Để phong trào đi vào cuộc sống, cùng với thành lập ban chỉ đạo từ Quân khu đến đơn vị cơ sở, các cấp trong Quân khu đều ra nghị quyết lãnh đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện với các chỉ tiêu cụ thể, sát với đặc điểm, nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị. Chính vì vậy, phong trào đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cán bộ, chiến sỹ, ngày càng phát triển sâu rộng và thu được kết quả đáng phấn khởi trên các mặt công tác.

leftcenterrightdel
Chỉ huy Cục Hậu cần Quân khu 2 kiểm tra mô hình tăng gia tập trung ở Lữ đoàn 604. Ảnh: CTV 

Nội dung  tinh thần phục vụ tốt được xác định vừa là mục tiêu, vừa là biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả CTHC, do đó Cục Hậu cần Quân khu đặc biệt coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức, trách nhiệm, quan điểm phục vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần (CBNVCSHC) các cấp. Ngoài việc thường xuyên tổ chức học tập, quán triệt những lời dạy của Bác Hồ về CTHC, Cục Hậu cần đã chủ động xây dựng các tiêu chí cụ thể, sát chức trách, nhiệm vụ của từng phòng, ban, từng cán bộ, nhân viên và đặc thù từng cơ quan, đơn vị, để mọi người đăng ký phấn đấu thực hiện.
Đến nay, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ CBNVCSHC trong Quân khu đã có bước chuyển biến tốt; hầu hết đều có động cơ, thái độ phục vụ bộ đội đúng đắn, nắm vững nhiệm vụ, đối tượng bảo đảm, không còn thái độ vô cảm, “ban ơn”, làm việc cầm chừng... Nhiều  CBNVCSHC phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động trong công việc, được bộ đội quý mến và được cấp trên tặng thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua, chiến sĩ tiên tiến…

Đứng chân trên địa bàn miền núi, biên giới, địa hình phức tạp, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thất thường nên việc thực hiện tăng gia sản xuất (TGSX), nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội tốt gặp không ít khó khăn. Để hoàn thành nội dung này, Hậu cần Quân khu đã chỉ đạo chuyển hướng phát triển TGSX từ bề rộng sang chiều sâu, coi trọng hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm; kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến thực phẩm; chú trọng đẩy mạnh TGSX ở cấp tiểu đoàn gắn với bếp ăn tập trung. 05 năm gần đây, Hậu cần Quân khu đã đầu tư gần 12 tỷ đồng nâng cấp 49 mô hình TGSX cấp tiểu đoàn, 04 trại chăn nuôi tập trung của bộ chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các đơn vị lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng địa bàn; đẩy mạnh thâm canh, chuyên canh, gối vụ, tự túc sản xuất cây, con giống; tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện khép kín từ khâu sản xuất đến sử dụng sản phẩm... Với các biện pháp phù hợp, phong trào TGSX của Quân khu thời gian qua phát triển mạnh; mô hình “5 cơ bản” trong TGSX ngày càng hoàn thiện. Nhờ TGSX phát triển, từ chỗ chỉ tự túc 70-75% nhu cầu rau xanh, 50%- 55% nhu cầu thịt, cá (năm 2014), đến nay, hầu hết các đơn vị trong Quân khu đã tự túc được 100% nhu cầu rau xanh; 70% - 75% nhu cầu thịt, cá. 06 tháng đầu năm 2017, Quân khu thu hoạch được 1.516 tấn rau xanh (đạt 50,6% kế hoạch năm); 421 tấn thịt quy xô lọc (51%); 213 tấn cá (53,6%)… Tổng giá trị TGSX đạt trên 14 tỷ đồng (53,6%). Hiện nay, nhiệt lượng khẩu phần ăn của bộ đội đạt trên 3.200 kcalo/người/ngày; 100% bếp ăn tập trung duy trì bữa sáng 3 món (cơm, canh, chất đạm, rau), bữa trưa, tối thường xuyên thay đổi món ăn; mỗi bàn đều có 3 lọ gia vị (vừng, ớt- tỏi, dấm- măng). Các ngày lễ, tết đều tổ chức ăn thêm gấp 3-5 lần ngày thường…

