Từ đó, thuật ngữ phòng thủ dân sự (PTDS) xuất hiện và được thể chế hóa thành luật ở nhiều quốc gia như: Đan Mạch (1949), Mỹ (1954), Pháp (1957), Thụy Điển (1960)... Các văn bản quy phạm pháp luật về PTDS ở các quốc gia này thể hiện rõ khái niệm, nhiệm vụ, chức năng, nguyên tắc tổ chức, sử dụng lực lượng, công tác chuẩn bị bảo đảm cho các lực lượng tham gia nhiệm vụ PTDS.
Liên Xô cũ
Trong Chiến tranh Vệ quốc (1941-1945), Liên Xô tiến hành nhiệm vụ PTDS theo quan điểm toàn dân, toàn diện bằng việc xác định chủ thể tiến hành hoạt động PTDS, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, xây dựng hệ thống hầm hào trú ẩn và công tác phòng không tại địa phương. Liên Xô xác định, lực lượng chủ yếu của PTDS là các đơn vị dân sự làm nhiệm vụ chung và các ban chuyên trách. Đơn vị làm nhiệm vụ chung có trách nhiệm thực hiện khẩn cấp việc cứu người và khắc phục hậu quả; các ban chuyên trách thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và tăng cường cho đơn vị làm nhiệm vụ chung. Mặt khác, chính quyền Xô - Viết rất chú trọng trang bị kiến thức cần thiết cho người dân về phòng tránh vũ khí hủy diệt lớn.
|
|
Một điểm phòng thủ bảo vệ thành phố Lê-nin-grat trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Ảnh: inchernogolovka.ru |
Liên Xô đã xuất bản nhiều loại sách như: Sổ tay “Mỗi người cần hiểu và biết làm”, sách “Hầm chống phóng xạ ở nông thôn”, “Các phương tiện phòng tránh đơn giản nhất”, “Các đơn vị PTDS trong đấu tranh chống thiên tai”,… và tổ chức các buổi nói chuyện, thực hành về PTDS tại các điểm học tập, xem phim, truyền hình về PTDS. Tổ chức cho người dân tham gia diễn tập ở cơ sở bằng phương pháp bồi dưỡng, củng cố và hoàn thiện kỹ năng thực hành. Công tác chuẩn bị và xây dựng hệ thống hầm, hào trú ẩn được tiến hành toàn diện. Trên các đường phố, sân chơi, vườn cây, công viên, bến xe điện, xí nghiệp… đều có hầm trú ẩn, công sự. Tầng hầm của các nhà cao tầng được được thiết kế thành hầm tránh bom. Thời gian đầu chiến tranh, tại các thành phố bị Không quân Đức oanh tạc, hàng triệu người được huy động để xây dựng hầm trú ẩn. Chỉ trong vài tuần đã có hàng trăm nghìn hầm trú ẩn được xây dựng hoàn thành, có thể bảo vệ trên 20 triệu người. Chỉ trong 3 ngày (từ ngày 24 đến 27-6-1941), người dân thành phố Lê-nin-grat xây dựng được 201.656m đường hầm hào trú ẩn. Đầu tháng 8-1942, ở thành phố Xta-lin-grat đã đào một số hầm trú ẩn với tổng chiều dài lên tới 174.000m, đủ chỗ cho 350.000 người ẩn nấp. Cùng với đó, công tác phòng không tại các địa phương đều được chuẩn bị chu đáo. Trong những ngày Không quân Đức oanh tạc, nhiều người dân đội mũ sắt, đeo mặt nạ như người lính gác. Ở thành phố Lê-nin-grat, mỗi đêm có hơn 60.000 người trong các đội tự vệ trực trên các mái nhà tầng để giúp các đơn vị bộ đội phòng không địa phương thông báo cho người dân về những nguy hiểm đang đe dọa, sắp xếp thời gian học phương pháp dập tắt bom cháy…
Thụy Điển
Theo chuyên gia quân sự nước ngoài, Thụy Điển là quốc gia có công tác chuẩn bị cho PTDS tương đối hoàn thiện. Đạo Luật 74 của Thụy Điển quy định: Nhiệm vụ của PTDS là phòng chống tập kích của không quân đối phương, giải quyết hậu quả do vũ khí sát thương hàng loạt; sơ tán người dân, các cơ sở sản xuất; xây dựng hệ thống hầm trú ẩn, công trình phòng tránh; tổ chức cấp cứu, cứu chữa người bị thương, bị nạn; bảo vệ an ninh trong điều kiện đặc biệt phức tạp. Năm 1967, nhiệm vụ PTDS của Thụy Điển có sự phát triển mới, hướng vào chuẩn bị các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa xảy ra ngay trong thời bình. PTDS của Thụy Điển chia đất nước thành các khu vực (tương ứng với địa giới hành chính tỉnh); trong mỗi khu vực được chia thành các tiểu khu, mỗi tiểu khu được chia thành các vùng. Lực lượng PTDS của Thụy Điển gồm: lực lượng PTDS đặc biệt, lực lượng PTDS rộng rãi. Lực lượng PTDS đặc biệt là lực lượng chuyên trách, được tổ chức theo khu vực, gồm: các đội cứu chữa cơ động, trung đội vệ sinh - y tế và các tổ không quân.
