Trong 10 năm gần đây (2014 - 2024), trên địa bàn Quân khu xảy ra 217 vụ bão lụt, dông lốc, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá; 248 vụ cháy nổ; 562 vụ cháy rừng; 3 vụ tràn dầu... làm sập và tốc mái gần 107.000 ngôi nhà; chìm, hư hỏng 69 tàu, thuyền; cháy 3.921ha rừng... tổng thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Quân khu đã điều động trên 428.300 lượt cán bộ, chiến sĩ và hơn 6.900 lượt phương tiện để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khắc phục hậu quả TTTH, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn (TKCHCN).
|
|
LLVT Quân khu 4 diễn tập phòng, chống bão lũ, cứu hộ - cứu nạn tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (năm 2023). Ảnh: CTV
|
Nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ bảo đảm hậu cần (BĐHC) cho lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả TTTH, TKCHCN, Đảng ủy, chỉ huy Cục Hậu cần quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 689-NQ/QUTW ngày 10-10-2014 của Quân ủy Trung ương; Nghị quyết số 436-NQ/ĐU ngày 26-12-2014 của Đảng ủy Quân khu về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả TTTH, TKCHCN và các nghị định của Chính phủ, thông tư, kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần và Quân khu.
Cục Hậu cần chủ động xây dựng, hoàn chỉnh phương án, kế hoạch BĐHC cho nhiệm vụ phòng, chống khắc phục hậu quả TTTH, TKCHCN. Căn cứ vào phương án, kế hoạch đã được phê duyệt; chỉ đạo các đơn vị xây dựng các phương án BĐHC phù hợp với từng cấp; hướng dẫn và quy định thống nhất từng loại vật chất hậu cần dự trữ, mang theo đối với mỗi cá nhân, tập thể khi thực hiện nhiệm vụ. Chủ động khai thác tạo nguồn, phát huy lực lượng, phương tiện hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ”.
Hằng năm, tiến hành kiểm tra, rà soát, điều chỉnh văn kiện hậu cần về thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả TTTH, TKCHCN ở các cấp sát với yêu cầu thực tế. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành địa phương trong công tác BĐHC cho LLVT Quân khu và nhân dân địa phương. Tổ chức tiếp nhận, cấp phát phương tiện, trang bị, vật chất theo kế hoạch của trên, thực hiện tốt công tác quản lý và sử dụng hiệu quả trang bị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả TTTH, TKCHCN. Làm tốt công tác đăng ký, quản lý, sử dụng và bảo quản các loại phương tiện, vật chất phòng, chống lụt bão, cháy nổ và kinh phí, xăng dầu nghiệp vụ chặt chẽ, đúng nguyên tắc, thanh quyết toán theo quy định.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 và Lực lượng vũ trang huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa giúp nhân dân khắc phục hậu quả lốc xoáy do bão số 3 (bão Yagi) gây ra (tháng 9-2024). Ảnh: CTV |
Tổ chức tốt lực lượng, phương tiện vận tải, khắc phục điều kiện, hoàn cảnh khó khăn; vận chuyển kịp thời lực lượng, vật chất cho các đơn vị, địa phương theo kế hoạch của Quân khu đảm bảo an toàn tuyệt đối. Từ năm 2014 đến nay, toàn Phòng Vận tải chỉ đạo sử dụng trên 6.900 lượt phương tiện tham gia chữa cháy rừng, phòng, chống cháy rừng, bão lụt, tìm kiếm cứu nạn; thường xuyên kiện toàn tổ chức, lực lượng và thực hiện tổ chức biên chế xây dựng lực lượng cơ quan TKCHCN. Sau khi xảy ra lũ lụt, sự cố kịp thời điều động lực lượng quân y của các đầu mối tham gia và hướng dẫn Nhân dân xử lý vệ sinh môi trường, phòng và điều trị một số bệnh truyền nhiễm sau khi lũ lụt.