Cùng với tập trung nâng cao chất lượng TGSX, bảo đảm đời sống, Hậu cần Quân khu chủ động quản lý chặt chẽ sức khỏe bộ đội ngay từ đầu vào; làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội từ tuyến cơ sở. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho bộ đội cách phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện nếp sống vệ sinh, khoa học; phòng chống say nóng, say nắng. Nhiều đơn vị đã đầu tư củng cố, nâng cấp cơ sở vật chất, trang, thiết bị cho các cơ sở quân y, nâng cao y đức, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y nhằm đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của bộ đội. Bên cạnh đó, ngành Quân y Quân khu đã chủ động phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế dự phòng dân y, triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng dự báo, giám sát và chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để lây lan vào đơn vị. Tích cực tham gia khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, thiết thực xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng địa bàn đóng quân vững mạnh v.v. Nhờ đó, những năm gần đây, quân số khỏe của các đơn vị trong Quân khu luôn duy trì trên 98,5%; tỉ lệ mắc một số bệnh thường gặp thấp dưới mức qui định.

Nội dung  phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, xây dựng các mô hình hậu cần tốt được các đơn vị trong Quân khu rất quan tâm. Nhiều sáng kiến hay, cách làm sáng tạo được áp dụng vào thực tiễn CTHC, đem lại hiệu quả cao, như: Sáng kiến sử dụng bếp đun trấu, mùn cưa ép của Sư đoàn 316 và một số đơn vị đã hạ tiền chất đốt tới 50-60% so với bếp đun than; sáng kiến của Phòng Doanh trại trong thẩm định, trình duyệt hồ sơ thiết kế dự toán công trình, đã giảm được 8-10% kinh phí, rút ngắn thời gian thi công xuống còn 1/3 so với trước; sáng kiến ứng dụng phần mềm trong quản lý, xuất nhập của Phòng Quân nhu, Kho T10, K6 đã giảm đáng kể tỷ lệ hao hụt, giảm cấp chất lượng hàng hóa; sáng kiến cải tiến giá nâng, hạ lốp ô tô của Phòng Vận tải giúp tiết kiệm nhân lực, nâng cao hiệu quả bảo dưỡng, sửa chữa xe máy... Cũng từ phong trào, các mô hình hậu cần mới, hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều. Ngoài việc duy trì hiệu quả các mô hình hậu cần đã xây dựng thành công những năm trước đây (như “Trồng rau trên đá, nuôi cá trên đồi” của Sư đoàn 316; mô hình vườn TGSX tập trung chất lượng cao của Trung đoàn 174), Hậu cần Quân khu đã xây dựng được nhiều mô hình mới, tiêu biểu như:  nuôi bò nhốt vỗ béo của Lữ đoàn bộ binh 82; giàn chuyên canh bí xanh của Lữ đoàn Pháo binh 168; giàn chuyên canh bí xanh, bí đỏ trên sườn đồi của Trung đoàn 754/Bộ CHQS tỉnh Sơn La (năng xuất gấp 3,5 lần so với cách trồng cũ); mô hình 5 vườn, 3 giàn, 2 ao, 3 chuồng của Sư đoàn 316, Lữ đoàn 168, Lữ đoàn 543, Bộ CHQS các tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Bái, Điện Biên, Hà Giang; bệnh xá văn hóa của Sư đoàn 316, Bộ CHQS tỉnh Lai Châu, Phú Thọ… Đặc biệt, mô hình sản xuất chất đốt từ mùn cưa ép của Sư đoàn 316 (công suất từ 0,8 - 1,2 tấn/giờ) đã bảo đảm 100% nhu cầu chất đốt cho đơn vị, với giá thành chỉ bằng 50% qui định. Hiện, Quân khu đang tổ chức rút kinh nghiệm các mô hình này để phát triển, nhân rộng.

Nhằm tạo “cú hích” làm chuyển biến toàn diện hoạt động hậu cần, Quân khu đẩy mạnh  xây dựng chính quy, cải cách hành chính tốt, coi đây là nội dung đột phá. Để thực hiện tốt nội dung này, Hậu cần Quân khu chú trọng đổi mới phương pháp, tác phong công tác “hướng xuống cơ sở, hướng về chiến sĩ”, duy trì nghiêm các nền nếp, chế độ, nguyên tắc CTHC ở tất cả các cấp theo quy định. Ngoài việc tiến hành rà soát, bổ sung, ban hành các quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa các chuyên ngành trong chỉ đạo, bảo đảm; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, chuyên ngành, duy trì làm việc theo chức trách, nhiệm vụ, thực hiện cơ quan làm gương cho đơn vị, Hậu cần Quân khu đã chỉ đạo cơ quan, phân đội hậu cần đổi mới quy chế, quy trình làm việc, giảm thiểu tối đa những khâu, những việc, những thành phần không cần thiết, rối bận; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 917/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về xây dựng nề nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Coi trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, hội thi, hội thao, khuyến khích phong trào tự học, tự rèn, chăm lo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn cho CBNVCSHC...

