Theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 31 Luật BHXH năm 2014, thì: Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Đồng thời, tại Điều 38 của Luật này cũng quy định: Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được nhận trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con.
Đồng chí đang tham gia BHXH bắt buộc, nên khi vợ sinh con, đồng chí được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản với thời gian nghỉ theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật BHXH 2014 và được nhận trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại thời điểm sinh con cho mỗi con.
Tôi là nữ quân nhân, theo dự kiến, đến tháng 12/2021, tôi sinh con và là thai đôi. Vậy, trường hợp của tôi thì thời gian hưởng chế độ thai sản và chế độ trợ cấp một lần khi sinh con được quy định như thế nào?
1. Về thời gian hưởng chế độ thai sản: Tại Khoản 1 Điều 34 của Luật BHXH năm 2014, quy định: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Thời gian hưởng chế độ thai sản tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
2. Về trợ cấp một lần khi sinh con: Tại Điều 38 Luật BHXH năm 2014, quy định: Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp của đồng chí sinh đôi nên tổng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con là 7 tháng (đồng chí có thể nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng). Ngoài ra, đồng chí còn được hưởng trợ cấp một lần bằng 04 tháng lương cơ sở tại tháng đồng chí sinh con.
Đồng chí Lê Thị H, công tác tại Quân khu 3 hỏi: “Vợ chồng tôi là quân nhân tại ngũ, cả chồng tôi và tôi đều đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho bố chồng tôi có được không”?
Khoản 2 Điều 16 của Luật BHYT quy định “Mỗi người chỉ được cấp một thẻ BHYT”. Do đó, cả hai vợ chồng đồng chí đều kê khai cấp thẻ BHYT cho đối tượng thân nhân là không đúng quy định.
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 23 Thông tư liên tịch số 49/2016/TTLT-BQP-BYT-BTC ngày 14/4/2016 của liên Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT, thì chồng đồng chí có trách nhiệm kê khai danh sách cấp thẻ BHYT cho bố chồng đồng chí; trường hợp không thực hiện theo thứ tự thì người nào có điều kiện thuận lợi được kê khai, nhưng phải báo cáo rõ lý do và chịu trách nhiệm về bản kê khai đó, được Thủ trưởng đơn vị quản lý cấp trung đoàn và tương đương trở lên xác nhận.
Quy định quân nhân được quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khám, chữa bệnh (KCB) ngoài phạm vi hưởng BHYT như thế nào?
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 85/2016/TTLT-BQP-BYT-BTC ngày 20/6/2016 của liên Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT đối với quân nhân và người làm công tác cơ yếu thì quân nhân được quỹ BHYT chi trả các chi phí ngoài phạm vi hưởng BHYT trong các trường hợp: KCB đúng nơi đăng ký ban đầu, đủ thủ tục hoặc chuyển tuyến đúng quy định hoặc KCB trong trường hợp được coi là đúng tuyến và trường hợp cấp cứu.
Về điều kiện để được hưởng chi phí KCB ngoài phạm vi hưởng BHYT là:
1. Thuốc, hóa chất phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam; vật tư y tế có trong danh mục được cấp phép sử dụng; dịch vụ kỹ thuật y tế phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
2. Thuốc, hóa chất, vật tư y tế trong điều trị được hội chẩn hoặc người đứng đầu cơ sở KCB (hoặc người được ủy quyền) ký phê duyệt và lưu trong hồ sơ bệnh án.
Ban Biên tập