Đầu mùa khô năm 1985, tôi được đồng chí Tổng biên tập Tạp chí Hậu cần giao nhiệm vụ đi cùng với Trung đoàn 684, Cục Vận tải viết về công tác vận tải bảo đảm cho quân tình nguyện Việt Nam ở Cam-pu-chia. Trước lúc lên đường vào Tân Cảng (Thành phố Hồ Chí Minh), đồng chí Tổng biên tập lưu ý hai điều: Thứ nhất, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, vì tình hình ở Căm-pu-chia rất phức tạp, bọn tàn quân Pôl-Pôt đang hoạt động rất ráo riết chống lại quân tình nguyện Việt Nam.

leftcenterrightdel

Tác giả (ngoài cùng bên phải) trao đổi với các nhân chứng của Tàu 104. Ảnh: CTV 

Thứ hai, sau khi trở về Phnôm-pênh báo cáo kết quả chuyến đi cho cơ quan tiền phương và Ban biên tập. Trung đoàn 684 bố trí Tiểu đoàn trưởng Hồ Xuân Sơn trực tiếp chỉ huy đội hình vận chuyển, gồm 2 tàu sông ký hiệu 104 và 101, cùng 3 sà lan với 26 cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 104. Cùng đi với tôi có Đại úy Lê Văn Quán, Trợ lý tác chiến, Bộ Tham mưu ,Tổng cục Hậu cần.

Chúng tôi được bố trí đi trên Tàu 104 (đi đầu) cùng với Tiểu đoàn trưởng Hồ Xuân Sơn để tiện khai thác tư liệu. Đồng chí Hồ Xuân Sơn quê xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, là người vui tính, cởi mở, dễ gần, được anh em trong đơn vị quý mến. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, anh đã lập gia đình. Vợ anh là giáo viên cấp 1; ngoài công việc dạy học, chị còn thay anh chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ chồng và nuôi 4 đứa con ăn học. Hơn 2 năm nay, do công việc bận rộn nên anh chưa nghỉ phép.

Anh dự định sau chuyến đi lần này sẽ xin nghỉ phép một tháng để về thăm gia đình. Hồ Xuân Sơn còn kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống khó khăn, gian khổ, thiếu thốn của những người lính quân tình nguyện Việt Nam tại đất nước Chùa Tháp; về những chuyến đi bị địch phục kích và những trận chiến đấu quyết liệt của cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

Sau khi vượt qua chặng đường dài từ Phnôm-Pênh dọc theo sông Tông-lê-sáp, đoàn tàu thả neo dừng nghỉ ở khu vực Biển Hồ để ăn cơm chiều. Chúng tôi ngồi quây quần bên nhau trên boong tàu, giữa Biển Hồ mênh mông, lộng gió. Tiếng nói cười, tiếng ly chạm vào nhau tanh tách cùng với những lời chúc chuyến đi thành công khiến cho mọi người thêm hứng khởi và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ...

Ít ai có thể ngờ rằng, bữa ăn vui vẻ, đoàn kết chiều hôm đó là bữa ăn chia tay của chúng tôi với người Chỉ huy Tiểu đoàn 104 mẫu mực, giàu nhiệt huyết, luôn nhận khó khăn về mình; và chuyến đi lần này lại là chuyến đi cuối cùng của người Tiểu đoàn trưởng vui tính, dũng cảm, ngoan cường… Sau khi giao hàng cho Mặt trận 479, chúng tôi tiếp tục hành trình vượt qua Biển Hồ dọc theo sông Sen tiến về Kông-Pông-Thom tiếp tục giao hàng cho các trạm chốt và một số đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tại đây. Khu vực này có nhiều rừng rậm, chính là hang ổ, nơi ẩn náu của bọn tàn quân Khơ-me đỏ. Chúng thường lợi dụng địa hình, địa vật, đi theo nhóm, cải trang thành những người dân thường rồi bất ngờ tập kích vào các đoàn xe vận tải của ta hoặc dùng những chiếc ghe nhỏ luồn lách trong các khóm sú, vẹt mọc hai bên mép sông để phục kích các đoàn tàu sông.

