Viện Kỹ thuật Xăng dầu Quân đội đóng quân ở địa bàn thị trấn, diện tích đất hẹp, quân số ít, chủ yếu là cán bộ, kỹ sư… nên công tác TGSX, cải thiện đời sống bộ đội gặp nhiều khó khăn.Để tạo nguồn thu cho đơn vị, lãnh đạo, chỉ huy Viện động viên cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, nhất là các đồng chí nuôi quân, quân y, cảnh vệ, lái xe tranh thủ thời gian tổ chức TGSX kết hợp với xay xát thóc. Đơn vị đã huy động cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, người hưởng lương cho vay thêm gần 300 triệu đồng (không tính lãi) làm vốn lưu động. Đồng thời đề nghị và được Cục Hậu cần đầu tư, trang bị máy xay xát công suất nhỏ 0,2 tấn/giờ. Để tối đa lợi nhuận, phương châm của Viện là “mua tận gốc, bán tận ngọn”. Trước mỗi vụ thu hoạch lúa khoảng 1 tháng, Viện cử cán bộ về Nam Định đặt mua lúa Bắc thơm của từng hộ dân, trung bình mỗi vụ khoảng 30 tấn. Vì vậy, lúa đạt chất lượng tốt, giá rẻ hơn nhiều so với thị trường, bình quân 8.000 đồng/kg.Đây là loại lúa cho gạo ngon, thơm, cơm không bị tơi nát. Lúa thu mua được vận chuyển về trữ trong kho, có các trang bị đảm bảo tiêu chuẩn bảo quản như sàn nhựa palet, máy hút ẩm, quạt thông gió, điều hòa di động... Hằng tháng, căn cứ nhu cầu gạo ăn của đơn vị, các gia đình, đại lý, Viện tổ chức xay xát và chuyển đến giao tận nơi. Giá gạo đưa vào ăn tại bếp đơn vị bằng đúng giá thành, không tính lãi, bình quân là 12.000-12.500đ/kg; bán ra ngoài từ 14.000-15.000 đ/kg, thấp hơn thị trường cùng thời điểm từ 500-700đ/kg. Với giá bán phù hợp, chất lượng gạo ngon và được miễn phí vận chuyển nên lượng tiêu thụ tăng dần. Năm 2018, ngoài việc bảo đảm 100% nhu cầu gạo ăn tại bếp, Viện bán ra ngoài hơn 40 tấn, thu lãi gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, cũng từ hoạt động xay xát, Viện còn thu được các loại phụ phẩm như tấm, cám để đưa vào làm thức ăn chăn nuôi lợn, cá, gà, vịt…; trấu để cải tạo đất trồng và bán ra ngoài.

