Nắm bắt được xu thế tất yếu đó, hai năm qua, Tổng cục Hậu cần đã tích cực, chủ động phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) ký kết một số thỏa thuận, chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ số mới trong một số lĩnh vực công tác hậu cần, bước đầu thực hiện chuyển đổi số. Với vai trò là đơn vị tư vấn chuyển đối số có nhiều thế mạnh, ưu thế và tiềm lực, Viettel đã tham gia tư vấn, hỗ trợ, triển khai và duy trì vận hành các hệ thống công nghệ thông tin, nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ của Tổng cục Hậu cần. Điển hình như: Tham gia tư vấn và xây dựng Khung kiến trúc và kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số một cách toàn diện cho Tổng cục Hậu cần...; thực hiện triển khai thí điểm xây dựng trang tin điện tử Chính phủ điện tử và Chuyển đổi số tích hợp vào Cổng thông tin điện tử Tổng cục; phòng họp không giấy tại Sở Chỉ huy Tổng cục và Bộ Tham mưu phục vụ giao ban, các cuộc họp của Tổng cục...

Thực hiện theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, ngày 09/2/2022, Bộ Quốc phòng ban hành kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong Bộ Quốc phòng năm 2022. Theo đó, một số chỉ tiêu chính được đặt ra trong kế hoạch, như: Tỷ lệ gửi, nhận văn bản điện tử giữa Bộ Quốc phòng với các cơ quan

Nhà nước đạt 100%; trên 90% văn bản trao đổi trong nội bộ được thực hiện bằng phương thức điện tử; 100% cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng sử dụng phần mềm Hệ thống thông tin hỗ trợ chỉ đạo, điều hành tại đơn vị; 50% các cuộc họp, hội nghị, tập huấn tổ chức trực tuyến; 70% nhà trường quân đội đưa nội dung chuyển đổi số vào chương trình đào tạo cho học viên...

Trên cơ sở các chỉ tiêu trên, Bộ Quốc phòng yêu cầu triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn quân một số nội dung:Tăng cường ứng dụng các phần mềm dùng chung, hội nghị truyền hình, họp trực tuyến với hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị; sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số; triển khai các hệ thống nền tảng số; tổ chức thử nghiệm hệ thống tạo lập, lưu trữ, chuyển nhận văn bản, tài liệu trên mạng truyền số liệu quân sự có bảo mật; xây dựng, củng cố hệ thống cơ sở kỹ thuật công nghệ thông tin các cấp; tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao năng lực về công nghệ thông tin...

Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong Tổng cục Hậu cần và toàn ngành Hậu cần Quân đội theo chủ trương, kế hoạch của Bộ Quốc phòng, thời gian tới, trên cơ sở tiềm năng, khả năng về nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng Viettel tiếp tục tư vấn và xây dựng hoàn chỉnh Khung kiến trúc và kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số một cách toàn diện cho Tổng cục Hậu cần. Cụ thể là:

Triển khai phối hợp trong khảo sát hiện trạng, nhu cầu triển khai hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin; nghiên cứu, đề xuất, cung cấp, triển khai các giải pháp giúp Tổng cục Hậu cần thực hiện chuyển đổi số đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả.

Cung cấp, triển khai các sản phẩm, giải pháp ứng dụng do Viettel chế tạo, làm chủ, triển khai thành công, nhằm thúc đẩy triển khai mạnh mẽ việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử và chuyển đổi số cho các hoạt động của Tổng cục Hậu cần.

Xây dựng và triển khai các sản phẩm, giải pháp hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, cơ động: Hạ tầng Trung tâm dữ liệu; Giải pháp Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; Giải pháp Hệ thống IOT (Giám sát an ninh vào, ra, cảnh báo cháy,…), hạ tầng mạng (có dây, kết nối không dây có bảo mật), Nhà kho thông minh…

Cung cấp, triển khai các nền tảng số, ứng dụng số và dữ liệu số chung cho ngành Hậu cần như: Các nền tảng xác thực và định danh tập trung; Nền tảng tích hợp, trục liên kết, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; Cơ sở dữ liệu dùng chung; Xây dựng, củng cố và mở rộng phạm vi ứng dụng các phần mềm và Cơ sở dữ liệu dùng chung của các chuyên ngành. Đồng thời cung cấp, triển khai các sản phẩm, giải pháp phục vụ chỉ huy, chỉ đạo, điều hành như: Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc; Hệ thống thư điện tử; Hệ thống thông tin báo cáo, tổng hợp ngành Hậu cần Quân đội; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc (Ecabinet); Hệ thống Quản lý số hóa văn bản, tài liệu và lưu trữ điện tử; Cổng Thông tin điện tử trên mạng Truyền số liệu quân sự; Nền tảng số ngành Hậu cần Quân đội ứng dụng trên hạ tầng truyền dẫn không dây có bảo mật; Trung tâm giám sát và điều hành thông minh (IOC).

Ngoài ra, Viettel sẽ cùng phối hợp thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, mở rộng phạm vi các thủ tục hành chính được đăng ký, tiếp nhận và xử lý qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Quốc phòng; tăng cường số lượng giao dịch, hồ sơ điện tử được tiếp nhận, xử lý trên hệ thống của các đơn vị, ngành Hậu cần Quân đội trong phạm vi toàn quân.

Đặc biệt, Viettel sẽ cung cấp, triển khai các ứng dụng, Cơ sở dữ liệu và thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động chuyên ngành Hậu cần Quân đội, bao gồm các giải pháp số hóa, hiện đại hóa, thông minh hóa phương tiện, trang bị hậu cần; Số hóa giáo trình, tài liệu; Giải pháp chuyển đổi số lĩnh vực chuyên ngành Quân y, Giáo dục - đào tạo, Tham mưu Hậu cần, Vận tải, Xăng dầu, Doanh trại… Các sản phẩm, giải pháp giám sát và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng trong phạm vi toàn quân cũng được đẩy mạnh.

Tin rằng, với sự quyết tâm của Tổng cục Hậu cần và ngành Hậu cần Quân đội, cùng với những nỗ lực của Viettel, các giải pháp sẽ khai thác và phát huy thế mạnh, tiềm năng, hỗ trợ đắc lực cho việc triển khai thực hiện thành công các nhiệm vụ chuyển đổi số đảm bảo đồng bộ, hiện đại và an toàn theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Tổng cục Hậu cần nói riêng và ngành Hậu cần Quân đội nói chung trong thời gian tới.

NGUYỄN DUY MINH, Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel