Đặc biệt, 5 năm gần đây (2015-2020), PTTĐ đã có bước phát triển rộng khắp, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần bộ đội và nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện…

Xuất phát từ tình hình, nhiệm vụ và trên cơ sở hướng dẫn của Cục Doanh trại, QK đã cụ thể hóa PTTĐ thành các nội dung, chỉ tiêu cụ thể để các đơn vị triển khai thực hiện. Với chức năng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, Cục Hậu cần QK thường xuyên tham mưu với Bộ Tư lệnh các giải pháp, đồng thời, tích cực hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện. Các đầu mối, đơn vị trực thuộc đều thành lập Ban Chỉ đạo PTTĐ cấp mình, đơn vị mình, xây dựng quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Căn cứ đặc điểm, nhiệm vụ và tình hình thực tế, các cơ quan, đơn vị ra nghị quyết, xây dựng kế hoạch thực hiện; đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, tạo sức mạnh tổng hợp hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu của Phong trào.

leftcenterrightdel
Sở Chỉ huy Bộ CHQS tỉnh Thái Bình vừa hoàn thành, được đưa vào sử dụng. Ảnh: Hồng Quang.

Xác định công tác quy hoạch doanh trại là yếu tố cơ bản, quyết định, QK luôn chủ động đưa nội dung này đi trước một bước. Từ năm ٢٠١٤ đến nay, các cơ sở doanh trại của QK đều được quy hoạch theo hướng tổng thể, đồng bộ, lâu dài, có phân khu chức năng rõ ràng, phù hợp với quy hoạch chung của địa phương và nhiệm vụ, địa hình thực tế của từng đơn vị, bảo đảm tính kế thừa, ổn định và phát triển. Đặc biệt, QK luôn gắn việc quy hoạch xây dựng doanh trại với quy hoạch sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm; kết hợp quy hoạch doanh trại với quy hoạch cảnh quan môi trường. Hệ thống sân, đường nội bộ, sân chào cờ, sân bãi thể thao; khuôn viên, vườn hoa, cây cảnh cơ bản bảo đảm tính hợp lý thuận tiện cho thực hiện nhiệm vụ và tận dụng được cảnh quan môi trường tự nhiên. Để quản lý, sử dụng chặt chẽ đất quốc phòng, QK đề ra nhiều chủ trương, biện pháp quyết liệt nhằm xử lý dứt điểm hiện tượng tranh chấp, lấn chiếm; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Nhiều đơn vị đã chủ động đào hào, trồng cây ngăn cách với đất địa phương nơi đóng quân, tránh xảy ra hiện tượng xâm canh, xâm cư; đồng thời, kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề có liên quan đến ranh giới, mốc giới đất quân sự. Hiện, trên 84% số điểm đất xây dựng doanh trại của QK đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đầu tư xây dựng cơ bản…

Trong điều kiện kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản và sửa chữa doanh trại còn hạn chế, các cơ quan, đơn vị quán triệt, thực hiện tốt quan điểm “trên dưới cùng lo, cùng làm”; thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản có trọng tâm, trọng điểm, không dàn đều; bảo đảm đúng hạng mục công trình, đúng thiết kế và quy hoạch mặt bằng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ đúng quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn quy phạm; tăng cường giám sát, nâng cao chất lượng công trình theo quy định hiện hành, không để xảy ra hiện tượng thấm dột, nứt, bảo đảm tính thẩm mỹ, phát huy tốt công năng của công trình. Ngoài nguồn kinh phí quốc phòng, các đơn vị đã phát huy nội lực, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương để xây dựng, củng cố doanh trại. 5 năm gần đây, QK triển khai thực hiện 268 dự án công trình với tổng mức đầu tư 7.359 tỷ đồng. Đến nay, hệ thống doanh trại các Bộ CHQS tỉnh, thành phố, các trung đoàn, lữ đoàn đã được xây dựng cơ bản, chính quy; nhiều công trình xây dựng đảm bảo tốt về tiến độ, chất lượng, hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt nhu cầu nơi ăn, ở, làm việc của bộ đội.

Các đơn vị thường xuyên huy động công sức bộ đội và quỹ vốn đơn vị để bảo quản, sửa chữa, nâng cấp, gia tăng tuổi thọ công trình; làm mới hệ thống dây, giá, biển, bảng bảo đảm thống nhất, chính quy. Trong các dự án đầu tư xây dựng mới, hệ thống cung cấp điện, nước được quy hoạch xây dựng đồng bộ; 100% đơn vị đã thay thế dây trần bằng dây cáp bọc nhựa hoặc cao su để tránh thất thoát điện, bảo đảm an toàn sử dụng. Ngoài việc giáo dục cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng điện, nước, Phòng Doanh trại QK thường xuyên hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên; hạn chế sử dụng những thiết bị công suất lớn, từng bước thay thế bằng các thiết bị tiêu thụ ít điện năng, lắp đặt hệ thống công tơ theo dõi điện, nước đến từng đối tượng, từng nhiệm vụ; có quy chế quản lý sử dụng, định kỳ tổng hợp thông báo mức sử dụng đến các hộ sử dụng điện… Những nỗ lực trên đã giúp Quân khu tiết kiệm được 7.364.000 KWh điện năng với tổng giá trị 13.827 triệu đồng; không có đơn vị sử dụng bội chi ngân sách điện, nước...

