Chúng tôi đến Đoàn KT-QP 778 ngay sau khi khu vực này vừa bị cơn lốc xoáy tràn qua làm cho gần 30 căn nhà dân trong vùng Dự án bị sập, tốc mái. Tại sở chỉ huy, Đại tá, Đoàn trưởng Đặng Công Bầu và các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Đoàn đang điều động lực lượng và tổ chức vận chuyển vật liệu để tiến hành sửa lại nhà cửa cho bà con. Khi công việc tạm ổn, anh mới quay sang trò chuyện với chúng tôi về công việc, đời sống của cán bộ, chiến sĩ và bà con trên địa bàn Đoàn quản lý…
|
|
Đoàn KT - QP 778 trao nhà tình thương cho đồng bào nghèo, khó khăn. |
Theo lời anh kể, Đoàn KT-QP 778 thành lập từ năm 1978. Trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau, năm 2004, Đoàn được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chính thức giao xây dựng khu KT-QP Bù Gia Mập. Lúc này, hầu như cả 4 xã trong vùng dự án đều trong tình trạng “4 không”: không điện; không đường; không trạm xá; không sóng phát thanh, truyền hình. Hệ thống các trường học, điểm học cũng rất tạm bợ, không đáp ứng được nhu cầu học tập của con em các dân tộc nơi đây. Lợi dụng điều này, các phần tử cơ hội, phản động luôn tìm mọi cách kích động nhân dân vượt biên, phá rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép, gây mất ổn định an ninh chính trị trên địa bàn biên giới…
Để xây dựng khu KT-QP vững mạnh, trước hết, phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Với nhận thức đó, ngay sau khi ổn định nơi ăn, chốn ở, cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn khẩn trương bắt tay thi công đường cấp phối dài gần 40km, 22km đường liên xã và 3 cầu đường bộ nối từ huyện vào các xã mắc đường điện trung, hạ thế dài 17 km và 8 trạm biến áp vào các bản và đến các khu dân cư. Xây dựng 2 hồ thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm héc-ta lúa nước trong vùng; 02 giếng nước sạch, 2 bể chứa nước, 7 phòng học, 01 trạm xá và 01 chợ nông thôn diện tích 718m2… Các hạng mục công trình đều được các cấp có thẩm quyền nghiệm thu, đánh giá đạt yêu cầu chất lượng và bàn giao kịp thời cho địa phương đưa vào khai thác, sử dụng. Cùng với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, lãnh đạo, chỉ huy Đoàn luôn trăn trở suy nghĩ tìm ra phương thức làm ăn lâu dài cho bà con trong vùng Dự án. Sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, cây cao su được lựa chọn là cây sản xuất chủ lực, đồng thời được xác định là cây “xóa đói, giảm nghèo” cho bà con nơi đây. Qua thời gian khai hoang, phục hóa, đến nay, Đoàn đã trồng được 362 ha cao su, trong đó có 347 ha đang cho khai thác. Cùng với đó là 10 ha điều, 1,2 ha tiêu cũng đang phát triển tốt. Ngoài việc tạo cho Đoàn nguồn thu ổn định, Đoàn đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 công nhân là con em các dân tộc trong vùng dự án, với mức lương bình quân 6.500.000đ/người/tháng, góp phần giúp họ ổn định cuộc sống.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Đoàn thường xuyên đi xuống các điểm dân cư, thực hiện 3 bám (bám dân, bám bản, bám địa bàn), 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương) để nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó xây dựng phương án củng cố, phát triển bản, làng. Quán triệt phương châm: “Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, hướng dẫn để nhân dân làm theo”, các tổ, đội sản xuất của Đoàn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, nhất là trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả. Những khu đất hoang hóa trước đây được Đoàn lập dự án, trực tiếp ươm cây giống, cung cấp phân bón, sau đó bàn giao cho bà con quản lý, chăm sóc. Đoàn còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Trung tâm Khuyến nông huyện Bù Gia Mập, Trung tâm Dạy nghề phụ nữ tỉnh Bình Phước, Công ty Cao su Phú Riềng… tổ chức 32 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và dạy nghề chăm sóc, khai thác cao su cho hơn 1.120 lao động nông thôn trong vùng Dự án và phụ cận; cung cấp giống rau, giống cây ăn trái, cây công nghiệp, giống gia cầm, thủy cầm, thủy sản cho 236 hộ đồng bào dân tộc...
