Cách đây 10 năm, đời sống cán bộ, chiến sỹ trên Quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và thiếu thốn. Cơ sở hạ tầng, nhà ở, nhà ăn, nhà làm việc, công trình điện nước chưa được xây dựng kiên cố, diện tích chật hẹp; trường học, công trình văn hóa hầu như chưa có. Hệ thống trạm xá trên đảo  thiếu trang bị, máy móc hiện đại. Nguồn nước ngọt trên đảo rất khan hiếm, ảnh hưởng lớn đến công tác bảo đảm hậu cần, tăng gia sản xuất. Công tác tiếp tế, bảo đảm vật chất hậu cần cho bộ đội trên Quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 thiếu phương tiện hiện đại, nên gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu trên biển...

Để khắc phục khó khăn và không ngừng nâng cao chất lượng đời sống bộ đội; những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước, sự chỉ đạo sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (BQP), Tổng cục Hậu cần (TCHC), Quân chủng Hải quân (QCHQ) đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả trong công tác hậu cần. Nổi bật là: Đã tổ chức bếp ăn tập trung trên các đảo nổi và thực hiện chia ăn theo định suất. Ưu tiên bảo đảm đồng bộ bàn ăn, ghế ngồi, trang bị dụng cụ cấp dưỡng cho các đảo và nhà giàn. Đến nay 100% bếp ăn trên đảo, nhà giàn được trang bị bàn ăn inox và ghế ngồi, dụng cụ cấp dưỡng inox đồng bộ; 100% bếp ăn có tủ bảo quản thực phẩm, máy xay đậu, dụng cụ ngâm ủ giá đỗ, làm rau mầm, muối chua rau, củ, quả… Từ năm 2013 đến nay, được sự nhất trí của trên, Hậu cần Quân chủng (HCQC) đã chỉ đạo Vùng 2 và Vùng 4 tổ chức vận chuyển, tiếp tế bảo đảm cho các đảo, nhà giàn từ 2 đợt lên 4 đợt/năm, kết hợp với tàu trực, tàu thay quân, tàu khám sức khỏe, máy bay huấn luyện để tiếp tế hậu cần, nhằm giảm thời gian dự trữ gạo, đồ hộp, tăng lượng thực phẩm tươi, rau xanh cho bộ đội trên các đảo, nhà giàn... Cùng với đó, Quân chủng đã đầu tư 4,2 tỷ đồng mua sắm mới hòm, hộp, giàn giá chuyên dùng chứa hàng hóa và làm chuồng nuôi (nhốt) gia súc, gia cầm cơ động trên các tàu cấp hàng. Yêu cầu các cơ sở cung cấp bảo đảm tốt chất lượng hàng hóa, bao bì, hòm hộp bảo quản; làm tốt việc bao gói, bốc xếp hàng hóa trong quá trình vận chuyển. Quân chủng đầu tư gần 2,9 tỷ đồng làm hệ thống giá, kệ bảo quản lương thực thực phẩm (LTTP), rau xanh trên các đảo, nhà giàn. Do vậy đã hạn chế hư hỏng, xuống cấp lương thực thực phẩm, rau xanh trong quá trình vận chuyển, bảo quản; lượng thực phẩm tươi, rau xanh trong bữa ăn hàng ngày của bộ đội được tăng lên nhiều so với trước đây (định lượng rau xanh tăng 74,3%; thịt lợn hơi tăng 300%). Số bữa ăn có rau xanh tăng từ 10-15% so với phương thức bảo đảm cũ (đảo chìm đạt 70%, đảo nổi đạt 85%, nhà giàn DK1 đạt 90%); số bữa ăn có thịt, cá tươi của đảo chìm đạt 80%, đảo nổi đạt 70%. 

Hệ thống năng lượng sạch trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Lương Thảo.

Cùng với việc bảo đảm thực phẩm tươi sống, công tác tăng gia sản xuất (TGSX) trên đảo, nhà giàn cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Kết hợp giữa nguồn kinh phí của trên đầu tư với nguồn xã hội hóa, các đảo đã tích cực phát huy nội lực xây dựng nhiều vườn trồng rau kiên cố, có thể tránh gió và không khí mặn; một số đảo còn làm vườn rau có mái che hoặc nhà kính để trồng rau quanh năm; diện tích vườn rau trên các đảo đạt bình quân 10-12m2/người. Ngoài ra, các đảo còn tận dụng diện tích đất để làm giàn bầu, bí, mướp... trên nắp hầm hào, công sự vừa  ngụy trang, làm mát, vừa tăng sản lượng rau, củ, quả tươi. Nhằm đẩy mạnh chăn nuôi lợn, gia cầm, năm 2013, HCQC đã chỉ đạo xây dựng thí điểm chuồng chăn nuôi lợn trên đảo Đá Tây, Sinh Tồn, Song Tử Tây và nhà giàn DK 1/16 theo kiểu nuôi nhốt, phù hợp với điều kiện diện tích hẹp. Hiện nay đàn lợn, gia cầm trên các đảo, nhà giàn đều phát triển tốt, nhiều đảo nuôi được lợn nái để chủ động về con giống; một số đảo còn nuôi được chim bồ câu, chim cút và ấp trứng gia cầm để chủ động con giống. Bên cạnh công tác chăn nuôi gia súc, gia cầm, các đảo, nhà giàn tổ chức câu, đánh bắt thủy, hải sản an toàn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế. Do tổ chức tốt công tác TGSX, chế biến, kết hợp với lượng thực phẩm vận chuyển từ đất liền, đến nay 100% đảo, nhà giàn tự làm đậu phụ, ngâm ủ giá đỗ và trồng rau mầm, trung bình mỗi ngày bảo đảm được 120g rau xanh/người; thịt gia súc, gia cầm đạt 20g/người; cá tươi đạt 63g/người; lượng thực phẩm tươi sống tăng 15% so với năm 2013.

