Những năm qua, mặc dù được trên quan tâm đầu tư xây dựng cơ bản nhiều công trình doanh trại, song, Học viện còn nhiều cơ sở vật chất, doanh trại đã qua nhiều năm sử dụng, xuống cấp, phải sửa chữa, một số loại doanh cụ còn thiếu, chưa đồng bộ. Trong khi đó, kinh phí duy tu, bảo trì chưa đáp ứng nhu cầu; quân số chủ yếu là sĩ quan và người hưởng lương nên việc huy động ngày công lao động trong thực hiện phong trào thi đua (PTTĐ) “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự đổi mới, sáng tạo trong PTTĐ, Học viện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng đơn vị chính quy và cải thiện đáng kể điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập, làm việc của cán bộ, học viên.

Xác định PTTĐ “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” có vai trò quan trọng đối với xây dựng đơn vị chính quy và nâng cao chất lượng đời sống bộ đội nên Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Phát huy tốt vai trò của Ban Chỉ đạo, Phòng Hậu cần, Kỹ thuật, các tổ chức quần chúng, lực lượng đoàn viên thanh niên, đoàn viên công đoàn và hội viên phụ nữ tạo nên không khí thi đua sôi nổi trong toàn Học viện. Quá trình thực hiện, Học viện luôn gắn kết chặt chẽ giữa PTTĐ “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” với PTTĐ Quyết thắng, phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội” tạo thành hệ thống chỉ tiêu thi đua, biện pháp tổ chức thực hiện đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy phong trào phát triển toàn diện, có sức lan tỏa sâu rộng.

leftcenterrightdel
Vườn hoa trung tâm của Học viện mới được xây dựng. Ảnh: CTV.

Ngay từ đầu năm 2020, nhằm thiết thực chào mừng đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Học viện và chào mừng 70 năm Ngày truyền thống (25/10/1951-25/10/2021), Học viện tổ chức Hội thi “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”. Hội thi tổ chức 4 lần chấm thi giữa các đơn vị khối cơ quan, khoa giáo viên và hệ quản lý học viên để đánh giá kết quả triển khai thực hiện và rút kinh nghiệm. Cách làm này cho thấy, sự đổi mới, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời tạo nên động lực và không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp. Đến tháng 7/2020, tuy mới được gần nửa thời gian của Hội thi, toàn Học viện đã có sự thay đổi đáng kể. Điển hình, đã làm mới trên 4.000 m2 vườn hoa, xây dựng trên 10 khuôn viên, tiểu cảnh; làm mới hơn 70 bảng, biển các loại; sơn sửa tường nhà; mua sắm 50 ghế đá và một số bộ bàn ghế phòng làm việc, phòng khách, tổng kinh phí trên 380 triệu đồng… góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, học viên.

Học viện chỉ đạo các phòng, khoa, hệ, các tổ chức quần chúng phát huy tối đa mọi nguồn lực nhằm huy động nhân lực, kinh phí, vật chất tham gia PTTĐ. Để giữ cảnh quan môi trường luôn sáng, xanh, sạch, đẹp, Học viện duy trì nghiêm chế độ tổng vệ sinh môi trường chiều thứ 4 hằng tuần. Giao cho các cơ quan, đơn vị học viên chăm sóc khuôn viên, bồn hoa, thảm cỏ, cây cảnh theo khu vực được phân công. Hằng năm, trước mùa mưa bão, Ban Doanh trại chịu trách nhiệm tổ chức cắt tỉa cành cây xanh để đảm bảo an toàn và tạo mỹ quan. Đặc biệt, những năm qua, để ủng hộ PTTĐ, các khóa học viên trước khi ra trường hoặc cán bộ, nhân viên của các cơ quan, khoa giáo viên khi thăng quân hàm, nâng lương, bổ nhiệm chức vụ, chuyển công tác... đã hạn chế việc tổ chức liên hoan, dùng số tiền đó để xây dựng các công trình, khuôn viên, cảnh quan hoặc mua ghế đá, cây cảnh, kỷ vật tặng đơn vị... tạo nên nét đẹp văn hóa mới trong PTTĐ. Một số đơn vị nhân kỷ niệm ngày truyền thống đã huy động nguồn lực mua các loại cây cảnh, xây dựng công trình kỷ niệm có giá trị như: cơ quan văn phòng xây dựng khuôn viên, hòn non bộ, vườn hoa lan, vườn bàng Đài Loan; Phòng Hậu cần, Kỹ thuật xây dựng vườn hoa, vườn thuốc nam...

