Quân số ăn thường xuyên tại các bếp trên 2.600 người tập trung ở 2 bếp ăn xã hội hóa, bếp ăn học viên đào tạo sau đại học và bếp phục vụ cán bộ, giáo viên của Học viện. Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm hằng ngày cao, trong khi đó thực phẩm bán tại thị trường Hà Nội rất khó kiểm soát về chất lượng, vệ sinh, nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm; giá luôn biến động tăng, ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của học viên. Để tạo nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho các bếp ăn hằng ngày phục vụ bộ đội, năm 2006, được BQP giao 23 ha đất tại Hòa Lạc (Thạch Thất-Hà Nội), Học viện đã chủ trương qui hoạch làm khu tăng gia sản xuất (TGSX) tập trung và huấn luyện dã ngoại, diễn tập cuối khóa cho học viên. Tại đây, trên diện tích 13 ha đất được qui hoạch và xây dựng thành khu TGSX tập trung, gồm: khu chăn nuôi lợn thịt, lợn nái theo phương pháp công nghiệp; khu chăn nuôi gia cầm (vịt đẻ, gà công nghiệp); khu chăn nuôi lợn rừng lai; ao nuôi thả cá và vườn, giàn trồng rau chuyên canh. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng chuồng trại, cơ sở hạ tầng gần 3 tỷ đồng, trong đó, Bộ Quốc phòng đầu tư 2 tỷ đồng. Toàn bộ khu TGSX và lực lượng tổ TGSX (gồm 4 đồng chí quân nhân chuyên nghiệp và 4 chiến sỹ) do Ban Quân nhu-Phòng Hậu cần trực tiếp quản lý. Việc hạch toán sản phẩm do kế toán Ban Quân nhu đảm nhiệm.
Khu nuôi lợn được chia thành chuồng nuôi lợn nái và lợn thịt, với tổng diện tích 2.100 m2, trong đó, chuồng nuôi lợn nái 700 m2, được nuôi theo phương pháp công nghiệp, do 01 quân nhân chuyên nghiệp phụ trách kết hợp với một số nhân viên kỹ thuật thuê lao động hợp đồng chăm sóc. Toàn bộ khu vực chuồng nuôi lợn được lắp đặt 27 máy camera kết nối internet để nhân viên phụ trách có thể quản lý tất cả các khâu của qui trình nuôi lợn, nhất là lợn con mới đẻ và quản lý công nhân chăm sóc tại chuồng lợn bất kỳ thời điểm nào. Ngoài ra, tại đây còn có phòng sản xuất tinh giống để chủ động trong việc thụ tinh lợn nái và lắp đặt phòng khử trùng với hệ thống giàn phun thuốc tẩy trùng nhằm hạn chế mầm bệnh mang từ ngoài vào. Nguồn thức ăn cho đàn lợn thịt, lợn nái đơn vị ký hợp đồng với Công ty Cổ phần CP Việt Nam, có trụ sở tại thị trấn Xuân Mai (Huyện Chương Mỹ- thành phố Hà Nội) cung cấp.
Chuồng nuôi lợn thịt tại khu tăng gia sản xuất.
Để bảo đảm nguồn thịt lợn cho các bếp ăn tại Học viện, khu chăn nuôi lợn thịt thường xuyên duy trì từ 700-800 đầu lợn thịt, gồm nhiều lứa khác nhau. Lợn được nuôi theo đúng qui trình 3 giai đoạn để bảo đảm chất lượng thịt tốt và không tồn dư thuốc kháng sinh. Giai đoạn đầu, lợn con sau khi tách mẹ (21ngày tuổi) ăn thức ăn theo công thức với tỷ lệ chất đạm 21%, thuốc kháng sinh tỷ lệ cao. Giai đoạn 2 (từ 45-90 ngày tuổi), cho lợn ăn thức ăn với hàm lượng chất đạm 18%, tỷ lệ thuốc kháng sinh giảm hơn so với giai đoạn 1. Giai đoạn 3 (lợn từ 95-120 ngày tuổi) tỷ lệ chất đạm trong thức ăn chỉ còn 15%, giảm thuốc kháng sinh, nhưng tăng chất xơ để giảm tỷ lệ mỡ và thịt thơm, ngon hơn. Nước uống cho đàn lợn lấy từ nguồn giếng khoan, được lọc kỹ, 6 tháng xét nghiệm 1 lần, bảo đảm chất lượng tốt, không tồn dư hàm lượng kim loại nặng. Quá trình nuôi, luôn được hỗ trợ, tư vấn về công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn từ các chuyên viên thú y của Công ty Cổ phần CP Việt Nam. Do làm tốt công tác phòng ngừa, nhiều năm qua, khu nuôi lợn của Học viện không xảy ra bệnh dịch. Với qui trình chăn nuôi trên, chất lượng thịt lợn luôn đạt tiêu chuẩn sạch, thơm, ngon hơn.
