Đại tá PHẠM ĐĂNG THUẤN (Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 3)

Một kênh thông tin kịp thời, hiệu quả về công tác hậu cần

leftcenterrightdel

Là Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu, tôi thường xuyên đọc cuốn Tạp chí Hậu cần Quân đội. Có thể khẳng định rằng, đây là ấn phẩm rất có giá trị đối với những người làm công tác hậu cần. Ngoài các bài viết chỉ đạo của các Thủ trưởng Bộ, Tổng cục và các cục chuyên ngành, tôi đặc biệt quan tâm tới các bài viết trao đổi kinh nghiệm về công tác hậu cần của các đơn vị. Thông qua các số Tạp chí, tôi có thể nắm bắt được tình hình chung về công tác hậu cần toàn quân. Nhiều nội dung có tính lý luận, kinh nghiệm đúc kết từ hoạt động thực tiễn được đề cập khách quan, trung thực, khoa học. Đặc biệt, Tạp chí đã kịp thời chuyển tải những mô hình hậu cần mới, tiêu biểu, hiệu quả; kinh nghiệm tổ chức bảo đảm hậu cần, quản lý, xây dựng ngành của các đơn vị trong toàn quân. Điển hình như: Kinh nghiệm xây dựng căn cứ hậu cần khu vực phòng thủ tỉnh Bắc Giang (Quân khu 1); công tác tăng gia sản xuất của Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1); xây dựng các công trình tắm nóng, chống rét, chống gió lùa của Bộ đội Biên phòng; tổ chức khám chữa bệnh cho bộ đội, nhân dân và đối tượng bảo hiểm y tế của Bệnh xá Sư đoàn 9, Bệnh viện Quân y 4 (Quân đoàn 4)… được chỉ huy Cục giao cho các phòng nghiệp vụ nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện rất hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của các đơn vị trong Quân khu.

Thông qua Tạp chí Hậu cần Quân đội, những cái hay, cái mới của ngành Hậu cần Quân khu 3 cũng được phóng viên Tạp chí kịp thời phản ánh. Điển hình như bài viết về “3 không, 3 hãy” của Bệnh viện Quân y 5 đăng trên Tạp chí Hậu cần Quân đội đã tạo nên hiệu ứng mạnh, có sức lan tỏa rộng rãi. Bài viết về “Đổi mới phương thức tạo nguồn lương thực, thực phẩm và chất đốt” của Quân khu 3 cũng đã nhận được rất nhiều thông tin phản hồi tích cực từ các cơ quan chức năng của Bộ và đơn vị toàn quân. Điều đó cho thấy, Tạp chí Hậu cần Quân đội đã và đang trở thành kênh thông tin chính thống, cách mạng, khoa học, chính xác, kịp thời, hiệu quả về công tác hậu cần.

Đại tá, nhà báo Lê Thiết Hùng, Tổng biên tập Tạp chí Công nghiệp quốc phòng&Kinh tế:

Những nỗ lực lặng thầm trên từng ấn phẩm

leftcenterrightdel

Cùng xuất bản tạp chí chuyên sâu - cơ quan ngôn luận của một Ngành - lại là chỗ “hàng xóm, láng giềng” thân cận, xét ở góc độ chuyên môn, chúng tôi rất hiểu Tạp chí Hậu cần Quân đội. Mỗi khi  có số Tạp chí mới, tôi thường xem ngay, và đó cũng là một cách học hỏi kinh nghiệm của nhau.

Công tâm nhận xét, nội dung và cách bố cục, sắp xếp các chuyên mục trên Tạp chí rất hợp lý, Ban biên tập đã ưu tiên nhiều số trang cho hai chuyên mục chủ đạo là “ Chỉ đạo - Hướng dẫn” và “Nghiên cứu - Trao đổi kinh nghiệm”. Với số lượng thành viên Hội đồng chỉ đạo khá hùng hậu (13 người), ngoài chỉ đạo, định hướng những chủ trương, biện pháp tuyên truyền trong năm, thì đây chính là nguồn lực quan trọng, trực tiếp làm nên dấu ấn chất lượng Tạp chí. Tôi cũng đánh giá rất cao vai trò của các đồng nghiệp Tạp chí Hậu cần Quân đội, bởi nhờ tính chuyên nghiệp và những nỗ lực lặng thầm mà công tác biên tập, đọc duyệt, thẩm định... rất kỹ, ít sai sót về bản thảo. Sự nỗ lực lặng thầm ấy còn được thể hiện trên từng bài viết, con chữ, bức hình... Các tác phẩm báo chí, nhất là những bài học kinh nghiệm, những mô hình hay, những gương điển hình tiên tiến ở mọi đơn vị, vùng miền, biển đảo đất nước đã được các nhà báo Tạp chí Hậu cần Quân đội thể hiện sinh động trên mỗi số Tạp chí. Về hình thức, Tạp chí cũng liên tục đổi mới cách thể hiện, từ lựa chọn kỹ các trang ảnh bìa, ảnh trang trong, đến việc rút tít bài, tạo sa-pô, rút box, lựa chọn màu sắc... Tất cả những đổi mới đó là điểm nhấn, tạo gia vị và là sức hút để bạn đọc quan tâm, yêu thích.

