Cũng như các đơn vị trong toàn quân, những năm gần đây, ngành Hậu cần Binh chủng Pháo binh triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện giá lương thực, thực phẩm (LTTP) trên thị trường luôn biến động tăng; dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát nhiều nơi; thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp... Những yếu tố trên đã tác động, ảnh hưởng nhất định đến công tác hậu cần nói chung, công tác quân nhu nói riêng. Nhằm mục tiêu cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống bộ đội, góp phần đưa công tác hậu cần ngày càng phát triển vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ Binh chủng trong tình hình mới, Nghị quyết Đảng ủy Cục Hậu cần năm 2014 xác định, tập trung mọi nguồn lực thực hiện 3 khâu đột phá trong công tác quân nhu đó là: nâng cao chất lượng nuôi dưỡng bộ đội; duy trì hiệu quả hoạt động của trạm chế biến, giết mổ tập trung; đẩy mạnh công tác TGSX, giải quyết dứt điểm khâu thiếu rau thời điểm giáp vụ.
Căn cứ vào chỉ lệnh hậu cần cấp trên và kế hoạch công tác hậu cần đã được Bộ Tư lệnh phê chuẩn, Cục Hậu cần chỉ đạo các đơn vị quản lý chặt chẽ về tiêu chuẩn, định lượng, không để xảy ra lãng phí, thất thoát LTTP. Ngành Quân nhu tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn, định lượng tiền ăn bộ đội; quản lý giá LTTP, chất đốt ở các bếp ăn. Theo dõi, nắm chắc sự biến động giá thị trường để có biện pháp xử lý, điều chỉnh kịp thời, không để ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn hàng ngày của bộ đội. Đồng thời, phát huy vai trò trách nhiệm của hội đồng giá các cấp nhằm quản lý chặt chẽ giá LTTP mua ngoài thị trường và giá sản phẩm TGSX, chế biến, giết mổ tập trung đưa vào bữa ăn. Chỉ đạo đơn vị tổ chức xây dựng thực đơn ăn tuần thống nhất giữa các bếp, bảo đảm không lặp lại các món ăn trong tuần. Thực đơn bữa ăn hàng ngày của bộ đội có từ 3-4 món ăn giàu chất đạm. Tăng cường bồi dưỡng tay nghề cho đội ngũ nuôi quân; tổ chức huấn luyện tại chức, hội thi, hội thao nhằm phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật chế biến món ăn; định kỳ tổ chức nấu ăn mẫu, kiểm tra chéo giữa các đơn vị...
|
Lữ đoàn 490 phát triển giống bí xanh chất lượng cao. Ảnh: LƯƠNG THẢO
|
Cùng với đó, Phòng Quân nhu tiến hành rà soát, chỉ đạo các đơn vị dồn dịch, mua sắm trang bị đầy đủ bàn ăn, ghế ngồi, dụng cụ nấu, dụng cụ chia và trang bị thiết yếu cho nhà ăn, nhà bếp, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, chính quy. Các đơn vị đã chủ động trích hàng trăm triệu đồng quỹ vốn để tu sửa, mua sắm mới một số loại dụng cụ, quạt, bảng biển, khẩu hiệu, tranh... lắp đặt trong nhà ăn, nhà bếp phục vụ bộ đội. Để đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống bếp lò hơi cơ khí, Hậu cần Binh chủng chỉ đạo các đơn vị phối hợp với nhà thầu, giải phóng nhanh mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ lắp đặt, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, bảo đảm sử dụng hiệu quả ngay sau khi công trình hoàn thành. Nhờ đó, hiện nay, toàn Binh chủng đã lắp đặt xong 37 bếp lò hơi cơ khí, sử dụng hiệu quả, giảm chi phí chất đốt. Bình quân mỗi bếp tiểu đoàn (quân số ăn từ 120-150 người ăn/ngày) tiêu thụ từ 500-600g than/người/ngày, tiết kiệm được 12 triệu đồng/năm. Định lượng ăn hàng ngày của bộ đội luôn vượt qui định: thịt các loại đạt 263/235g (tăng 15%); cá tươi 110/100g (tăng 10%); trứng 60/50g (tăng 20%); đậu phụ 90/80g (tăng13%); rau, củ quả: 450/400g (tăng 13%). Nhiệt lượng bình quân của đối tượng ăn bộ binh đạt 3.350/3.200 kcal/người/ngày, đối tượng ăn binh chủng là 3.650/3.500/ kcal/người/ngày.