Tháng 5/2017, qua kiểm tra thường kỳ của Quân ủy Trung ương và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, Cục Hậu cần được đánh giá là một trong những đơn vị có nền nếp chính quy, cải cách hành chính tốt nhất Quân khu.

Thực hiện nội dung chống lãng phí và thực hành tiết kiệm tốt, các đơn vị trong Quân khu đã tích cực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, giữ tốt, dùng bền cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên và triển khai nhiều biện pháp để tiết kiệm ngân sách, vật tư, tài sản, thời gian, công sức bộ đội. Cùng với thường xuyên quản lý, duy trì nghiêm các nguyên tắc, chế độ CTHC, tài chính, Cục Hậu cần đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo mở rộng áp dụng đấu thầu, duyệt giá, kiểm soát giá… nhằm chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, TGSX, tạo nguồn vật chất hậu cần v.v. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chế trong quản lý, sử dụng ngân sách, xăng dầu, điện, nước, doanh cụ; đẩy mạnh thực hiện dân chủ, công khai các tiêu chuẩn, chế độ, kết hợp giao chỉ tiêu, định mức sử dụng cho từng nhiệm vụ, từng đầu mối đơn vị. Ở các đơn vị cơ sở, công tác thực hành tiết kiệm được thực hiện bằng những việc làm cụ thể, như: phát huy nội lực trong bảo dưỡng, sửa chữa trang bị, phương tiện, tu sửa doanh trại, doanh cụ; tiết kiệm chất đốt trong nấu ăn; ghép xe đi công tác, kết hợp vận chuyển hàng hai chiều; thay thế thiết bị điện có công suất lớn bằng thiết bị tiết kiệm điện; thực hiện dân chủ, công khai các tiêu chuẩn, chế độ hậu cần; giao chỉ tiêu, định mức sử dụng cho từng nhiệm vụ, từng đầu mối đơn vị…Với những nỗ lực trên, 6 tháng đầu năm 2017, ngoài tiết kiệm hạn mức theo qui định của trên, toàn Quân khu còn tiết kiệm được 752.800 KWh điện (1,38 tỷ đồng); 42 m3 xăng dầu (0,62 tỷ); 288 tấn than (0,75 tỷ)… Tiêu biểu trong công tác này là ngành Quân nhu đã đề xuất thu hồi số trang bị dụng cụ cấp dưỡng hư hỏng, hết niên hạn sử dụng về kho để sửa chữa, sơn, cải tiến tính năng sử dụng, phục vụ các hoạt động khác của đơn vị, qua đó tiết kiệm hàng trăm triệu đồng/năm…

Có thể khẳng định, PTTĐ “5 tốt”  ở ngành Hậu cần Quân khu 2 tuy mới triển khai thực hiện gần hai năm nhưng đã thu được kết quả bước đầu rất khả quan. Nó khẳng định sức sống, tính thiết thực của phong trào; qua đó tạo động lực thúc đẩy CTHC Quân khu ngày càng phát triển toàn diện, vững chắc, đạt hiệu quả cao.

 Coi trọng đổi mới phong cách phục vụ “nói đi đôi với làm”, kiên quyết nói không với bệnh “nói nhiều, hiệu quả không cao”, hướng tới xây dựng văn hóa giao tiếp văn minh, lịch sự cho đội ngũ CBNVCSHC.
 chất lượng, hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ hậu cần trong Quân khu thời gian gần đây tăng lên rõ rệt (điển hình như thời gian thanh, quyết toán của các ngành Xăng dầu, Doanh trại đã rút ngắn xuống chỉ còn một nửa so với trước do cải tiến qui trình, loại bỏ những thủ tục không cần thiết).

Đại tá NGUYỄN HỮU TRUNG, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 2