Lẽ dĩ nhiên, theo tôi, Tạp chí cần thể hiện hơn tính đa chiều, nhất là mạnh dạn đăng tải những bài có tính chiến đấu, phân tích “mổ sẻ”, phê phán những bất cập, những hạn chế (nếu có) ở đơn vị liên quan đến công tác hậu cần, đời sống. Như vậy chắc chắn sẽ được bạn đọc đón nhận nhiều hơn, phù hợp với xu thế đổi mới của báo chí hiện nay.

Đại tá Trần Văn Toản (Bí thư Đảng ủy Công ty Cổ phần 32)

Với đặc điểm, nhiệm vụ của một doanh nghiệp, chúng tôi ít có điều kiện tới các đơn vị cơ sở. Song, qua ấn phẩm Tạp chí Hậu cần Quân đội đã giúp cho lãnh đạo, chỉ huy Công ty nắm bắt được tình hình hoạt động của ngành Hậu cần Quân đội. Từ các chủ trương, định hướng, nhiệm vụ của Bộ, Tổng cục và các cục chuyên ngành trong Chuyên mục chỉ đạo, hướng dẫn đến những vấn đề lý luận hậu cần mà Quân đội đang rất quan tâm; những mô hình, cách làm hiệu quả về công tác bảo đảm, quản lý, xây dựng Ngành của các đơn vị trong chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi kinh nghiệm. Những bài viết bàn về hội nhập kinh tế quốc tế, cổ phần hóa doanh nghiệp, kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, tham gia thị trường nước ngoài, đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất, chăm lo sức khỏe cho người lao động, xây dựng cảnh quan môi trường... là những vấn đề chúng tôi rất quan tâm, tìm hiểu, chọn lọc và vận dụng hiệu quả vào đơn vị mình. Đặc biệt, chúng tôi rất tâm đắc với những bài viết trong chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Gương sáng Hậu cần. Mỗi lần nhận được Tạp chí, chúng tôi lựa chọn các bài viết theo từng chủ đề, nhân bản thêm phần liên hệ của Công ty và phát cho từng xưởng, sản xuất và đọc trên hệ thống loa truyền thanh vào mỗi buổi sáng trước khi công nhân bước vào ca. Cách làm này có hiệu quả rõ rệt, góp phần xây dựng ý thức thi đua cho cán bộ, công nhân và người lao động trong công việc được giao. Đối với chuyên mục Tài liệu tham khảo, chúng tôi nắm được các xu hướng phát triển, các sản phẩm hậu cần hiện đại của quân đội các nước trên thế giới, để từ đó có hướng nghiên cứu “đi tắt, đón đầu”, chuẩn bị về công nghệ, sẵn sàng đáp ứng khi có yêu cầu.

Không chỉ là bạn đọc thường xuyên, lãnh đạo, chỉ huy Công ty rất tích cực tham gia cộng tác với Tạp chí. Những bài viết của Công ty đăng trên Tạp chí được nhiều đơn vị, bạn đọc quan tâm, phản hồi, chia sẻ và trao đổi thêm nhiều ý tưởng hay dưới nhiều góc độ, giúp cho việc lãnh đạo, điều hành sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển hiệu quả. Nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Tạp chí, chúc cán bộ, nhân viên Tạp chí mạnh khỏe, hạnh phúc; chúc Tạp chí Ngành ngày càng đổi mới, đẹp về hình thức, tốt về nội dung, đa dạng về thể loại, thu hút đông đảo bạn đọc gần xa.

Đại tá Hà Thanh Tịnh, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 649 (Cục Vận tải):

Tạp chí Hậu cần Quân đội-Người bạn tin cậy của người lính vận tải thủy

leftcenterrightdel

Trong một lần làm nhiệm vụ vận chuyển ra Trường Sa, tôi vô tình được đọc cuốn Tạp chí Hậu cần Quân đội. Dù số Tạp chí đó đã cũ, song, tôi thấy, nó rất thiết thực, bổ ích đối với bản thân, đơn vị mình.

