Địa bàn QK9 chủ yếu là đồng bằng và ven biển, có nhiều sông ngòi, kênh rạch, chịu sự tác động lớn của thủy triều Biển Đông và Biển Tây. Những năm gần đây, do sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nên thời tiết trên địa bàn QK diễn biến rất phức tạp, nắng nóng, hạn hán kéo dài, sạt lở xảy ra trên diện rộng. Đặc biệt, tình trạng nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào nội địa khiến việc bảo đảm nước ngọt phục vụ sinh hoạt, trồng trọt của một số đơn vị gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, QK thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, đột xuất nên nhu cầu bảo đảm doanh trại lớn, yêu cầu khẩn trương. Kinh phí sửa chữa, củng cố doanh trại hằng năm còn hạn hẹp nên việc thực hiện PTTĐ gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các đơn vị đóng quân vùng sâu, vùng xa, trên đảo, đơn vị khó khăn về nguồn nước ngọt…

Ngay từ khi có Chỉ thị số 05/CT-BQP, ngày 06/3/2012 của Bộ Quốc phòng về việc tiếp tục đẩy mạnh PTTĐ “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”, Cục Hậu cần QK xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo đảm hậu cần. Cục Hậu cần chủ động rà soát, nắm chắc tình hình doanh trại và PTTĐ của các đơn vị để tham mưu, đề xuất với Thủ trưởng BTL QK ban hành các văn bản chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy mạnh PTTĐ lên tầm cao mới. Đồng thời đề xuất với Đảng ủy QK nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm thay đổi nhận thức, ý thức trách nhiệm và tạo sự đoàn kết, thống nhất xây dựng PTTĐ trong toàn QK. Hằng năm, nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy, kế hoạch công tác chỉ huy các cấp đều có nội dung thực hiện PTTĐ, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên và là một trong nội dung trọng tâm của công tác hậu cần. Tùy theo điều kiện cụ thể, các đơn vị lồng ghép nội dung PTTĐ vào trong huấn luyện, sinh hoạt của đơn vị để mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng về ý nghĩa PTTĐ, từ đó tự giác, nhiệt tình tham gia.

leftcenterrightdel
Một góc khuôn viên doanh trại Lữ đoàn Công binh 25. Ảnh: Thanh Tú 

Với vai trò là cơ quan thường trực, nòng cốt trong PTTĐ, cơ quan doanh trại các cấp trong QK đã bám sát chỉ đạo của cấp trên tập trung hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể mặt bằng doanh trại và các phân khu chức năng đảm bảo khoa học, phù hợp với hoạt động huấn luyện, công tác, sinh hoạt của bộ đội. Tăng cường quản lý chặt chẽ hồ sơ đất quốc phòng, phối hợp với chính quyền địa phương cắm mốc giới và hoàn thiện các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không để tranh chấp, lấn chiếm trái phép. Thực hiện tốt quy định chuyển giao đất quốc phòng cho địa phương quản lý.

Trong công tác xây dựng cơ bản, các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm trình tự, thủ tục đầu tư, quản lý chặt chẽ vốn đầu tư, chất lượng thi công công trình, chống thất thoát, lãng phí. Tập trung đột phá khắc phục khâu yếu, mặt yếu, những nơi còn khó khăn trong công tác doanh trại. Ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch cho các đơn vị vùng sâu, vùng xa, khó khăn về nguồn nước ngọt. Cùng với nguồn kinh phí đầu tư, các đơn vị trong QK chủ động phát huy nguồn nội lực, sự ủng hộ của tổ chức, cá nhân trên địa bàn đóng quân hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tạo sự thay đổi đáng kể diện mạo, cảnh quan môi trường doanh trại của cơ quan, đơn vị. Từ năm 2015 đến nay, QK đã hoàn thành 12 dự án xóa nhà cấp 4 xuống cấp nghiêm trọng, với tổng kinh phí gần 275 tỷ đồng; xây dựng 99 dự án cấp nước sạch sinh hoạt, khắc phục tình trạng thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô cho các đơn vị đóng quân trên địa bàn Đồng bằng Sông Cửu Long, biên giới, biển đảo…, với tổng kinh phí hơn 352 tỷ đồng. Từ năm 2012-2021, toàn QK đã xây dựng, cải tạo 308 trụ sở ban chỉ huy quân sự huyện (thị xã), đạt tỷ lệ 86% kế hoạch, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt, làm việc, sức chiến đấu cho lực lượng vũ trang địa phương.

Công tác quản lý sử dụng điện, nước an toàn, tiết kiệm luôn được cấp ủy, chỉ huy đơn vị các cấp thực hiện chặt chẽ. Trong 5 năm qua, toàn QK tiết kiệm trên 3,8 triệu Kwh điện (tương đương 7,1 tỷ đồng), tiết kiệm 195.055 m3 nước (tương đương 1,4 tỷ đồng). Về công tác bảo đảm doanh cụ, ngoài số doanh cụ trên cấp, các đơn vị trong QK tổ chức dồn dịch, sửa chữa bảo đảm đủ 100% giường nằm các loại phục vụ bộ đội, trong đó ưu tiên cho đối tượng chiến sĩ mới. Từng bước thay thế dần các loại doanh cụ không thống nhất về quy cách, hư hỏng đang phải tận dụng bằng những loại mới đảm bảo đồng bộ. Từ năm 2015 - 2021, toàn QK trích quỹ vốn trên 2,5 tỷ đồng để mua sắm, sửa chữa trên 6.700 giường nằm và trên 4.570 doanh cụ khác, đảm bảo thống nhất, chính quy.

Có thể khẳng định, những kết quả và kinh nghiệm đạt được thời gian qua là cơ sở quan trọng để QK tiếp tục đề ra các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện PTTĐ “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” ngày càng phát triển, góp phần xây dựng QK vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Toàn QK đã huy động hơn 382.000 ngày công bộ đội, làm mới gần 176.000 m2 sân đường nội bộ; hơn 2.300 bảng tin biển báo, pa nô; quét vôi, sơn gần 1.500.000 m2 công trình; sửa chữa gần 1.400.000 m2 công trình; trồng mới trên 140.000 m2 thảm cỏ; san lấp gần 213.000 m2 mặt bằng; đào, đắp gần 245.000 m3 đất đá phục vụ xây dựng khuôn viên doanh trại… Tiêu biểu trong xây dựng cảnh quan môi trường là các đơn vị: Sư đoàn Bộ binh 330, Lữ đoàn Công binh 25 và Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh (thành phố): An Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh. 

 

Đại tá ĐẶNG VĂN HIẾU - Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 9