Hiện nay, trên lãnh thổ Thụy Điển thành lập 20 đội cứu chữa cơ động, mỗi đội gồm: 2 đại đội cứu chữa, 1 trung đội phòng cháy, 1 trung đội hậu cần và ban bảo đảm vận động. Mỗi đại đội cứu chữa có 3 trung đội cứu chữa, 3 tiểu đội bảo đảm, quân số 155 người, trang bị 24 xe tải, 9 xe con. Trung đội phòng cháy có 6 tiểu đội phòng cháy, 3 tiểu đội bảo đảm và Ban kỹ thuật, trang bị 12 xe chữa cháy, 7 xe chuyên dụng. Trung đội hậu cần có 4 tiểu đội, quân số 30 người, trang bị 12 xe chuyên dụng, 2 bếp dã chiến; lương thực, thực phẩm (LTTP) dự trữ đủ bảo đảm cho đội thực hiện nhiệm vụ liên tục trong khoảng 15 ngày. Ban bảo đảm vận động gồm: 1 nhóm điều khiển, 2 tiểu đội bảo đảm giao thông. Thụy Điển thành lập 21 trung đội vệ sinh - y tế, làm nhiệm vụ khám nghiệm y học, xử lý vệ sinh. Mỗi trung đội đều có chỉ huy, 2 tiểu đội kỹ thuật, 1 tiểu đội cáng thương, quân số 42 người. Cùng với đó còn có 28 tổ không quân, có nhiệm vụ trinh sát thực địa, trinh sát hóa học, phóng xạ, bảo đảm thông tin và thực hiện vận tải đường không trong những trường hợp cần thiết. Mỗi tổ được trang bị 8 máy bay trực thăng loại nhẹ, với 28 phi công, nhân viên kỹ thuật.
Thụy Điển có khoảng 50.000 hầm trú ẩn cố định và hàng chục nghìn hầm lưu động. Hệ thống hầm trú ẩn cố định có độ sâu dưới đất từ 3 - 15m, có thể chịu được áp lực lên đến 10 kg/cm2. Trong các hầm trú ẩn đều được trang bị hệ thống lọc không khí, thiết bị sưởi ấm, thiết bị vệ sinh phòng dịch; hệ thống cung cấp nước sạch, điện sinh hoạt và kho dự trữ LTTP thiết yếu. Hằng năm, Thụy Điển thường xuyên tổ chức huấn luyện, diễn tập PTDS ở các địa phương. Các cuộc diễn tập PTDS lớn thường được tiến hành đồng thời với diễn tập của quân đội theo kế hoạch thống nhất, toàn diện được Bộ Quốc phòng thông qua.
Phi-líp-pin
Phi-líp-pin là nước thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lụt, gây hậu quả nghiêm trọng. Năm 2006, có 12 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào Phi-líp-pin, đặc biệt trong tháng 8 có 4 cơn bão lớn liên tiếp đổ bộ, làm chết, mất tích hơn 8.000 người, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của hàng chục triệu người, tàn phá, hủy hoại môi trường sinh thái... thiệt hại hơn 25 tỷ USD. Do đó, biện pháp hàng đầu trong PTDS của Phi-líp-pin bảo vệ người dân, đất nước trước sự tàn phá của bão, lụt.
Trong các đợt ứng cứu, khắc phục hậu quả bão, lụt, Chính phủ Phi-líp-pin và chính quyền các địa phương đặc biệt coi trọng việc sử dụng lực lượng quân đội và các lực lượng tại chỗ. Có ngày, lực lượng ứng cứu, khắc phục hậu quả bão, lụt, tìm kiếm cứu nạn (TKCN) lên tới hơn 3 vạn người, với hàng nghìn trang bị kỹ thuật, phương tiện; hậu cần quân đội cấp hàng trăm tấn LTTP, quần áo, chăn, màn, thuốc men, thiết bị lọc nước, dụng cụ y tế để bảo đảm cho lực lượng quân đội và hỗ trợ cứu giúp người dân tránh đói, rét, dịch bệnh... Bão Bo-pha (12-2012), với sức gió 150 km/giờ đổ bộ vào Phi-líp-pin gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản. Quân đội Phi-líp-pin đã huy động hàng trăm lượt máy bay trực thăng tham gia TKCN. Trước đó, hàng chục nghìn người đã được lực lượng vũ trang (LLVT) đưa đi sơ tán tránh bão. Ngày 8-11-2013, siêu bão Hai-yan được coi là mạnh nhất trong lịch sử, với sức gió giật 348 km/giờ đổ bộ trực tiếp vào miền Trung Phi-líp-pin, phạm vi ảnh hưởng rộng, sức tàn phá khủng khiếp khiến hơn 6.000 người thiệt mạng, 2.000 người mất tích, thành phố Tac-lo-ban bị phá hủy hoàn toàn, thiệt hại hơn 16 tỷ USD. Để ứng phó với bão, lụt, Tổng thống Phi-líp-pin đã lệnh cho quân đội triển khai tất cả các biện pháp khẩn cấp, sử dụng mọi vật chất, trang bị, phương tiện hiện có của quân đội để ứng phó thảm họa, cứu trợ người dân, bảo vệ đất nước. Thực tiễn nhiệm vụ PTDS của Phi-líp-pin cho thấy, Chính phủ rất coi trọng công tác chuẩn bị hậu cần, nhất là chuẩn bị trước, kết hợp giữa phương thức bảo đảm hậu cần (BĐHC) cơ động của hậu cần các lực lượng với huy động hậu cần địa phương các cấp và hậu cần nhân dân theo lệnh tổng động viên, động viên cục bộ của Tổng thống khi có tình huống xảy ra.