Trong 10 năm đã tổ chức 50 đoàn tham gia bảo đảm quân y phục vụ tìm kiếm cứu nạn, các mặt hậu cần tổ chức lễ tang tại sự cố Rào Trăng 3 và Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (năm 2020). Sau mưa lũ, sự cố, kịp thời điều động 25 đoàn tham gia phun khử khuẩn xử lý môi trường sau mưa bão: Phun khử khuẩn môi trường trên 1.935.000m2, xử lý 1.625 giếng nước; hỗ trợ hóa chất xử lý nước ngầm 2.415 hộ gia đình được chính quyền và Nhân dân các địa phương đánh giá cao.
Đặc biệt, trong cơn bão số 3 (bão Yagi), Quân khu 4 đã huy động 2.804 cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp đỡ các địa phương trên địa bàn 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An cùng với 10 xe ô tô kịp thời di dời 296 hộ/1.134 nhân khẩu (Thanh Hóa) có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng đến nơi an toàn; tham gia thu hoạch 12,7ha lúa cho nhân dân; khơi thông 3,5km kênh nội đồng; khắc phục 437 ngôi nhà bị tốc mái; thu dọn dẹp 450 cây đổ gãy. Ngày 19-9-2024, cơn bão số 4 trực tiếp đổ bộ vào Miền Trung, Quân khu 4 đã huy động 1.530 cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp đỡ nhân dân phòng, chống khắc phục thiên tai và cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt, đã di dời kịp thời 44 hộ/1.479 nhân khẩu tại Thanh Hóa có nguy cơ sạt lở và ngập lụt...
Đảng ủy, chỉ huy Cục Hậu cần tham mưu với Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu bảo đảm tốt hậu cần phục vụ huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao. Trong 10 năm qua Đảng ủy Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tham mưu tổ chức 3 cuộc diễn tập phòng thủ dân sự kết hợp diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh quy mô lớn, tính chất, yêu cầu cao và hàng chục cuộc diễn tập phòng, chống khắc phục hậu quả TTTH, TKCHCN cấp huyện đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, đảm bảo thiết thực và an toàn tuyệt đối. Đặc biệt, năm 2023 tham gia Hội thao cứu hộ - cứu nạn do Bộ Tổng Tham mưu tổ chức, kết quả đạt giải nhì toàn quân. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nội dung, chương trình huấn luyện CHCN phổ thông cho các đối tượng theo quy định. Chú trọng huấn luyện phương pháp di chuyển người, vật chất ra khỏi vùng ngập lụt; phương pháp gia cố đê bằng vật liệu tại chỗ.
Cùng với đó, Cục Hậu cần thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị duy trì dự trữ đủ lượng vật chất hậu cần và sẵn sàng cơ động khi có tình huống. Quy định cụ thể dự trữ các loại lương thực, thực phẩm bảo đảm để chủ động bảo đảm tốt nhu cầu ăn uống phục vụ cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng, chống khắc phục hậu quả TTTH, TKCHCN trong mọi tình huống. Chủ động tham mưu với Bộ tư lệnh Quân khu bố trí sẵn một số vật chất và phân công chỉ huy, chỉ đạo BĐHC trên các hướng theo kế hoạch. Mỗi khu vực đều bố trí tổ quân y cơ động với đầy đủ thuốc quân y, thuốc khử mốc, ngâm chân; trang bị các loại vật chất như: túi bảo quản, dụng cụ cấp dưỡng, chăn, màn, nilon, nhà bạt, dầu, đèn, áo phao, xe tải, xe cứu thương...
Thời gian tới, dự báo địa bàn Quân khu 4 là một trong những trọng điểm của cả nước chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết cực đoan, thảm họa có thể xảy ra, rất khó đoán. Để thực hiện tốt nhiệm vụ BĐHC cho các lực lượng tham gia phòng, chống khắc phục hậu quả TTTH, TKCHCN, ngành Hậu cần Quân khu 4 xác định thực hiện một số biện pháp sau:
Một là, thường xuyên phối hợp, làm tốt công tác giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả TTTH, TKCHCN cho cán bộ, chiến sĩ hậu cần. Phát huy vai trò cấp ủy Đảng và cán bộ chủ trì các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, điều hành thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai. Phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các phương án ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Phát huy truyền thống, kinh nghiệm, tích cực chuẩn bị đầy đủ, toàn diện mọi mặt về lực lượng, phương tiện, trang bị vật chất hậu cần ứng trực, đảm bảo an toàn cho người, kho tàng, doanh trại, sẵn sàng tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả TTTH, TKCHCN hiệu quả cao nhất.
