Thắng lợi của Chiến dịch tạo bước ngoặt xoay chuyển cục diện chiến tranh. Với sự nỗ lực to lớn, Tổng cục Cung cấp (TCCC - tiền thân Tổng cục Hậu cần ngày nay) đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch.

Sau 4 năm “kháng chiến kiến quốc”, thế và lực của ta ngày càng vững mạnh, Trung ương Đảng chủ trương đẩy mạnh xây dựng quân đội và tác chiến làm chuyển biến cục diện chiến tranh có lợi cho ta. Tháng 1-1950, Trung ương chỉ thị cho Liên khu Việt Bắc “Chuẩn bị chiến trường Đông Bắc cho thật đầy đủ để khi có điều kiện sẽ mở một chiến dịch lớn, quét sạch địch ra khỏi đường số 4..., đánh bại quân địch trong vùng Đông Bắc”. Trong đó, chuẩn bị đường sá, nhất là các con đường lớn như: Đường số 3 từ Thái Nguyên đi Cao Bằng tới Quảng Uyên, Trùng Khánh; đường từ Thái Nguyên đi qua Tuyên Quang, Phú Thọ và đường từ Tuyên Quang lên biên giới khu vực Hà Giang, Lào Cai được đặc biệt quan tâm. Hồ Chủ tịch đã cử đồng chí Trần Đăng Ninh làm “Đặc phái viên Chính phủ phụ trách công việc sửa chữa đường sá”. Các địa phương chọn những đoàn viên, thanh niên khỏe mạnh, hăng hái, tổ chức thành các đội xung phong, cử những đồng chí có năng lực phụ trách làm đường. Sau 3 tháng, nhiều con đường lớn được sửa xong, ô tô có thể chạy từ Thái Nguyên lên Nước Hai (Cao Bằng)...

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát mặt trận Đông Khê, chiến dịch Biên Giới, ngày 16- 9- 1950. Ảnh tư liệu.

Ngày 11-7-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 121/SL quy định tổ chức Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh; TCCC được thành lập, có nhiệm vụ: Quản trị, trang bị, cấp dưỡng quân đội và sản xuất quốc phòng; gồm các cục: Quân lương, Quân trang, Quân y, Vận tải, Quân vụ và Phòng Quân khí. Đồng chí Trần Đăng Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm TCCC. Đây là sự quan tâm to lớn của Đảng với công tác cung cấp. Ngày 11-7-1950 được công nhận là Ngày truyền thống của ngành Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 7-1950, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Biên giới, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của địch, giải phóng một phần biên giới Việt - Trung từ Cao Bằng đến Thất Khê, mở đường giao thông nối Việt Nam với Trung Quốc, củng cố, mở rộng căn cứ địa Việt Bắc. Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chiến dịch này chỉ cho đánh thắng...”, hầu hết các đơn vị chủ lực của Bộ, gồm: Đại đoàn 308 và 2 trung đoàn bộ binh (174, 209), 4 đại đội sơn pháo, 5 đại đội công binh của Bộ Tổng tư lệnh cùng 3 tiểu đoàn bộ đội chủ lực (426, 428 và 888) của Liên khu Việt Bắc và bộ đội địa phương, dân quân du kích Cao Bằng, Lạng Sơn, tổng quân số hơn 30.000 người. Nhu cầu Chiến dịch cần 3.000 tấn vật chất (2.700 tấn gạo, gần 300 tấn vũ khí đạn); cứu chữa trên 2.500 thương binh... Đây là Chiến dịch lớn đầu tiên, ở địa bàn rừng núi, nguồn lực tại chỗ rất hạn chế, thời gian chuẩn bị gấp. Vì vậy, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập Cơ quan Cung cấp Mặt trận, do đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm TCCC trực tiếp phụ trách; đồng chí Bùi Quang Tạo - Phó Bí thư Liên khu ủy Việt Bắc được chỉ định làm Phó Chủ nhiệm Cung cấp Chiến dịch. Các đồng chí: Lê Hoàng - Khu ủy viên Liên khu Việt Bắc, Trần Minh Tước - Ủy viên Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn được chỉ định tham gia Ban Chỉ huy Cung cấp Chiến dịch; 200 cán bộ được Trung ương tăng cường cho Cơ quan Cung cấp Mặt trận.

Sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Trần Đăng Ninh gấp rút điều động các quân y viện, trạm sửa chữa vũ khí... cùng cán bộ, nhân viên tham gia Chiến dịch; triệu tập Hội nghị Ban Chỉ huy Cung cấp Chiến dịch và đi gấp lên Cao Bằng. Công việc ở hậu phương do đồng chí Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đồng chí Trần Hữu Dực, Phó Chủ nhiệm TCCC điều hành. Đầu tháng 8-1950, Ban Chỉ huy Cung cấp Chiến dịch họp ở Tả Phày Nưa (Quốc Phong, Quảng Uyên, Cao Bằng) bàn về tổ chức bộ máy cung cấp Chiến dịch, huy động dân công, vận động Nhân dân bán lương thực, thực phẩm cho bộ đội... Đồng chí Trần Đăng Ninh chỉ rõ: Huy động dân công phục vụ Chiến dịch là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương trong thời gian chiến dịch. Nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ Cung cấp Chiến dịch khéo dân vận nên dù giữa lúc giáp hạt, đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn vẫn bán cho bộ đội hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm; hàng nghìn người hăng hái đi dân công phục vụ Chiến dịch.

Cuối tháng 8-1950, các đơn vị đã vào vị trí tập kết. Cơ quan Cung cấp Chiến dịch đã bố trí lực lượng, các bệnh viện, kho, trạm... sẵn sàng bảo đảm cho đánh Cao Bằng, sau đó đánh Đông Khê và Thất Khê; bố trí một số kho trạm trên hướng Thất Khê. Nhưng sau khi trinh sát thực địa, để đảm bảo “chắc thắng”, ngày 21-8-1950, Bộ chỉ huy Chiến dịch quyết định đánh cứ điểm Đông Khê trước - mở màn cho Chiến dịch. Cơ quan Cung cấp Chiến dịch gấp rút điều chỉnh thế bố trí lực lượng, di chuyển kho trạm sang hướng Đông Khê; vận chuyển gấp gạo từ Bình Ca lên khu vực Thất Khê; làm 30 km đường từ Quảng Uyên đi Phục Hòa - Thủy Khẩu; tổ chức 2 binh trạm ở 2 đầu mối giao thông quan trọng là Canh Man và Thủy Khẩu để vừa tiếp nhận hàng, vừa điều hòa dân công đi các hướng, tránh ùn tắc và khi cần chuyển thẳng hàng cho các trung đoàn... Mọi công tác chuẩn bị hậu cần hoàn thành đúng quy định.

Ngày 16-9-1950, ta tiến công cứ điểm Đông Khê và tiêu diệt cứ điểm này chỉ 2 ngày sau. Tác chiến xảy ra rất ác liệt, thương binh nhiều, việc vận chuyển về sau rất khó khăn. Địch đã điều Binh đoàn Sác-tông và Lơ-pa-giơ từ Cao Bằng và Lạng Sơn về ứng cứu Đông Khê. Các đơn vị chuyển sang vận động tiến công và truy kích tiêu diệt địch tại khu vực Cốc Xá và Điểm cao 477. Sau nhiều trận chiến đấu rất ác liệt, ta tiêu diệt Binh đoàn Sác-tông và Lơ-pa-giơ vào ngày 7 và 8-10-1950. Lực lượng Cung cấp đã nỗ lực đáp ứng yêu cầu chiến đấu của bộ đội. Tuy nhiên, việc cứu chữa thương binh, tiếp tế gạo, cơm nước cho các mũi cơ động tiến công rất khó khăn, một số đơn vị đã sử dụng cả chiến lợi phẩm, nhưng bộ đội có ngày vẫn đứt bữa. Những ngày tiếp theo, ta tiếp tục phát triển tiến công truy kích địch trên Đường số 4, giải phóng Thất Khê, Lạng Sơn, Đình Lập, An Châu, Cơ quan Cung cấp Chiến dịch dựa vào các kho, trạm bố trí từ trước trên hướng này để bảo đảm.

