27 năm qua, các thầy thuốc BVQY 175 đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu chữa, chăm sóc sức khỏe bộ đội và ngư dân trên biển đảo phía Nam Tổ quốc.
Điểm tựa giữa trùng khơi
Nhắc lại những buổi đầu triển khai công tác y tế cho đảo Trường Sa Lớn, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc BVQY 175 chia sẻ: “Thực hiện Chỉ thị của Tổng tham mưu trưởng, tháng 02/1992, tổ quân y đầu tiên của chúng tôi gồm 3 đồng chí nhận nhiệm vụ ra Trường Sa. Lúc bấy giờ, Bệnh xá Trường Sa Lớn chỉ là một căn nhà gỗ đơn sơ, thiếu thốn, khó khăn từ con người đến cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc men, thông tin... Nhưng bằng tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, trong thời gian 2 năm, tổ quân y đã trực tiếp cứu chữa nhiều ca bệnh phức tạp cho bộ đội và nhân dân trên đảo. Sau này, hằng năm, Bệnh viện cử một tổ quân y ra đảo, thay phiên làm nhiệm vụ. Trong 27 năm, đã có 36 lượt bác sĩ và 78 lượt y sĩ, điều dưỡng công tác tại Trường Sa. Bệnh xá Trường Sa Lớn luôn duy trì từ 6 – 10 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên gây mê hồi sức. Trước khi nhận nhiệm vụ ra đảo, các y, bác sĩ đều được tập huấn chuyên môn tại các khoa trong Bệnh viện để nâng cao năng lực chẩn đoán, cấp cứu, điều trị, nhất là đối với các căn bệnh gắn với đặc thù biển, đảo. Nếu như ở các bệnh viện trong đất liền, với bệnh nhân nặng, các bệnh viện tuyến dưới có thể nhanh chóng chuyển lên tuyến trên, bệnh viện đa khoa có thể chuyển qua chuyên khoa sâu hơn, thì ở Trường Sa, các y bác sĩ bằng mọi cách phải cứu sống bệnh nhân, trước khi chuyển vào đất liền điều trị. Dù được đào tạo bài bản nhưng các y, bác sĩ nơi đây vẫn gặp khó khăn, lúng túng khi phải đối mặt với những ca bệnh phức tạp. Năm 2017, được sự quan tâm đầu tư của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, BVQY 175 và Báo Tuổi trẻ, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Trung tâm được biên chế 12 bác sĩ, y tá, điều dưỡng, 30 giường bệnh, 9 phòng chức năng như: phòng mổ, phòng sinh, phòng cấp cứu… với nhiều thiết bị y tế hiện đại như hệ thống máy thở, máy chụp X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm màu 4 chiều, máy gây mê kèm thở… Kể từ khi lắp đặt hệ thống Telemedicine (do Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội và Tổng cục Hậu cần hỗ trợ), “khoảng cách” giữa đất liền và hải đảo đã được rút ngắn, giúp những chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện có thể tận mắt quan sát người bệnh, trao đổi trực tiếp với các y bác sĩ về kết quả thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán chính xác, từ đó lựa chọn chỉ định điều trị thích hợp, an toàn nhất cho người bệnh.
|
|
Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân. Ảnh: CTV |
Ở Trường Sa Lớn có 2 em bé mang những cái tên rất đặc biệt: Nguyễn Ngọc Trường Xuân và Thái Bình Hải Thùy. Đây là kết quả 2 ca mổ đẻ thực hiện trên đảo dưới sự hướng dẫn từ BVQY 175, thông qua hệ thống Telemedicine. Trường Xuân là mùa xuân Trường Sa, Ngọc là tên bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc – người đã thực hiện ca mổ thứ nhất. Còn Hải Thùy mang ý nghĩa vùng biên thùy trên biển, ra đời nhờ bàn tay phẫu thuật của bác sĩ Thái Ngọc Bình. Tên của hai cháu bé đã thể hiện tình cảm quân và dân gắn bó một lòng nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trước đây, việc cấp cứu nạn nhân vô cùng vất vả, nhưng kể từ khi có Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa với các phòng mổ chuyên dụng, các y bác sĩ trên đảo có thể phẫu thuật những ca bệnh nặng, điều trị đến khi khỏi một số ca bệnh nội, ngoại khoa mà không phải chuyển vào đất liền. Ngoài ra, Trung tâm còn có nhiệm vụ tiếp nhận các ca bệnh ở các đảo cấp 2, cấp 3 và ngư dân gặp tai nạn trong quá trình lao động. Một trong số những ca phẫu thuật đáng nhớ của các y bác sĩ Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa là trường hợp ngư dân Lê Văn Tín (quê ở Bình Định). Tháng 11/2017, anh Tín đang đánh cá tại khu vực đảo Đá Đông, bất ngờ miếng kính trên tàu bị vỡ, làm đứt gân và bó mạch thần kinh 3 ngón tay phải khiến anh mất rất nhiều máu. Bệnh xá đảo Đá Đông đã cầm máu tạm thời và dùng tàu đổ bộ chuyển nạn nhân về Trung tâm. Tại đây, bệnh nhân được các y bác sĩ cấp cứu, phẫu thuật nối gân, mạch máu kịp thời nên sức khỏe của anh nhanh chóng bình phục.