Hai là, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, nhằm huy động vật chất, trang bị hậu cần tại chỗ, bảo đảm kịp thời nhu cầu cho các lực lượng tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả TTTH, TKCHCN, đặc biệt là tại các địa bàn, khu vực dễ bị chia cắt. Hoàn thiện kế hoạch dự trữ hậu cần; xác định nhu cầu và phân cấp dự trữ vật chất hợp lý, phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ cụ thể. Tham mưu với cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị trước về hậu cần cho nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả TTTH, TKCHCN. Phát huy vai trò tham mưu của chủ nhiệm và cơ quan hậu cần các cấp; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất hậu cần, huy động nguồn lực tại chỗ. Khẩn trương chuẩn bị trực tiếp khi có tình huống; tổ chức hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, từng bước điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch, phương án bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, tính khả thi cao.
Ba là, xây dựng phương án, hệ thống kế hoạch hậu cần ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từng giai đoạn ở các cấp. Kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả TTTH, TKCHCN. Phát huy vai trò của cơ quan hậu cần quân sự địa phương các cấp trong tham mưu với cấp ủy, chỉ huy để lãnh đạo, chỉ đạo BĐHC cho nhiệm vụ. Làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố, TTTH, TKCHCN, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, tích cực trồng và bảo vệ rừng. Cơ quan hậu cần quân sự địa phương các cấp chủ động đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng phương án và huấn luyện cho các lực lượng trên địa bàn BĐHC theo phương châm “4 tại chỗ”; huy động nguồn lực và phân cấp cho các cấp, các ngành kinh tế - xã hội địa phương, tổ chức dự trữ phù hợp để sẵn sàng huy động bảo đảm.
Bốn là, duy trì nghiêm chế độ trực CHCN của cơ quan, đơn vị hậu cần ở các cấp, phối hợp với các lực lượng nắm chắc tình hình liên quan đến công tác TKCHCN trên địa bàn. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung tổ chức và phương pháp BĐHC; hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng trong khai thác tạo nguồn hậu cần tại chỗ. Chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ BĐHC trong các tình huống. Đẩy mạnh công tác huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ hiểu biết, kỹ năng thực hành BĐHC và tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả TTTH, TKCHCN cho cán bộ, chiến sĩ.
Tập trung huấn luyện về phương pháp sử dụng, điều khiển các phương tiện TKCHCN như thuyền cao su, thuyền chèo tay, thuyền máy, bè mảng...; kỹ thuật cứu người, cấp cứu người bị nạn trong điều kiện bão lụt, thảm họa. Tăng cường tổ chức huấn luyện, diễn tập theo các phương án, nâng cao khả năng ứng phó, bảo đảm của cơ quan, phân đội hậu cần trong mọi tình huống. Chú trọng bảo đảm cho các đơn vị đóng quân trên địa bàn trọng điểm, đơn vị kiêm nhiệm, các lực lượng tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, CHCN.
Năm là, tích cực nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác ứng phó sự cố, TTTH và TKCHCN. Quản lý, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị TKCHCN; xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp, từng bước mua sắm trang thiết bị hiện đại, đa chức năng phục vụ nhiệm vụ. Tích cực nghiên cứu đổi mới sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đảm bảo an toàn hệ thống kho tàng, doanh trại. Hằng năm, tiến hành sơ tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả TTTH, TKCHCN.
Công tác BĐHC cho nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục TTTH, TKCHCN có vai trò rất quan trọng, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Do vậy, phát huy những kết quả đạt được và những kinh nghiệm thời gian qua, ngành Hậu cần Quân khu 4 tiếp tục nỗ lực phấn đấu, bảo đảm kịp thời, đầy đủ nhu cầu hậu cần cho LLVT Quân khu hoàn thành tốt nhiệm vụ, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.
Đại tá PHẠM ĐỨC TUẤN, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 4