Song với tinh thần tích cực, chủ động, những năm qua, Ngành Hậu cần Quân khu (HCQK) luôn bám sát tình hình, làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy các cấp chỉ đạo thực hiện tốt công tác hậu cần (CTHC) cho nhiệm vụ SSCĐ, thường xuyên và đột xuất.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, Ngành HCQK luôn cập nhật tình hình, bám sát nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, sự chỉ đạo của cấp trên, chủ động điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn kiện bảo đảm hậu cần chiến đấu, phòng, chống, ứng phó với thiên tai, thảm họa, dịch bệnh phù hợp thực tế. Tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy các cấp tổ chức luyện tập các phương án bảo đảm hậu cần (BĐHC) sát tình huống chiến đấu và nâng cao khả năng chỉ huy, điều hành, thực hành cho cán bộ, nhân viên hậu cần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chủ động bảo đảm kịp thời, đầy đủ mọi mặt hậu cần cho các nhiệm vụ SSCĐ, luyện tập, diễn tập, nhiệm vụ “C” và nhiệm vụ đột xuất khác; nhất là bảo đảm cho diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) các cấp; diễn tập MB-17, TB-21 của lực lượng vũ trang (LLVT) QK; diễn tập phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh...

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thời gian qua, Cục Hậu cần tập trung chỉ đạo bộ chỉ huy quân sự 9 tỉnh tham mưu với chính quyền địa phương phát huy chức năng của Hội đồng cung cấp KVPT, xây dựng lực lượng hậu cần quân sự, hậu cần địa phương, cơ sở hậu cần tại chỗ, tạo tiềm lực hậu cần vững chắc, sẵn sàng bảo đảm cho quốc phòng, an ninh (QPAN). Cơ quan hậu cần quân sự địa phương các cấp giữ vai trò nòng cốt trong việc phối hợp, hiệp đồng, hướng dẫn cho sở, ngành địa phương tương ứng với hậu cần quân sự xây dựng các kế hoạch bảo đảm cho quốc phòng đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoạt động KVPT. Chủ động tham gia thẩm định, xây dựng, thực hiện các kế hoạch, đề án phát triển KT-XH, đảm bảo kết hợp phát triển kinh tế với củng cố QPAN. Triển khai quy hoạch, xây dựng căn cứ hậu cần KVPT cấp tỉnh, huyện theo kế hoạch phê duyệt; thực hiện hiệu quả chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo, trồng rừng, xây dựng nông thôn mới… bảo đảm an sinh xã hội, góp phần xây dựng tiềm lực hậu cần ngày càng vững chắc.

Công tác nuôi dưỡng bộ đội cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hiện nay, toàn QK thực hiện tốt việc phân cấp tạo nguồn lương thực, thực phẩm, đồng thời phát triển mạnh tăng gia sản xuất (TGSX) gắn với tổ chức chế biến tập trung. Tập trung phát triển TGSX theo hướng bền vững, an toàn, đa dạng sản phẩm, coi trọng hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm, khắc phục tình trạng hình thức, hiệu quả thấp, lãng phí. Phát huy nội lực mở rộng diện tích vườn, ao, chuồng, phát triển chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Từng bước chủ động tự túc cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Đến nay, mô hình “5 cơ bản” về TGSX trong toàn QK ngày càng hoàn thiện, phát triển bền vững, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ đơn vị, địa bàn đóng quân. Trong đó, có nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng, mở ra hướng phát triển mới, như: Nuôi chim bồ câu nhốt, nuôi lợn rừng, gà lai chọi thả đồi; trồng bí xanh cao sản; phát triển nuôi trâu, bò ở cấp tiểu đoàn… Nhờ phát triển TGSX hiệu quả, đến nay, toàn QK tự túc 100% nhu cầu rau xanh, 90% thịt lợn, 70% trứng, thịt gia cầm, cá… trong bữa ăn, giá thấp hơn thị trường từ 10-15% (tùy loại). Định lượng thịt, cá, đậu, trứng đưa vào bữa ăn vượt quy định từ 5-18%. 100% đơn vị trích quỹ đưa vào ăn thêm đạt bình quân từ 480.000-500.000 đồng/người/năm. Cùng với nguồn kinh phí trên cấp, các đơn vị chủ động phát huy tinh thần tự lực tự cường để củng cố, nâng cấp nhà ăn, nhà bếp; dồn dịch, sửa chữa, trang bị đồng bộ dụng cụ cấp dưỡng cho bếp ăn. Hiện nay, các bếp có quân số ăn từ 30 người trở lên đều sử dụng bếp lò hơi cơ khí; 58 bếp ăn được lắp đặt bếp dầu, bếp điện mới phục vụ nấu ăn đảm bảo an toàn; 100% bếp ăn cấp tiểu đoàn và hơn 70% bếp ăn cấp huyện, thị được bảo đảm đồng bộ trang bị, dụng cụ cấp dưỡng inox.

Trước tình hình dịch bệnh ở người và gia súc, gia cầm ngày càng diễn biến phức tạp, liên tục bùng phát trên diện rộng, như: dịch cúm A (H5N1), (H1N1), não mô cầu, dịch sởi, Rubella, đặc biệt là dịch COVID-19. Để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội, lực lượng quân y ở các cơ quan, đơn vị, bệnh viện của QK tích cực cập nhật, theo dõi diễn biến dịch bệnh, kịp thời tham mưu, đề xuất biện pháp phòng, chống dịch (PCD) hiệu quả. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức biên chế, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của từng tuyến; ưu tiên địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa. Lực lượng quân y các cấp phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế dự phòng địa phương, triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng dự báo, giám sát và chủ động PCD bệnh, không để lây lan vào đơn vị. Do đó, chất lượng thu dung, điều trị các tuyến ngày càng được nâng lên; tỷ lệ quân số khỏe bình quân đạt 99,09%. Đặc biệt, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Cục Hậu cần tham mưu với Bộ Tư lệnh QK thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19; thống nhất cơ chế chỉ đạo, điều hành PCD với ủy ban nhân dân 9 tỉnh; xây dựng và triển khai các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn, tập huấn cập nhật kiến thức, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về công tác PCD trong toàn QK. Cơ quan hậu cần quân sự địa phương phối hợp với các địa phương tổ chức 343 điểm cách ly y tế tập trung, có thể bảo đảm cho tiếp nhận, cách ly trên 46.770 người nhập cảnh và người tiếp xúc với nguồn lây dịch COVID-19 (trong đó Quân đội quản lý 169 điểm, có thể bảo đảm cách ly gần 41.000 người). Tính đến tháng 8/2021, toàn QK không có trường hợp quân nhân nhiễm COVID-19. Mới đây, hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, Cục Hậu cần đã tham mưu với Thủ trưởng Bộ Tư lệnh QK điều động 126 y sĩ, bác sĩ, lái xe tăng cường cho các tỉnh phía Nam PCD COVID-19. Trong công tác đối ngoại quốc phòng, Cục Hậu cần tham mưu với Bộ Tư lệnh QK chỉ đạo bộ chỉ huy quân sự các tỉnh có biên giới giáp nước bạn Lào chủ động giúp các tỉnh Bắc Lào xây dựng trạm xá, hỗ trợ các trang, thiết bị PCD trị giá 1,96 tỉ đồng.

Thực hiện đột phá trong công tác doanh trại, các đơn vị tập trung quy hoạch và triển khai xây dựng hoàn thành các công trình, dự án doanh trại trọng điểm. Trong đó có các công trình trực tiếp phục vụ sinh hoạt của bộ đội, như: nhà ở, nhà ăn, nhà bếp, công trình vệ sinh, nước sạch, điểm tắm nước nóng. Thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn, xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách quốc phòng năm 2017-2020, với 135 dự án, công trình. Trong tháng 7/2021, QK đã xây dựng xong kho chứa vắc-xin phòng COVID-19 với diện tích 150m2, trị giá 1,31 tỉ đồng. Cùng với đó, các đơn vị đã huy động nhiều nguồn lực để củng cố, nâng cấp doanh trại, xây dựng sân, đường nội bộ, cảnh quan môi trường, sửa chữa doanh cụ đảm bảo thống nhất, chính quy. Toàn QK đã hoàn thành quy hoạch tổng thể mặt bằng doanh trại từ cấp tiểu đoàn trở lên và xóa nhà cấp 4 xuống cấp nghiêm trọng. Phối hợp, triển khai bàn giao 06 khu gia đình đủ điều kiện ra địa phương quản lý theo đúng quy định. Đến nay, các đơn vị trong QK có doanh trại khang trang, sạch, đẹp, với gần 80% nhà có kết cấu từ cấp 3 trở lên; trên 90% đơn vị được sử dụng nước sạch; 99,5% đơn vị được sử dụng điện lưới quốc gia....