Những chuyến bay đem lại sự sống
Cùng với can thiệp tại chỗ, nhiều năm qua, BVQY 175 đã phối hợp Quân chủng Phòng không – Không quân và Binh đoàn 18 tổ chức vận chuyển cấp cứu bằng trực thăng đối với những ca bệnh nặng, phức tạp về đất liền – đây là một hình thức đặc biệt của cấp cứu ngoại viện. Để thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi kíp cấp cứu phải là các y hbác sĩ có trình độ chuyên môn cao, có nhiều kin nghiệm, có kỹ năng hồi sức cấp cứu tốt, trong điều kiện dã chiến và đặc biệt phải có bản lĩnh vững vàng, sức khỏe tốt, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống. Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, Bệnh viện đã tiếp nhận hàng trăm ca bệnh hiểm nghèo, những tai nạn thương tâm trên biển đảo và tổ chức cấp cứu kịp thời, giành giật sự sống từ tay tử thần. Điển hình là trung tuần tháng 7/2018, BVQY 175 nhận được tin báo về trường hợp 2 ngư dân Lê Văn Tỉnh và Phạm Thanh Bằng, cùng ngụ ở huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận, bị tai nạn trên tàu đánh cá tại ngư trường đảo Thuyền Chài. Bệnh nhân Tỉnh bị đa chấn thương, gãy xương chậu, xương cẳng chân, dập nội tạng, chảy máu ổ bụng, mất nhiều máu… Bệnh nhân Bằng bị đa chấn thương ở các chi. Được sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, BVQY 175 phối hợp với Binh đoàn 18 cử một kíp phẫu thuật cùng nhiều trang thiết bị bay ra Trường Sa cấp cứu. Cũng mới đây, chuyến bay cấp cứu Binh nhất Nguyễn Nhật Như Khuê bị đột quỵ não từ đảo Sơn Ca về đất liền ngày 18/6/2019 có lẽ là một trong những chuyến bay cấp cứu dài nhất. Trước đó, Binh nhất Khuê có biểu hiện mệt mỏi, đột ngột yếu nửa người bên phải và được đưa vào Bệnh xá đảo Sơn Ca cấp cứu. Tại đây, tình trạng của anh xấu đi rất nhanh, hôn mê và liệt nửa người bên phải. Trước tình huống nguy cấp, Bệnh xá đảo và BVQY 175 đã thực hiện hội chẩn qua hệ thống Telemedicine, bệnh nhân được điều trị theo phác đồ chống phù não, cầm máu, sau đó, tri giác có cải thiện, tình trạng liệt nửa người giảm dần. Tuy nhiên, sức khỏe của bệnh nhân vẫn còn nhiều nguy cơ đe dọa đến tính mạng, vì vậy, Bệnh viện đã chỉ định vận chuyển hàng không cấp cứu để đưa bệnh nhân về đất liền điều trị. 01 giờ sáng, cả êkíp cấp cứu cùng tổ phi công đã nhanh chóng bay ra đảo Sơn Ca. Khi tiếp cận và cấp cứu, bệnh nhân đã hôn mê sâu, khá nguy hiểm. Nhằm hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân, khi bay về, máy bay phải bay thấp, bay chậm để giảm áp suất khí quyển và hạn chế rung xóc. Trong điều kiện biển động, sóng cao, tầm nhìn hạn chế, việc bay thấp rất nguy hiểm nhưng với quyết tâm đưa đồng đội về cứu chữa, cả tổ bay và các bác sĩ đã nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Sau 12 giờ bay, Binh nhất Khuê đã được chuyển về BVQY 175 và tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời, an toàn.
Câu chuyện về những chuyến bay cấp cứu một lần nữa đã khẳng định sự nhạy bén, khả năng tác chiến nhanh, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các lực lượng trong vận chuyển, cấp cứu, điều trị bệnh nhân trên biển, đảo, đáp ứng với các tình huống khẩn cấp. Sự cố gắng không mệt mỏi của tập thể y bác sĩ BVQY 175 đã tiếp thêm sức mạnh, động lực, niềm tin cho bộ đội và nhân dân vững tin bám biển, bám đảo, kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Từ 2003 - 2018, Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn đã khám bệnh cho: 18.869 lượt bệnh nhân (trong đó có 7.528 quân nhân; 11.341 dân); thu dung, cấp cứu, điều trị 2.334 lượt (659 quân nhân, 1.675 dân). Riêng năm 2018, sau khi Trung tâm Y tế được thành lập, các y bác sĩ đã khám và điều trị cho 2.869 lượt bệnh nhân (trong đó có 464 quân nhân, 2.405 dân) tăng gấp 10 lần so với trước đây; thực hiện thành công hơn 100 ca phẫu thuật từ đơn giản đến phức tạp như mổ đẻ, chấn thương sọ não, mở hộp sọ giải áp, viêm ruột thừa cấp, đa chấn thương… |
Trung úy TRẦN QUỲNH HƯƠNG