Những năm gần đây, ngoài nhiệm vụ huấn luyện thường xuyên, Lữ đoàn thực hiện nhiều nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng và Binh chủng giao, như: huấn luyện, tham gia hội thi, hội thao, diễn tập chuyên ngành Tăng thiết giáp; xây dựng mô hình điểm phục vụ các đơn vị trong Binh chủng và toàn quân tham quan… Bên cạnh đó, Lữ đoàn triển khai một số dự án xây dựng cơ bản nên phải điều chỉnh quy hoạch, xây dựng lại một số khu tăng gia sản xuất (TGSX) tập trung, khuôn viên, thảm cỏ, cảnh quan môi trường… của cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, do thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi, dịch Covid-19 kéo dài dẫn đến giá các mặt hàng thiết yếu trên thị trường đóng quân tăng cao, việc tạo nguồn lương thực thực phẩm phục vụ bữa ăn bộ đội gặp nhiều khó khăn.
    |
 |
Cấp phát nhiên liệu cho xe tăng huấn luyện. Ảnh: CTV. |
Trước tình hình trên, để duy trì ổn định đời sống bộ đội, Lữ đoàn phát huy tối đa điều kiện sẵn có nhằm tạo nguồn thực phẩm tại chỗ, hạn chế mua ngoài thị trường. Đồng thời, tổ chức phát triển TGSX tập trung theo hai cấp, trong đó, cấp Lữ đoàn gắn với trạm chế biến tập trung; cấp tiểu đoàn, đại đội trực thuộc gắn với bếp ăn. Khu TGSX tập trung của Lữ đoàn chủ yếu trồng các loại rau cao cấp, cây lấy củ, quả như: cà tím, cà chua, bí xanh, bí đỏ, dưa leo, cà rốt… cung cấp cho các bếp ăn và dự trữ bảo đảm trong thời gian giáp vụ hoặc phục vụ huấn luyện dã ngoại. Đối với các khu TGSX cấp tiểu đoàn, đại đội trực thuộc chủ yếu trồng rau ăn lá, có thời gian sinh trưởng ngắn, như: rau muống, mồng tơi, rau dền, rau cải canh, cải ngọt và một số rau cao cấp trong vụ Đông để cung cấp cho bếp ăn hằng ngày.
Do đơn vị đóng quân trên địa hình dốc, thường thiếu nước phục vụ trồng rau trong mùa khô, năm 2018, Lữ đoàn tổ chức nạo vét hơn 1.500m3 bùn ao hồ vừa để cải tạo đất vườn rau, vừa trữ nước tưới rau, kết hợp nuôi thả cá quanh năm. Đồng thời, lắp đặt hệ thống máy bơm, đẩy nước từ ao, hồ lên các bể chứa nước tại vườn rau của đơn vị. Bên cạnh đó, các đơn vị tận dụng nguồn nước thải trong sinh hoạt của bộ đội và nước thải từ nhà ăn, nhà bếp thu gom vào bể xử lý tập trung, tận dụng làm nước tưới rau. Cùng với trồng rau xanh, Lữ đoàn tận dụng triệt để diện tích đất xung quanh nhà ở của bộ đội, sườn đồi quy hoạch các vườn trồng chuyên canh cây ăn quả, như: chuối tiêu hồng, đu đủ, bưởi, cam, mít, táo, nhãn, hồng xiêm… cung cấp trái cây phục vụ bữa ăn hằng ngày của bộ đội. Đến nay, toàn Lữ đoàn có trên 2 ha vườn cây ăn quả các loại, một số loại cây đã cho thu hoạch ổn định như: chuối, đu đủ, bưởi, cam…