Song song với nuôi dưỡng bộ đội, công tác bảo đảm doanh trại cũng có bước phát triển vượt bậc. Hiện nay, 100% đảo nổi được quy hoạch và xây dựng các công trình nhà ở, nhà ăn, kho, nhà vệ sinh, nhà tắm, sân đường nội bộ hoàn chỉnh và xoá 100% nhà tạm. Hầu hết các công trình được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép bảo đảm chắc chắn, khang trang, chính quy, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bộ đội. Một số đảo, nhà giàn được nâng cấp như: Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Sơn Ca, Nam Yết, Phan Vinh, Trường Sa Đông; DK 1/2, 1/8, 1/9, 1/14, 1/15 đã khắc phục cơ bản tình trạng chật hẹp, thuận lợi cho việc quy hoạch, bố trí các công trình phục vụ sinh hoạt của bộ đội. Các đảo, nhà giàn được bảo đảm đầy đủ doanh cụ, dụng cụ sinh hoạt; một số đảo, nhà giàn được bảo đảm đồng bộ, thống nhất về doanh cụ như: Trường Sa Đông, Phan Vinh A và các nhà giàn mới được nâng cấp. Về bảo đảm điện, hiện nay các đảo, nhà giàn được đầu tư hệ thống năng lượng sạch đã cơ bản bảo đảm đủ nhu cầu điện phục vụ sinh hoạt (gấp 3-4 lần so với quy định), thực sự nâng cao đời sống bộ đội và làm thay đổi diện mạo doanh trại trên đảo, nhà giàn. Đối với nước ngọt phục vụ sinh hoạt, thời gian qua, QCHQ đã triển khai xây dựng thêm bể chứa trữ nước ngọt, bảo đảm cho bộ đội gấp 2-3 lần so với quy định của trên. Đặc biệt, vừa qua, Quân chủng đã nghiệm thu Dự án thí điểm lọc nước biển thành nước ngọt tại đảo Song Tử Tây, thời gian tới sẽ triển khai trên các đảo, nhà giàn khác. Ngoài các công trình nói trên, bằng các nguồn vốn hỗ trợ, Quân chủng đã xây dựng được nhiều công trình văn hóa có ý nghĩa như: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà truyền thống, nhà khách Thủ đô, nhà văn hóa, trường học, tượng đài anh hùng dân tộc, bia tưởng niệm, thư viện… Đồng thời trang bị nhiều loại dụng cụ, thiết bị… phục vụ vui chơi, giải trí công cộng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bộ đội và nhân dân trên đảo, nhà giàn. Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương “Xanh hóa Trường Sa”, các tàu đi làm nhiệm vụ ở Quần đảo Trường Sa đều triệt để lợi dụng hệ số tải trọng tổ chức vận chuyển đất màu phục vụ trồng cây xanh, rau xanh. Các đảo tích cực trồng, chăm sóc cây xanh, cây cảnh, vườn hoa, nhân rộng các giống cây bản địa và trồng thử nghiệm cây vối, chanh leo, các loại cây ăn quả... Các đảo tích cực phát huy nội lực xây dựng, củng cố doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp; chú trọng nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội.

