Với khát vọng chinh phục “đấu trường” Quân sự quốc tế năm 2021, các thành viên trong 02 đội tuyển đang nỗ lực luyện tập, quyết tâm vượt khó, sẵn sàng thi đấu đạt thành tích cao nhất, đem vinh quang về cho Tổ quốc.

Đội “Tiếp sức quân y” nỗ lực luyện rèn

Dưới trời nắng gay gắt, trên thao trường của trường Cao đẳng Hậu cần 1 (TCHC), những vận động viên nữ của Đội tuyển “Tiếp sức quân y” đang thoăn thoắt vượt qua chướng ngại vật dây thép gai, hào sâu, tường cao, băng qua cầu đứt dời, dựng đứng... Kết thúc vượt vật cản, những nữ bác sĩ quân y người nhỏ nhắn cõng thương binh nam nặng tới gần 70 kg vượt quãng đường 30m… Đó là một trong những nội dung huấn luyện vất vả nhất của Đội tuyển “Tiếp sức quân y” của Quân đội Nhân dân Việt Nam đang tập luyện chuẩn bị cho Army Games 2021.

leftcenterrightdel

Nữ vận động viên Đội tuyển “Tiếp sức quân y” luyện tập thực hành vận chuyển thương binh nam nặng từ 65-70kg. 

“Tiếp sức quân y” được đánh giá là một trong những nội dung thi khó nhất tại Hội thao Quân sự quốc tế, đòi hỏi các vận động viên phải có chuyên môn cao và thể lực tốt. Vì vậy, ngay khi có Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Cục Quân y (TCHC) đã chủ động liên hệ, phối hợp với cơ quan, đơn vị trong toàn quân lựa chọn các quân nhân có sức khỏe tốt, đáp ứng được tiêu chí Hội thao để tập trung huấn luyện. Ban đầu có 34 thành viên đến từ 9 đơn vị trong toàn quân, sau thời gian huấn luyện rút xuống còn 24 người, trong đó, tuyển thủ tham gia thi đấu trực tiếp là 14 người, chia làm 2 đội nam, nữ, mỗi đội 7 tuyển thủ. Rút kinh nghiệm từ những lần thi trước, công tác chuẩn bị cho nội dung thi “Tiếp sức quân y” năm nay được thực hiện từ rất sớm. Trung tá Nguyễn Quốc Thịnh, Phó Hiệu trưởng đào tạo Trường Cao đẳng Hậu cần 1, ủy viên Ban chỉ đạo huấn luyện Đội tuyển “Tiếp sức quân y” cho biết: “Quá trình chuẩn bị từ nhân sự tới thao trường, bãi tập, nơi ăn, ở cho các thành viên trong Đội tuyển đều được bảo đảm chu đáo. Sức trẻ tuyển thủ được xem là thế mạnh của Đội tuyển năm nay, bởi đa số các thành viên trong Đội đều ở độ tuổi dưới 25. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo các thành viên có thể lực tốt đáp ứng điều kiện bài thi”.

Đội tuyển “Tiếp sức quân y” sẽ thi đấu tại Army Games 2021 với 3 nội dung gồm: kỹ thuật cá nhân, vô địch đồng đội và kỹ thuật viên lái xe tốt nhất. Không phân biệt nam, nữ, các thành viên trong Đội tuyển “Tiếp sức quân y” đều phải trải qua quá trình rèn luyện thể lực bắt buộc là: vượt các chướng ngại vật, cứu thương binh, chạy bộ, cõng thương binh, các kỹ năng mắc dây, đu dây, vượt sông… Đây là những bài tập quá sức với những y, bác sĩ vốn chỉ quen với bông băng và kim tiêm. Đặc biệt, đối với các thành viên nữ trong Đội tuyển, quá trình luyện tập chính là lúc phải nỗ lực vượt qua chính mình. Lau những giọt mồ hôi sau khi luyện tập, Trung úy Lê Thị Thanh Mai, thành viên Đội tuyển “Tiếp sức quân y” đến từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vẫn tươi cười chia sẻ với chúng tôi: “Huấn luyện tuy vất vả nhưng em thấy vui và tự hào khi được đại diện cho Quân đội Nhân dân Việt Nam đi thi đấu”. Đây là năm đầu tiên bác sĩ Mai tham dự Army Games, hằng ngày ở bệnh viện, cô chỉ làm những công việc của bác sĩ, chưa rèn luyện thể lực nhiều. Tham gia Đội tuyển, phải duy trì cường độ tập luyện cao, nhất là huấn luyện nội dung bắn súng, thời gian đầu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự cố gắng, luyện tập chăm chỉ, thành tích của cô được nâng lên sau từng buổi huấn luyện.

