Đứng chân trong nội thành, diện tích trụ sở làm việc của Ban CHQS phường 15 chật hẹp, không có điều kiện để quy hoạch khu tăng gia sản xuất (TGSX). Trước thực trạng trên, cán bộ, chiến sĩ dân quân Ban CHQS phường 15 chủ động nghiên cứu sách báo, tham quan, học hỏi một số hộ dân trên địa bàn đang áp dụng hiệu quả mô hình Aquaponics. Trên cơ sở học tập kinh nghiệm, Ban CHQS tận dụng 55 m² khoảng trống trên sân thượng nhà làm việc để triển khai mô hình này.

Với nguồn kinh phí 20 triệu đồng ban đầu, cán bộ, chiến sĩ dân quân mua 1 bể nuôi thủy sản hình trụ, thể tích 3.000 lít làm bể nuôi cá, 7 khay nhựa dung tích 100 lít/khay làm vườn trồng rau, 2 thùng phi (50 lít/thùng) để thiết kế hệ thống lọc nước, ống dẫn nước đường kính 60mm, phao làm hệ thống rút nước tự động, máy bơm nước, bộ cảm biến hẹn giờ, giá thể, ống sắt... dùng làm giá đặt thiết bị, giàn cây leo và lưới quây xung quanh sân thượng để che nắng, chắn mưa, ngăn côn trùng phá hại cây trồng. Sau khi thiết kế, lắp đặt xong các thiết bị, cán bộ, chiến sĩ tiến hành trồng rau, nuôi cá. Ngay trong 2 tháng đầu, mô hình trồng rau, nuôi cá trên đã cho thu hoạch sản phẩm.

leftcenterrightdel
Chiến sĩ dân quân chăm sóc đàn cá trong bể. Ảnh: CTV 

Đồng chí Nguyễn Đương Hoài, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường cho biết: “Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tích hợp đồng thời cả hai hệ thống: nuôi thủy sản sạch và trồng cây thủy canh tuần hoàn, tận dụng nước có chất thải từ bể cá cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng phát triển. Ngược lại, cây trồng làm sạch nước cho bể cá thông qua hệ thống rễ cây với sự hỗ trợ của vi khuẩn có lợi tạo ra nguồn nước sạch cung cấp cho bể cá. So với việc trồng rau, nuôi cá thông thường, mô hình Aquaponics có sự khác biệt lớn là phương pháp trồng cây thân thiện với môi trường, khai thác các thuộc tính tốt nhất của nuôi thủy sản và trồng thủy canh không cần phải thải bỏ nước, dịch lọc hay bón thêm phân hóa học. Mô hình này có 4 ưu điểm chính là: không dùng đất, thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học và không gây ô nhiễm môi trường. Để đạt hiệu quả cao từ mô hình trên, chúng tôi phải tính toán kỹ từng chi tiết, tiết kiệm chi phí đầu vào để nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Theo kinh nghiệm của Ban CHQS phường 15, việc trồng rau, nuôi cá theo mô hình Aquaponics không quá phức tạp về kỹ thuật nhưng phải tuân thủ quy trình chặt chẽ. Để đảm bảo kỹ thuật, cán bộ, chiến sĩ dân quân nghiên cứu, lựa chọn kỹ giống cá, giống rau phù hợp với điều kiện môi trường, có khả năng kháng sâu bệnh và sinh trưởng tốt. Quy trình hoạt động của mô hình như sau: nước được lấy trong bể cá thông qua hệ thống ống nhựa dẫn lên các khay trồng rau. Trong nước có chất nhờn và phân cá chuyển hóa thành dinh dưỡng để nuôi cây trồng. Bộ cảm biến hẹn giờ lập trình trong 60 phút, nước được bơm lên các khay trồng rau 1 lần trong thời gian 20 phút. Khi các khay rau ngập nước, nước tự động xả về hệ thống lọc (gồm sỏi, san hô, đá nham thạch) và chảy về bể cá, quy trình cứ thế lặp lại. Hiệu quả nổi bật của mô hình là không tốn nhiều công sức cải tạo đất trồng rau, vì chỉ dùng đất sét nung nén thành viên để tạo thành giá thể cho rau sinh trưởng. Sau mỗi vụ thu hoạch rau, cán bộ, chiến sĩ dân quân chỉ cần rửa sạch các viên đất sét để tái sử dụng. Mô hình này rất tiết kiệm nước do nguồn nước chảy tuần hoàn liên tục, khép kín. Định kỳ khoảng 1 tuần, đơn vị tiến hành thay nước cho toàn bộ hệ thống. Cùng với việc trồng rau thủy canh, cán bộ, chiến sĩ còn tận dụng khay nhựa, đổ đầy đất mùn để trồng các loại cây leo giàn như: mướp, bầu… nhằm đa dạng sản phẩm thu hoạch.

Là người trực tiếp được phân công chăm sóc khu trồng rau, nuôi cá, đồng chí Lê Huỳnh Tiến, chiến sĩ dân quân thường trực chia sẻ: “Rau trồng theo mô hình Aquaponics không chỉ sạch mà còn ngọt, mọng nước, nhanh thu hoạch, không tốn nhiều công chăm sóc. Khi áp dụng mô hình này, tôi chỉ cần vài phút cho cá ăn vào buổi sáng và chiều tối, còn rau sẽ được tưới nước tự động.” Qua tìm hiểu được biết, thời gian đầu áp dụng mô hình Aquaponics, đơn vị cũng gặp một số khó khăn về kỹ thuật lắp ráp thiết bị và gieo trồng rau, chăm sóc cá.

Đặc biệt, trong quá trình gieo hạt giống trong khay rau, hạt dễ bị trôi theo đường ống nước nên số lượng hạt nảy mầm không đạt, ảnh hưởng đến năng suất. Bên cạnh đó, việc xử lý nước ở bể nuôi cá chưa tốt làm cho độ pH tăng cao nên cá bị chết nhiều. Sau khi nghiên cứu, học hỏi thêm về kỹ thuật, cán bộ, chiến sĩ sử dụng dung dịch pH DOWN để cân bằng độ pH trong nước, kết hợp dùng muối hạt, san hô và sỏi đặt vào bể cá. Các khay trồng rau, dùng màng lọc trước khóa đường dẫn nước để chặn hạt rau trôi theo nước. Do vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, quy trình trồng rau, nuôi cá theo mô hình Aquaponics được cán bộ, chiến sĩ dân quân thực hiện ngày càng tốt, năng suất thu hoạch cao hơn.

leftcenterrightdel
Mô hình Aquaponics của Ban CHQS phường 15. Ảnh: CTV 

Qua 1 năm áp dụng mô hình Aquaponics, mỗi tháng, Ban CHQS thu hoạch bình quân từ 60 - 70 kg rau, quả như: rau cải, rau muống, mồng tơi, rau dền, xà lách, mướp... Duy trì nuôi hơn 70 con cá rô phi, diêu hồng phát triển tốt, mỗi tuần cung cấp 3-4 kg cá tươi phục vụ bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ dân quân. Trung bình hằng tháng, đơn vị thu lãi hơn 3 triệu đồng từ mô hình Aquaponics đưa vào ăn thêm hằng ngày.

Từ thành công của mô hình, thời gian tới, Ban CHQS phường tiếp tục tận dụng tối đa khoảng không trên mái nhà để mở rộng quy mô vườn rau, bể nuôi cá phát triển tăng gia sản xuất.

QUỲNH HƯƠNG