    |
 |
Chiến sĩ của Lữ đoàn chăm sóc bồn hoa, cây cảnh. Ảnh: PV. |
Về chăn nuôi, cấp Lữ đoàn tổ chức chăn nuôi lợn thịt, lợn nái, gia súc, gia cầm thịt, gia cầm đẻ trứng; các tiểu đoàn, đại đội trực thuộc chăn nuôi lợn thịt, gia cầm lấy thịt… theo phương pháp bán công nghiệp. Điểm nổi bật là, những năm qua, Lữ đoàn duy trì chặt chẽ quy trình phòng, chống dịch cho gia súc, gia cầm và tổ chức chăn nuôi khép kín theo hướng an toàn sinh học. Thức ăn cho gia súc, gia cầm được tận dụng thức ăn dư thừa từ nhà ăn, nhà bếp, kết hợp sản phẩm phụ của vườn rau, trạm chế biến… nấu chín kỹ rồi mới cho gia súc, gia cầm ăn. Nhờ phương pháp chăn nuôi trên và phòng dịch tốt, thời điểm dịch tả lợn Châu Phi và dịch cúm gia cầm bùng phát trên địa bàn đóng quân, nhưng Lữ đoàn vẫn duy trì đàn lợn, gia cầm phát triển, bảo đảm đủ thực phẩm trong bữa ăn bộ đội. Hiện nay, toàn Lữ đoàn thường xuyên nuôi trên 300 con lợn các loại, trong đó có từ 35 - 40 lợn nái, bảo đảm 100% nhu cầu con giống không phải mua ngoài. Chăn nuôi từ 1.500 ÷ 2.000 con vịt đẻ, trên 2.000 con gia cầm thương phẩm; duy trì bình quân mỗi người 22m2 vườn rau, 5m2 giàn cây leo... Nhiều năm qua, Lữ đoàn luôn tự túc 100% nhu cầu rau xanh, 80-85% thịt lợn, cá tươi; 70% nhu cầu trái cây. Giá sản phẩm TGSX, chế biến đưa vào bếp ăn thấp hơn thị trường từ 10-15%. Bình quân hằng năm, giá trị lãi từ TGSX đạt 1.300.000 đồng/người.
Về công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội, trong điều kiện lực lượng quân y mỏng, trang bị y tế có hạn, Lữ đoàn phối hợp chặt chẽ với quân y đơn vị bạn, một số bệnh viện Quân đội, cơ sở y tế địa phương để sẵn sàng hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 và cấp cứu, điều trị cho bộ đội kịp thời. Hằng năm, Lữ đoàn chủ động phối hợp với Bệnh viện Quân y 105 tổ chức khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, năm 2021, 100% quân số của Lữ đoàn được khám bệnh, tư vấn sức khỏe. Cùng với đó, Lữ đoàn không ngừng nâng cao khả năng cấp cứu, điều trị ở các tuyến (đại đội, tiểu đoàn) để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bộ đội, nhất là phòng, chống say nắng, say nóng trong huấn luyện. Ngoài ra, lực lượng quân y các đơn vị tận dụng diện tích đất hiện có phát triển vườn thuốc nam, thu hoạch dược liệu đạt 500 gam/người/năm để hỗ trợ trong điều trị. Với các biện pháp đồng bộ, Lữ đoàn luôn duy trì tỷ lệ quân số khỏe đạt trên 99,2%. Nhiều năm qua, Lữ đoàn không để dịch bệnh ở người lây lan vào đơn vị, không có trường hợp tử vong nhanh do chủ quan.
