Người chưa bị nhiễm SASR-CoV-2 nhưng hệ thống miễn dịch của cơ thể được “đánh nhau” với đối tượng tương tự như SASR-CoV-2 hoặc các phần cấu trúc khác nhau gọi là kháng nguyên của SASR-CoV-2, vẫn có thể tạo ra kháng thể có khả năng trung hòa vi-rút, các tế bào lympho T gây độc, có khả năng tiêu diệt tế bào nhiễm vi-rút cũng như tế bào lympho B và T. Đây là cơ sở khoa học của việc sử dụng vắc-xin phòng bệnh.
Dùng vắc-xin hoặc các biện pháp tăng cường miễn dịch khác chính là để tăng sức đề kháng chống SARS-CoV-2. Người dùng vắc-xin có thể có khả năng bảo vệ ở ba cấp độ: (1) Tiếp xúc với mầm bệnh, có phơi nhiễm với vi-rút SARS-CoV-2 nhưng không bị nhiễm (bảo vệ chống lây nhiễm). (2) Phơi nhiễm, bị nhiễm vi-rút nhưng không bị bệnh (bảo vệ chống phát bệnh). (3) Phơi nhiễm, bị nhiễm vi-rút, bị phát thành bệnh nhưng bệnh nhẹ và phục hồi được sau khi bị bệnh (bảo vệ chống bệnh nặng). Mức độ bảo vệ tùy thuộc vào khả năng đáp ứng của cơ thể và tình huống phơi nhiễm, trong đó có số lượng vi-rút, độc lực của vi-rút cũng như mức độ giống nhau giữa vi-rút và vắc-xin.
|
|
Ảnh minh họa/baochinhphu.vn |
Đa số các vắc-xin đều cần tiêm nhắc lại. Để làm tăng hiệu quả bảo vệ của vắc-xin, tiêm nhắc lại mũi thứ hai sẽ kích thích các tế bào mang trí nhớ miễn dịch tạo ra phản ứng mạnh hơn, không chỉ tạo ra nhiều kháng thể để trung hòa ngay vi-rút khi vừa xâm nhập vào cơ thể mà còn tạo ra tiếp các thế hệ tế bào mang trí nhớ miễn dịch mới với số lượng đông hơn để “túc trực” trong cơ thể phòng trường hợp vi-rút tái xâm nhập trong tương lai.
Ngoại trừ các vắc-xin vi-rút bất hoạt, các vắc-xin vector vi-rút và mRNA hiện tại đều hướng tới tạo ra đáp ứng miễn dịch nhắm vào gai protein S của SARS-CoV-2. Trên phương diện miễn dịch học, kháng nguyên “đích thực” mà hệ thống miễn dịch nhận diện ở cả 3 loại vắc-xin này đều là protein S của SARS-CoV-2. Từ đó, về lý thuyết hoàn toàn có thể chuyển từ loại vắc-xin này ở mũi thứ nhất sang loại vắc-xin kia khi tiêm mũi thứ hai. Trên thực tế, do tính an toàn của một số vắc-xin (như trường hợp gây rối loạn đông máu của vắc-xin AstraZeneca) một số nước đã chủ động chuyển sang dùng vắc-xin mũi hai khác loại với vắc-xin đã tiêm mũi một. Theo kết quả nghiên cứu cho thấy việc phối hợp vắc-xin khác loại vẫn tạo ra miễn dịch và có trường hợp còn cao hơn so với khi dùng vắc-xin cùng loại. Các nghiên cứu này ghi nhận khi tiêm mũi hai bằng vắc-xin cùng loại với mũi một thì các tác dụng phụ ít và nhẹ hơn so với mũi hai là vắc-xin loại khác.
Phản ứng sau tiêm phụ thuộc vào bản chất của vắc-xin và tình trạng của cơ thể người được tiêm. Phản ứng đau tức thì tại chỗ tiêm có thể do tâm lý của người được tiêm hoặc do các thành phần có trong vắc-xin gây ra. Sưng đau tại chỗ tiêm sau tiêm vài giờ đến vài ngày, đó là phản ứng của cơ thể chống lại các kháng nguyên có trong vắc-xin và các tá chất miễn dịch làm tăng khả năng sinh miễn dịch của vắc-xin. Khi tiêm vắc-xin, nhất là các vắc-xin có bản chất là vi-rút sống, vi-rút bất hoạt thường có phản ứng sốt tương tự như khi nhiễm vi-rút gây bệnh thông thường ở người. Sau tiêm vắc-xin, có thể bị đau đầu, đau mỏi cơ bắp tương tự như nhiễm vi-rút gây bệnh thông thường. Những trường hợp phản vệ do cơ thể phản ứng quá mức với các thành phần có trong vắc-xin là đáng lo ngại nhất, vì vậy cần theo dõi, xử lý kịp thời. Đến nay, các loại vắc-xin phòng Covid-19 cơ bản đáp ứng được yêu cầu về an toàn và hiệu quả trong phòng, chống dịch ở tình huống khẩn cấp.
Với mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng, việc sử dụng vắc-xin phòng bệnh không chỉ vì lợi ích cá nhân của người được tiêm mà còn vì trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng. Để chiến thắng Covid-19, sử dụng vắc-xin tạo miễn dịch cộng đồng là biện pháp cơ bản và hiệu quả nhất.
Đại tá PGS, TS, BS Lê Văn Đông, Viện trưởng Viện YHDP Quân đội