Ngày 14-10-1950, Chiến dịch kết thúc thắng lợi. Ta loại khỏi vòng chiến đấu 10 tiểu đoàn địch, trong đó tiêu diệt gọn 8 tiểu đoàn, diệt và bắt 8.000 tên; thu 3.000 tấn chiến lợi phẩm (có 600 tấn vũ khí đạn, hơn 1.000 tấn lương thực, 1.000 tấn quân trang, quân dụng); giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới dài 750 km từ Cao Bằng đến Đình Lập; bức địch rút khỏi Lào Cai, Hòa Bình; đường giao thông với Trung Quốc được khai thông; căn cứ địa Việt Bắc được củng cố, mở rộng, nối liền với Khu 3, Khu 4... Chiến dịch Biên giới đánh dấu bước nhảy vọt về nghệ thuật tác chiến của Quân đội ta và làm thay đổi cục diện chiến tranh.

Trong Chiến dịch, Cơ quan Cung cấp đã bảo đảm 1.700 tấn gạo, 113 tấn ngô, 33 tấn muối, 530 con trâu, bò; 200 tấn vũ khí đạn; cứu chữa 1.560 thương binh... Các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn và Lạng Sơn đã huy động hàng trăm tấn gạo, 73 tấn ngô, 12 vạn lượt dân công (1,6 triệu ngày công), đã “Làm kiểu mẫu trong việc động viên nhân lực, vật lực, tài lực cho kháng chiến” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá. Theo Người: “Được như vậy, một phần do đồng chí Ninh (Trần Đăng Ninh) và cán bộ Liên khu đã làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, một phần thì do đồng bào nồng nàn yêu nước, hăng hái hy sinh”.

Mặc dù, khi mở Chiến dịch, TCCC mới thành lập, chưa có kinh nghiệm bảo đảm cho chiến dịch lớn, dài ngày; nguồn lực tại chỗ rất nghèo nàn, đường sá rất khó khăn... song công tác cung cấp đã bảo đảm cho Chiến dịch giành thắng lợi. Thành công đó do Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã chỉ đạo chặt chẽ việc huy động nhân tài, vật lực từ xa đưa đến kết hợp với huy động tại chỗ. Cùng với đó, Cơ quan Cung cấp Chiến dịch được tổ chức hợp lý, do Chủ nhiệm TCCC trực tiếp phụ trách, hoạt động rất hiệu quả. TCCC đã lo trước, đi trước cùng các địa phương chuẩn bị bảo đảm cho tác chiến, mở đầu truyền thống vẻ vang của ngành Hậu cần Quân đội. Kinh nghiệm công tác Cung cấp Chiến dịch Biên giới còn là cơ sở để TCCC xây dựng tổ chức cung cấp các cấp và vận dụng trong tổ chức bảo đảm cho tác chiến những năm tiếp theo trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Việc tổ chức cơ quan Tiền phương phục vụ chiến dịch và cơ quan hậu phương ở cấp Tổng cục và các cục chuyên ngành bắt đầu từ Chiến dịch này đã được kế thừa phát triển trong các chiến dịch chiến lược sau này... Ngày nay, những kinh nghiệm trên vẫn nguyên giá trị trong xây dựng ngành Hậu cần Quân đội, xây dựng hậu cần tại chỗ trên các hướng, địa bàn chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, ThS TRẦN ĐÌNH QUANG, Nguyên cán bộ Bộ Tham mưu Hậu cần