Trước khi đội hình quay về, đêm hôm đó, Tiểu đoàn trưởng Hồ Xuân Sơn ngồi trò chuyện khá lâu cùng với anh em thuyền viên và nhắc nhở mọi người chuẩn bị thật tốt phần việc được phân công, thực hiện nghiêm chế độ tuần tra, canh gác, không để bị động, bất ngờ. Đêm đó, anh nằm thao thức, lo cho chuyến hành trình ngày hôm sau “đi đến nơi về đến chốn”, an toàn. Trước sự hoạt động manh động, ráo riết, không theo quy luật của bọn tàn quân Khơ-me đỏ thời gian gần đây, anh như linh tính được điều gì đó không hay sắp xảy ra, nhưng không dám thổ lộ với ai, vì sợ ảnh hưởng đến tinh thần của anh em.

Sáng hôm sau, anh dậy thật sớm đi kiểm tra một lượt tàu và sà lan xem còn thiếu thứ gì để bổ sung cho đủ, nhất là vũ khí, đạn dược, bao cát, dụng cụ phòng cháy chữa cháy. Để đánh lạc hướng quân địch, đồng chí Sơn quyết định thay đổi lịch hành trình, cho tàu xuất phát sớm hơn so với dự kiến ban đầu. Tàu 101 do chưa trả hàng xong nên phải ở lại, tàu VT-01 vừa giao hàng xong tham gia cùng đội hình vận chuyển. Hình như bọn tàn quân Pôl-Pôt đã đánh hơi được nên đã bố trí lực lượng chờ sẵn để phục kích bất ngờ vào đoàn tàu và sà lan của ta. Khi đoàn tàu trở về cách ngã ba sông Sen khoảng 50 km, chúng tôi bỗng thấy một phát pháo hiệu bắn ra từ những tán cây mọc um tùm, dày đặc phía Bắc sông, tiếp đó là những tràng súng liên thanh từ các ghe nhỏ luồn lách qua các lùm cây bắn xối xả về phía đoàn tàu và sà lan đang di chuyển.

Trước tình huống đó, Tiểu đoàn trưởng Hồ Xuân Sơn ra lệnh cho đơn vị vào vị trí chiến đấu; Thượng úy Nguyễn Tiến Lân, Thuyền trưởng trực tiếp lái tàu 104; Thuyền phó Đặng Quốc Bản lao nhanh về phía sau boong tàu, nhảy lên khẩu 14,5 ly-vũ khí chủ lực của tàu 104, sẵn sàng nhả đạn. Nhưng khẩu súng đã bị địch bắn hỏng khóa nòng và không thể điều khiển được bệ xoay. Anh nhảy ra khỏi bệ súng, chộp luôn khẩu AK xả đạn về phía quân thù, yểm trợ cho Thuyền trưởng tiếp tục cuộc hành trình. Tiếng đạn réo, nổ đinh tai, nhức óc, găm vào thân tàu, nhưng các chiến sĩ ta vẫn kiên cường đánh trả quân địch, cương quyết không để tàu và sà lan bị đắm. Bất ngờ một quả đạn B41 của địch bắn xuyên qua sườn tàu 104, cách mớn nước khoảng 7-10 cm xuyên vào buồng ngủ, phát nổ, gây cháy. Thuyền phó Đặng Quốc Bản chỉ huy anh em lao vào buồng ngủ nhanh chóng dập tắt lửa, rất may không có ai bị thương. Dàn cột đèn và ống khói của tàu 104 đã bị hỏa lực địch bắn trúng, bị gãy đổ ngổn ngang.

Cuộc chiến đấu càng trở nên căng thẳng, quyết liệt hơn khi bọn địch tập trung các loại hỏa lực bắn dồn dập vào Tàu 104 đi đầu, vì chúng đoán đây là nơi đầu não chỉ huy, hơn nữa, nếu đánh chìm được Tàu 104 thì Tàu VT-01 cùng 3 sà lan đi sau sẽ không thể chạy thoát. Ngay lập tức, đồng chí Hồ Xuân Sơn ra lệnh cho Thuyền trưởng Nguyễn Tiến Lân cho tàu chạy hết tốc lực để nhanh chóng vượt ra khỏi khu vực nguy hiểm. Anh ôm khẩu súng AK nằm ngay trên bục chỉ huy, dùng bao cát làm bệ tì vừa trực tiếp chiến đấu, vừa chỉ huy anh em ngoan cường đánh địch. Từ phía các bụi cây ven sông, chúng tôi nghe thấy những tiếng kêu la thất thanh của những tên lính Pôl-Pôt bị trúng đạn rồi ngã lăn nhào xuống nước.