Bên cạnh yếu tố thể lực, tính đồng đội được xem là điều kiện tiên quyết để Đội tuyển “Tiếp sức quân y”, có thể thành công trong Hội thao lần này. Mỗi thành viên chính là một mắt xích quan trọng làm nên sự thành công cho toàn Đội. Vì vậy, quá trình luyện tập, các thành viên thường xuyên trao đổi, cùng nhau rút ra bài học kinh nghiệm cách xử trí tình huống, tránh những động tác thừa, rút ngắn thời gian thi. Đối với nội dung thi “Tiếp sức quân y” khó khăn không chỉ dừng lại ở vấn đề thể lực mà còn đòi hỏi về chuyên môn cao. Cuộc thi năm nay có nhiều điểm mới so với năm 2020, đặc biệt là tăng nhiều nội dung chuyên môn cho cả đối tượng bác sĩ lẫn trung cấp quân y. Bởi vậy, ngoài thời gian luyện tập trên thao trường, mỗi tối, các thành viên trong Đội chủ động ôn luyện lại những kiến thức quân y. Tìm hiểu và cập nhật các tài liệu nước ngoài, liên hệ với các đoàn Uzabekistan, Liên Bang Nga để bổ sung tài liệu tập huấn chuẩn, sát với điều kiện thi đấu thực tế, quyết tâm giành thành tích cao tại Army Games 2021.

Đội “Bếp dã chiến” quyết tâm vượt khó

Không phải là màn phô diễn sức mạnh khí tài quân sự, cũng không đòi hỏi các vận động viên phải vượt chướng ngại vật, mang vác thương binh… như Đội tuyển “Tiếp sức quân y” nhưng "Bếp dã chiến" cũng không phải là nội dung thi dễ dàng. Tham gia tranh tài ở nội dung thi này, những chiến sĩ hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam vừa phải có kỹ năng bắn súng tốt, vừa có tài chế biến món ăn và am hiểu ẩm thực châu Âu. Đội tuyển “Bếp dã chiến” đã 4 lần tranh tài tại Army Games, kinh nghiệm từ những Hội thao trước cho thấy sự chuẩn bị chu đáo chính là một trong yếu tố quan trọng góp phần quyết định thắng lợi của Đội tuyển. Với khẩu hiệu “Ăn ngon - Chiến đấu tốt” mang đúng tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, những thành viên trong Đội tuyển “Bếp dã chiến” đang không ngừng nỗ lực tập luyện, chuẩn bị tốt nhất trước khi lên đường sang Nga thi đấu tại Army Games 2021.

leftcenterrightdel

Thủ trưởng TCHC và các đại biểu kiểm tra chất lượng bánh do các thành viên Đội tuyển “Bếp dã chiến” thực hành nướng.