Để duy trì hiệu quả hoạt động của trạm chế biến, giết mổ tập trung, thực hiện chỉ đạo của Cục Hậu cần, các đơn vị thực hiện phương châm trên dưới cùng lo, cùng làm. Trên cơ sở trạm chế biến, giết mổ tập trung hiện có và nhu cầu tiêu thụ thực phẩm hàng ngày, các đơn vị kiện toàn lực lượng của trạm chế biến; đầu tư mua sắm trang bị, dụng cụ; củng cố kho, trạm; mở rộng qui mô, sản xuất đa dạng thực phẩm chất lượng tốt phục vụ bữa ăn bộ đội. Tổ chức tốt khâu thu mua, khai thác, tạo nguồn nguyên liệu cung cấp cho trạm chế biến, giết mổ tập trung, lấy thu mua sản phẩm TGSX của các đơn vị là chính. Thực hiện hạch toán độc lập và quản lý chặt chẽ giá sản phẩm từ khâu thu mua, sản xuất, cấp phát bảo đảm thấp hơn khung giá trong mức tiền ăn quy định và rẻ hơn giá thị trường từ 8-10% (sản phẩm cùng loại). Trạm chế biến, giết mổ tập trung có nhiệm vụ sản xuất đậu phụ; ngâm ủ giá đỗ; muối nén rau, củ quả; chế biến giò chả, thịt quay; giết mổ gia súc, gia cầm... cung cấp cho các bếp ăn. Đối với các bếp ăn, tự tổ chức ngâm dấm ớt, làm muối lạc vừng... bảo đảm đủ nhu cầu bữa ăn hàng ngày cho bộ đội. Hiện nay, các đơn vị, nhà trường trong toàn Binh chủng đều duy trì hoạt động hiệu quả trạm chế biến, giết mổ tập trung, có khả năng cung ứng hầu hết các loại thực phẩm chủ yếu cho bữa ăn hàng ngày. Một số đơn vị điển hình có trạm chế biến, giết mổ tập trung qui mô lớn, hoạt động hiệu quả là các Lữ đoàn 490, 204, 45...
Một trong những kết quả nổi bật thời gian qua là, toàn Binh chủng đã giải quyết dứt điểm việc thiếu rau thời điểm giáp vụ. Trên cơ sở hướng dẫn của Cục Hậu cần, các đơn vị tiến hành quy hoạch thống nhất mô hình TGSX 5 cơ bản (vườn, ao, chuồng, giàn, trạm chế biến cơ bản), theo hướng tập trung, khép kín, bền vững, hiệu quả. Cụ thể: Cấp tiểu đoàn và đại đội trực thuộc gắn với bếp ăn; cấp lữ đoàn, nhà trường gắn với trạm chế biến, giết mổ tập trung. Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển TGSX ở cấp tiểu đoàn. Đặc biệt, các đơn vị đã tích cực, chủ động liên hệ với các trung tâm khuyến nông, cơ sở thú y địa phương để tiếp nhận kỹ thuật, công nghệ mới áp dụng trong chăn nuôi, trồng trọt và cách phòng chống bệnh dịch cho gia súc, gia cầm. Năm 2014, Binh chủng đầu tư cho các đơn vị 1,65 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư cho TGSX từ 50 triệu/tiểu đoàn lên 100 triệu/tiểu đoàn, giúp các đơn vị củng cố, xây dựng chuồng trại, qui hoạch vườn, giàn theo hướng cơ bản, vững chắc. Cùng với nguồn vốn trên đầu tư, các đơn vị triệt để tận dụng nguyên vật liệu tại chỗ, tích cực củng cố, nâng cấp vườn, ao, chuồng, giàn, mương cấp thoát nước; mua sắm thêm nhiều trang bị, dụng cụ để nâng cao năng suất cây trồng và giảm sức lao động của bộ đội. Quy hoạch giàn cây leo theo hướng cơ bản (cột bê tông, khung tre loại tốt hoặc sử dụng lưới chuyên dụng), trồng tập trung từng khu vực, có phân lô, thửa để tiện chăm sóc và thu hoạch. Lựa chọn cây giống có năng suất, chất