    |
 |
Cơ quan Hậu cần kiểm tra chất lượng bữa ăn bộ đội tại bếp ăn Tiểu đoàn 1. Ảnh: PV. |
Điểm nổi bật trong công tác hậu cần của Lữ đoàn là phong trào thi đua (PTTĐ) “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” được phát triển mạnh mẽ ở tất cả các cấp. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn, Lữ đoàn phát huy tối đa nguồn nội lực đưa PTTĐ lên tầm cao mới. Lữ đoàn lựa chọn một số đồng chí quân nhân chuyên nghiệp là thợ kỹ thuật đưa vào tổ sửa chữa điện, nước và chọn một số nhân viên, chiến sĩ khéo tay vào tổ thợ xây, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh… Đây là những đồng chí kiêm nhiệm làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ củng cố doanh trại. Trong điều kiện kinh phí có hạn, từ năm 2019-2020, Lữ đoàn huy động trên 2.000 ngày công bộ đội, kết hợp trích quỹ vốn mua vật liệu củng cố, lát gạch trên 5.000m2 vỉa hè, lề đường; xây dựng mới 10 công trình câu lạc bộ thanh niên ở các đại đội; trồng mới trên 8.000m2 thảm cỏ, trên 3.500 cây bóng mát, cây ăn quả. Cùng với đó, Lữ đoàn đầu tư trên 500 triệu đồng củng cố, sửa chữa, làm mới bồn hoa, khuôn viên, pa nô, khẩu hiệu, đèn chiếu sáng, hệ thống cấp điện, nước và lắp đặt thiết bị tắm nước nóng bằng vòi hoa sen cho 100% đơn vị bảo đảm an toàn, tiết kiệm. Đặc biệt, để bảo đảm nước tinh khiết uống trực tiếp phục vụ bộ đội, năm 2018, Lữ đoàn trích quỹ trên 100 triệu đồng lắp đặt máy lọc nước công suất lớn, bảo đảm đủ nhu cầu nước sạch cho toàn Lữ đoàn. Ngoài ra, Lữ đoàn xây dựng 2 lò đốt rác và các hố chứa nước thải, thực hiện mô hình “Những khung giờ xanh” nhằm quản lý phân loại, thu gom, xử lý chất thải, nước thải… góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Là đơn vị quản lý nhiều vũ khí, phương tiện phục vụ huấn luyện, SSCĐ và tổ chức các hội thi, hội thao chuyên ngành Tăng thiết giáp nên nhu cầu sử dụng nhiên liệu nhiều, trong đó có nhiên liệu đặc chủng bảo đảm cho xe tăng thế hệ mới, trong khi sức chứa kho xăng dầu của Lữ đoàn có hạn. Để khắc phục tình trạng trên, hằng năm, Lữ đoàn kết hợp gửi một phần nhiên liệu tại kho tập trung của Binh chủng với chứa trữ trong bể chứa và trên phương tiện. Cùng với đó, duy trì chặt chẽ công tác quản lý, bảo quản theo đúng quy định. Với cách làm trên, Lữ đoàn đã chủ động nguồn nhiên liệu bảo đảm kịp thời, đầy đủ cho các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất, tỷ lệ hao hụt không vượt quá mức cho phép, bảo đảm an toàn. Năm 2020, Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng Cờ đơn vị Xuất sắc trong thực hiện PTTĐ “Quản lý, sử dụng xăng dầu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả” giai đoạn 2015 - 2020. Bên cạnh đó, Lữ đoàn duy trì tốt lực lượng, phương tiện vận tải bảo đảm cho các nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, thường xuyên. Hằng năm, Lữ đoàn tổ chức vận chuyển trên 1.000 lượt người; trên 1.000 tấn hàng hóa đảm bảo an toàn.
Cùng với các mặt công tác trên, Lữ đoàn chú trọng tổ chức các hội thi, hội thao hậu cần ở các cấp, nhân rộng mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo hiệu quả, khắc phục khâu yếu, mặt yếu. Các đơn vị, cơ quan chuyên ngành Hậu cần có nhiều mô hình sáng kiến, cải tiến có giá trị được Hội đồng Khoa học Binh chủng và Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Điển hình như: Bếp kíp xe; máy lọc nước dã ngoại; thiết bị bảo đảm ánh sáng trong huấn luyện, dã ngoại ban đêm... Đây là những sản phẩm hậu cần có giá trị được áp dụng trong công tác bảo đảm hậu cần thường xuyên và huấn luyện dã ngoại, diễn tập thời gian qua…
Những kết quả trên góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo đảm hậu cần cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà còn lập thành tích thiết thực chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống của Lữ đoàn (18-11-1971 /18-11-2021).
Trung tá ĐỖ THANH NAM, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 201