Liên Xô
Khi phát xít Đức bất ngờ tiến công xâm lược Liên Xô ngày 22-6-1941, lực lượng vũ trang (LLVT) Xô Viết đã nhanh chóng chuyển sang thời chiến, hoạt động hậu cần từ Trung ương tới các địa phương được triển khai theo kế hoạch thống nhất, đáp ứng nhu cầu bảo đảm tăng đột biến cũng như thay đổi về cơ chế, phương thức bảo đảm. Các hoạt động hậu cần chủ yếu, là: LLVT tham mưu với Trung ương Đảng, Nhà nước điều chỉnh cơ chế, chính sách, phương thức bảo đảm theo thời chiến; tham mưu với chính quyền địa phương tỉnh, thành phố các lĩnh vực công tác hậu cần, từ động viên, kiện toàn tổ chức biên chế, triển khai lực lượng, tạo nguồn bảo đảm...
Trên cơ sở đó, chính quyền các cấp động viên nhân lực, vật lực, trang bị kỹ thuật, khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu kiện toàn tổ chức hậu cần cho LLVT, thành lập cơ sở sản xuất quốc phòng. Thế trận hậu cần (TTHC) ở từng cấp được hình thành, kết hợp chặt chẽ giữa TTHC chiến lược, phương diện quân, tập đoàn quân với TTHC địa phương tỉnh, thành phố, thế bố trí rộng khắp các ngành kinh tế, xã hội địa phương. Từ năm 1938 - 1940, có gần 3.000 xí nghiệp công nghiệp dân sự và xí nghiệp công nghiệp quốc phòng được thành lập mới, sản xuất tất cả hàng hóa thiết yếu cho quân đội để cung cấp cho binh lính cả trong thời bình và thời chiến. Cơ quan hậu cần chiến lược và chiến dịch của quân đội Xô Viết đã khẩn trương triển khai công tác phòng tránh, sơ tán người, vật chất để hạn chế tổn thất. Từ tháng 6-12-1941, có 10 triệu người, 1.523 xí nghiệp công nghiệp được sơ tán ra khỏi các thành phố, trong đó có 1.360 xí nghiệp lớn (chủ yếu là nhà máy quân sự), 11.000 máy kéo, số lượng lớn đàn gia súc, tài sản của các nông trường quốc doanh và trạm ô tô máy kéo. Việc thiếu hụt lao động tại các khu sơ tán được chính quyền Xô Viết bổ sung bằng chế độ lao động mới như: Bãi bỏ chế độ nghỉ phép hằng năm và nghỉ bổ sung, ban hành chế độ làm việc vượt thời gian. Tất cả công nhân và nhân viên thuộc ngành công nghiệp quân sự đều được động viên... Chính vì vậy, giai đoạn đầu mặc dù bị động, song công tác hậu cần đã kịp thời bảo đảm cho LLVT chuyển sang thời chiến, triển khai thế trận tác chiến ngăn chặn đối phương, đồng thời tham gia bảo đảm cho các hoạt động của địa phương chuyển sang thời chiến.
Nam Tư
Nam Tư là ví dụ điển hình về chiến tranh tự vệ chống lại sự can thiệp thô bạo của thế lực bên ngoài vào một quốc gia có chủ quyền. Mỹ - Nato lợi dụng vấn đề ly khai, chia rẽ dân tộc trong nội bộ Nam Tư, tiếp tục sử dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, kiếm cớ gây chiến tranh, mở màn cuộc tiến công vào rạng sáng ngày 24-3-1999. Nam Tư đã dự báo trước tình hình, kịp thời chuyển đất nước, LLVT sang thời chiến. Chủ trương của Nam Tư là phòng tránh, che giấu, bảo toàn lực lượng, đánh trả hiệu quả với các cuộc tiến công hỏa lực bằng đường không.
Thực hiện chủ trương trên, hậu cần các LLVT của Nam Tư cũng như các cơ sở hậu cần được huy động từ nền kinh tế, xã hội nhanh chóng chuyển sang thời chiến. Nhân lực, vật lực hậu cần được huy động trên quy mô lớn, nhất lực lượng dự bị động viên, nhân viên chuyên môn và trang bị y tế, giao thông vận tải. Kết quả động viên đã đáp ứng yêu cầu kiện toàn hậu cần các LLVT trong thời chiến, xây dựng được nền công nghiệp quốc phòng, có khả năng khai thác các loại vũ khí hiện đại ngoại nhập phù hợp với nghệ thuật tác chiến.
TTHC trong cả nước được triển khai, kết hợp chặt chẽ giữa TTHC của LLVT với thế bảo đảm của cả hệ thống kinh tế, xã hội trên từng khu vực tác chiến. Đồng thời, dựa vào hệ thống dân sự để triển khai nhằm hạn chế khả năng đánh phá của đối phương. Công tác phòng tránh, che giấu, bảo toàn lực lượng đặc biệt được coi trọng, chính vì vậy, trong điều kiện Mỹ - Nato tiến công ồ ạt, quy mô lớn, mức hủy diệt cao, nhưng công tác hậu cần vẫn duy trì được các mặt bảo đảm cho LLVT tác chiến, góp phần quan trọng giúp Nam Tư giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Anh
Anh là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong động viên hậu cần phục vụ chiến tranh khi có tình huống xảy ra. Các tàu, thuyền của Anh khi thiết kế chế tạo đều tính đến mục đích động viên quân sự như thiết kế boong tàu để có thể sử dụng làm sân đỗ máy bay trực thăng, tăng thêm phân xưởng sửa chữa nhanh các trang thiết bị lặn… để thực hiện nhiệm vụ quân sự khi cần thiết. Trong thời bình, hải quân luôn có cơ quan chuyên trách theo dõi tình hình tàu, thuyền dân dụng dựa vào cơ sở dữ liệu trên máy tính đã được cập nhật trước đó. Từ đó, nắm chắc các nguyên liệu cần thiết sử dụng, các loại tàu, thuyền phải cải tiến như thế nào để đảm nhiệm nhiệm vụ quân sự.
