Tin vui từ Trình Tường

Trở lại Đoàn KT - QP 327 công tác lần này, chúng tôi được Trung tá Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Lâm trường 156 (Đoàn KT - QP 327) cho biết, giống mận hậu đơn vị trồng đợt đầu trên Khu dân cư Trình Tường (thuộc thôn Bắc Cương, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) đã bắt đầu cho thu hoạch quả. Đây là kết quả sau hơn 02 năm, cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) của Đoàn lên Trình Tường giúp bà con đào hố, trồng mận. Thời điểm đó, Trình Tường chỉ có hơn 10 hộ gia đình với trên 70 nhân khẩu người dân tộc Dao sinh sống giáp biên giới. Nằm tách biệt giữa núi rừng đại ngàn, lại ở trên núi cao, đường giao thông không thuận tiện, trình độ dân trí còn thấp khiến việc triển khai các chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo gặp nhiều khó khăn. Nguồn kiếm sống của người dân Trình Tường chủ yếu dựa vào đi rừng nên quanh năm, suốt tháng đói, nghèo.

Để giúp người dân Trình Tường có cuộc sống no đủ, đầu năm 2020, Lâm trường 156 phối hợp với cấp ủy, chính quyền huyện Bình Liêu triển khai kế hoạch xây dựng “Khu dân cư biên giới điển hình”. Thực hiện mô hình, đơn vị thuê máy xúc, máy ủi về san mặt bằng, khảo sát chất đất, khí hậu, cải tạo đất, liên hệ Trung tâm Giống cây trồng/ Học viện Nông nghiệp Việt Nam chọn mua cây giống tặng bà con. Người dân Trình Tường chưa có kiến thức trồng trọt nên việc đào hố, trồng cây, chăm sóc ban đầu đều do bộ đội Lâm trường thực hiện. Khi cây bén rễ, đơn vị bàn giao lại cho người dân, đồng thời hướng dẫn bà con cách chăm sóc.

leftcenterrightdel
 Cán bộ Lâm trường 42 hướng dẫn bà con thôn Phình Hồ (xã Bắc Sơn) kỹ thuật trồng mía tím cao sản. 

Là người đề xuất và dành nhiều tâm huyết cho mô hình, Trung tá Nguyễn Huy Hoàng cho biết: “Ban đầu chúng tôi mua mận, hồng, mít về trồng thử. Do thời tiết trên núi cao lạnh, sương mù quanh năm nên chỉ có cây mận thích nghi được. Sau gần 03 năm bám bản, đến nay chúng tôi đã giúp bà con trồng được trên 3.000 cây mận. Năm vừa rồi, những cây mận trồng loạt đầu đã cho thu hoạch quả. Sản lượng tuy chưa nhiều nhưng ưu điểm là quả to, ăn giòn và ngọt. Đây là tín hiệu đáng mừng để người dân Trình Tường thoát nghèo thời gian tới”.

Đánh giá về mô hình trồng trọt trên, Ông Giáp Văn Ngôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoành Mô khẳng định: “Hiệu quả của mô hình không chỉ là những vườn mận lên xanh tốt mà quan trọng hơn là nếp nghĩ, cách làm của đồng bào nơi đây đã dần thay đổi. Nhờ sự kiên trì hướng dẫn, giúp đỡ của bộ đội Lâm trường mà người dân Trình Tường giờ đây không chỉ biết lên rừng lấy củi, hái măng bán lấy tiền đong gạo ăn qua ngày như trước mà đã chủ động chăm sóc vườn mận nhà mình. Đây là cơ sở quan trọng để người dân Trình Tường thoát nghèo, hướng đến cuộc sống no đủ hơn trong thời gian gần”.

Nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế hiệu quả Đại tá Nguyễn Văn Huy, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT - QP 327 cho biết, Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn chỉ đạo các lâm trường phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, đồng thời huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn cùng chung tay thực hiện, tạo nguồn lực để giúp đỡ Nhân dân. Với phương châm “Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, hướng dẫn để người dân làm theo”, những năm qua, cán bộ, nhân viên, TTTTN Đoàn KT - QP 327 không quản khó khăn, vất vả luôn bám sát địa bàn phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai các dự án giúp người dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

Những người lính lâm trường trở thành “kỹ sư nông nghiệp” có mặt ở khắp các bản làng vùng cao để hướng dẫn người dân cách thức trồng trọt, chăn nuôi. Trung tá Nguyễn Văn Đạo, Trợ lý Dân vận/Phòng Chính trị Đoàn KT - QP 327 cho biết: “Các lâm trường chủ động khảo sát, tìm hiểu phong tục tập quán, nếp sinh hoạt, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng và nhu cầu của người dân để từ đó lựa chọn con giống, cây trồng hỗ trợ người dân phù hợp. Nhờ đó, các đơn vị triển khai các mô hình giúp dân xóa đói, giảm nghèo mang lại hiệu quả thiết thực”.

