Giờ đây, bữa ăn của bộ đội hằng ngày trên đảo được bổ sung thêm rau xanh, thịt tươi, trứng thay thế dần cho thực phẩm đồ hộp, rau quả muối chua... trong khẩu phần ăn.
Trong hải trình công tác tại Quần đảo Trường Sa, khi vừa bước chân lên đảo Cô Lin, chúng tôi thật ngỡ ngàng trước khu vườn trồng rau xanh tươi tốt, chỉ rộng chừng 30m2 với nhiều chủng loại rau, gồm: rau cải xanh, rau muống, rau ngót, rau dền cùng với những giàn bí xanh, mướp, mồng tơi… xanh ngắt. Chưa hết, trong khu vườn còn có nhiều loại rau gia vị như: rau mơ, lá lốt, mùi tàu, húng quế, sả, ớt…
|
|
Chiến sĩ đảo Cô Lin chăm sóc rau xanh. |
Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi được biết, hằng năm, trên đảo Cô Lin có tới trên 300 ngày nắng nóng; mùa khô kéo dài tới 3 tháng, cùng với đó là gió bão mang theo nước biển mặn lên đảo, việc tăng gia vô cùng khó khăn. Để chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau xanh phát triển trên Đảo là cả một hành trình đầy gian nan. Hằng năm, cán bộ, chiến sĩ trên đảo được nhận từng bao đất nhỏ từ trong đất liền chuyển ra, sau đó tận dụng vật liệu để tạo nên vườn rau nhỏ, dễ cơ động khi biển động. Đặc biệt, hằng ngày, cán bộ, chiến sĩ phải chú ý theo dõi dự báo thời tiết để tổ chức che chắn cẩn thận cho vườn rau, hạn chế tác động của gió biển và nắng. Chỉ cần sơ ý một chút là cả vườn rau “bay” gọn xuống biển trong "nháy mắt". Đảo Cô Lin diện tích rất hẹp, nguồn nước ngọt phục vụ ăn uống, sinh hoạt chủ yếu là nước mưa dự trữ trong bể ngầm nên bộ đội phải tiết kiệm từng giọt nước. Để có nước tưới rau, cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải thu gom, tận dụng nước thải từ nhà ăn và sau khi tắm giặt, tiến hành xử lý bằng cách lắng, lọc rồi mới tưới rau. Cán bộ, chiến sĩ còn tự thiết kế đường ống, gắn vòi hoa sen dẫn nước từ hệ thống bể chứa nước thải đến vườn rau.
Một điều khá thú vị là trên đảo chìm không hề có ong, bướm, vậy mà giàn bí xanh, mướp vẫn đơm hoa, kết trái. Chiến sĩ Hồ Văn Công bật mí: “Buổi sáng hằng ngày, chúng em thức dậy từ 5 giờ, sau khi tập thể dục tiến hành chăm sóc vườn rau, thụ phấn cho hoa. Công việc thụ phấn cho hoa được thực hiện hằng ngày, có như vậy cây mới cho quả”.
Từ vườn rau bước ra, chúng tôi gặp đàn vịt khoảng 30 con đang tung tăng ngụp, lặn bắt ốc, cá, tôm dưới những rạn san hô quanh đảo. Được biết, những con vịt này được mang từ đất liền ra, dù mới quen với thời tiết và môi trường nước mặn nhưng chúng tỏ ra rất kinh nghiệm kiếm mồi và tránh thời tiết xấu. Mỗi khi sắp có sóng to, gió lớn là đàn vịt không xuống nước mà chỉ trú trong chuồng. Khi thủy triều xuống thấp, chúng lại xuống nước quanh quẩn ven đảo kiếm mồi, không bơi ra xa. Đàn vịt được cán bộ, chiến sĩ cho ăn 3 bữa/ngày, thức ăn là thóc ngâm hoặc thức ăn thừa từ nhà bếp trộn với cá, tôm băm nhỏ. Dù đã thích nghi với môi trường trên đảo nhưng chúng chỉ cung cấp thịt và trứng, chưa thể nhân giống. Ngoài vịt, trên đảo còn nuôi lợn, gà để cung cấp thực phẩm cải thiện đời sống.
Nhờ chủ động khắc phục bất lợi của thời tiết và lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp từng mùa vụ, nhiều năm qua, đảo Cô Lin luôn là một trong đơn vị dẫn đầu phong trào tăng gia sản xuất của Quần đảo Trường Sa. Chỉ tính riêng năm 2020, Đảo thu hoạch hơn 1.250 kg rau xanh, trên 150 kg thịt các loại. Từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thực phẩm từ đất liền, hiện nay cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cô Lin đã chủ động được một phần nhu cầu thực phẩm tươi, nhất là rau xanh, góp phần cải thiện đời sống bộ đội nơi đầu sóng ngọn gió.
Bài, ảnh: TRANG THU, Bộ Tham mưu, QCHQ