Nổi bật là, nâng cao chất lượng bữa ăn bộ đội, đẩy mạnh tăng gia sản xuất (TGSX), xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, góp phần bảo đảm cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, canh trực, bảo vệ vững chắc vùng trời Nam Trung bộ và Trường Sa của Tổ quốc.

Để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng bộ đội, ngành Hậu cần Sư đoàn đã phân cấp khai thác, tạo nguồn lương thực, phù hợp với địa bàn đóng quân của từng đơn vị. Theo đó, các đơn vị đóng quân tập trung, cách Sư đoàn dưới 50 km (các đơn vị tên lửa, cao xạ, trực thuộc) do Sư đoàn ký hợp đồng với nhà thầu cung ứng đến tận bếp ăn. Các trạm ra đa đóng quân trong đất liền hoặc đảo gần bờ được Sư đoàn ủy quyền cho phép ký hợp đồng; riêng các trạm ra đa ngoài quần đảo Trường Sa, Sư đoàn hiệp đồng với Hậu cần Bộ Tư lệnh Vùng 4 (Quân chủng Hải quân) bảo đảm. Hằng tháng, Sư đoàn thực hiện chào hàng cạnh tranh. Nhà thầu có đủ tư cách pháp nhân, nguồn hàng ổn định, giá bán thấp, chất lượng gạo tốt sẽ được ký hợp đồng. Để quản lý giá, 02 lần/tháng, hội đồng giá Sư đoàn, các trung đoàn tổ chức khảo sát giá thị trường. Sư đoàn tổ chức 3 điểm chế biến, giết mổ tập trung theo cụm địa bàn, cung cấp thịt xô lọc, giò, chả, đậu phụ, giá đỗ cho các bếp theo kế hoạch.

leftcenterrightdel
Hệ thống vườn, giàn cây leo cao của Tiểu đoàn Tên lửa (Trung đoàn 274). Ảnh: CTV.

Một trong những khâu đột phá thành công của ngành Hậu cần Sư đoàn thời gian qua là đã tập trung cải tạo, củng cố, hoàn thiện mô hình TGSX, phù hợp với điều kiện địa hình, đất đai, thời tiết khu vực đóng quân. Thực hiện tiêu chí “Tập trung, cơ bản, đẹp, hiệu quả, vững chắc”, các đơn vị tiến hành quy hoạch lại khu  chăn nuôi, trồng trọt, đảm bảo khoa học, hợp lý, phù hợp với quy hoạch tổng thể mặt bằng doanh trại. Các đơn vị triệt để tận dụng nguyên vật liệu cũ trong quá trình xây dựng cơ bản kết hợp khai thác cát, mua thêm xi măng, huy động bộ đội tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ xây dựng vườn rau. Đồng thời, đầu tư mua sắm, lắp đặt hệ thống máy bơm nước, đường ống dẫn, béc phun sương để tưới rau, vừa giảm công sức bộ đội, vừa tiết kiệm nước. Hiện nay, các vườn rau tập trung cấp phân đội đều có diện tích từ 500 m2 trở lên; vườn rau gia vị từ 120 – 150 m2/đơn vị; diện tích trồng rau xanh toàn Sư đoàn đạt bình quân 35 m2/người, 3-4m2 giàn/người. Các loại rau, củ, quả được gieo trồng luân canh, xen canh, gối vụ. Nhờ đó, các đơn vị đủ quân, có điều kiện về đất đai đã tự túc 100% định lượng rau xanh, đơn vị còn lại đạt 80 - 85%. Điều đáng ghi nhận là, cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo xa hoặc đóng quân trên đồi cao cũng đã trồng, tự túc được phần lớn nhu cầu rau xanh đưa vào cải thiện bữa ăn hằng ngày. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, Sư đoàn thực hiện chăn nuôi theo hướng truyền thống, tận dụng phế phụ phẩm nhà ăn, nhà bếp kết hợp với đầu tư mua thêm thức ăn chăn nuôi bán công nghiệp. Đồng thời, tận dụng thế mạnh về đồng cỏ, mặt nước, tổ chức nuôi bò, dê và các loại gia cầm, thuỷ cầm có giá trị thương phẩm cao, bảo đảm 4-5 con/người. Đến nay, toàn Sư đoàn đạt bình quân gần 1 người/đầu lợn; các đơn vị được đầu tư xây dựng chuồng trại tập trung như Trung đoàn 274, 591, Tiểu đoàn 24 tự túc 100% định lượng thịt, các đơn vị còn lại tự túc được 72%. Giá sản phẩm TGSX đưa vào bếp ăn đều thấp hơn thị thường khu vực từ 8-20%, trong đó, thịt giảm 8%; cá giảm 15%; rau củ quả giảm 20% trở lên. Tổng giá trị thu từ TGSX năm 2017 (đã trừ chi phí) đạt bình quân 1.350.000 đồng/người, vượt chỉ tiêu trên giao 5%.