Năm nay, nội dung thi “Bếp dã chiến” không có nhiều thay đổi so với những năm trước nhưng độ khó được tăng lên. Ngoài các vòng thi bắn súng AK, nấu ăn và nướng bánh theo thực đơn tự chọn, vòng chung kết các đội tuyển sẽ nấu ăn theo thực đơn bắt buộc. Thời gian thi đấu kéo dài trong 10 ngày. Vì vậy, số lượng thực đơn tăng lên so với năm 2020. Dù đã nhiều lần tranh tài tại Army Games, nhưng Đội tuyển “Bếp dã chiến” vẫn khó tránh khỏi những khó khăn trong quá trình luyện tập, nhất là trang thiết bị nấu ăn còn chưa đồng bộ, lương thực, thực phẩm đều là các sản phẩm của châu Âu nên việc mua ở thị trường Việt Nam phục vụ luyện tập hạn chế. Đặc biệt, sự khác biệt về văn hóa ẩm thực chính là rào cản lớn nhất mà Đội tuyển phải vượt qua ngay trong quá trình luyện tập. Để có được một món ăn chuẩn vị theo yêu cầu của Ban Tổ chức, đòi hỏi tuyển thủ phải nỗ lực hết sức mình. Bởi tất cả món ăn trong nội dung thi đều là món châu Âu, từ mùi vị đến kỹ thuật chế biến, trình bày món ăn hoàn toàn khác những món ăn truyền thống của Việt Nam. Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nấu ăn, song Đại úy Trần Đăng Việt vẫn thừa nhận rằng nội dung thi đấu tại Army Games 2021 là một thử thách với anh. “Thực đơn nội dung thi “Bếp dã chiến” đặt ra khá khó, số lượng thực đơn nhiều hơn so với các năm trước, vì vậy, chúng tôi vừa rút kinh nghiệm chuyên môn sẵn có, vừa phải học hỏi thêm các kỹ thuật mới và luyện tập nhuần nhuyễn theo kế hoạch hoàn chỉnh, chu đáo”, anh Việt cho biết thêm.

Đối với tổ làm bánh, thách thức lớn nhất là lò nướng, bởi khi thi đấu, bánh phải nướng bằng xe bếp dã chiến KP-130, không có trong biên chế của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Kỹ thuật điều chỉnh nhiệt độ của xe bếp KP-130 rất khác biệt, điều này gây ra trở ngại nhất định cho quá trình luyện tập của Đội tuyển. Nhưng với kinh nghiệm thi đấu nhiều năm, trong quá trình luyện tập, tổ làm bánh có nhiều cách làm sáng tạo, dễ làm để giữ được nhiệt độ phù hợp trong quá trình nướng bánh. “Để làm một chiếc bánh có màu vàng theo đúng yêu cầu của Ban Tổ chức thì nhiệt độ phải rất chuẩn. Do đó, chọn nướng bánh ở ngăn nào trong số 3 ngăn của lò, ủ bánh ra sao, Đội tuyển đều có phương án chuẩn bị từ trước. Ngay cả vấn đề trong ngăn nướng bánh nhiệt độ không đều, Đội cũng có cách xử lý hiệu quả, để mỗi mẻ bánh ra lò có màu vàng đẹp, chín đều đúng yêu cầu của Ban Tổ chức”, Thiếu tá QNCN Cao Quang Vị, Tổ trưởng tổ làm bánh chia sẻ. Tại những kỳ Army Games trước, ngoài nội dung đua tài trên thao trường, Đội tuyển “Bếp dã chiến” còn có sứ mệnh rất quan trọng là quảng bá nét đẹp văn hóa và ẩm thực Việt Nam. Năm nay cũng không ngoại lệ, những món ăn như: nộm bò Hà Nội, phồng tôm, gà mẫu tử đoàn viên, cá nướng vùng cao… được chế biến dưới bàn tay khéo léo của những chiến sĩ hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam chắc chắn sẽ mang lại ấn tượng tốt đẹp cho bạn bè quốc tế.

Dù gặp nhiều khó khăn thử thách nhưng với khát vọng chinh phục “đấu trường” Quân sự quốc tế năm 2021, những người chiến sĩ hậu cần vẫn đang nỗ lực luyện tập, sẵn sàng lên đường thi đấu đạt thành tích cao nhất, khẳng định ý chí, bản lĩnh, tinh thần đoàn kết của Bộ đội Cụ Hồ - Quân đội Nhân dân Việt Nam.♦

Bài, ảnh: QUỲNH HƯƠNG