Trung Quốc
Trung Quốc xác định nhiệm vụ PTDS là tập trung đối phó với những sự cố bất ngờ, gây tổn thất nghiêm trọng về người, tài sản như: chiến tranh, thiên tai, sự cố môi trường, sự kiện an toàn xã hội... Để ứng phó với những sự cố bất ngờ, Trung Quốc rất coi trọng việc sử dụng LLVT, xác định đây là lực lượng xung kích, chủ yếu. Đồng thời, thực hiện cơ chế động viên quốc phòng, động viên toàn xã hội, tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa và BĐHC cho các LLVT thực hiện nhiệm vụ PTDS. Điển hình là, động đất ở tỉnh Tứ Xuyên (12-5-2008), làm hơn 7.180 người chết, gần 20.800 người mất tích, phá hủy hơn 71.000 ngôi nhà, hơn 5 triệu người phải sống vô gia cư. Động đất còn tạo ra hồ lớn với gần 130 triệu mét khối nước, có nguy cơ vỡ bờ, nhấn chìm cả một vùng rộng lớn. Để kịp thời tạo nguồn vật chất hậu cần cho nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa thiên tai, Trung Quốc chủ trương chuyển phương thức BĐHC theo kế hoạch giao trước, sang thực hiện phương châm “Xã hội hóa công tác hậu cần”, tiến hành động viên, trưng dụng toàn quốc. Trước hết, với các ngành kinh tế - xã hội từ Trung ương đến địa phương phải tập trung điều động, tập kết nhân lực, vật chất, khẩn trương sản xuất các loại dụng cụ, khí tài cứu sinh thiết yếu. Tổ chức huy động, trưng dụng tối đa khả năng của hệ thống y tế, thương mại - dịch vụ, giao thông vận tải... tham gia vào công tác BĐHC cho các lực lượng phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, cứu trợ người dân. Đồng thời phối hợp chặt chẽ các lực lượng hậu cần (LLHC), từng bước hoàn chỉnh mô hình “Tam vị nhất thể” nghĩa là luôn có sự thống nhất giữa 3 lực lượng (LLHC quân đội, LLHC ngạch dự bị và LLHC xã hội) để bảo đảm trong mọi tình huống, thực hiện phương thức lực lượng nào thì do hậu cần của lực lượng đó bảo đảm, nhưng phải lấy LLHC quân sự xã hội trên địa bàn nơi xảy ra lụt, bão làm nòng cốt. Hiện nay Trung Quốc đang xây dựng và từng bước hoàn chỉnh mô hình BĐHC “Tam quân liên cần” coi trọng sự phối hợp giữa 3 LLHC của 3 lực lượng cơ động chủ yếu đó là: LLHC Lục quân, LLHC Hải quân, LLHC Không quân trong tình huống khẩn cấp.
Công tác chuẩn bị hậu cần cho nhiệm vụ PTDS của một số nước trên thế giới cơ bản tập trung xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, phương thức tạo nguồn hậu cần; chuẩn bị hệ thống công trình dự trữ LTTP, nhu yếu phẩm thiết yếu; các phương án huy động nhân lực, vật chất, phương tiện theo kế hoạch chung, thống nhất trên phạm vi cả nước và ở từng địa phương. Những năm gần đây, hoạt động PTDS của các nước có sự chuyển dịch sang phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa thiên tai xảy ra, ứng phó với các nguy cơ phi truyền thống. Đây là những kinh nghiệm hay, có thể nghiên cứu, vận dụng phù hợp vào nhiệm vụ PTDS ở Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trung tá, ThS Âu Đức Thắng - Bộ Tham mưu Hậu cần
Thiếu tá Mai Xuân Trường - Trường Sĩ quan Lục quân 2