Do yêu cầu, nhiệm vụ, các đơn vị của Sư đoàn đóng quân trên địa bàn 4 tỉnh; một số phân đội đóng quân trên đồi cao, ngoài đảo xa, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, chủ yếu là cát trắng. Vì vậy, chủ trương xây dựng cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, tạo không gian thư giãn sau giờ huấn luyện, canh trực, sẵn sàng chiến đấu được lãnh đạo, chỉ huy các cấp và toàn thể cán bộ, chiến sĩ nhiệt tình ủng hộ. Toàn bộ doanh trại, nhà ăn, nhà bếp, hệ thống kho tàng, khu chăn nuôi, khu TGSX, sân chào cờ, hệ thống bảng tin, biển bảng, dây giá, khu thể thao, rèn luyện thể lực, bồn hoa, cây cảnh, tường, giao thông hào bảo vệ doanh trại, trận địa, được quy hoạch lại theo hướng thống nhất, phù hợp với đặc thù riêng của từng cơ quan, đơn vị. Thực hiện phương châm “Tự lực, tự cường, phát huy nội lực”, ngoài nguồn kinh phí trên cấp, các đơn vị đã tận dụng vật liệu sẵn có, tự khai thác, huy động hơn 2 tỷ đồng quỹ vốn cùng với hàng chục nghìn ngày công bộ đội để mua sắm bổ sung vật tư, duy tu, sửa chữa các công trình doanh trại, xây dựng cải tạo đường nội bộ, cảnh quan môi trường doanh trại, trận địa. Làm mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống điện, nước, các công trình kho tàng, nhà ở, phòng làm việc, sinh hoạt, ghế đá, hòn non bộ; khu huấn luyện; sân chơi thể thao; xây mới bồn hoa, khuôn viên, vườn cây lưu niệm; trồng, chăm sóc hàng ngàn cây xanh, cây cảnh, cây ăn quả... Đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời; lắp đặt giàn nước nóng Thái Dương năng phục vụ bộ đội tắm mùa đông. Các khu vực giếng nước, bể nước, khu tắm giặt, nhà ăn, nhà bếp luôn được quét dọn, vệ sinh sạch sẽ. 100% các công trình vệ sinh được thiết kế tự hoại, không gây ô nhiễm môi trường, có đủ hố rác, hố nước thải. Toàn Sư đoàn đã trồng và chăm sóc trên 10.000 cây bóng mát, cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây phủ xanh trận địa.  Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, hằng năm, Sư đoàn đều tổ chức thi “Doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” từ cấp phân đội trở lên, nhằm đẩy mạnh, phát triển phong trào thi đua rộng khắp, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường doanh trại của các cơ quan, đơn vị trong Sư đoàn ngày càng chính quy, khang trang, sạch, đẹp.

Có thể khẳng định, với việc lựa chọn nội dung đột phá phù hợp, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ, công tác hậu cần của Sư đoàn Phòng không 377 đã có bước chuyển biến tích cực, thực chất, hiệu quả, vững chắc hơn, thiết thực cải thiện đời sống bộ đội, góp phần cho đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thượng tá PHẠM THANH XUÂN, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn