Tuy nhiên, tình hình vi phạm, tội phạm có thời điểm còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kết quả xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện của một số đơn vị. Với tinh thần “Chủ động phòng ngừa; kiên quyết đấu tranh, trấn áp tội phạm có hiệu quả”, công tác phòng, chống vi phạm, tội phạm của TCHC thời gian qua đã góp phần hạn chế vụ việc vi phạm kỷ luật và các loại tội phạm trong Tổng cục.
Chủ động phòng ngừa tội phạm ở từng cơ quan, đơn vị
Thời gian qua, TCHC đã quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chương trình phòng, chống tội phạm trong Quân đội theo Quyết định số 1268/QĐ-BQP ngày 19/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đảng ủy Tổng cục đã phân công 01 đồng chí trong Ban Thường vụ làm Trưởng ban Chỉ đạo 138 (nay là BCĐ 1389) của Tổng cục; giao Phòng Điều tra hình sự (ĐTHS) là Cơ quan Thường trực. Ban Chỉ đạo thường xuyên được kiện toàn, tổ chức hoạt động có nền nếp, hoàn thành tốt nhiệm vụ là cơ quan tham mưu giúp Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục về thực hiện Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người; phòng, chống tham nhũng; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Chương trình 1389); thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Từ năm 2016 đến nay, Ban Chỉ đạo đã tiến hành kiểm tra công tác theo chương trình 1389 tại 36 lượt đơn vị; phối hợp kiểm tra đột xuất 15 lượt đơn vị; kết hợp kiểm tra trong các đoàn liên ngành của Tổng cục 61 lượt đơn vị. Các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục đều có nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể; phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng phương án bảo vệ đơn vị, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tham gia đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi đóng quân. Đã từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền, phổ biến, pháp luật, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật; góp phần hạn chế vụ việc vi phạm kỷ luật thông thường, giảm được vi phạm kỷ luật nghiêm trọng và vi phạm pháp luật trong Tổng cục. Các cơ quan, đơn vị đều có Nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể; phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng phương án bảo vệ đơn vị, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tham gia đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi đóng quân. Chất lượng và hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trong Tổng cục được nâng lên một bước, góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, xây dựng cơ quan, đơn vị TCHC vững mạnh toàn diện.
Đấu tranh, trấn áp có hiệu quả với các loại tội phạm
5 năm qua, Cơ quan ĐTHS/TCHC luôn nắm, quản lý và dự báo đúng diễn biến tình hình vi phạm tội phạm, kịp thời tham mưu, đề xuất với Thủ trưởng Tổng cục chỉ đạo đơn vị những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn; điều tra làm rõ các vụ việc, vụ án, kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo không để oan sai, bỏ lọt tội phạm. Với trách nhiệm là Cơ quan thường trực BCĐ 1389 TCHC, Phòng ĐTHS đặc biệt chú trọng ngay từ khâu đầu tiên của quá trình giải quyết vụ việc, vụ án. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố luôn được tiếp nhận đầy đủ và giải quyết kịp thời, chủ trì phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát cùng cấp giải quyết theo trình tự, thủ tục của Bộ Luật tố tụng Hình sự và các quy định của pháp luật. Duy trì nghiêm công tác trực ban hình sự, hòm thư tố giác tội phạm tại các đơn vị để tiếp nhận đầy đủ, kịp thời các thông tin tội phạm, vi phạm pháp luật. Việc phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, chính quyền địa phương trong quá trình giải quyết các vụ án luôn được đánh giá là một yếu tố quan trọng của sự thành công các vụ án. Chính vì vậy, công tác phối hợp luôn được cấp ủy, chỉ huy Phòng quan tâm, chỉ đạo, đạt hiệu quả cao trong thực tiễn. Bên cạnh đó, Cơ quan ĐTHS luôn triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, áp dụng các chiến thuật điều tra hợp lý góp phần nâng cao hiệu quả điều tra, xử lý các vụ án, không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm; có sự chỉ đạo tập trung thống nhất, tổ chức lực lượng, phương tiện điều tra nhanh gọn, dứt điểm; đảm bảo khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đáp ứng được yêu cầu pháp luật, nghiệp vụ và nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Tập trung điều tra làm rõ các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong đơn vị, chủ động phối hợp với viện kiểm sát, tòa án quân sự nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung. Qua điều tra, xác minh các vụ án, vụ việc đều làm rõ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến vi phạm, kiến nghị biện pháp phòng ngừa, khắc phục, kịp thời thông báo làm bài học kinh nghiệm cho cơ quan, đơn vị khác trong Tổng cục.