Bên cạnh đó, các đơn vị còn làm tốt công tác tiếp nhận, sản xuất, mua sắm, quản lý, bảo quản, sử dụng trang thiết bị, doanh cụ, dụng cụ sinh hoạt với lượng lớn, chủng loại đa dạng; duy trì nền nếp đăng ký thống kê kịp thời, chặt chẽ. Bố trí, sắp đặt doanh cụ gọn gàng, ngăn nắp, bảo đảm thống nhất về quy cách, mẫu mã trong từng khu vực và trong từng cơ sở doanh trại, hạn chế đến mức thấp nhất các hư hỏng, mất mát. Coi trọng công tác giáo dục cán bộ, chiến sĩ ý thức trách nhiệm trong quản lý, sử dụng doanh cụ, đặc biệt là doanh cụ dùng chung, thực hiện “giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm”. Tích cực duy tu, bảo dưỡng, dồn ghép các loại doanh cụ hiện có, phục vụ tốt sinh hoạt hàng ngày của bộ đội. Nhờ kết hợp chặt chẽ việc bảo đảm của trên với mua sắm mới và tích cực sửa chữa, nâng cấp, đến nay, QK đã đảm bảo 100% giường nằm và dụng cụ sinh hoạt cho bộ đội với chất lượng tốt, trong đó thay thế mới đồng bộ 100% giường sắt cho chiến sĩ.

Để đảm bảo vệ sinh môi trường doanh trại, xây dựng các cơ sở doanh trại thành các điểm sáng văn hóa trên địa bàn đóng quân, các đơn vị thường xuyên thực hiện tốt công tác bảo đảm vệ sinh môi trường; quét dọn, vệ sinh sạch sẽ các khu vực giếng nước, bể nước, khu tắm giặt, nhà ăn, nhà bếp. Đồng thời, thường xuyên tổ chức và duy trì nền nếp hội thi “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” ở tất cả các loại hình đơn vị (2 năm/lần đối với cấp trung, lữ đoàn; 3 năm/lần với cấp bộ CHQS tỉnh, thành phố, sư đoàn). Đồng thời, làm tốt công tác sơ kết, xây dựng điển hình tiên tiến, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm hay, cách làm mới, làm cơ sở để các đơn vị học tập, vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị mình…

Có thể khẳng định, với những biện pháp, cách làm phù hợp, sáng tạo, tinh thần khắc phục khó khăn và ý chí quyết tâm cao, thời gian qua, PTTĐ “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” ở QK 3 đã tạo ra được bước đột phá quan trọng, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Nội dung, hình thức, biện pháp thi đua từng bước được đổi mới theo hướng thiết thực, coi trọng chất lượng, hiệu quả. Tính từ năm 2012 đến nay, QK đã huy động được 348.883 ngày công bộ đội, 988 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, đầu tư mới 169.484m2 nhà ở; cải tạo sửa chữa được 603.824m2; trồng 372.502 cây xanh các loại, trên 65.156m2 bồn hoa, thảm cỏ... Nhờ vậy, diện mạo, cảnh quan môi trường từ cơ quan Bộ Tư lệnh đến các cơ quan, đơn vị ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, góp phần xây dựng nền nếp chính quy, môi trường văn hóa mới, giúp cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và cống hiến trí tuệ, công sức xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện…

Từ thực tiễn tổ chức, triển khai thực hiện PTTĐ những năm qua, QK rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải thường xuyên quán triệt, nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả của PTTĐ. Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện những khâu yếu, mặt yếu của đơn vị trong thực hiện PTTĐ. Định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, bảo đảm phong trào đi đúng hướng, có chiều sâu, đạt hiệu quả vững chắc; kịp thời phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Hai là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức PTTĐ, xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu thi đua thiết thực, cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn, khả năng của từng cơ quan, đơn vị và yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Hằng năm, thực hiện tốt việc tổ chức thi, kiểm tra, tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn QK. Quá trình tổ chức thực hiện, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng “vào cuộc” tham gia, tận dụng mọi nguồn lực để xây dựng, tu sửa, củng cố doanh trại, làm “đòn bẩy” thúc đẩy quá trình “hiện thực hóa” các nội dung và chỉ tiêu của PTTĐ, tránh tư tưởng trông chờ, thụ động.

Ba là, phát huy cao độ vai trò, chức năng của cơ quan doanh trại các cấp. Đây vừa là cơ quan tham mưu giúp việc cho lãnh đạo, chỉ huy lập kế hoạch và tổ chức thực hiện, vừa là cơ quan hướng dẫn đối với đơn vị. Để làm tốt vấn đề này, đội ngũ cán bộ, nhân viên doanh trại các cấp phải thường xuyên tự học tập, bồi dưỡng, có đủ kiến thức, kinh nghiệm, khả năng xây dựng kế hoạch và triển khai PTTĐ sát tình hình thực tế đơn vị; tham mưu đúng, trúng cho chỉ huy đơn vị đề ra các biện pháp thực hiện PTTĐ đạt được hiệu quả cao. Đồng thời, đề cao tính chủ động, năng động, sáng tạo, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị các biện pháp hiệu quả để thúc đẩy phong trào phát triển rộng khắp.

Bốn là, huy động các tổ chức, các lực lượng trong đơn vị, triệt để tranh thủ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, đơn vị kết nghĩa, tạo sức mạnh tổng hợp cùng tham gia xây dựng, quản lý doanh trại. Chú trọng gắn kết chặt chẽ PTTĐ “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” với PTTĐ Quyết thắng, các phong trào, cuộc vận động khác trong đơn vị.

Thường xuyên phát động các PTTĐ đột kích gắn với chức năng, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cơ quan, đơn vị trong từng thời điểm. Tăng cường tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo để các đơn vị học tập... góp phần thúc đẩy PTTĐ ngày càng phát triển, đạt hiệu quả thiết thực, to lớn hơn nữa.

Đại tá Phạm Thành Trung - Trưởng phòng Doanh trại Quân khu 3