Hỏi: Người lao động (NLĐ) nhận nuôi con nuôi được hưởng chế độ thai sản như thế nào? Nếu không nghỉ việc thì được hưởng chế độ đó không?

Trả lời: Căn cứ Điều 159 Bộ Luật Lao động và Công văn số 1683/LĐTBXH-BHXH ngày 21/5/2014 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) quy định, từ ngày 01/5/2013 trở đi, thời gian nghỉ việc của lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý, thực hiện các biện pháp tránh thai, chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, được hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật BHXH.

Như vậy, kể từ ngày 01/5/2013 trở đi, lao động nữ (không phân biệt nữ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu, công nhân viên quốc phòng, lao động hợp đồng) khi nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Đối với lao động nam nhận nuôi con nuôi thì vẫn thực hiện theo Điều 32 Luật BHXH, tức là chỉ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đến khi con đủ 4 tháng tuổi.

Trường hợp NLĐ nhận nuôi con nuôi mà đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản nhưng không nghỉ việc thì chỉ được hưởng trợ cấp một lần khi nhận con nuôi. Mức hưởng bằng 2 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con (Khoản 3 Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23/9/2008 của Bộ LĐ-TB&XH bổ sung Khoản 7 Mục II Phần B Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/01/2007).

 Hỏi: Xin cho biết quy định về điều kiện đối với lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe?

Trả lời: Tại Khoản 3 Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23/9/2008 của Bộ LĐ-TB&XH bổ sung Điểm 10 Mục II Phần B Thông tư số 03/2007/TT BLĐTBXH ngày 30/01/2007 của Bộ LĐ-TB&XH quy định điều kiện lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản, được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ như sau:

Trong khoảng thời gian 30 ngày, tính từ thời điểm lao động nữ trở lại làm việc sau khi thời gian hưởng chế độ sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu, hoặc trong khoảng thời gian 60 ngày tính từ thời điểm lao động nữ trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian hưởng chế độ khi sinh con, mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ. Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản được quy định tại Điều 37 Luật BHXH, Điều 17 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ, Điều 16 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19/4/2007 của Chính phủ quy định thời gian và mức hưởng như sau:

1. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ trong một năm tính cả ngày nghỉ hằng tuần, ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày đi và về nếu nghỉ tại cơ sở tập trung và không tính vào thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trong năm. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ do người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc ban chấp hành công đoàn lâm thời quyết định, cụ thể:

- Lao động nữ sinh đôi trở lên nghỉ không quá 10 ngày.

- Lao động nữ sinh con phải phẫu thuật nghỉ không quá 7 ngày.

- Các trường hợp khác được nghỉ 5 ngày.

2. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ một ngày: Bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình.

-  Nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung, lao động nữ được hưởng bằng 40% mức lương cơ sở (mức hưởng này tính cả tiền đi lại, tiền ăn và ở).

Hỏi: Thế nào được gọi là hộ gia đình tham gia BHYT?

Trả lời: Hộ gia đình tham gia BHYT là khi toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú tham gia BHYT  theo Khoản 7 Điều 2 Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung).

Hỏi: Gói dịch vụ y tế cơ bản là gì?

Trả lời: Là những dịch vụ y tế thiết yếu để chăm sóc sức khỏe, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT và do quỹ BHYT chi trả theo Khoản 8 Điều 2 Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung).

Hỏi: Nguyên tắc BHYT là gì?

Trả lời: Nguyên tắc của BHYT được quy định tại Điều 3 Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung) là:

1. Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT.

2. Mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương cơ sở.

3. Mức hưởng BHYT theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi và thời gian tham gia BHYT.

4. Chi phí khám chữa bệnh BHYT do quỹ BHYT và người tham gia BHYT cùng chi trả.

5. Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm cân đối thu, chi và được Nhà nước bảo hộ.