Thời chiến, quân đội có thể trưng dụng tàu thương mại làm nhiệm vụ vận tải quân sự, các công ty vận tải dân sự có nghĩa vụ chi viện cho lực lượng hải quân khi cần thiết. Các thuyền viên ký hợp đồng lao động với chủ tàu thương mại phải thực hiện điều khoản phục vụ ở bất kỳ vùng biển nào khi xảy ra chiến tranh.
Trong cuộc chiến tranh chấp quần đảo Man-vi-nat (2-4 đến 15-6-1982), khi quân đội Ác-hen-ti-na bắt đầu tiến công, chiếm đóng Man-vi-nat trước, Chính phủ Anh đã tuyên bố tình trạng chiến tranh, nhanh chóng chuyển đất nước, LLVT sang thời chiến và tổ chức nội các thời chiến, đồng thời đưa ra quyết sách chiến lược, thực hành động viên khẩn cấp, điều động binh lực, vật lực, trưng dụng tàu, thuyền dân dụng phục vụ cho chiến tranh. Ngày 4-4-1982, Nữ hoàng Anh ký lệnh “trưng dụng tàu buôn”. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng và Bộ Thương mại ký quyết định trưng dụng số lượng lớn tàu buôn lần đầu. Trong vòng 48 giờ, kể từ khi nhận lệnh động viên, hơn 300 nhân viên dự bị hải quân và tất cả các tàu buôn được trưng dụng có mặt tại địa điểm quy định. Các nhà máy đóng tàu, kho tàng, hàng không và các công ty nhanh chóng chuyển sang trạng thái thời chiến. Quân đội điều động và sử dụng số lượng lớn thiết bị, tàu buôn, máy bay, ô tô và các loại cần cẩu của hơn 100 công ty dân dụng, trong đó có 2/3 là tàu, thuyền dân dụng, bảo đảm hiệu quả cho tác chiến biển xa của hạm đội hỗn hợp. Trung bình, mỗi tàu dân dụng chỉ cần 12 giờ làm công tác chuẩn bị để triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Việc nhanh chóng chuyển hoạt động của đất nước và LLVT sang trạng thái thời chiến, thực hành động viên hậu cần khẩn cấp với tốc độ nhanh là yếu tố quan trọng giúp Anh giành quyền chủ động khi đánh chiếm lại quần đảo Man-vi-nát.
I-xra-en
Là nước nhỏ, chỉ có hơn 4 triệu dân (1973) nhưng I-xra-en xây dựng lực lượng thường trực mạnh, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, có khả năng động viên nhanh khi chuyển sang thời chiến với 14 khu động viên, mỗi khu biên chế 1-2 lữ đoàn dự bị do quân khu trực tiếp huấn luyện thời bình và chỉ huy thời chiến. Lực lượng hậu cần quân đội I-xra-en tuy quy mô không lớn song nhờ chú trọng đến chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên nói chung, lực lượng dự bị hậu cần nói riêng, nên trong cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ 4, tuy bị Ai Cập và Xyri tiến công bất ngờ, nhưng chỉ sau khi chiến tranh nổ ra 1 giờ, Chính phủ đã trưng dụng và trưng thuê lực lượng vận tải dân sự đông đảo, gồm: xe bánh cao, xe vận tải hàng hóa xếp dỡ tự động, xe vận tải hạng nhẹ, xe vận tải hạng nặng cỡ lớn, xe chuyên chở sữa… để nâng cao hiệu suất vận tải, giải quyết sự thiếu hụt về vận tải của quân đội. Các phương tiện này đều bảo đảm vận chuyển binh sĩ và vật tư chiến đấu ra chiến trường. Chỉ 4 giờ sau khi chiến tranh nổ ra, họ đã huy động được 60% số giường bệnh trong toàn quốc. Sau 48 giờ, họ đã động viên được 30 vạn quân dự bị tham chiến, do đó, từ thế bị động quân đội đã chuyển sang thế chủ động tiến công và giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh. Sau cuộc chiến này, I-xra-en quy định, sau 15 phút kể từ khi có lệnh động viên, quân nhân ngạch dự bị phải chuyển vào trạng thái SSCĐ, trong thời gian từ 1h-1h30’ phải làm xong nhiệm vụ bảo đảm.
Như vậy, hoạt động hậu cần cho chuyển đất nước, địa phương từ thời bình sang thời chiến cơ bản gắn liền với sự phát triển nghệ thuật quân sự. Thời kỳ cận, hiện đại, hoạt động hậu cần phát triển tương đối hoàn chỉnh, hình thành các hoạt động cơ bản, như: thực hiện chức năng tham mưu với chính quyền địa phương; động viên hậu cần, kiện toàn tổ chức biên chế; xây dựng, triển khai TTHC; bảo đảm hậu cần; tham gia bảo đảm phòng tránh, sơ tán dân… Trong chiến tranh công nghệ cao, hoạt động hậu cần sẽ phát triển ngày càng toàn diện hơn, mở rộng cả về phạm vi, nội dung, phương pháp, tạo thế, tạo lực hậu cần nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu chiến tranh.
Trung tá, ThS Âu Đức Thắng
Thiếu tá, ThS Ngô Thị Minh Thu
Bộ Tham mưu/TCHC