Đoàn còn thường xuyên cử các tổ quân y xuống các bản làng chăm sóc sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, hướng dẫn lối sống văn minh, khoa học; cách phòng, tránh các căn bệnh thường gặp; kết hợp tuyên truyền giáo dục sức khỏe cộng đồng, phòng chống dịch bệnh cho 4.030 lượt người… Các tổ, đội công tác còn tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý địa bàn, phát triển kinh tế; củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng; loại bỏ các hủ tục lạc hậu, hoạt động mê tín dị đoan và luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đến nay, Đoàn đã giúp 4 xã trong vùng Dự án thành lập được 15 chi đoàn, 8 chi hội phụ nữ, 6 câu lạc bộ thanh niên; giới thiệu được hàng chục đoàn viên ưu tú kết nạp vào Đảng. Hiện, 100% thôn, bản đều có chi bộ, ban điều hành thôn, xóm hoạt động nền nếp, hiệu quả… Những việc làm thiết thực đó đã gắn kết tình cảm quân dân ngày càng thêm bền chặt.
Một trong những thành công của Đoàn những năm gần đây là đã vận động di dời hàng trăm bà con dân tộc S’tiêng tới vùng tái định cư mới, một công việc mà Đại tá Đặng Công Bầu khẳng định là “vô cùng gian nan, vất vả”, bởi đồng bào S’tiêng có thói quen sống quần thể nên ngại thay đổi; nhiều người lo lắng khi di dời sẽ bị thu hồi diện tích đất sản xuất. Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí nên hệ thống giao thông, điện, nước sinh hoạt ở khu tái định cư vẫn chưa đồng bộ… Khắc phục điều này, Đoàn đã phối hợp với chính quyền địa phương phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đầu mối. Theo đó, Đoàn đảm nhiệm việc xây nhà, hướng dẫn bà con cách thức sản xuất, còn địa phương kéo điện, xây nhà máy nước, tạo quỹ đất cho bà con sản xuất. Bằng nguồn vốn tiết kiệm, tăng gia sản xuất của đơn vị kết hợp vận động doanh nghiệp và các nhà hảo tâm, Đoàn đã huy động được gần 4 tỷ đồng, xây 42 căn nhà, đồng thời hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Những hộ thiếu việc làm, Đoàn bố trí vào làm công nhân hợp đồng trồng, chăm sóc và thu hoạch cao su. Để bà con có cuộc sống ổn định tại các khu tái định cư, Đoàn còn phối hợp các ban, ngành địa phương xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất, như: “Trồng cao su, hồ tiêu”; “Chăn nuôi bò, lợn, gia cầm”; “Trồng cây ăn trái, rau sạch”…
Vào thăm Tiểu khu 119 với 42 nhà “Mái ấm tình thương” vừa được Đoàn phối hợp với địa phương và các nhà hảo tâm xây tặng năm 2016, chúng tôi được thấy một khu dân cư khá khang trang. Các ngôi nhà được thiết kế, xây dựng giống nhau, mỗi căn có diện tích 50m2, tường xây, mái lợp tôn và có vườn rộng 350m2. Các trục đường đều được bê tông, nhựa hóa và có hệ thống điện chiếu sáng… Có lẽ, vui hơn cả là những cặp vợ chồng trẻ, bởi có nhà mới, họ sẽ có điều kiện để xây dựng, vun đắp hạnh phúc gia đình. Gặp chúng tôi, vợ chồng anh Điểu Mé, 27 tuổi vui vẻ mời vào thăm nhà mình. Anh tâm sự: “Trước đây, cả 42 hộ dân tộc S’tiêng sống ở Đội 6, thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. Nhờ bộ đội Đoàn KT-QP 778 mà cuộc sống gia đình tôi và bà con dân bản đã được đổi thay, ấm no, hạnh phúc hơn”…
Có thể nói, qua hơn 13 năm triển khai thực hiện Dự án, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 778 đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế -xã hội, giữ vững an ninh- chính trị, trật tự, an toàn xã hội, từng bước ổn định và cải thiện đời sống nhân dân trong vùng Dự án, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc trên vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người trong toàn vùng đạt 34,4 triệu đồng/người; nhiều hộ vươn lên sản xuất giỏi, có thu nhập cao; số hộ nghèo (theo chuẩn mới) từ 31,6% trước đây giảm xuống còn 10,4%.
Bài, ảnh: NHẬT HUY