Cùng với phát huy nguồn nội lực, Học viện còn quan hệ chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đóng quân và được hỗ trợ kinh phí phục vụ PTTĐ. Điển hình là, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội hỗ trợ Học viện 8 tỷ đồng rải nhựa 17.000 m2 đường giao thông nội bộ. Với sự nỗ lực, cố gắng, từ năm 2015 - 2020, Học viện đã huy động được trên 7.600 ngày công lao động, tương đương trên 230 triệu đồng; xây dựng trên 5.820 m2 bồn hoa, thảm cỏ; trồng mới 400 chậu cây cảnh và trên 1.300 cây bóng mát; xây dựng mới trên 1.200 m2 đường bê-tông nội bộ… tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Nhờ có hệ thống khuôn viên, thảm cỏ, bồn hoa, cây cảnh, đường đi được xây dựng mới đã tạo nên diện mạo mới về cảnh quan môi trường của Học viện.

leftcenterrightdel
Ban Doanh trại kiểm tra đồng hồ đo điện của các đầu mối đơn vị. Ảnh: CTV.

Về công tác quản lý điện, nước, Học viện ban hành quy chế sử dụng tiết kiệm điện, nước và tính toán tiêu chuẩn cụ thể đối với từng người, từng cơ quan, đơn vị. Tổ chức lắp đặt đồng hồ đo điện đến từng khu nhà để quản lý và theo dõi chặt chẽ. Các khu nhà ở của học viên mới được xây dựng cơ bản đều được lắp đồng hồ đo điện đến từng phòng ở. Đối với bảo đảm nước, Học viện sử dụng nguồn nước quốc doanh để sử dụng ăn uống và nguồn nước giếng khoan để bảo đảm đủ tiêu chuẩn cho cán bộ, học viên. Hằng tháng, tổ điện, nước cùng với đại diện cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra việc sử dụng điện, nước nhằm kịp thời nhắc nhở các đơn vị sử dụng quá tiêu chuẩn. Đồng thời, lấy việc quản lý, tiết kiệm điện, nước là một nội dung thi đua hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và cả năm. Cùng với đó, Học viện động viên, khuyến khích các cơ quan, khoa giáo viên tích cực nghiên cứu đề tài sáng kiến cải tiến trong công tác quản lý điện, nước. Nhiều sáng kiến hay về tiết kiệm và đảm bảo an toàn khi sử dụng thiết bị điện đã được áp dụng, đem lại hiệu quả thiết thực. Điển hình là Đề tài “Giải pháp tiết kiệm điện ở Học viện Chính trị” được Hội đồng Khoa học của Học viện đánh giá cao. Hiện nay, các giải pháp của Đề tài đang được áp dụng, góp phần tiết kiệm đáng kể kinh phí điện, nhưng vẫn bảo đảm đủ tiêu chuẩn cho các đối tượng, không thâm hụt như trước đây.

Đối với công tác quy hoạch doanh trại, trên cơ sở tổng diện tích đất quốc phòng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2006, Học viện đã chủ động làm tốt công tác lập bản vẽ quy hoạch mặt bằng tổng thể phù hợp với thực tế, phân khu chức năng rõ ràng và được Bộ Quốc phòng phê duyệt năm 2010. Quá trình triển khai cải tạo, xây dựng công trình, Học viện luôn tuân thủ nghiêm quy hoạch đã được phê duyệt. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của Học viện, Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 774/QĐ-BQP ngày 10/3/2020 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng Học viện Chính trị đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Trong điều kiện kinh phí mua sắm doanh cụ, dụng cụ còn hạn hẹp, Học viện tích cực tận dụng, sửa chữa doanh cụ, thay thế dần để trang bị đồng bộ cho từng khu nhà. Ngoài các công trình mới được trang bị đồng bộ theo dự án xây dựng cơ bản, hằng năm, Học viện tổ chức mua sắm tập trung, trang bị ưu tiên cho các hệ quản lý học viên và khoa giáo viên. Đầu năm học mới, các hệ quản lý học viên tổ chức phổ biến tiêu chuẩn, chế độ và quy định sử dụng vật chất doanh trại cho cán bộ, học viên. Tại các nhà ở, phòng làm việc đều có nội quy, quy định sử dụng vật chất, doanh cụ thống nhất và được bố trí sắp xếp thống nhất. Do vậy, đến nay, các nhà ở, phòng làm việc của các cơ quan, khoa giáo viên, hệ quản lý học viên được trang bị doanh cụ, dụng cụ thống nhất, đảm bảo chính quy.

Có thể nói, với sự đổi mới, cách làm sáng tạo, những năm qua, PTTĐ “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” ở Học viện Chính trị có sự phát triển ở tầm cao mới. Kết quả trên đã thực sự góp phần nâng cao chất lượng đời sống cán bộ, học viên, giúp Học viện luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục đào tạo.

Thượng tá CAO VĂN ÂU, Chủ nhiệm Hậu cần, Kỹ thuật - Học viện Chính trị