Đoàn tàu vẫn băng băng về phía trước. Thuyền trưởng Nguyễn Tiến Lân bị đạn găm vào đùi, máu loang đỏ thấm ướt cả mảng quần, nhưng anh cố nén đau, vẫn nắm chắc tay lái, cho tàu tăng tốc, liên tục thay đổi tư thế để tránh đạn, đưa tàu vượt ra khỏi tầm hỏa lực khống chế của địch.

Trong lúc chỉ huy bộ đội chiến đấu, Tiểu đoàn trưởng Hồ Xuân Sơn bỗng khựng lại rồi từ từ gục xuống, máu loang đỏ ngực áo. Từ phía buồng lái, tiếng Thuyền trưởng Nguyễn Tiến Lân hô to như gào: Thủ trưởng Sơn bị trúng đạn, cấp cứu, cấp cứu… Thuyền phó Đặng Quốc Bản lao nhanh về phía buồng lái, đỡ anh Sơn lên, định băng bó vết thương cho anh nhưng Sơn đẩy tay ra và thều thào nói trong hơi thở gấp gáp thay cho mệnh lệnh: “Hãy thay tôi tiếp tục chỉ huy anh em chiến đấu, không được để địch khống chế đánh chìm phương tiện”. Hồ Xuân Sơn rướn người lên, cố mở to hai mắt để nhìn con tàu, nhìn đồng đội lần cuối cùng rồi từ từ khép lại.

Anh đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn trẻ, tương lai phía trước đang rộng mở. Phía trên ca-bin, Chiến sĩ Đinh Văn Việt sử dụng khẩu súng trung liên RBK cũng bị thương rất nặng và đã anh dũng hy sinh. Chiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến sử dụng khẩu K-30 bị đạn địch cắt đứt ngón tay trỏ bóp cò, đạn xuyên bả vai và cánh tay phải; các chiến sĩ Phạm Quốc Trịnh, Đoàn Văn Na… mặc dù bị thương vẫn kiên cường chiến đấu chống trả quân địch.

Phía sau đội hình, các cán bộ, thuyền viên Tàu VT-01 vẫn không rời vị trí chiến đấu, vừa làm nhiệm vụ cảnh giới, vừa tập trung hỏa lực bắn yểm trợ cho Tàu 104 và cụm sà lan nhanh chóng vượt ra khỏi vùng cửa sông an toàn. Ngay đêm hôm đó, số anh em bị thương được đưa về điều trị tại Bệnh viện Quân y 116 của Quân khu 9 ở Thủ đô Phnôm-pênh. Thi thể của hai liệt sĩ được đưa về Bệnh viện Quân y 175 (Thành phố Hồ Chí Minh) để hôm sau tổ chức lễ truy điệu và an táng tại Nghĩa trang Thủ Đức...

Là người trực tiếp chứng kiến trận chiến đấu một mất một còn của những người lính vận tải trên sông Sen năm ấy, tôi thật sự cảm phục tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của các anh. Đây thực sự là một chiến công xuất sắc, xứng đáng với truyền thống “Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi” của ngành Vận tải Quân sự. Đầu năm 2021, được sự giúp đỡ của Ban Chỉ huy Lữ đoàn 972 (Cục Vận tải), tôi có dịp được gặp lại hai cựu chiến binh, nguyên là cán bộ, chiến sĩ Tàu 104. Đó là Thuyền phó Đặng Quốc Bản và thương binh Nguyễn Mạnh Tiến, thợ máy tàu.

Các anh cho biết, sau chuyến đi ấy, đơn vị còn tiếp tục vận chuyển phục vụ bộ đội cho đến khi quân tình nguyện Việt Nam rút về nước tháng 6/1990. Số cán bộ, chiến sĩ hồi đó cũng lần lượt nghỉ chế độ, mỗi người một nơi, có người mất, người còn, nhưng tất thảy đều giữ vững và phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp của bộ đội Vận tải anh hùng.

Đại tá Trần Nguyên Trung, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Hậu cần