Sau này, khi làm chỉ huy Tiểu đoàn, rồi Lữ đoàn, tôi mới được đọc Tạp chí Hậu cần Quân đội thường xuyên hơn. Mỗi lần nhận được ấn phẩm mới phát hành, tôi đều thấy hào hứng, lật giở từng trang để xem những bài hay, bổ ích liên quan đến ngành Vận tải Quân sự. Tôi thấy vui, vì qua thời gian, Tạp chí ngày càng dày dặn hơn, trình bày đẹp, bắt mắt, sinh động, hiện đại hơn, rất dễ theo dõi. Không chỉ có hình thức đẹp mà nội dung các bài viết trong Tạp chí cũng rất phong phú, đa dạng, thiết thực.

Tôi thường đọc, nghiên cứu rất kỹ các loạt bài chỉ đạo của Thủ trưởng Tổng cục Hậu cần và thủ trưởng các ngành, các bài viết về mô hình, cách làm hay của đơn vị trong toàn quân và chỉ đạo cơ quan hậu cần Lữ đoàn nghiên cứu, áp dụng. Nhờ đó, các mặt công tác, nhất là công tác tăng gia sản xuất của Lữ đoàn 649 có nhiều chuyển biến tích cực, với nhiều mô hình đa dạng, hiệu quả, được triển khai trong khuôn viên doanh trại và trên các tàu vận tải.

Nhiều mô hình, cách làm hay, gương điển hình của tập thể, cá nhân Lữ đoàn cũng đã được Tạp chí kịp thời giới thiệu, phản ánh. Qua đó đã động viên, cổ vũ tinh thần rất lớn để cán bộ, chỉ huy, nhân viên, chiến sĩ tiếp tục phấn đấu, vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thời gian tới, đề nghị Ban biên tập ưu tiên tăng lượng phát hành cho Lữ đoàn, cố gắng bảo đảm cho các tàu làm nhiệm vụ Trường Sa đều có một cuốn Tạp chí để đọc và nghiên cứu, học tập. Đồng thời, có sự đổi mới về công tác in ấn, phát hành, nhằm mục đích giúp đơn vị kịp thời nắm bắt sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan nghiệp vụ và Thủ trưởng cấp trên để đơn vị triển khai thực hiện đạt hiệu quả thiết thực./.

Trung tá LÊ THÁI SƠN, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 2/Quân khu 5

Cần tập trung phản ánh những mô hình, cách làm mới

leftcenterrightdel

 Là cán bộ Hậu cần Sư đoàn bộ binh, đơn vị chủ lực của Quân khu 5,  chúng tôi thường xuyên quan tâm theo dõi các bài viết đăng trên Tạp chí Hậu cần Quân đội. Có thể nói, Tạp chí Hậu cần Quân đội đã phản ánh rất đa dạng các hoạt động bảo đảm hậu cần  SSCĐ, nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất của hậu cần toàn quân. Trong đó, có nhiều bài có tác dụng thiết thực với chúng tôi như: kinh nghiệm bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện dã ngoại, diễn tập của Sư đoàn 3-Quân khu 1; các mô hình tăng gia sản xuất ứng dụng khoa kỹ thuật mới, hiệu quả kinh tế cao của Sư đoàn 312-Quân đoàn 1; kinh nghiệm tổ chức trạm chế biến tập trung ở Sư đoàn 324-Quân khu 4; phong trào thi đua “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” của Sư đoàn 5- Quân khu 7; kinh nghiệm chống hạn, bảo đảm nước sạch của một số đơn vị thuộc Quân khu 9, Quân đoàn 3... Thông qua các bài viết này, chúng tôi đã nghiên cứu, vận dụng triển khai thực hiện hiệu quả tại các đơn vị trong sư đoàn. Cụ thể: Trung đoàn 95 tổ chức trồng thành công giống măng điền trúc; Trung đoàn 1 phát triển đa dạng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt và tổ chức tốt Hội thi “Nhà ăn, nhà bếp chính qui, an toàn, chất lượng”; xây dựng cảnh quan môi trường ở các trung đoàn và khối cơ quan Sư đoàn bộ. Thời gian tới, rất mong Tạp chí tiếp tục có nhiều dạng bài phản ánh về các mô hình mới, cách làm hay để tạo điều kiện cho các đơn vị học tập lẫn nhau.