Song song với chăn lợn thịt theo phương pháp công nghiệp, khu TGSX còn tận dụng vườn cây, đất trống, sản phẩm dư thừa từ vườn rau để nuôi hàng trăm con lợn rừng lai tạo nguồn thực phẩm chất lượng cao bảo đảm cho học viên ăn trong dịp lễ, tết. Bên cạnh đó, còn duy trì nuôi 200 đầu lợn nái được nuôi theo phương pháp công nghiệp, mỗi năm, cung cấp đủ nhu cầu chăn nuôi cho Học viện và bán ra ngoài hàng nghìn con lợn giống. Ngoài ra, khu TGSX còn có 3 ha ao, hồ nuôi thả các loại cá như: trôi, trắm, chép…với nhiều lứa khác nhau và thực hiện đánh tỉa, thả bù để bảo đảm một phần nhu cầu cá tươi cho các bếp. Đồng thời, tận dụng mặt nước nuôi 1.200 con vịt đẻ cung cấp trứng gia cầm trong bữa ăn học viên. Đàn vịt đẻ được tiêm phòng định kỳ… nên không có bệnh dịch xảy ra.
Cùng với chăn nuôi, tại khu TGSX còn qui hoạch và xây dựng 2,3ha vườn rau chuyên canh, 5.500m2 giàn cây leo. Vườn được qui hoạch thành nhiều ô, thửa; có đường nội bộ rải bê-tông chắc chắn, cùng với hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh để sản xuất theo qui trình sản xuất rau an toàn. Trước khi trồng rau, đất trồng được làm kỹ và trộn phân chuồng đã hoai mục hoặc lấy từ hệ thống bể biogas. Hằng năm, vườn rau được cải tạo bằng phân chuồng, phân xanh và bùn ao để bảo đảm tơi xốp, giúp rau xanh phát triển tốt. Đối với vườn trồng các loại rau dễ bị sâu ăn (rau cải canh, cải bắp, su hào…), trước khi trồng, đất được trộn vôi bột và phơi ải từ 10-15 ngày để diệt sâu bệnh. Các loại rau xanh được trồng theo qui trình trồng rau sạch. Quá trình chăm sóc, để phòng trừ sâu bệnh, nhân viên chỉ được phép phun thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của Cục Quân nhu và sau 10-15 ngày (tùy từng loại thuốc) mới thu hoạch rau. Nếu tưới phân đạm hoặc nước phân từ bể biogas chỉ được tưới lên rãnh luống rau, không tưới trực tiếp lên lá rau để bảo đảm vệ sinh. Các loại rau, củ, quả khi thu hoạch phải đạt chất lượng tốt và loại bỏ phần gốc, sâu bệnh rồi mới nhập bếp.
Trung bình hằng năm, khu TGSX tập trung đã thu hoạch từ 120-130 tấn lợn hơi; 255 tấn rau, củ, quả; 28 tấn cá; trên 222.000 quả trứng vịt… cung cấp cho bếp ăn với giá rẻ hơn thị trường cùng thời điểm từ 7-25% (tùy từng loại thực phẩm); tổng thu lãi (đã trừ chi phí và khấu hao tài sản, tái sản xuất) trên đạt 300 triệu đồng, chủ yếu sử dụng đưa vào ăn thêm ngày lễ, tết cho bộ đội. Nhận thấy sản phẩm TGSX của Học viện đạt chất lượng tốt, giá rẻ từ năm 2012, Công ty trách nhiệm hữu hạn PNK-doanh nghiệp ký hợp đồng với Học viện thực hiện xã hội hóa nấu ăn cho bộ đội đã nhập toàn bộ số sản phẩm theo nhu cầu tại 2 bếp xã hội hóa để phục vụ bữa ăn học viên. Hằng ngày, Ban Quân nhu sử dụng xe chuyên dụng chở sản phẩm từ khu TGSX về bảo đảm cho các bếp ăn. Do vậy, chất lượng bữa ăn của bộ đội luôn giữ ổn định và không ngừng được cải thiện, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Có thể nói, việc duy trì hiệu quả hoạt động khu TGSX tập trung của Học viện có ý nghĩa hết sức quan trọng vừa là nơi để học viên tham quan học tập, vừa bảo đảm tốt cho nhiệm vụ huấn luyện dã ngoại của học viên và tạo ra nguồn thực phẩm tươi sống, chất lượng tốt, an toàn, góp phần cải thiện đời sống bộ đội.
ĐÌNH THẢO