Theo chân cán bộ, nhân viên Lâm trường 42 (Đoàn KT - QP 327), chúng tôi đến thăm gia đình ông Nình A Dẩu ở thôn Thán Phún, xã Bắc Sơn (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), một trong những hộ tiêu biểu thoát nghèo, làm giàu nhờ trồng chè hoa vàng. Niềm nở tiếp chúng tôi bằng đặc sản chè hoa vàng do gia đình tự sấy, ông Dẩu cho biết: “Gia đình hiện có hơn 300 gốc chè trưởng thành đang cho thu hoạch, 1 vườn ươm cây giống và một khu nhà xưởng để sấy chè khô. Trung bình mỗi năm gia đình thu lãi khoảng 500 triệu đồng từ cây chè. Nhờ trồng chè mà các con đều được học đại học, cuộc sống của gia đình sung túc, đầy đủ hơn”. Được biết, khoảng 10 năm về trước chè hoa vàng rất giá trị, có thời điểm hoa trè tươi bán với mức giá hơn 10 triệu đồng/kg. Thấy vậy, nhiều người dân rủ nhau lên núi hái chè hoa vàng về bán khiến cây ngày càng khan hiếm. Trước tình trạng trên, cán bộ, nhân viên Lâm trường 42 đã vận động bà con đánh gốc chè hoa vàng trên núi mang về nhà trồng. Thời gian đầu do không có kinh nghiệm chăm sóc nên cây trồng bị chết nhiều, số còn lại phát triển rất chậm.

Trung tá QNCN Nguyễn Quang Vinh, Nhân viên Ban Chính trị/Lâm trường 42 chia sẻ: “Chúng tôi đến một số trung tâm cây trồng trong tỉnh để tìm hiểu và được biết chè hoa vàng không ưa ánh nắng chiếu trực tiếp. Vậy là chúng tôi vận động bà con trồng chè xen kẽ dưới những gốc cây ăn quả có tán lớn, giúp cây phát triển tốt. Sau này chúng tôi cùng với bà con còn tìm hiểu và học được cách chiết cành, nhân giống cây chè hoa vàng nên diện tích vườn chè trên địa bàn ngày càng mở rộng. Những năm qua, nhờ cây chè hoa vàng mà hàng chục hộ dân nơi đây xây được nhà, mua được xe máy, có cuộc sống dư dả”.

Hơn 10 năm qua, Đoàn KT - QP 327 đã phối hợp triển khai thành công 16 mô hình trồng lúa lai, ngô lai, khoai tây, đỗ tương cao sản, mít Thái Lan, nấm sò, thanh long ruột đỏ, hồi, quế, cam, chè hoa vàng... và 17 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm cho gần 800 hộ dân. Nhiều gia đình nhờ đó mà thoát khỏi đói nghèo, dần có của ăn, của để. Hiện nay, đơn vị đang tiếp tục triển khai thêm một số mô hình như: “Nông - lâm kết hợp”, “Phát triển vườn cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gia cầm”, “Hỗ trợ trồng cây gỗ lớn”, “Vườn - ao - chuồng”... Các mô hình trên đang thu hút nhiều hộ gia đình hưởng ứng tham gia, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Từng bước xóa bỏ nếp sinh hoạt lạc hậu

Cùng với giúp Nhân dân phát triển kinh tế, một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết khác đối với những người lính lâm trường đó là vận động, hướng dẫn bà con ăn, ở hợp vệ sinh. Theo Thượng tá Kim Ngọc Hinh, Phó chủ nhiệm Chính trị Đoàn KT - QP 327 chia sẻ: Trên địa bàn hiện còn nhiều bản, làng tồn tại nếp sinh hoạt lạc hậu như chăn nuôi gia súc, gia cầm cạnh nhà, quanh năm không quét dọn nhà cửa… Đây là nguồn gốc phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Tập tục, thói quen sinh hoạt của đồng bào đã tồn tại từ lâu nên việc thay đổi không thể một sớm, một chiều mà phải có kế hoạch cụ thể và kiên trì vận động trong thời gian dài. Vì vậy, thời gian qua các lâm trường thường cử các y, bác sĩ đến từng thôn, bản khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con đồng thời tuyên truyền để bà con hiểu về nguyên nhân, nguồn gốc gây bệnh, hướng dẫn bà con cách ăn, ở hợp vệ sinh. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với các nhà trường, đoàn thanh niên, hội phụ nữ đến từng gia đình quét dọn nhà cửa, kê kích đồ đạc, hướng dẫn để đồng bào cùng làm theo.

leftcenterrightdel
Cán bộ, nhân viên, TTTTN Lâm trường 42 giúp người dân thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn (thành phố Móng Cái) chăm sóc vườn cam.

Được biết, Đoàn KT-QP 327 đã chỉ đạo lựa chọn một số làng, bản để triển khai làm điểm về vấn đề này. Có thể kể đến một số mô hình, hoạt động đã được cán bộ, nhân viên, TTTTN đơn vị triển khai thành công trong những năm  gần  đây  như: “Điểm  sáng Khe O” của Lâm trường 156 vận động bà con xây dựng xong khu chăn nuôi tập trung tại bản Khe O (xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu); Lâm trường 155 vận động Nhân dân xã Đồng Văn và Đồng Tâm (huyện Bình Liêu) xây dựng nhà vệ sinh tự hoại… góp phần giúp các địa phương xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh.

Sự kiên trì, bền bỉ, sát cánh cùng đồng bào của bộ đội Đoàn KT - QP 327 những năm qua đã góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương, mối quan hệ quân - dân nơi biên cương ngày càng bền chặt. Qua đó giúp diện mạo khu vực biên giới Đông Bắc ngày càng khởi sắc, đời sống của Nhân dân từng bước được cải  thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; tiềm lực, thế trận quốc phòng vùng biên cương được tăng cường vững chắc.

 Bài, ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG