gần đây, hàng trăm đề tài, sáng kiến cải tiến đã được áp dụng vào thực tiễn. Tiêu biểu như đề tài “Mạng giao thông quân sự bảo đảm cho tác chiến phòng thủ trên địa bàn Quân khu” của Phòng Vận tải, được Hội đồng khoa học Quân khu đánh giá đạt loại xuất sắc. Đề tài giúp cơ quan, đơn vị vận tải nắm chắc hệ thống mạng giao thông, số ki-lô-mét hoạt động trong từng nhiệm vụ, các phương án hành quân tối ưu, từ đó có điều kiện khai thác hiệu quả phương tiện. Sáng kiến mô hình “Sa bàn huấn luyện trên địa bàn Tây Bắc” của Trung đoàn Vận tải 652 cũng rất hữu ích, giúp đội ngũ lái xe dễ hình dung cách thức vận chuyển trên các cung đường khó, phòng tránh sạt, lở đất, lũ ống, lũ quét...   

Làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật         

Cùng với đẩy mạnh hoạt động giáo dục, tuyên truyền, các đơn vị duy trì có nền nếp điều lệnh công tác kỹ thuật, thực hiện nghiêm chế độ giờ, ngày, tuần kỹ thuật theo quy định. Phương tiện trước khi thực hiện nhiệm vụ đều được kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng kỹ thuật, nhất là hệ thống an toàn; sau vận chuyển được kiểm tra, bảo dưỡng ngay. Hằng tháng, tất cả phương tiện trong biên chế đều được nổ máy định kỳ và chạy thử để kiểm tra, bảo đảm sẵn sàng cơ động được ngay khi có lệnh. Do hệ thống đường giao thông trên địa bàn có nhiều đèo cao từ 8%-10%, nhiều cua gấp, mặt đường hẹp, tầm nhìn hạn chế do sương mù, nhất là vào ban đêm, Phòng Vận tải chỉ đạo các đơn vị  lắp hệ thống đèn vàng cho 100% xe ô tô khi tham gia giao thông; hệ thống phanh, hệ thống lái được định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng đúng quy chuẩn. Đội ngũ lái xe được huấn luyện thuần thục cách xử lý khi lên đèo cao, nhất là các xe tải chở hàng hóa có khối lượng lớn để tránh tụt dốc; sử dụng hệ thống phanh động cơ khi xuống đèo để giảm tải cho hệ thống phanh chân; tìm hiểu, nắm chắc các đường cứu nạn trên đèo cao để xử lý khi phương tiện gặp sự cố kỹ thuật. Nắm vững kỹ thuật khi qua đập tràn, ngầm, đề phòng lũ về bất chợt làm trôi phương tiện và hàng hóa...  

leftcenterrightdel
Đoàn công tác Cục Vận tải kiểm tra công tác bảo quản phương tiện của Trung đoàn Vận tải 652 (tháng 9-2016). Ảnh: CTV.

Với những thành tích đạt được, ngành Vận tải Quân khu 2 nhiều lần được Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Quân khu và lãnh đạo, chỉ huy các cấp khen thưởng. Phúc tra 10 năm (2006 - 2016) thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả”, Trung đoàn Vận tải 652 được Ban chỉ đạo tặng Cờ thi đua. Năm 2018, Phòng Vận tải Quân khu được thủ trưởng Tổng cục Hậu cần tặng Bằng khen trong phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả”.

Đại tá Đỗ Công Mạnh - Cục Hậu cần Quân khu 2