* Ông Nguyễn Văn S, tỉnh X, hỏi: Trong trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu ra nước ngoài để định cư thì có được hưởng lương hưu không nữa không?
Theo Điều 65 Luật BHXH năm 2014, chế độ hưu trí đối với người đang hưởng lương hưu ra nước ngoài để định cư được thực hiện như sau:
- Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng ra nước ngoài để định cư được giải quyết hưởng trợ cấp một lần.
- Mức trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu được tính theo thời gian đã đóng BHXH, trong đó, mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 được tính bằng 1,5 tháng lương hưu đang hưởng, mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi được tính bằng 02 tháng lương hưu đang hưởng. Sau đó, mỗi tháng đã hưởng lương hưu thì mức trợ cấp một lần trừ 0,5 tháng lương hưu. Mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.
* Chị Nguyễn Thanh H, ở tỉnh Q, hỏi: Chồng tôi đang công tác tại một nhà máy thuộc Tổng cục X, chồng tôi đủ điều kiện nghỉ hưu vào tháng 06/2019 và khi đó đã đóng BHXH đủ 28 năm, vậy cách tính mức lương hưu sẽ như thế nào?
Mức hưởng lương hưu hằng tháng đối với chồng chị thực hiện theo Điều 56 Luật BHXH năm 2014, cụ thể như sau:
- Từ ngày 01/01/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật BHXH năm 2014 được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với số năm đóng BHXH như sau:
- Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
Sau đó cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, nếu chồng chị nghỉ hưu theo điều kiện thông thường vào tháng 6/2019 thì: 17 năm đóng BHXH được tính là 45%. Tổng số 28 năm - 17 năm = 11 năm x 2% = 22% nữa. Mức lương hưu của chồng chị sẽ là: 45% + 22% = 67%.
* Trong các trường hợp nào thì được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế (BHYT)?
Theo Điều 12 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, các trường hợp sau đây được tính là thời gian tham gia BHYT:
1. Người được cơ quan có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, làm việc hoặc theo chế độ phu nhân, phu quân hoặc con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi đi theo bố hoặc mẹ công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thì thời gian ở nước ngoài được tính là thời gian tham gia BHYT.
2. Người lao động khi đi lao động ở nước ngoài thì thời gian đã tham gia BHYT trước khi đi nước ngoài được tính là thời gian đã tham gia BHYT nếu tham gia BHYT khi về nước trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
3. Người lao động trong thời gian làm thủ tục chờ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Luật việc làm thì thời gian đã tham gia BHYT trước đó được tính là thời gian đã tham gia BHYT.
4. Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu khi nghỉ hưu, xuất ngũ, chuyển ngành hoặc thôi việc, nếu thời gian học tập, công tác trong Quân đội, Công an, Cơ yếu chưa tham gia BHYT thì thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục.
* Giá trị sử dụng thẻ BHYT đối với người tham gia BHYT được quy định như thế nào?
Theo Điều 13 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, giá trị sử dụng thẻ BHYT tương ứng số tiền đóng BHYT theo quy định (trừ đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi) và kể từ ngày nộp tiền đóng BHYT.
Trường hợp người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp; người tham gia BHYT theo hộ gia đình; thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng, công nhân công an và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu tham BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 03 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ BHYT có thời hạn sử dụng là 12 tháng kể từ ngày thẻ BHYT có giá trị sử dụng.
Ban Biên tập