Về công tác quân y, hiện nay 100%  các đảo và nhà giàn được bố trí lực lượng quân y cùng với dụng cụ, trang thiết bị y tế đủ khả năng khám, cấp cứu, điều trị cho bộ đội và nhân dân công tác, làm ăn trên biển trong điều kiện thường xuyên. Trạm xá các đảo trung tâm như: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Nam Yết có khả năng cứu chữa cơ bản và một phần chuyên khoa; các đảo nổi còn lại có thể cứu chữa bước đầu và một phần cứu chữa cơ bản; đảo chìm một điểm và nhà giàn thực hiện bổ sung cấp cứu; cụm đảo chìm thực hiện bổ sung cấp cứu, khi được tăng cường có thể cấp cứu ban đầu loại 1. Để không ngừng nâng cao khả năng khám, cấp cứu, điều trị, những năm vừa qua, Quân chủng đã đầu tư trang bị máy siêu âm màu, máy thở…cho các đảo nổi. Trạm xá trên các đảo cấp 1 còn được lắp đặt hệ thống Telemedicine để kết nối trực tiếp với đất liền nhằm hỗ trợ, tư vấn, chẩn đoán bệnh và thống nhất phương pháp điều trị bệnh nhân... Nhờ vậy, nhiều ca cấp cứu không phải chuyển về đất liền mà vẫn cứu chữa thành công như: viêm ruột thừa, giảm áp, chấn thương do tai nạn lao động trên biển, suy hô hấp, xuất huyết dạ dày... Ngoài ra, Quân chủng đầu tư đóng mới 01 tàu bệnh viện hiện đại nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc, cấp cứu, điều trị thương bệnh binh. Từ năm 2013 đến nay, QCHQ sử dụng tàu bệnh viện đi khám sức khỏe cho bộ đội, nhân dân trên các đảo, nhà giàn… góp phần bảo đảm quân số khỏe của bộ đội trên đảo và nhà giàn luôn đạt từ 99,5-99,8%.

Để không ngừng nâng cao chất lượng đời sống bộ đội trên đảo, nhà giàn, thời gian tới HCQC xác định tiếp tục tập trung vào một số nội dung, giải pháp sau:

Một là, từng bước kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng hậu cần cho các đơn vị. Tiếp tục thực hiện đột phá nâng cao chất lượng nuôi dưỡng bộ đội trên Quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK. Đề xuất, điều chỉnh tiêu chuẩn, chế độ cho bộ đội Trường Sa, DK1 phù hợp với yêu cầu và sự phát triển của lực lượng Hải quân. Nghiên cứu, trang bị vật chất hậu cần phù hợp với điều kiện sinh hoạt trên đảo theo hướng nâng cao chất lượng, tăng niên hạn sử dụng, phù hợp với điều kiện sinh hoạt, công tác trên đảo, nhà giàn.

Hai là
, tiếp tục đầu tư, quản lý xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng trên đảo bảo đảm chất lượng tốt, đúng quy trình và quy hoạch đã được phê duyệt. Hoàn thiện các dự án chuyển tiếp như: Dự án lọc nước biển thành nước ngọt; nghiên cứu các biện pháp tăng khả năng dự trữ, tạo nguồn nước ngọt; bảo dưỡng, thay thế hệ thống năng lượng sạch, chuồng chăn nuôi... Bảo đảm kinh phí sửa chữa điện nước, sửa chữa bảo trì nhà ăn, nhà ở, nhà làm việc, dụng cụ sinh hoạt hàng năm. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư thay thế doanh cụ, bảo đảm doanh cụ đồng bộ cho các đảo nổi từ các nguồn quốc phòng thường xuyên, xã hội hóa. Tiếp tục củng cố và triển khai trồng cây cảnh, vườn hoa, tiểu cảnh trên các đảo nổi.

Ba là, tiếp tục thực hiện vận chuyển, tiếp tế cho Quần đảo Trường Sa, DK 4 đợt/năm, kết hợp với tàu, máy bay công tác, thay quân, huấn luyện để bảo đảm. Cân đối, tính toán điều chỉnh cơ cấu thịt, cá, rau, quả hộp sang thực phẩm, rau quả tươi, chế biến chất lượng cao. Đầu tư xây dựng chuồng chăn nuôi lợn, gia cầm tập trung cho các đảo, nhà giàn. Áp dụng công nghệ mới vào chăn nuôi, trồng trọt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng bảo đảm thực phẩm tại chỗ. Làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng các công trình TGSX trên các đảo với quy mô hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm vệ sinh môi trường. Nghiên cứu, triển khai cơ cấu, chủng loại vật nuôi phù hợp điều kiện từng đảo, nhà giàn.

Bốn là, phối hợp với trên tiếp tục trang bị, lắp đặt hệ thống Telemedicine trên các đảo nổi còn lại, nâng cao chất lượng cấp cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm khắc phục tình trạng mất vệ sinh môi trường trên đảo; tìm biện pháp xử lý chất thải, diệt côn trùng trung gian truyền bệnh.

Năm là
, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần đáp ứng yêu cầu làm nhiệm vụ trên đảo, nhà giàn. Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, ban, ngành, địa phương với quốc phòng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, dân sự hóa Quần đảo Trường Sa, DK và động viên các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho công tác hậu cần nói chung, bảo đảm đời sống bộ đội trên đảo, nhà giàn nói riêng.

Phát huy kết quả đạt được thời gian qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, BQP, TCHC và sự ủng hộ của nhân dân cả nước, nhất định công tác bảo đảm đời sống cho bộ đội trên Quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK sẽ không ngừng được cải thiện, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá BÙI VĂN THIẾT (Chủ nhiệm Hậu cần QCHQ)