lượng cao như: bí xanh số 1, bí đỏ lai leo giàn; bầu lai, đậu cô ve xanh… để trồng với qui mô lớn. Về cơ cấu cây trồng, các đơn vị duy trì trên 70% diện tích vườn trồng các loại rau ăn lá theo mùa vụ, 30% diện tích trồng các loại cây leo giàn lấy quả như bí xanh, bí đỏ, bầu, su su, mướp và trồng cây lấy củ như: củ mỡ, khoai tây, khoai sọ... để dự trữ dài ngày phục vụ bữa ăn khi huấn luyện dã ngoại hoặc sử dụng trong thời điểm giáp vụ. Nhiều đơn vị đã mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và đẩy mạnh các hoạt động thâm canh, xen canh, đa dạng hoá vật nuôi, cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, Phòng Quân nhu còn chỉ đạo các đơn vị kéo dài thời gian thu hoạch các loại rau chính vụ; mở rộng diện tích trồng thêm các loại cây ăn quả có thời gian thu hoạch dài ngày như chuối, đu đủ... Vừa qua, Lữ đoàn 490 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà bảo ôn để bảo quản rau, củ, quả rất hiệu quả. Năm 2015, mô hình này được nhân rộng ra các đơn vị trong toàn Binh chủng.
Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và sự nỗ lực cố gắng của các đơn vị, diện tích vườn, ao, chuồng, giàn trong toàn Binh chủng đã tăng lên rất nhiều so với năm 2010. Đến nay, toàn Binh chủng có 92.000 m2 vườn rau (tăng 20%), 5.000m2 giàn cây leo (tăng 10%); có 235.000m2 ao nuôi cá và 27.000m2 chuồng chăn nuôi (tăng trên 10%). Kết quả thu hoạch sản phẩm TGSX năm 2014 là 769 tấn rau xanh (đạt 104% kế hoạch); thịt các loại 357 tấn (đạt 101% kế hoạch); cá 69 tấn (đạt 115% kế hoạch). Giá trị thu từ TGSX và dịch vụ hậu cần (đã trừ chi phí) đạt 1.436.000 đồng/người/năm (104% kế hoạch). Trong đó đưa vào ăn thêm các ngày lễ, tết và bữa ăn hàng ngày của bộ đội 3,12 tỷ đồng; chi phúc lợi 2,3 tỷ đồng và chi cho tái sản xuất 2,4 tỷ đồng. Do áp dụng khoa học-kỹ thuật mới vào chăn nuôi, trồng trọt, năng suất vật nuôi, cây trồng ngày càng cao và chất lượng được nâng lên rõ rệt, góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu rau ăn trong thời điểm giáp vụ hoặc thời điểm huấn luyện chiến sỹ mới. Đặc biệt, trong Binh chủng đã xuất hiện nhiều mô hình TGSX tiêu biểu được nhân rộng như các lữ đoàn 490, 204, 45... Điển hình là Lữ đoàn 490 đã đầu tư hơn 10.000 ngày công bộ đội (tương đương 380 triệu đồng) để cải tạo, quy hoạch khu TGSX tập trung tạo nên sự đột phá về phát triển hệ thống vườn, giàn và trồng các loại bầu, bí, đu đủ năng suất cao.
Có thể nói, thành công trong thực hiện 3 khâu đột phá về công tác quân nhu đã tạo nên sự chủ động, ổn định vững chắc trong công tác khai thác, tạo nguồn bảo đảm thực phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống cán bộ, chiến sỹ. Năm 2014, 100% đơn vị trong Binh chủng được công nhận “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”. Đây là yếu tố quan trọng để Binh chủng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong thời gian qua.
Đại tá NGUYỄN MẠNH QUANG, Chủ nhiệm Hậu cần Binh chủng Pháo Binh