Công tác xăng dầu, vận tải được triển khai thực hiện chặt chẽ ở tất cả các cấp; tổ chức tiếp nhận, cấp phát, sử dụng, thanh quyết toán kịp thời đúng chủng loại xăng dầu, vật tư khí tài xăng dầu; thực hiện tốt chế độ bảo quản, bảo dưỡng, khai thác, sử dụng hiệu quả các phương tiện hiện có, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển thường xuyên, đột xuất và vận chuyển vắc-xin phòng COVID-19.

Những năm tới, yêu cầu CTHC đòi hỏi ngày càng cao, để đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, ngành Hậu cần QK xác định tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:

Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, điều hành của chỉ huy và hướng dẫn của cơ quan hậu cần các cấp trong công tác BĐHC. Tích cực, chủ động làm tốt công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo, nhất là các phương án BĐHC trong chiến tranh công nghệ cao, an ninh phi truyền thống, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến phòng thủ trong mọi tình huống.

Mạnh dạn đổi mới tư duy và phương pháp công tác, xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng nội dung công việc, lấy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị làm chủ đạo trong thực hiện nhiệm vụ. Quan tâm đầu tư xây dựng điểm, ưu tiên các đơn vị khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Phối hợp, tham gia có hiệu quả các dự án phát triển KT-XH gắn với củng cố QPAN; xây dựng thế trận hậu cần vững mạnh, phù hợp yêu cầu BĐHC cho LLVT trong thời bình, sẵn sàng đáp ứng cho thời chiến.

Tiếp tục hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần phù hợp với cơ chế thị trường, cơ chế quản lý tài chính mới, tính chất, nhiệm vụ từng đơn vị, địa bàn. Tận dụng tối đa nguồn nội lực và tinh thần tự lực, tự cường của cán bộ, nhân viên hậu cần các cấp và của từng cơ quan đơn vị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đề cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong quản lý, sử dụng ngân sách, cơ sở vật chất hậu cần. Lấy chất lượng bảo đảm đời sống, chăm sóc sức khỏe bộ đội làm thước đo mức độ hoàn thành công tác BĐHC.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, khoa học ứng dụng trong hoạt động hậu cần phù hợp với tình hình mới. Động viên cán bộ, nhân viên, chiến sĩ tích cực nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hậu cần kết hợp với ứng dụng khoa học, công nghệ... áp dụng hiệu quả vào công tác quản lý, bảo quản, sử dụng cơ sở vật chất, trang bị hậu cần, huấn luyện hậu cần.

Thường xuyên quan tâm kiện toàn tổ chức, biên chế; chăm lo bồi dưỡng, giáo dục cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành HCQK có phẩm chất tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, yêu nghề, có quan điểm phục vụ đúng đắn; luôn hướng về bộ đội, về Nhân dân, về cơ sở để phục vụ.

Làm tốt công tác sơ kết, rút kinh nghiệm làm cơ sở để điều chỉnh, bổ sung những chỉ tiêu, biện pháp mới, tính khả thi cao, sát thực tiễn, nhất là kế hoạch bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống dịch bệnh...

Với những thành tích xuất sắc trong suốt 75 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Ngành HCQK đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, riêng Cục Hậu cần vinh dự đã được nhận Huân chương Quân công hạng Nhất (1984), Huân chương Chiến công hạng Ba (2004); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Nhì (2016, 2009), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2010); Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng (2020). Phát huy truyền thống, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Ngành HCQK đã và đang nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Tiếp tục phát huy chức năng tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy các cấp về CTHC bảo đảm cho các nhiệm vụ, góp phần xây dựng LLVT QK vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá NGUYỄN HỮU TRUNG, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 2