Trong thời gian tới, yêu cầu, nhiệm vụ công tác hậu cần Quân đội ngày càng cao. Ngành Hậu cần Quân đội tiếp tục thực hiện đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần gắn với đổi mới cơ chế tài chính và tự chủ tài chính ở một số đơn vị sự nghiệp công lập. Việc điều chỉnh, tinh giản tổ chức biên chế, đổi mới, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp; tác động tiêu cực của tội phạm, tệ nạn xã hội, mặt trái cơ chế thị trường... có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng, chống tội phạm trong Tổng cục. Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, kịp thời ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm và tăng cường kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn Tổng cục cần quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, với quyết tâm chính trị cao, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp xây dựng cơ quan, đơn vị. Trong đó, tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch, của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng… đã ban hành về công tác phòng, chống vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật của Nhà nước. Đây là nội dung rất quan trọng, trách nhiệm, nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhằm định hướng, nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mọi quân nhân trong rèn luyện, chấp hành nghiêm kỷ luật, pháp luật. Đổi mới mạnh mẽ toàn diện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, pháp luật cho mọi quân nhân theo hướng đồng bộ, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ đơn vị và đối tượng quản lý. Gắn công tác này với mọi hoạt động của đơn vị; nhằm kịp thời định hướng tư tưởng, trang bị cho bộ đội những kiến thức cơ bản, cần thiết trong tiếp nhận, xử lý thông tin, nâng cao cảnh giác, kiên quyết không để các thế lực thù địch lôi kéo, vi phạm kỷ luật, pháp luật, nhất là trên không gian mạng.
Cán bộ đơn vị cơ sở, đặc biệt là ở cấp phân đội, cần thường xuyên gần gũi, gắn bó, coi chiến sĩ như những người thân trong gia đình, là những người đồng chí thực sự thân thiết. Thường xuyên nắm, quản lý kịp thời diễn biến tư tưởng, phát hiện những biểu hiện tiêu cực, bức xúc, bất minh về kinh tế, về điều kiện, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình, khó khăn, bệnh tật… của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, không để xảy ra bất ngờ. Coi đây là yếu tố hàng đầu để ngăn ngừa các vụ việc vi phạm kỷ luật, pháp luật ngay từ sớm, từ xa. Thực hiện nghiêm các chế độ, nền nếp, bảo đảm dân chủ đi đôi với quản lý chặt chẽ con người, trang bị, tài sản... là vấn đề then chốt trong duy trì kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước ở đơn vị cơ sở.
Công tác kiểm tra, giám sát cần được tiến hành thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện các dấu hiệu, biểu hiện, hành vi vi phạm, không để bị động, bất ngờ, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản... Khi có vụ việc xảy ra phải báo cáo kịp thời chỉ huy và cơ quan chức năng để được chỉ đạo, giải quyết; nhanh chóng ổn định tình hình đơn vị; tránh để xảy ra đơn thư vượt cấp, khiếu kiện kéo dài. Kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, những người bao che, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Nêu cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; trách nhiệm của cán bộ chủ trì, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tội phạm. Tích cực, chủ động phối hợp, tham gia đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ, phát huy tốt vai trò tham mưu, nòng cốt của các cơ quan khối pháp chế, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, Ban Chỉ đạo 1389 của Tổng cục trong công tác phòng, chống vi phạm, tội phạm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, xác minh, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội.
Trên cơ sở những nội dung, biện pháp chính nêu trên, các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân, chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả các loại vi phạm, tội phạm, góp phần xây dựng Tổng cục vững mạnh toàn diện “tiêu biểu, mẫu mực”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Từ ngày 01/01/ 2016 đến 30/6/2020, Cơ quan ĐTHS 2 cấp của TCHC điều tra, xác minh 53 vụ án, vụ việc. Trong đó: Số vụ vi phạm pháp luật và phạm tội = 36 vụ/44 đối tượng. Đã khởi tố 14 vụ án hình sự với 15 bị can; kết luận điều tra đề nghị truy tố 06 vụ /11 bị can; ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, kiến nghị xử lý hành chính 33 vụ/17 người vi phạm; đình chỉ điều tra 03 vụ/03 bị can; tạm đình chỉ điều tra 01 vụ án; chuyển cơ quan khác giải quyết 03 nguồn tin/06 đối tượng; đang điều tra 02 vụ/01 bị can. Có 02 vụ án tiêu biểu được Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng khen thưởng. Tổng kết Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 có 04 tập thể và 06 cá nhân được Chủ nhiệm TCHC tặng Bằng khen; 01 tập thể và 01 cá nhân đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen.
|
Đại tá Lê Đình Trường -Trưởng phòng Điều tra Hình sự Tổng cục Hậu cần