leftcenterrightdel

Hoạt động xay xát đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với tổ chức tốt hoạt động xay xát, Viện triển khai mô hình TGSX theo hướng cơ bản (vườn cơ bản, chuồng cơ bản, ao cơ bản, giàn cơ bản), liên hoàn, khép kín. Ngoài 400m2 vườn rau chuyên canh có mái che, Viện tận dụng mặt ao làm 250 m2 giàn cây leo bằng ống kẽm. Toàn bộ vườn trồng rau được lắp đặt hệ thống tưới bằng ống nhựa Tiền Phong dẫn đến từng ô, thửa.Nguồn phân bón chủ yếu lấy từ chăn nuôi như phân lợn, phân gia cầm đã qua xử lý kết hợp với sử dụng trấu, tuyệt đối không sử dụng phân hóa học, để đảm bảo rau sạch. Căn cứ vào mùa vụ và đặc điểm thời tiết, khí hậu trên địa bàn đóng quân, Viện xây dựng lịch trồng trọt cả năm và từng tháng; trong đó, xác định cụ thể loại rau, vị trí, thời gian gieo trồng, dự kiến thu hoạch và sử dụng sản phẩm, lực lượng lao động… Do đó, Viện bảo đảm rau đủ ăn quanh năm, từ các loại rau thông thường đến rau cao cấp, hạn chế thấp nhất tình trạng thừa, thiếu rau, nhất là thời kỳ giáp vụ hoặc thời tiết khắc nghiệt. Về chăn nuôi, Viện tổ chức nuôi nhiều lứa và đa dạng các loại vật nuôi kết hợp đẩy mạnh hoạt động giết mổ lợn, ngâm ủ giá đỗ, chế biến giò chả, muối nén rau củ quả.Trong đó, lấy chăn nuôi lợn là chủ yếu để bán ra thị trường. Hiện nay, Viện nuôi 2 lợn nái đen, đảm bảo cung cấp đủ con giống và mua thêm lợn có trọng lượng từ 15-25 kg/con để nuôi tăng trọng. Do chủ động nguồn giống và cơ bản tự túc được nguồn thức ăn sạch (tấm, cám, rau và thức ăn thừa) nên hiệu quả kinh tế khá cao. Năm 2018, Viện xuất chuồng gần 3.000 kg lợn hơi, lãi 70 triệu đồng. Ngoài việc thường xuyên duy trì nuôi từ 30-35 đầu lợn các loại, đơn vị còn tận dụng diện tích chuồng trại, mặt nước, tổ chức nuôi thêm gà, ngan, vịt, bồ câu... tạo thêm nguồn thực phẩm và nguồn thu quỹ vốn. Từ nguồn phân trong chăn nuôi, Viện xây bể bioga cung cấp khí đốt nấu ăn, không tính vào tiêu chuẩn tiền ăn. Về nuôi cá, với 600 m2 mặt nước, Viện tổ chức nuôi các loại cá trê, cá chim, rô phi đơn tính…; năm 2018, thu hoạch được gần 600 kg cá tươi các loại.

Để thuận lợi cho công tác hạch toán, quản lý nguồn vốn được chặt chẽ, công khai, minh bạch, khai, minh bạch, Viện mở sổ theo dõi riêng về hoạt động TGSXĐịnh kỳ hằng tháng thông báo kết quả đạt được đến toàn thể đơn vị để mọi người tham gia giám sát, kiểm tra. Đồng thời, tổ chức sinh hoạt lấy ý kiến đóng góp, phát huy tinh thần dân chủ, trí tuệ tập thể trong việc xác định mô hình, biện pháp tổ chức tăng gia phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị. Từ nguồn thu này, Viện có thêm kinh phí sửa chữa, duy tu, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cảnh quan môi trường doanh trại, hỗ trợ công tác chính sách, các hoạt động văn hóa, thể thao, công tác nghiên cứu khoa học, bổ sung vốn sản xuất, chi phúc lợi, khen thưởng. Từ nguồn thu TGSX, xay xát, đơn vị trích chi ăn thêm cho các thành phần trực 09 ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, bình quân 120.000 đồng/người/ngày; thưởng Tết cho cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp và người hưởng lương bình quân 3.000.000 đồng/người, chiến sĩ 500.000 đồng/người.

Có thể khẳng định, tuy không có điều kiện thuận lợi như các đơn vị khác; song, với quyết tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp; tinh thần, trách nhiệm cao của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, Viện Kỹ thuật Xăng dầu Quân đội đã triển khai hiệu quả mô hình TGSX kết hợp với xay xát, góp phần nâng cao đời sống bộ đội và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện thời gian qua.

Giá sản phẩm TGSX, chế biến đưa vào bữa ăn của bộ đội thấp hơn giá thị trường, rau củ quả là 20%, thịt 10%, cá 15%. Kết quả TGSX năm 2018: Rau, củ quả đạt bình quân 152,6 kg/người; thịt xô lọc 71,5 kg/người; cá 18,6 kg/người. Tổng giá trị thu từ TGSX, xay xát đạt bình quân 4,1 triệu đồng.

Bài, ảnh: TRANG LONG