Dấu hiệu
ĐQN hay tai biến mạch máu não là tình trạng nguồn cung cấp máu cho não bị gián đoạn hoặc suy giảm đột ngột do tắc mạch máu não hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến chết tế bào não. Đây là nguyên nhân gây nên liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, trí nhớ, hôn mê và khả năng tử vong cao. Để nhận biết ĐQN, có thể dựa theo các dấu hiệu sau: Khóe miệng và nhân trung bị kéo lệch sang một bên, mất cân đối, đặc biệt khi cười; chân tay tê bì, mất cảm giác, vận động khó khăn hoặc mất hoàn toàn khả năng vận động; nói bị líu lưỡi, không rõ từ, không diễn đạt được ý, lắp bắp; đột ngột đau đầu dữ dội mà không có yếu tố chấn thương; đột ngột chóng mặt, mất thăng bằng; đột ngột có vấn đề về thị lực, mắt mờ hoặc hạn chế tầm nhìn; đột ngột rối loạn ý thức, hôn mê. Khi phát hiện ít nhất một trong những dấu hiệu trên, cần nghĩ ngay đến ĐQN, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Khác với nhồi máu cơ tim, cơn nhồi máu cơ tim phát hiện khi có triệu chứng đau thắt ngực trái, cảm giác như bóp nghẹt, đau lan xuống cánh tay trái, ra sau lưng, kèm theo khó thở, vã mồ hôi lạnh, chóng mặt, hơi đau đầu, mệt mỏi.
Nguyên nhân gây ĐQN
Nguyên nhân chủ yếu do tắc nghẽn động mạch não hoặc do vỡ động mạch não. Ngoài ra, các cơn thiếu máu não thoáng qua cũng khiến nguồn cấp máu đến não bị gián đoạn, nhưng chỉ gây ra những triệu chứng tạm thời, tự hồi phục.
Các yếu tố chính gây nên tình trạng trên gồm: Người có bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, suy tim sẽ có nguy cơ bị ĐQN cao hơn so với người bình thường từ 2 - 5 lần. Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia và sử dụng các chất kích thích, ma túy. Chế độ ăn uống không hợp lý dẫn đến thừa cân, béo phì, mỡ máu cao. Bản thân từng bị đột quỵ, có cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc từng bị đau tim. Sử dụng thuốc tránh thai, thay đổi nội tiết tố cũng làm tăng nguy cơ bị ĐQN.
Những lưu ý trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ
Khi phát hiện bộ đội có dấu hiệu ĐQN, quân y đơn vị lập tức báo cáo lên quân y tuyến trên để khởi động hệ thống cấp cứu ĐQN, sau đó nhanh chóng chuyển bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời. Việc này phải tiến hành trước, khẩn trương để bệnh nhân được tiếp cận với phác đồ điều trị đặc hiệu trong thời gian ngắn nhất. Nếu cấp cứu không kịp thời dễ để lại di chứng nặng và làm giảm khả năng cứu sống người bệnh. Khi sơ cứu tại chỗ theo nguyên tắc: Ưu tiên bảo vệ đường thở, đặt bệnh nhân nằm nghiêng; không cho bệnh nhân ăn uống gì để phòng trường hợp bị nôn, có thể gây ra tình trạng trào ngược, sặc chất nôn vào đường thở, gây suy hô hấp; lau hoặc hút sạch đờm rãi, không để người bệnh sặc vào phổi. Chú ý theo dõi các dấu hiệu co giật, méo miệng, nôn mửa, chóng mặt, mất thăng bằng, loạn trí. Đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân co giật, chú ý đảm bảo lưu thông đường thở tốt. Tuyệt đối không để bệnh nhân bị ngã, vì hầu hết bệnh nhân bị liệt vận động, mất thăng bằng nên khả năng tự đi lại hạn chế, dễ ngã dẫn đến các chấn thương kèm theo, làm tăng nặng tình trạng ĐQN.
Quân y đơn vị đo huyết áp cho người bệnh, nếu huyết áp tâm thu cao hơn 180mmHg có thể cho dùng thuốc hạ áp, không tự ý sử dụng các biện pháp dân gian như chích máu, bấm huyệt để cấp cứu người bệnh. Trong quá trình vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện, phải liên tục báo cáo tình hình với quân y cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo chuyên môn. Người bệnh phải được nằm ở tư thế nghiêng một bên để đảm bảo lưu thông đường thở. Quân y theo dõi các dấu hiệu sinh tồn định kỳ (mạch, nhiệt độ, huyết áp, thông khí), chủ động xử trí hiện tượng bất thường như co giật, nôn, rối loạn ý thức, hôn mê. Nếu huyết áp tăng liên tục ở mức cao, có thể chủ động dùng thuốc hạ huyết áp.
Các biện pháp dự phòng ĐQN
Quân y đơn vị chủ động tham mưu với thủ trưởng đơn vị xây dựng kế hoạch làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo quân nhân có thời gian hoạt động rèn luyện thể lực thường xuyên, mức tối thiểu 40 phút/lần và 3-4 lần/tuần. Thời gian ngủ nghỉ mỗi ngày từ 6-8 giờ. Cơ quan quân y phối hợp với cơ quan quân nhu xây dựng khẩu phần ăn khoa học, hợp lý cho từng đối tượng, duy trì cân nặng trong mức cho phép với BMI từ 18 - 23, tránh béo phì và mỡ máu cao. Đối với quân nhân phát hiện có bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… cần sử dụng thuốc điều trị thường xuyên, duy trì mức huyết áp và đường huyết trong giới hạn bình thường. Hạn chế tối đa sử dụng thuốc lá, thuốc lào, rượu bia và nghiêm cấm sử dụng chất kích thích như: ma tuý, cần sa…
Các đơn vị xây dựng nội dung, chương trình khoa học, cường độ luyện tập phù hợp, đảm bảo thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh quá sức. Tạo môi trường luyện tập tốt, tránh áp lực cao, kéo dài, nếu không có thời gian nghỉ, cán bộ, chiến sĩ dễ bị ĐQN. Cần xây dựng các chương trình hoạt động giải trí phù hợp, giúp cán bộ, chiến sĩ giải tỏa căng thẳng sau thời gian rèn luyện vất vả. Quân nhân cần rèn luyện thể thao thường xuyên, cường độ và thời gian phù hợp với từng lứa tuổi sẽ giúp hạn chế tỉ lệ bị tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh lý tim mạch khác, giảm nguy cơ bị ĐQN. Tuy nhiên, nếu tập thể thao kéo dài, quá sức, không có thời gian nghỉ ngơi khiến tỉ lệ bị ĐQN tăng cao hơn.
ĐQN là một trong bệnh lý thường gặp, dễ gây tử vong nhanh. Các đơn vị cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, chiến sĩ nhận biết và chủ động các biện pháp phòng ngừa nhằm hạn chế đột quỵ, gây hậu quả đáng tiếc.
Đại úy, BS.TS NGUYỄN QUANG LĨNH, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108